“Nếu tưởng tượng ít thì hiển nhiên càng ít thứ bạn xứng đáng được nhận”, Debbie Millman đưa ra lời khuyên này tại một trong những buổi diễn thuyết ở buổi lễ phát bằng đại học hay nhất của ông, thúc giục rằng: “Hãy làm thứ bạn yêu, và đừng dừng lại cho tới khi bạn có thứ bạn yêu. Làm việc chăm chỉ nhất có thể, tưởng tượng thật phong phú vào…”.
Khác với lời nói tẻ nhạt của Pollyanna, lời khuyên này thực sự phản ánh điều mà tâm lý học hiện đại đã biết về các hệ thống niềm tin vào khả năng và tiềm năng riêng của chúng ta truyền năng lượng cho hành vi và dự đoán về thành công của chúng ta như thế nào. Một phần lớn của sự hiểu biết đó xuất phát từ công trình của nhà tâm lý học Carol Dweck đến từ Đại học Standford – đã được tổng hợp lại trong cuốn sách đặc biệt sâu sắc của bà Mindset: Tâm lý học thành công – một sự điều tra về sức mạnh của niềm tin, cả cái có ý thức và không có ý thức, và việc thay đổi thậm chí những điều nhỏ nhất trong số chúng có thể mang tới tác động lớn như thế nào tới gần như tất cả các khía cạnh trong cuộc sống con người.
Dweck nhận thấy trong nghiên cứu của bà một trong những niềm tin cơ bản nhất mà chúng ta luôn mang theo bên mình liên quan tới cách chúng ta xem xét và sống với thứ mà chúng ta xem là tính cách của chúng ta. Một “tư duy cố định” (fixed mindset) giả định rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo là những thứ chắc chắn ở trạng thái tĩnh mà chúng ta không thể thay đổi theo cách có ý nghĩa, và thành công là sự khẳng định trí thông minh được thừa hưởng đó, một bản đánh giá về cách mà những thứ chắc chắn đó được so sánh với một tiêu chuẩn cố định; nỗ lực thành công và tránh thất bại bằng mọi giá trở thành cách duy trì cảm giác thông minh hoặc có kỹ năng. Ngược lại, một “tư duy tăng trưởng” (growth mindset) thành công hơn qua thử thách và xem thất bại không phải là bằng chứng của sự không thông minh mà là bước đệm cổ vũ cho sự tăng trưởng và mở rộng những khả năng đang có. Cả 2 loại tư duy này – thứ mà chúng ta biểu lộ ngay từ đầu đời – đều tác động tới một loạt các hành vi của chúng ta, mối quan hệ của chúng ta với thành công và sự thất bại cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, và cuối cùng đó là khả năng tiếp nhận hạnh phúc của mỗi người.

Các hệ quả của niềm tin vào trí thông minh và tính cách có thể đó được phát triển thay vì trở thành những đặc điểm ăn sâu, bất di bất dịch. Trong 2 thập kỷ nghiên cả cả trẻ em lẫn người lớn, Dweck đã nhận thấy những hệ quả này rất đáng chú ý. Bà viết:
Trong 20 năm, nghiên cứu của tôi đã cho thấy rằng cách nhìn nhận mà bạn áp dụng cho chính mình có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới cách bạn sống. Nó có thể xác định liệu rằng bạn trở thành người bạn muốn và liệu rằng bạn có giành được những thứ mà bạn trân trọng hay không. Làm thế nào mà điều này xảy ra? Làm thế nào mà một niềm tin đơn giản có sức mạnh chuyển đổi tâm lý của bạn, và kết quả, là cả cuộc đời của bạn?
Tin rằng tính cách của bạn không thể thay đổi – tư duy cố định – liên tục thúc giục bạn chứng minh khả năng của mình. Nếu bạn chỉ có một lượng nhất định trí thông minh, một tính cách nhất định, và một nhân cách có đạo đức ở mức nhất định – thì tốt thôi, khi đó, bạn nên chứng minh rằng bạn có chúng. Đơn giản là đừng làm gì để cảm thấy kém cỏi hoặc để người khác có cảm giác rằng bạn như vậy.
[…]
Tôi chứng kiến quá nhiều người với một mục tiêu đầy ám ảnh là chứng minh bản thân họ – trong lớp học, trong công việc, và trong mối quan hệ. Mỗi một tình huống đều cần đến một lời xác nhận của trí thông minh, tính cách hoặc nhân cách. Mỗi một tình huống đều được đánh giá: tôi sẽ thành công hay thất bại? Tôi trông thông minh hay ngớ ngẩn? Tôi sẽ được chấp nhận hay bị phớt lờ? Tôi dường như sẽ là người chiến thắng hay thất bại?…
Có một loại tư duy khác đó là tư duy tăng trưởng (growth mindset) dựa trên niềm tin rằng những tính cách cơ bản là những thứ mà bạn có thể trau dồi thông qua nỗ lực. Mặc dù mọi người có thể khác nhau theo nhiều khía cạnh: tài năng, năng lực, mối quan tâm hay khí chất nhưng mỗi người đều có thể thay đổi và trưởng thành thông qua ứng dụng và trải nghiệm.
Liệu những người với loại tư duy này có tin rằng bất cứ ai có thể là bất cứ thứ gì, rằng bất cứ ai với động lực và nền giáo dục phù hợp đều có thể trở thành Einstein hay Beethoven? Không, nhưng họ tin rằng tiềm năng thật sự của một người là chưa hề biết (và không thể biết được), rằng không thể dự đoán điều gì có thể xảy ra với một người nếu anh ta bỏ ra nhiều năm đam mê, lao động cần cù và luyện tập.
Trọng tâm của thứ khiến “tư duy tăng trưởng” trở nên thật hấp dẫn, Dweck nhận thấy, đó là nó tạo ra đam mê học hỏi hơn là khao khát được chấp thuận. Xác nhận tiêu chuẩn của nó là niềm tin chắc rằng phẩm chất của con người như trí thông minh và khả năng sáng tạo, và thậm chí là những khả năng liên quan như tình yêu và mối quan hệ, có thể được tích lũy thông qua nỗ lực và luyện tập có chủ đích. Không chỉ là những người với loại tư duy này không bị nản chí bởi thất bại nhưng họ thực sự cũng không xem mình như là kẻ thất bại trong những tình huống đó – họ xem mình như là người đang học hỏi.
Dweck viết:
Tại sao lại lãng phí thời gian cứ liên tục chứng minh bạn tuyệt vời như thế nào, khi nào bạn có thể trở nên tốt hơn? Tại sao lại phải ẩn đi những điều kém cỏi thay vì vượt qua chúng? Tại sao lại tìm kiếm những người hoặc bạn đời mà chỉ sẽ ủng hộ cho lòng tự trọng của bạn thay vì những người mà sẽ thử thách bạn phát triển? Và tại sao lại tìm kiếm những điều mà ai cũng đã biết là đúng thay vì những trải nghiệm mà sẽ mang đến cho bạn những điều mới mẻ? Đam mê phát triển bản thân bạn và kiên định với nó, thậm chí (hoặc đặc biệt) khi chúng không diễn ra tốt đẹp là dấu xác nhận tiêu chuẩn cho tư duy tăng trưởng. Đó là cách tư duy mà cho phép mọi người phát triển mạnh mẽ trong một vài khoảng thời gian thử thách nhất trong cuộc đời họ.
Hiển nhiên, ý tưởng này không phải là mới – nếu có, đó cũng chỉ là những lời khuyên cơ bản của các cuốn sách self-help và những lời nói nhàm chán, sáo rỗng kiểu “bạn có thể làm bất cứ thứ gì!”. Tuy nhiên, điều khiến công trình của Dweck trở nên khác biệt đó là nó được khám phá từ việc nghiên cứu cách tư duy của những con người vĩ đại, nhận dạng động lực cốt lõi của những cách tư duy này và làm thế nào để tái lập lại chúng.
Dweck và nhóm nghiên cứu của bà đã nhận thấy rằng những người với tư duy cố định xem rủi ro và nỗ lực như là dấu hiệu tiết lộ rằng họ sẽ sớm thất bại theo cách nào đó. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tư duy và nỗ lực là con đường hai chiều:
Không chỉ một vài người tình cờ nhận ra giá trị của việc thử thách chính họ và tầm quan trọng của nỗ lực. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điều này xuất phát trực tiếp từ tư duy tăng trưởng. Khi chúng tôi huấn luyện mọi người về tư duy tăng trưởng, với sự tập trung vào phát triển, những ý tưởng này về thử thách và nỗ lực cũng xuất hiện.
Khi bạn bắt đầu hiểu được tư duy tăng trưởng và tư duy cố định, bạn sẽ nhìn thấy chính xác cách mà một thứ kéo theo một thứ khác – cách mà niềm tin rằng những phẩm chất của bạn không thay đổi kéo theo một loạt các hành động và suy nghĩ, và cách mà niềm tin rằng những phẩm chất của bạn có thể được tích lũy kéo theo một loạt các hành động và suy nghĩ khác nhau sẽ dẫn bạn sang một con đường hoàn toàn khác.
[…]
Cách tư duy thay đổi điều mà mọi người nỗ lực đạt được và điều mà họ xem như là thành công… họ thay đổi định nghĩa, ý nghĩa và tác động của thất bại… họ thay đổi ý nghĩa sâu sắc nhất của nỗ lực.
Dweck dẫn ra một cuộc điều tra với sự tham gia của 143 nhà nghiên cứu sáng tạo, những người mà nhất trí tán thành đặc điểm số 1 củng cố cho thành tựu sáng tạo đó chính là sự sự linh hoạt và bền bỉ vượt qua thất bại để tiến về phía trước được quy về tư duy tăng trưởng. Bà viết:
Khi bạn bước vào một cách tư duy, bạn bước vào một thế giới mới. Trong một thế giới – thế giới của những đặc điểm cố định – thành công đó là việc chứng tỏ bạn thông minh và đầy tài năng. Công nhận giá trị của bản thân bạn. Trong một thế giới khác – thế giới của việc thay đổi các chất lượng – đó là mở rộng bản thân mình để học hỏi những điều mới mẻ. Phát triển chính bản thân bạn.
Trong một thế giới, thất bại là sự thoái lui. Điểm xấu. Thất bại trong một giải đấu. Bị sa thải. Bị phớt lờ. Nó có nghĩa là bạn không thông minh, không tài năng. Hay nói cách khác, thất bại không phải là sự tăng trưởng. Không vươn tới những thứ mà bạn trân trọng. Nó có nghĩa là bạn không khai phá hết các tiềm năng của mình.
Trong một thế giới, nỗ lực là điều xấu xa. Nó, giống như thất bại, nghĩa là bạn không thông minh và không tài năng. Nếu bạn như vậy rồi thì bạn không cần nỗ lực nữa. Trong một thế giới khác, nỗ lực là thứ khiến bạn trở nên thông minh và tài năng.
Trong một nghiên cứu chuyên đề, Dweck và các đồng nghiệp của bà đã đưa ra một lựa chọn cho những đứa trẻ 4 tuổi: chúng có thể chơi lại một câu đố xếp hình dễ hoặc thử một câu khó hơn. Thậm chí những đứa nhỏ này cũng tuân theo đặc điểm của một trong 2 loại tư duy: những đứa trẻ với trạng thái tâm lý “cố định” lựa chọn cách an toàn, chọn câu dễ hơn để xác nhận cho khả năng đã có của chúng, củng cố cho niềm tin của các nhà nghiên cứu rằng những đứa trẻ thông minh không mắc sai lầm. Trong khi đó, những đứa trẻ với tư duy “tăng trưởng” nghĩ điều đó như là một lựa chọn kỳ cục để bắt đầu, bị bối rối với câu hỏi tại sao bất cứ ai cũng muốn chơi đi chơi lại cùng một trò chơi nếu họ không học được bất cứ thứ gì mới. Hay nói cách khác, những đứa trẻ với tư duy cố định muốn đảm bảo rằng chúng thành công để được coi là thông minh, trong khi những đứa trẻ với tư duy tăng trưởng muốn mở rộng chúng vì định nghĩa thành công là trở nên thông minh hơn.
Dweck đã trích dẫn lời của một bé bé gái học lớp 7 – cô bé mà đã nhận ra được sự khác biệt một cách rất thú vị:
Cháu nghĩ rằng trí thông minh là thứ gì đó mà ai cũng phải làm việc để giành được…. Nó không chỉ là một món quà tặng… Đa phần trẻ em, nếu chúng không chắc về một câu trả lời, sẽ không giơ tay lên trả lời câu hỏi. Nhưng cháu thường giơ tay lên bởi vì nếu cháu sai, câu trả lời của cháu sẽ được sửa. Hoặc cháu sẽ giơ tay lên và nói “cái này được giải quyết như thế nào vậy?” hoặc “cháu không hiểu nó. Cô có thể giúp cháu được không ạ?” Bằng cách làm vậy, cháu sẽ tăng được trí thông minh của mình.
Mọi thứ thậm chí còn thú vị hơn khi Dweck đưa mọi người tới phòng thí nghiệm sóng não để kiểm tra hành vi của não bộ khi chúng trả lời các câu hỏi khó và nhận được feedback (phản hồi). Điều mà bà nhận thấy đó là những người với tư duy cố định chỉ hứng thú với việc lắng nghe feedback mà phản ánh trực tiếp tới khả năng hiện tại của họ, nhưng lại bỏ qua thông tin mà có thể giúp họ học hỏi và cải thiện. Họ thậm chí còn chẳng quan tâm tới việc nghe câu trả lời đúng khi họ trả lời sai một câu hỏi, bởi vì họ đã cho nó vào “thư mục thất bại”. Những người với tư duy tăng trưởng, trái lại, cực kỳ chú ý tới thông tin mà có thể giúp họ mở rộng kiến thức và kỹ năng hiện tại, bất kể họ trả lời sai hay đúng – hay nói cách khác, ưu tiên của họ là học hỏi, chứ không phải là tự trói buộc mình vào chiếc bẫy chỉ có hai lựa chọn: thành công hoặc thất bại (binary trap*).
Những nghiên cứu này đặc biệt quan trọng trong giáo dục và cách mà chúng ta, dưới góc độ một nền văn hóa, đánh giá trí thông minh. Trong một nghiên cứu khác có sự tham gia của hàng trăm học sinh, đa phần là thanh niên, Dweck và đồng nghiệp đã đưa cho mỗi người 10 vấn đề với độ khó ngang nhau dưới dạng một bài test IQ bằng giấy, sau đó, khen ngợi những học sinh làm bài tốt – đa phần đều làm khá tốt. Tuy nhiên, họ đưa ra hai kiểu khen ngợi. Một số học sinh được khen là “wow. Em làm được [những X] câu đúng. Đây thực sự là một điểm tốt. Em chắc hẳn thông minh về những cái này lắm”. Trong khi số khác lại được khen thế này “wow. Em làm được [những X] câu đúng. Đây thực sự là một điểm tốt. Em chắc chắn đã luyện tập rất nhiều”. Hay nói cách khác, một số học sinh được khen vì khả năng, số khác được khen vì nỗ lực.
Khen ngợi khả năng đẩy học sinh đi thẳng vào tư duy cố định, và họ cũng thể hiện tất cả những biểu hiện của nó: khi chúng ta đưa cho chúng một lựa chọn, chúng loại bỏ thử thách mới đầy khó khăn mà chúng có thể học hỏi. Chúng không muốn làm bất cứ thứ gì mà để lộ điểm yếu của chúng và khiến người khác nghi ngờ tài năng của chúng.
[…]
Trái lại, khi học sinh được khen vì nỗ lực, 90% chúng sẽ tiếp nhận thử thách mới mà chúng có thể học hỏi.
Tuy nhiên, điều thú vị nhất đó là điều xảy ra tiếp theo: Khi Dweck và đồng nghiệp đưa tiếp cho các học sinh một bộ câu hỏi khó hơn – những câu mà học sinh đã không làm tốt. Đột nhiên, những đứa trẻ được khen vì khả năng trước đó nghĩ rằng chúng chẳng thông minh hay tài năng tí nào cả. Dweck đau xót nói rằng:
Nếu thành công có nghĩa là chúng thông minh thì khi đó ít thành công hơn nghĩa là sự kém cỏi.
Nhưng đối với những đứa trẻ được khen ngợi vì nỗ lực, khó khăn đơn giản là một sự biểu thị rằng chúng phải nỗ lực nhiều hơn, chứ không phải là dấu hiệu của thất bại hay sự phản ánh chúng kém hiểu biết. Có lẽ điều quan trọng nhất, hai loại tư duy này cũng tác động tới mức độ thích thú của những đứa trẻ – tất cả đều tận hưởng vòng đầu tiên của những câu hỏi dễ dàng hơn, vòng mà đa phần chúng đều trả lời đúng nhưng ngay khi những câu hỏi trở nên thử thách hơn chút thì những đứa trẻ được khen ngợi dựa trên khả năng đều không còn cảm thấy vui thích nữa, trong khi những đứa trẻ được khen ngợi vì nỗ lực không chỉ tỏ ra khoái trá với các câu hỏi mà thậm chí còn nói rằng càng khó càng thích. Những đứa trẻ này cũng có những cải thiện đáng kể trong kết quả khi câu hỏi càng khó hơn trong khi những đứa còn lại thì ngày càng tệ, như thể chúng bị nhụt chí bởi chính tư duy thành công hoặc thất bại của riêng chúng.
Tốt hơn – hay tệ hơn phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận vào nó: kết quả đáng lo ngại nhất xuất hiện sau những câu hỏi IQ này đã được tìm ra, khi các nhà nghiên cứu yêu cầu những đứa trẻ viết những bức thư “mật” cho bạn bè của chúng kể lại trải nghiệm, bao gồm cả báo cáo kết quả về các vấn đề. 40% những đứa trẻ được khen ngợi vì khả năng nói dối về điểm số của chúng, thổi phồng chúng để trông thành công hơn. Bà nói thêm rằng:
Trong tư duy cố định, những sự không hoàn hảo rất đáng xấu hổ – đặc biệt nếu bạn tài năng – nên chúng nói dối. Điều đáng báo động ở đây đó là chúng ta đã biến những đứa trẻ bình thường trở thành những kẻ nói dối, đơn giản bằng cách bảo với chúng rằng chúng thông minh.
Điều này cũng minh họa cho một sự khác biệt giữa hai loại tư duy – những người với tư duy tăng trưởng “thành công cá nhân là khi bạn làm việc một cách chăm chỉ nhất để trở nên xuất sắc nhất”, trong khi những đứa trẻ với tư duy cố định, “thành công là về việc thiết lập ưu thế của chúng, ngoài ra chẳng có gì khác. Trở thành một người nào đó đáng giá hơn việc là một người vô danh”. Đối với nhóm sau, thất bại là sự trừng phạt. Đối với nhóm trước, thất bại là đầu vào truyền động lực và đầy hữu ích – một sự thức tỉnh.
Trong tình yêu, những người với tư duy cố định tin rằng bạn đời lý tưởng sẽ sùng bái họ và khiến họ cảm thấy mình hoàn hảo giống như “vị thần của một tôn giáo chỉ có 1 người vậy”, trong khi những người với tư duy tăng trưởng lại thích một người mà nhận ra sai lầm của họ và giúp đỡ họ cải thiện, ai đó mà sẽ khuyến khích họ học những điều mới mẻ và trở thành một con người tốt hơn.
Tư duy tăng trưởng nói rằng tất cả những thứ này có thể được phát triển. Tất cả – bạn, bạn đời của bạn, và mối quan hệ – có khả năng tăng trưởng và thay đổi.
Trong tư duy cố định, người bạn đời lý tưởng là sự tương thích bất biến, hoàn hảo và ngay lập tức. Giống như thể số phận vậy. Giống như bắt đầu sống một cuộc sống mới. Giống như “họ sống hạnh phúc với nhau mãi mãi”.
[…]
Những người với tư duy cố định mong đợi mọi thứ tốt đẹp xảy ra một cách tự động. Đó không phải là cả hai người sẽ làm việc để giúp đỡ nhau giải quyết vấn đề hoặc học kỹ năng mới. Nó là điều này sẽ xảy ra một cách bất diệt xuyên sốt tình yêu của họ, bằng cách nào đó giống như “nàng công chúa ngủ trong rừng” – nơi mà sự hôn mê bị nguyền rủa bởi nụ hôn của chàng hoàng tử hoặc cô bé Lọ Lem – cuộc đời khốn khổ đột nhiên trở thành một nàng công chúa.
Giống như việc không hề có thành tựu nào mà không có thất bại, không có những mối quan hệ tốt đẹp nào mà không có mâu thuẫn và những vấn đề xảy ra.
Khi những người với tư duy cố định nói về mâu thuẫn, họ tìm cách đổ lỗi. Đôi khi, họ đổ lỗi cho chính họ, nhưng thường họ sẽ đổ lỗi cho đối phương. Và rồi họ coi đổ lỗi là một đặc điểm – một khuyết điểm về tính cách. Nhưng mọi việc chưa kết thúc ở đây. Khi mọi người đổ lỗi cho tính cách của người kia vì vấn đề gì đó xảy ra, họ cảm thấy giận dữ và ghét cay ghét đắng chính mình. Họ trở nên khinh bỉ những người kia và không hài lòng với toàn bộ mối quan hệ.
Những người với tư duy tăng trưởng, trái lại, có thể thừa nhận những điều không hoàn hảo của bạn đời mà không hề đổ lỗi, và vẫn cảm thấy họ có một mối quan hệ như ý. Họ coi mâu thuẫn như là những vấn đề của giao tiếp, không phải là tính cách hay nhân cách. Điều này không chỉ đúng trong các mối quan hệ yêu đương mà còn là trong tình bạn và mối quan hệ với bố mẹ. Dweck tóm tắt kết quả của bà như sau:
Khi mọi người bắt đầu một mối quan hệ, họ gặp một người hoàn toàn khác với họ, và họ không học được cách kiểm soát sự khác biệt. Trong một mối quan hệ tốt đẹp, mọi người phát triển các kỹ năng này và khi họ làm như vậy thì cả hai người sẽ “trưởng thành” và khiến mối quan hệ trở nên sâu sắc.
Link mua sách: Mindset – Tâm lý học thành công.
* Binary trap: Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ các trường hợp khi bạn đưa ra một quyết định nhưng bạn lại giới hạn bản thân mình chỉ với một lựa chọn. Nói chung, chỉ là quyết định “có” hoặc “không” mà không có một lựa chọn thứ 3 hoặc thứ 4 nào khác.
Bài viết có tham khảo thông tin từ các nguồn:
Bài viết rất hay, đúng là sai 1 lý đi 1 dăm, đôi khi bước chân vào 1 con đường không đúng sẽ làm đoạn đường phía trước càng sai hướng. Nhưng không sao sai hướng cũng là 1 trải nghiệm để phát triển. Sau khi đọc bài viết tôi chọn tư duy tăng trưởng!
“Làm thế nào mà một niềm tin đơn giản có sức mạnh chuyển đổi tâm lý của bạn, và kết quả, là cả cuộc đời của bạn?”
Cám ơn bạn nhiều nhé. Chúc bạn thành công.
Mình đã từng nghe nói về chủ đề này,mà giờ mới đọc một bài viết về nó một cách rõ ràng.Những dẫn chứng bài viết nêu tương tự với diễn biến suy nghĩ của mình vậy. Do vậy mà cảm thấy thật thuyết phục, sẽ tìm hiểu sâu hơn,và mong là sẽ thay đổi được bản thân. Cảm ơn AD.
Cám ơn bạn nhiều nha. Rất được khích lệ từ chia sẻ của bạn.
Cảm ơn bạn vì bài viết hay và tâm huyết, thật sự thức tỉnh mình.