Hôm nay, mình sẽ đề cập đến một chủ đề thú vị mà nhiều bạn đã email hỏi mình nhé.
“Làm thế nào em có thể trở thành marketer khi em không có bằng đại học về marketing?,”
“Làm thế nào em có thể xin được job trong lĩnh vực này?,”
“Chị có khóa học nào về marketing giới thiệu em với?”
“Chị có tài liệu nào chia sẻ không?”
Vân vân và mây mây.
Mình sẽ không dài dòng nữa mà bắt đầu vào bài ngay nhé.
Bạn không cần bằng đại học để làm việc trong lĩnh vực marketing
Đầu tiên phải khẳng định nếu đã tốt nghiệp một khóa học ngắn hạn hoặc dài hạn về marketing thì đấy là điều tốt cho bạn. Vì nó có nghĩa bạn đã hiểu được ít nhất cơ bản về các nền tảng của marketing, chẳng hạn như marketing là cái gì, được thể hiện cụ thể như thế nào trong thực tế…
Nhưng nói vậy không có nghĩa tấm bằng về marketing quyết định tất cả. Thực tế, bạn không cần nó.
Theo một khảo sát trên 734 chuyên viên marketing tại Mỹ năm ngoái, có đến 40% marketer bắt đầu bước vào nghề mà không trải qua một sự đào tạo chính thức nào cả.
Mình cũng vậy — mình không có bằng về marketing khi mới bước vào lĩnh vực này. Mình chỉ đi học Master về Marketing sau khi đã đi làm hơn 4 năm mà thôi.
Thế nên, nếu bạn vẫn đang nghĩ rằng bạn cần có một chứng chỉ marketing thì cần dừng lại ngay nhé. Cũng không nên hỏi bất cứ ai câu này nữa — ngắn gọn là bạn không cần nó.
“Đấy là chị ở nước ngoài thấy vậy, khảo sát trên ở Mỹ là thế, nhưng ở Việt Nam thì khác. Cần phải có bằng họ mới nhận.”
Sai, sai, sai nha. Mình đã làm việc cho các công ty ở Việt Nam về marketing từ trước khi mình sang Úc — bạn có thể đọc thêm về câu chuyện của mình ở đây.
Thêm nữa, theo mình biết, hiện nay rất nhiều công ty Việt Nam cởi mở. Họ có góc nhìn thoáng hơn khi tuyển dụng nhân tài nên bạn cứ yên tâm — miễn là bạn chứng minh được khả năng của mình thông qua portfolio, hiểu biết và kinh nghiệm về ngành thì bạn hoàn toàn tìm được cơ hội trong ngành này.
Vấn đề là làm thế nào để có portfolio, hiểu biết và kinh nghiệm khi không có gì trong tay?
Câu trả lời chính là quá trình 3 bước dưới đây.
1. Tự học về marketing
Okay, mình thấy nhiều bạn thường hỏi mình tài liệu về marketing. Thực tế mà nói, tài liệu mình có chính là bác Google thôi.
Marketing rất đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ những gì bạn thấy trên Facebook, Instagram, YouTube, những bảng chỉ dẫn ngoài đường, những tin nhắn quảng cáo bạn nhận được, những gì bạn thấy trên tivi… tất cả đều là marketing. Bạn thấy nó khắp mọi nơi, gần như từng giây từng phút, trừ lúc bạn nhắm mắt đi ngủ (vì đi ngủ thì không nhìn thấy gì nữa đúng không? 😉
Thế nên, tài liệu để học marketing ở khắp mọi nơi xung quanh bạn. Quan sát mọi thứ bạn nhìn thấy. Quan sát cách mà cô bán hàng ngoài chợ, các cửa hàng bán quần áo, trung tâm thương mại… trưng bày hàng, rao ràng. Để ý xem tại sao có chữ to, chữ nhỏ. Tại sao có lúc họ bật nhạc, có lúc họ không bật. Tại sao hôm nay họ giảm giá mà không phải ngày mai? Tại sao tấm biển dán ngoài shop màu xanh mà không phải màu đỏ…
Đấy chính là học.
Rồi gõ lên Google bất cứ điều gì bạn muốn biết về marketing. Marketing là gì? Nguyên lý về marketing, các kỹ thuật, các ví dụ, cách chạy quảng cáo, marketing cho người mới bắt đầu, TikTok là gì, TikTok dành cho ai, viết content ra sao, content và copy khác nhau như thế nào… Google, YouTube sẽ giúp bạn tìm hiểu mấy cái này. Cực kỳ đơn giản.
Tuy nhiên, đừng chỉ đọc. Hãy chịu khó take note lại những gì bạn học được. Ghi chép theo các chủ đề, những ý nào thú vị và muốn tìm hiểu thêm thì highlight để khám phá tiếp. Học và học hàng ngày.
2. Lắng nghe, lắng nghe, và lắng nghe
Tiếp theo là lắng nghe.
Ở trên mình có viết về việc bạn ra đường lắng nghe cách người ta rao hàng xem thử họ dùng từ gì, “chiêu” gì. Họ có nói “khuyến mãi 50%” không, hay “đại hạ giá” hay “mua 5 tặng 1” không? Những cái này đều là kỹ thuật marketing hết mà chưa chắc nhiều người bán hàng đã biết là họ đang dùng chúng.
Cái tiếp theo để lắng nghe đó là tích cực tham gia các hội thảo, sự kiện, cuộc gặp gỡ, to lẫn nhỏ của những người trong ngành. Nếu các chương trình này mở cửa cho tất cả mọi người thì cứ đến và lắng nghe, xem thử họ nói về cái gì, có cập nhật mới gì về marketing không rồi ghi chép lại. Đừng lo lắng nếu nhiều cái bạn không hiểu vì đây là cơ hội tốt để làm quen dần với ngành.
Một nguồn lắng nghe quan trọng nữa đó chính là tham gia các cộng đồng trực tuyến về marketing, fan page, group, forum… Gõ lên Google “online community for marketer” là bạn sẽ tìm thấy rất nhiều kết quả. Sau khi tham gia vào nhóm thì tích cực đọc các chia sẻ của mọi người, đọc cả câu hỏi lẫn comment. Xem họ thường hỏi như thế nào, cách tư duy marketing của họ ra sao, họ có share điều gì thú vị không…
Khi lắng nghe, đừng quên ghi chú nhé.
3. Thực hành
Bước này cực kỳ quan trọng vì nếu chỉ nghe và đọc thôi thì lâu ngày sẽ giống như “nước đổ lá môn,” không đọng lại nhiều và bạn cũng không có được sự hiểu biết về marketing thực tế.
Vậy làm thế nào để thực hành?
Thứ nhất, rèn luyện kỹ năng viết. Bạn đã đọc nhiều từ các blog rồi, đã biết được sơ sơ rồi. Bây giờ là lúc tập viết, bắt chước theo cách của họ. Bạn cứ chọn một ý tưởng rồi viết, có thể là trình bày lại những gì bạn biết về marketing, “cao cấp” hơn là trình bày cách chạy một quảng cáo, viết một email bán hàng… Viết gì cũng được, miễn là bạn viết hàng ngày.
Làm như thế này là để rèn luyện kỹ năng viết, vì nếu bạn viết giỏi thì đó là lợi thế cực kỳ lớn của bạn — 90% marketer không hề có kỹ năng này. Nhiều người nghĩ rằng digital marketing, social media, SEO… quan trọng hơn, nhưng họ cực kỳ nhầm. Vì suy cho cùng, chiến dịch của bạn thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào content hay copy bạn viết.
Một số bạn email hỏi mình em nên viết gì hay viết bao lâu thì trở thành marketer, nhưng đến khi mình bảo chia sẻ cho mình vài bài viết thì mới vỡ ra, em chưa bắt đầu viết bài nào cả.
Đừng hỏi câu này cho đến khi bạn thực sự dành đủ nhiều thời gian để viết nhé. Vì có người sẽ mất vài năm để viết tốt và nhận ra rằng mình đã sẵn sàng để bước vào marketing. Có người có thể nhanh hơn, chỉ vài tháng. Ý mình ở đây là bạn phải có cái gì đã thì mới dấn thân sâu được. Đừng quan tâm quá nhiều tới việc “bao giờ em mới”, hãy cứ bắt đầu đi đã.
Thứ hai, lập một blog, đăng bài và thực hành marketing cho blog.
Mình lập Form Your Soul là để chia sẻ, nhưng một mục đích khác là mình cũng muốn thử nghiệm kỹ năng viết từ khóa, SEO, và email marketing. Mình học được rất nhiều từ việc lập blog này, chẳng hạn tự thiết kế website, tự tối ưu hóa nội dung, viết khóa học, viết email, viết bài tối ưu các từ khóa… rất rất nhiều thứ.
Hiện nay, lập blog không hề tốn kém. Bạn chỉ cần khoảng 500 nghìn là đã có thể có được một blog rồi. Mình muốn tự học thiết kế web nên mình chỉ mua tên miền và hosting thôi, còn lại mình tự làm tất cả. Còn nếu bạn có khả năng, bạn có thể thuê người thiết kế.
Trên blog này, bạn có thể viết bài chia sẻ, thử nghiệm affiliate marketing, chạy quảng cáo cho blog, thử tập quảng cáo blog trên mạng xã hội… rất nhiều việc bạn có thể làm.
Nhiều bạn ngại không dám làm hay nghĩ rằng không biết có kết quả gì không. Nếu bạn có suy nghĩ này thì bạn nên dừng lại bởi vì bạn đang muốn rèn luyện học hỏi về marketing mà không dám làm như vậy thì không được. Thêm nữa, bạn mới bắt đầu mà, mục đích ở đây là để thử nghiệm, phạm sai lầm, và học hỏi, thế nên, dù có kết quả như thế nào cũng sẽ là một trải nghiệm hữu ích.
Khi bạn đã rèn luyện quá trình 3 bước này, bạn sẽ thu được vô cùng nhiều những kinh nghiệm và kiến thức thực tế. Và chắc chắn là bạn sẽ biết nên cho gì vào CV hay portfolio để thể hiện khả năng của mình rồi đúng không nào?
Khi không có gì trong tay, bạn cần khao khát và sự quyết tâm để dấn thân vào nghề
Marketing là một ngành cực kỳ thú vị, liên tục có những thay đổi, đầy thử thách, và tiềm năng rộng mở cả về cơ hội thăng tiến lẫn thu nhập. Đó còn chưa kể bạn còn có thể làm freelance hoặc remote cho các công ty nước ngoài.
Nhưng để có thể đạt được những điều này từ con số không, bạn cần thực sự kiên định và quyết tâm để bắt đầu từ những bước nhỏ. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Không nghĩ là một nữ martketer đứng sau cái blog đồ sộ như thế này :v