Một vài ghi chú nhỏ trước khi đọc:
1. Trong bài, mình linh hoạt sử dụng cụm từ “yêu thương” và “tình yêu” để tạo nhịp điệu cho câu, đoạn. “Người vợ cần yêu thương” hay “người vợ cần tình yêu” đều ám chỉ tới “Love”.
2. Những phân tích và diễn giải trong bài viết này không chỉ được áp dụng đối với mối quan hệ hôn nhân – vợ chồng mà nó còn rất hữu ích đối với các bạn đang thuở yêu đương. Nếu dành thời gian nhìn nhận và áp dụng chúng, tình cảm của hai bạn sẽ được cải thiện lên rất nhiều.
3. Cuốn sách Love and Respect (tạm dịch: Tình yêu và Sự Tôn trọng) hiện chưa có bản dịch tiếng Việt.
4. Bất cứ chỗ nào có danh xưng “tôi” là lời của tác giả Emerson Eggerichs. Sarah là vợ của ông.
Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng khám phá tại sao đàn ông lại cần sự tôn trọng và phụ nữ cần tình yêu nhé. Vô cùng thú vị đấy.
***
Emerson Eggerichs – tác giả của cuốn sách bán chạy (best-selling) Love and Respect đã khẳng định: “Phụ nữ cần tình yêu. Đàn ông cần sự tôn trọng. Nó đơn giản và phức tạp như thế đó.” Nền tảng cho cuốn sách thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên thế giới này đó là sự khác biệt về giới tính mang tính giả thuyết mà ông đã nhận ra bằng cách đặt ra câu hỏi:
Nếu bạn bị buộc phải lựa chọn một trong hai điều này thì bạn sẽ thích chọn cái nào: sống cô đơn một mình và không được ai yêu thương HAY cảm thấy không có năng lực và không được tôn trọng bởi mọi người?
Đặt vấn đề
Trong 400 người đàn ông mà Eggerichs đã điều tra thì có đến 74% số người nói rằng nếu bị buộc phải lựa chọn thì họ sẽ chọn cô đơn một mình và không được yêu thương, còn hơn là không được tôn trọng và không có năng lực. Khi khảo sát phụ nữ, số đông lại lựa chọn cảm thấy không được tôn trọng và không có năng lực còn hơn là sống cô đơn một mình và không được ai yêu thương. Dựa trên kết quả này, ông đi đến một kết luận: một người vợ “cần tình yêu cũng giống như cô ấy cần không khí để thở” và một người chồng “cần sự tôn trọng cũng giống như anh ta cần không khí để thở.”
Ở trang đầu tiên của cuốn sách, Eggerichs bắt đầu hình thành tranh luận của mình rằng sự thất bại của người vợ khi thể hiện sự tôn trọng với người chồng đó là lý do vì sao nhiều cuộc hôn nhân lại kết thúc với cảnh ly hôn. Ông giải thích, “Điều mà chúng ta đã bỏ qua đó là nhu cầu của người đàn ông cần được tôn trọng. Cuốn sách này là về cách mà người vợ có thể thỏa mãn nhu cầu của cô ấy là được yêu thương bằng cách dành cho người chồng của cô thứ anh ta cần – sự tôn trọng”. Trong vài trang sau đó, ông còn quả quyết, “Bản năng của những người chồng là cần được tôn trọng, và mong đợi sự tôn trọng. Nhiều người vợ không làm được điều này. Kết quả là cứ 10 cặp vợ chồng thì có đến 5 cặp là phải ra tòa ly dị”.
Giả sử vào một buổi sáng:
Người vợ nói, “Mình chẳng có gì để mặc.” (Ý của cô ấy là cô chẳng có quần áo mới để mặc.)
Người chồng nói, “Mình chẳng có gì để mặc.” (Ý của anh ấy là quần áo anh ta bẩn hết rồi.)
Ở đây không tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, nhưng “chẳng có gì để mặc” thể hiện rằng tất cả chúng ta đều nhìn mọi thứ ngoài những nhu cầu và nhận thức cá nhân. Vào một ngày khác, khi tôi đang làm việc trước máy tính và Sarah đang nghe đài ở phòng bên cạnh. Đấy là một chương trình talk show và chỉ là đủ to để khiến tôi bị chệch hướng khỏi dòng suy nghĩ. Tôi hét lên, “Em có đang nghe nó không?”. Không có tiếng trả lời. Tôi hét lên lần nữa, “Em có đang nghe nó không?”. Vẫn không có câu trả lời. Cuối cùng, tôi hét lên to hơn, “Em có đang nghe đài không?!”. Cô ấy hét trở lại, “Nãy giờ em đang cố nghe, nhưng anh cứ liên tục làm em bị ngắt quãng.”
Điều này đã tạo ra một cuộc trao đổi kéo dài 2 phút mà gần như đã biến thành một cuộc tranh cãi nghiêm trọng. Dường như Sarah khó chịu với tôi bởi vì cô ấy thậm chí còn chẳng để ý đến chiếc đài – cô ấy bận rộn với thứ gì khác. Nhưng cô ấy lại nghĩ tôi gọi cô ấy bởi vì có thứ gì đó trên chương trình đó mà tôi thực sự muốn cô ấy nghe. Hiển nhiên, ý định thực sự của tôi là tôi muốn cô ấy tắt đài nếu cô ấy không thực sự nghe nó. Thế nên, tôi khó chịu với cô ấy bởi vì cô ấy đã không hiểu tôi.
Cuối cùng, tôi nhận ra rằng tôi đã không rõ ràng về ý của mình và hét lên 3 lần cũng không đáng yêu chút nào. Thế nên, tôi xin lỗi cô ấy. Ở một mức độ nhất định, vấn đề không hẳn là tắt chiếc đài, hay bất cứ điều gì bị hiểu nhầm ở đây. Người vợ cảm thấy khó chịu với người chồng bởi vì anh ta chẳng hề có sự cảm thông, điều mà đa phần người vợ đều luôn mong đợi. Trong chưa đầy một phút, người vợ bắt đầu cảm thấy không được yêu thương và buộc tội rằng người chồng của cô chẳng hề yêu thương mình. Trong khi đó, người chồng không hài lòng với người vợ khi cô ấy bắt đầu nói với anh ta như thể anh ta vô cảm. Anh ta bắt đầu nhắc lại câu thần chú của nhiều ông chồng: “Anh chẳng bao giờ đủ tốt.” Người chồng cảm thấy không được tôn trọng hay ít nhất là bị phán xét bất công – một lần nữa. Một đốm lửa nhỏ le lói trong một cánh rừng khô cằn có thể nhanh chóng bắt lửa, và nếu cả hai người không biết cách dập tắt nó thì nó có thể trở thành một tai họa hết sức nghiêm trọng.
Theo Eggerichs, một người vợ “mong mỏi được nâng niu, trân trọng và tôn cao như một thứ gì đó quý giá”, và rằng những người vợ “sợ bị chà đạp”, và người vợ sẽ cảm thấy “được tôn trọng” khi “bạn tự hào về cô ấy và tất cả những gì cô ấy làm” và khi “bạn đánh giá cao những quan điểm của cô ấy trong những cuộc tranh luận dù không có kết quả cuối cùng, không phải cô ấy sai mà là quan điểm của cô ấy chỉ khác so với của bạn.”
Trong gần như mọi trường hợp, vấn đề mà dường như gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai người không hoàn toàn là vấn đề thực sự. Bạn đã bao giờ bị vướng vào một mâu thuẫn với bạn đời mà chẳng hề biết lý do tại sao? Bạn nhìn thấy anh/cô ấy nổi giận hay lạnh nhạt và rồi bạn nghĩ, Chuyện gì đang xảy ra thế? Có vấn đề gì ở đây rồi? Thường bạn sẽ xua tan mâu thuẫn bằng cách nói, “Giá mà cô ấy không quá nhạy cảm” hay “Giá mà anh ấy không quá trẻ con.” Hiển nhiên, nếu bạn là người mà bị xúc phạm thì câu chuyện sẽ khác. Anh/cô ấy đã “đắc tội” khiến bạn bị tổn thương – một lần nữa.
Chỉ bởi vì bạn có thể cảm thấy không được yêu thương hay không được tôn trọng không có nghĩa là bạn đời của bạn đang gửi đi thông điệp đó. Khi người vợ cảm thấy không được yêu thương bởi vì cô nhận được một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật vào ngày kỷ niệm ngày cưới thì điều đó không có nghĩa người chồng đã gửi đến cho cô ấy một thông điệp rằng, “Anh thực sự không quan tâm đến em hay yêu em đâu.” Đồng thời, khi người vợ phản ứng giận dữ và thiếu tôn trọng thì điều đó không có nghĩa thông điệp của cô ấy là “Em chẳng tôn trọng anh tí nào đâu.”
Sarah đã từng nói chuyện với một người vợ về kiểm soát lời lẽ của cô ấy đối với người chồng. Người vợ thể hiện thái độ khinh thị đối với anh ta, điều mà cho thấy chiến lược của cô ấy không hề khôn ngoan tí nào. Nhưng người chồng cũng đã làm những thứ khiến cô rất tức giận. Theo quan điểm của cô, vấn đề nằm hoàn toàn ở anh ta. Anh ta không lau chùi nhà bếp tử tế, anh ta không đặt chén bát lên giá đúng chỗ, và anh ta không dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ theo cách mà cô ấy muốn, nên cô rất cáu kỉnh và tiêu cực. Sarah đã cố khuyên bảo cô nhưng cô vẫn không thể kiểm soát được sự giận dữ và tổn thương của mình.
Thế nên, Sarah mới hỏi người vợ này một câu hỏi: “Sẽ thế nào nếu con trai của chị lớn lên và cũng có một người vợ như chị?” Miệng người phụ nữ mở to ra. Cô ấy choáng váng. Lần đầu tiên, cô ấy đã nhìn thấy nó! Cô ấy chưa bao giờ muốn bất kỳ một người phụ nữ nào đối xử với con trai mình theo cách mà cô đang đối xử với người chồng. Cô ấy nhận ra rằng khi con trai của cô trở thành một người chồng, nếu vợ của nó đối xử với nó với sự giận dữ và coi khinh như vậy, tinh thần nó sẽ bị xáo trộn và đầu hàng. Cô nhìn thấy bản thân mình rõ ràng hơn bao giờ hết và cô thề sẽ thay đổi.
Tình yêu và sự tôn trọng có phải là một?
Có nhiều người vợ nghĩ rằng tình yêu và sự tôn trọng là một. Nhưng Eggerichs khẳng định:
“Không, chúng không phải là một, và bạn biết chúng không hề. Chẳng hạn, bạn tôn trọng sếp của bạn. Nhưng bạn đâu có yêu anh ta”. Tôi đã từng tham gia vào nhiều buổi tư vấn với các cặp vợ chồng. Kể cả khi người chồng đang ngồi cạnh, người vợ cũng sẽ sẵn sàng nói, “Tôi yêu chồng tôi nhưng tôi không cảm thấy bất cứ sự tôn trọng nào với anh ta.” Nhưng khi tôi hỏi người vợ là họ cảm thấy thế nào nếu họ nghe chồng mình nói, “Anh tôn trọng em nhưng anh không yêu em,” họ rất kinh hãi. Họ quả quyết rằng, “Tôi sẽ khủng hoảng mất”.
Đàn ông và phụ nữ có cần tình yêu và sự tôn trọng như nhau không?
Không phải người chồng không cần tình yêu và người vợ không cần sự tôn trọng. Tất cả chúng ta đều cần tình yêu và sự tôn trọng. Giống như ai cũng cần đồ ăn và nước uống như nhau. Tuy nhiên, người vợ có một nhu cầu tình yêu dễ nhận thấy và người chồng có một nhu cầu được tôn trọng dễ nhận thấy. Hay nói cách khác, người vợ có một khao khát mãnh liệt hơn về tình yêu của người chồng và người chồng cũng cảm thấy có một sự khao khát hơn về sự tôn trọng của người vợ.
Tại sao nhu cầu này lại xuất hiện?
Tạo hóa ban tặng cho người vợ một tình yêu thương tự nhiên hơn, xét về mức độ gần gũi. Với bản năng này, cô ấy sẽ có khao khát được nuôi dưỡng nó nhiều hơn. Tình mẹ là một ví dụ điển hình. Điều này không có nghĩa tất cả các ông bố ít có khả năng chăm sóc con cái so với tất cả các bà mẹ, nhưng phần lớn ông bố đều ít có năng khiếu chăm sóc con cái hơn phần lớn các bà mẹ. Bản năng của một người mẹ là chăm sóc gia đình và điều này ảnh hưởng tới vai trò của cô ấy với tư cách là một người vợ. Bản năng của cô ấy là yêu thương người chồng.
Trái lại, ở bề ngoài, người đàn ông không yêu người vợ một cách tự nhiên giống như tình yêu của người vợ, xét về mức độ gần gũi. Do đó, anh ta phải nỗ lực nhiều hơn trong việc yêu thương người vợ. Trong khi yêu thương là bản năng của người phụ nữ thì người đàn ông phải cố gắng để thể hiện điều đó.
Để dễ hiểu hơn, bạn có thể đã từng nghe bạn bè hoặc ai đó nói, đàn ông ít khi thể hiện tình cảm ra ngoài. Không nhiều người đàn ông thường xuyên phơi bày tình yêu của họ dành cho người vợ. Họ không phải lúc nào cũng quan tâm, để ý từng chi tiết nhỏ liên quan đến người phụ nữ.
Tất cả những điều này có nghĩa là gì? Trong các mâu thuẫn hôn nhân, đa phần người chồng đều cảm thấy rất chắc chắn về tình yêu của người vợ (bởi vì bản chất yêu thương nhiều hơn của người vợ) và đa phần người vợ đều không chắc chắn về tình yêu của người chồng (bởi vì bản chất yêu thương ít hơn của người chồng). Xét về người chồng, anh ta có thể nhìn thấy tình yêu trong tâm khảm người vợ. Anh ta không nghi ngờ tình yêu của cô ấy.
Vậy thì tại sao một người chồng lại phản ứng tiêu cực khi xảy ra mâu thuẫn, và tinh thần của anh ta bị giảm xuống, nếu anh ta hiểu rõ người vợ yêu mình? Bởi vì anh ta không nghĩ cô ấy tôn trọng anh ta. Đáng buồn là nhiều bà vợ nói, “Em yêu anh nhưng bây giờ em không tôn trọng anh.” Kết quả, anh ta khao khát sự tôn trọng của cô ấy. Hiếm khi anh ta nói, “Em không yêu anh” vì anh ta biết cô ấy yêu anh ta. Nếu anh ta nói với cô ấy rằng cô ấy đã không còn yêu anh ta nữa thì điều này sẽ là một sự sỉ nhục đối với bản năng của cô ấy, và cô ấy sẽ phản ứng rất kịch liệt.
Bởi vì bản năng người chồng không có sự yêu thương tự nhiên nhiều như người vợ nên người vợ sẽ nhận ra có những thứ mà người chồng cần thay đổi. Cô ấy quan tâm tới anh ta và muốn giúp anh ta. Theo thời gian, cô ấy chỉ ra những thứ mà anh ta cần thay đổi. Sau cùng, nếu anh ta thay đổi trở thành một người yêu thương nhiều hơn thì cuộc hôn nhân sẽ cải thiện bởi vì cô ấy giờ đây còn yêu anh ta nhiều hơn trước.
Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, anh ta dường như vẫn ít yêu thương cô ấy. Sự phê bình của cô ấy biến thành sự chỉ trích. Anh ta có vẻ không muốn phản ứng nên cô ấy càng tăng cường độ phàn nàn. Sự chỉ trích và phàn nàn thường xuyên của cô ấy khuấy động từng mạch máu của anh ta, như là sự coi thường con người anh ta. Anh ta cảm thấy cô ấy không chấp nhận mình, không chấp thuận mình, hay tôn trọng mình là một con người.
Nhưng còn có một vấn đề khác nữa. Tại sao người vợ lại được yêu cầu tôn trọng người chồng trong khi người chồng thì không? Dễ thấy, người vợ thể hiện ít sự tôn trọng so với người chồng. Hay nói cách khác, người chồng không được yêu cầu tôn trọng vợ bởi vì người đàn ông được sinh ra để sống trong sự tôn vinh. Bản năng của anh ta là được cư xử với vẻ kính trọng – ít nhất là đúng với đa phần phụ nữ. Tuy nhiên, lẽ tự nhiên, người vợ không thể hiện sự tôn trọng khi cô ấy cảm thấy không được yêu thương. Đúng hơn, trong khi cô ấy yêu thương một cách tự nhiên thì cô ấy cũng không thể hiện sự tôn trọng một cách tự nhiên! Sự thật này được phơi bày khi một người vợ hỏi tôi định nghĩa từ tôn trọng. Tôi trả lời bằng cách hỏi, “Ồ, để tôi hỏi bạn một câu nhé, thế cô có biết không tôn trọng nghĩa là gì không?”. Phần lớn bà vợ nào cũng nói, “Ồ, có chứ, tôi rất giỏi về cái này.”!!!
Tương tự, một cách tự nhiên, một người chồng thể hiện yêu thương ít hơn đặc biệt khi anh ta cảm thấy không được tôn trọng. Anh ta sẽ thể hiện sự cộc cằn và thù địch khi vợ anh ta không tôn trọng anh ta.
Cuối cùng, Vòng Điên rồ (Craziness Circle) xuất hiện: thiếu đi tình yêu, cô ấy hành động mà không có sự tôn trọng và thiếu đi sự tôn trọng, anh ta hành động theo cách không có tình yêu.

Nếu người vợ/người chồng chối bỏ sự thật này bởi vì nó nghe có vẻ rập khuôn thì họ sẽ không hiểu được điều gì đang xảy ra trong nội tâm người chồng/người vợ và ngược lại.
Tình yêu vô điều kiện và sự tôn trọng vô điều kiện nghĩa là gì?
Tình yêu vô điều kiện
Tình yêu vô điều kiện là điều khá dễ hiểu. Thực tế, chúng ta xem tình yêu vô điều kiện như là quyền của mỗi con người. Chẳng ai mong con cái của mình “phải giành được” tình yêu của chúng ta bởi vì chúng ta sẽ không ủng hộ cho kiểu làm cha mẹ đó. Chúng ta dành cho con cái tình yêu vô điều kiện.
Và, tưởng tượng nếu chúng ta nói rằng một người vợ “phải giành được” tình yêu của người chồng. Khá chắc rằng nhiều người phụ nữ sẽ hết sức tức giận.
Sự tôn trọng vô điều kiện
Tuy nhiên, khi đề cập đến sự tôn trọng vô điều kiện thì một số người phụ nữ lại rất nổi nóng. Ngay lập tức, họ cho rằng người phụ nữ mà dành cho người chồng sự tôn trọng vô điều kiện thì chắc hẳn cô ta rất yếu đuối, sống phụ thuộc và sẵn sàng để bị khinh rẻ.
Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Sự tôn trọng vô điều kiện nghĩa là chúng ta đối mặt với hành vi tiêu cực/xấu một cách tôn trọng.
Khi chúng ta lựa chọn đối diện với một người đang giận dữ một cách thiếu tôn trọng thì chúng ta đang lựa chọn trở nên giống họ. Tuy nhiên, sự thiếu tôn trọng này không hề có lợi ích gì về lâu dài. Nó cũng tương tự như khi một người chồng hét lên, “Không đời nào tôi sẽ yêu người phụ nữ đó cho tới khi cô ta bắt đầu tôn trọng tôi!”
Trong hôn nhân, vô điều kiện không có nghĩa là:
- Loại bỏ tất cả những điều kiện lành mạnh mà giúp cho cuộc hôn nhân thành công.
- Cư xử một cách xấu xa, mặc cho người khác muốn làm gì làm hay thể hiện cảm xúc gì thì thể hiện.
- Khen ngợi một cách hời hợt.
Vô điều kiện nghĩa là bạn dành cho người đó sự yêu thương và tôn trọng khi bạn đối mặt với vấn đề. Hay nói cách khác, bạn nhận ra thái độ thù địch và coi khinh không hề giúp vấn đề được giải quyết.
Một người chồng có thể được tôn trọng bởi vì anh ta không xứng đáng nhận được sự tôn trọng, nhưng sự không tôn trọng của người vợ đối với anh ta sẽ không giúp thay đổi điều gì – và đấy cũng không phải là điều mà tạo hóa đã thiết lập.
Một người vợ có thể không được yêu thương bởi vì cô ta không xứng đáng nhận được sự yêu thương, nhưng sự cộc cằn của người chồng với cô ấy không giúp thay đổi điều gì – và cũng không phải là điều mà tạo hóa đã thiết lập.
Không một ai tiếp tục tôn trọng hay yêu thương một người khi người đó liên tục thể hiện thái độ thiếu yêu thương hoặc thiếu sự tôn trọng.
Vô điều kiện nghĩa là KHÔNG ĐIỀU KIỆN nào có thể ngăn bạn khỏi việc giải quyết tình huống một cách đầy yêu thương hoặc tôn trọng. Có thể nói tình yêu hoặc sự tôn trọng không phụ thuộc vào tình huống hay hoàn cảnh. Không có một tình huống, hoàn cảnh hay điều kiện trong cuộc hôn nhân có thể KHIẾN bạn phản ứng một cách thô bạo hay đầy sự coi thường.
- Bất kể hoàn cảnh, bạn cũng cần thể hiện tình yêu và sự tôn trọng với bạn đời.
- Bất kể hoàn cảnh, bạn được tự do lựa chọn cư xử theo cách đầy yêu thương và tôn trọng.
- Bất kể hoàn cảnh, người bạn đời của bạn không thể ngăn bạn khỏi sự yêu thương và tôn trọng.
Phản ứng của bạn là trách nhiệm của bạn và không phụ thuộc vào hành vi của người bạn đời.
Làm gì nếu bạn cố gắng nhưng vẫn không có kết quả?
Làm thế nào nếu như bạn đã cố gắng tôn trọng và yêu thương bạn đời trong vài tháng nhưng chẳng có gì thay đổi trong hôn nhân. Tại sao nó không mang lại kết quả gì?
Đây là câu trả lời:
Hãy kiên nhẫn và đừng từ bỏ! Tình yêu và sự tôn trọng không phải là “viên đạn kỳ diệu” cũng không phải là chiếc máy bán hàng tự động. “Nếu tôi yêu cô ấy, cô ấy sẽ dành cho tôi sự tôn trọng ngay lập tức.” Hay – “Nếu tôi tôn trọng anh ta, anh ta sẽ ngay lập tức dành cho tôi tình yêu tôi muốn!” Đó là sự lạm dụng, và đó cũng không phải tình yêu hay sự tôn trọng! Nếu bạn đời của bạn cảm thấy rằng bạn đang lạm dụng anh/cô ta theo cách nào đó thì điều này sẽ phản tác dụng.
Một thứ rất dễ nhận thấy đó là nhiều người có xu hướng từ bỏ rất nhanh. Mọi thứ không thay đổi qua một đêm. Nếu cuộc hôn nhân của bạn đã mất kiểm soát trong khoảng 15 năm thì có lẽ sẽ phải mất 15 tháng áp dụng những nguyên tắc mới để làm thay đổi cuộc hôn nhân đó. Đừng mong đợi kết quả ngay lập tức.
Bạn có tin tưởng người khác không?
Nếu thiếu đi sự tin tưởng, hàn gắn hôn nhân sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa. Thực tế, trong một vài trường hợp, mọi thứ còn trở nên tệ hơn khi áp dụng nguyên tắc Tình yêu và Sự Tôn trọng. Người vợ/chồng rất định kiến và thậm chí giận dữ khi người chồng/vợ mình bỗng dưng thay đổi hành vi và mong đợi sự tha thứ ngay lập tức cho tất cả sai lầm khủng khiếp trong quá khứ. Hay, anh/cô ta sợ tin vào sự thay đổi của sự sợ hãi bị coi khinh và tổn thương nhiều hơn.
Hãy chân thành. Nếu người bạn đời của bạn làm bạn tổn thương 5, 10, 15 năm và sau đó, đột nhiên thay đổi hành vi, liệu bạn có tin họ trở nên tốt đẹp chỉ sau một đêm không? Hay thậm chí chỉ sau một tháng? Có thể không.
Bạn cần học cách tin tưởng người khác một lần nữa, và điều này cần thời gian. Nhưng rất nhiều người không làm được.
Còn nữa, khi bạn cảm thấy tình yêu hay sự tôn trọng vô điều kiện của bạn không làm thay đổi bạn đời, bạn có nhất quán trong những hành vi của mình không? Bạn không cần phải là người hoàn hảo, không ai trong chúng ta là hoàn hảo! Nhưng hãy nghĩ kỹ: bạn có liên tục thể hiện sự yêu thương và tôn trọng thay vì thể hiện sự không yêu thương và thiếu tôn trọng không?
Không ai trong chúng ta thể hiện được sự yêu thương và tôn trọng mọi lúc. Nhưng khi bạn thất bại, hãy tìm kiếm sự tha thứ từ người bạn đời và cố gắng một lần nữa. Cuối cùng, họ sẽ tin tưởng trái tim của bạn.
Khủng hoảng niềm tin, chứ không phải hôn nhân. Đừng từ bỏ quá sớm.
Về cuốn sách Tình yêu và Sự Tôn trọng
Tình yêu và Sự Tôn trọng là cuốn sách mà tất cả mọi người đều nên đọc, cho dù cuộc hôn nhân của bạn liên tục xuất hiện các cuộc tranh cãi, hay kể cả bạn và người bạn đời chưa hề tranh cãi (nhưng khả năng rất lớn là trong tương lai, hai bạn cũng sẽ có những bất đồng).
Tóm tắt cuốn sách trong 3 câu
- Bản năng của người vợ là yêu thương, muốn yêu thương và mong đợi được yêu thương. Bản năng của người chồng là được tôn trọng, muốn tôn trọng, và mong đợi được tôn trọng.
- Khi người chồng cảm thấy không được tôn trọng, rất khó để họ yêu người vợ. Khi người vợ cảm thấy không được yêu thương thì rất khó để họ tôn trọng người chồng.
- Thường thì chúng ta tập trung vào nhu cầu của bản thân mình và đơn giản là không chú ý tới nhu cầu của người khác.
4 ý tưởng lớn trong cuốn sách
- Không có người chồng nào muốn yêu thương một người vợ mà dường như thường xuyên thể hiện sự coi khinh đối với anh ta, với tư cách là một con người. Cốt lõi của việc tạo ra một tình yêu bền chặt ở người chồng đối với người vợ đó là thông qua việc thể hiện sự tôn trọng anh ta vô điều kiện.
- Vòng Điên rồ xảy ra khi chúng ta liên tục làm những thứ giống nhau lần này đến lần khác với cùng một sự ảnh hưởng mờ nhạt.
- Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những gì bản thân đang trải qua trước khi chúng ta nhìn thấy những gì chúng ta đã gây ra cho người khác.
- Yêu thương người vợ. Luôn cố gắng nhìn thấy điều nằm sâu trong trái tim cô ấy.
3 phần chính của cuốn sách
Dựa vào 4 ý tưởng trên, cuốn sách được chia thành 3 phần chính:
Phần 1: Vòng Điên rồ (Craziness Circle)
Phần này tác giả đưa ra các giả thuyết, phân tích và minh họa về việc những gia đình không hạnh phúc thực tế đều không hạnh phúc theo cùng một kiểu giống nhau, bởi vì tất cả họ đều rơi vào chiếc bẫy của một chuỗi các tranh luận không yêu thương/không tôn trọng giống nhau.
Tóm lại, đây là Vòng Điên rồ: thiếu đi tình yêu, cô ấy phản ứng một cách không tôn trọng; thiếu đi sự tôn trọng, anh ấy phản ứng theo cách không còn yêu thương.
Tại sao?
Bởi vì không giống như phụ nữ thường nhìn thế giới qua lăng kính màu hồng, phần lớn đàn ông thường nhìn thế giới qua lăng kính màu xanh dương.
Khi đàn ông và phụ nữ tranh cãi, những quan điểm khác nhau này sẽ leo thang lên đến điểm mà không thể quay trở lại được nữa.
Phần 2: Vòng Truyền năng lượng
Cách tốt nhất để khiến Vòng Điên rồ ngừng quay đó là đảo chiều nó!
Bởi vì cách mà người phụ nữ thể hiện sự không tôn trọng sẽ làm nản chí tình yêu của người đàn ông và ngược lại. Tình yêu của anh ta sẽ truyền năng lượng cho sự tôn trọng của cô ấy; sự tôn trọng của cô ấy sẽ truyền năng lượng cho tình yêu của anh ta.
Thế nên, trong phần có thể coi là quan trọng nhất của cuốn sách này, Eggerichs đã đưa ra hai chiến lược để truyền năng lượng cho mỗi cuộc hôn nhân: C-O-U-P-L-E cho đàn ông, và C-H-A-I-R-S cho người phụ nữ.
C-O-U-P-L-E: Cách để thể hiện tình yêu với người vợ
Closeness (Gần gũi): Cô ấy muốn bạn gần gũi.
Openness (Cởi mở): Cô ấy muốn bạn cởi mở với cô ấy.
Understanding (Thấu hiểu): Đừng cố gắng sửa chữa cô ấy, chỉ lắng nghe thôi.
Peacemaking (Làm hòa): Cô ấy muốn bạn nói “anh xin lỗi”.
Loyalty (Trung thành): Cô ấy muốn biết rằng bạn cam kết.
Esteem (Trân trọng): Cô ấy muốn bạn trân trọng và yêu thương cô ấy.
C-H-A-I-R-S: Cách để thể hiện sự tôn trọng với người chồng
Conquest (Chinh phục): Trân trọng mong muốn được làm việc và thành đạt của anh ấy.
Hierarchy (Thứ tự): Trân trọng mong muốn bảo vệ và lo lắng cho người khác của anh ấy.
Authority (Uy quyền): Trân trọng mong muốn phục vụ và dẫn dắt của anh ấy.
Insight (Hiểu biết): Trân trọng mong muốn được phân tích và đưa ra lời khuyên của anh ấy.
Relationship (Mối quan hệ): Trân trọng mong muốn một tình bạn vai-kề-vai của anh ấy.
Sexuality (Tình dục): Trân trọng mong muốn được gần gũi về mặt thể xác của anh ấy.
Cuối chương này, Eggerichs cũng kết luận rằng “Vòng Truyền năng lượng sẽ hiệu quả nếu bạn nỗ lực vì nó”.
Hay nói cách khác, vì ai cũng cần được yêu, nên tình yêu không thể là một hoạt động thụ động. Và giống như John Gottman (Nhà tâm lý học và chuyên gia về hôn nhân nổi tiếng thế giới) cũng đã chứng minh, một cuộc hôn nhân thành công không phải bởi vì hai người không tranh cãi mà là bởi vì họ tìm ra cách để đi đến một thỏa hiệp.
Đối với đàn ông, một sự thỏa hiệp nghĩa là lắng nghe người bạn đời và không cố gắng sửa chữa họ; đối với người phụ nữ, nó là sự chấp nhận sự yếu mềm và đồng ý được dẫn dắt.
Phần 3: Vòng Phần thưởng
Trong phần cuối cùng của cuốn sách, Eggerichs đề nghị rằng có một vòng khác tiếp sau vòng năng lượng, và đó là vòng mà cả hai người đều tiết lộ ra lý do thật sự cho việc tại sao họ nên yêu thương.
Nếu bạn yêu ai đó vì bạn tin vào lời của đấng tối thượng rằng sự vĩ đại nhất của tất cả mọi thứ là tình yêu thì khi đó, bạn có thể thực sự yêu một người, bất kể họ có tôn trọng bạn bao nhiêu đi chăng nữa (nếu bạn là đàn ông) hay bất kể anh ta có yêu bạn bao nhiêu đi nữa (nếu bạn là phụ nữ).
Vòng Phần thưởng là vòng mà “tình yêu của anh ta được ban ân điển bất kể sự tôn trọng của cô ấy, và sự tôn trọng của cô ấy được ban ân điển bất kể tình yêu của anh ta”.
3 bài học từ Tình yêu và Sự tôn trọng:
1. Vòng điên rồ là bản án Không tình yêu/Không sự tôn trọng của mọi cuộc hôn nhân.
Nếu bạn đang có mối quan hệ với ai đó và bạn tranh cãi rất nhiều với họ thì khả năng cao là vì thực tế rằng bạn nghĩ cô ấy không tôn trọng bạn (nếu bạn là đàn ông) và rằng anh ta không yêu bạn (nếu bạn là phụ nữ).
Đây là Vòng Điên rồ vì một khi một trong hai người khởi động nó thì rất khó để khiến nó dừng lại. Tại sao? Bởi vì khi người đàn ông không thể hiện tình yêu thì nó sẽ khiến người phụ nữ cư xử theo cách thiếu tôn trọng, thứ mà càng khiến người đàn ông hành động theo cách chẳng hề có sự yêu thương.
2. Một người phụ nữ muốn được ở trong C-O-U-P-L-E.
Để dừng Vòng Điên rồ, bạn cần truyền năng lượng cho mối quan hệ. Hay nói cách khác, hãy gần gũi và cởi mở với cô ấy; hiểu cô ấy và cố gắng làm hòa với cô ấy; cuối cùng, hãy thể hiện với cô ấy rằng bạn là người trung thành và rằng bạn đánh giá cao cô ấy.
3. Một người đàn ông cần C-H-A-I-R-S của anh ta.
Nếu bạn là một người phụ nữ, hãy luôn làm cho người đàn ông của bạn cảm thấy họ như là kẻ chinh phục và trân trọng mong muốn trở thành điều tốt nhất trong mọi thứ và trên cả bạn (xét theo thứ bậc) của anh ta; tiếp theo, tôn trọng quyền và đánh giá cao sự hiểu biết của anh ta; cuối cùng, coi trọng mong muốn một mối quan hệ vai-kề-vai và nhu cầu gần gũi về mặt thể xác của họ.
Link mua sách trên Amazon: Love and Respect.
Sách cùng chủ đề mình đã đọc:
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn: