Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Why I No Longer Need to Be the Best at Everything I Do.
—
Tôi không bắt buộc phải chiến thắng, nhưng tôi bắt buộc phải trung thực. Tôi không bắt buộc phải thành công, nhưng tôi bắt buộc phải sống dựa vào những thứ mà tôi có. – Abraham Lincoln
Khi còn là một đứa trẻ, bố của tôi luôn nói với tôi rằng, “Trong mọi thứ con làm, con phải là số một.” Tôi đã cố gắng. Theo nhiều cách, tôi đã thành công. Tôi có điểm cao. Đôi khi, còn cao nhất. Thi thoảng, tôi còn nhận được phần thưởng.
Tôi trở thành chuyên gia trong việc tìm ra mọi người mong đợi ở mình điều gì và đáp ứng chúng. Nhờ đó, tôi được công nhận, nhưng nó chẳng bao giờ làm tôi hạnh phúc. Tôi không cảm thấy hào hứng với điểm số, phần thưởng hay sự chấp nhận của người khác. Tôi không cảm thấy hào hứng khi làm toán. Tôi không cảm thấy tưng bừng khi ngồi ghép các động từ trong tiếng Pháp.
Tôi đã từng thích âm nhạc, ca hát và nhảy múa. Tôi đã từng là một cô gái sáng tác ra các lời hát và lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chúng trong đầu. Tôi đã từng là một cô gái không ngủ cho đến khi bố mẹ của tôi lên giường để nhảy múa trong phòng, ôm chiếc gối và hát, và bò giữa sàn nhà rồi mơ mộng thật xa, thật xa. Tôi đã từng là cô gái đó – người mà không hiểu suy nghĩ của mình cho đến khi viết chúng ra.
Mặc dù bố mẹ mong muốn tôi theo đuổi con đường học thuật, trí thức, nhưng tôi đã đi học trường sân khấu. Ở đó, tôi nghĩ rằng tôi sẽ khám phá ra những kẻ hở sâu nhất trong các khao khát của tôi. Nhưng tôi đã sai rồi.
Tôi nhận thấy thế giới giáo dục mỹ thuật nông cạn, và tôi thấy mình cũng vậy. Tâm trí của tôi không thể dừng nghĩ tới việc trở thành người giỏi nhất. Tôi chưa bao giờ từng như vậy. Thất vọng với bản thân mình nhiều như thất vọng với chương trình giáo dục, tôi bỏ học. Tôi quay trở lại với lý trí và sự thật. Chủ nghĩa hoài nghi. Phân tích. Những thứ mà tôi làm tốt. Tôi đạt được điểm cao. Tôi nhận được phần thưởng.
Nhưng giỏi ở một thứ gì đó không bao giờ là sự thay thế cho việc yêu nó. Tôi bị nghiện thành tích học tập vì nó giúp tôi được chấp thuận. Tôi không bao giờ nhận được đủ. Một lần nữa, tôi lại thèm khát nghệ thuật.
Sau khi gần như tự đào mộ sớm cho mình, tôi đã nhận ra tầm quan trọng của việc dành thời gian cho những thứ mà khiến tôi cảm thấy được sống. Tuy nhiên, trên hành trình đó, tôi nhận thấy mình liên tục ở giữa. Đôi khi, chỉ là mới bắt đầu. Chưa bao giờ được trải nghiệm nó một cách tột cùng nhất.
Tôi không ngừng chạy, nhưng tôi không chạy nhanh. Tôi đã tập yoga được 10 năm, nhưng tôi vẫn chưa thể tập tư thế con bò. Tôi đã chơi guitar acoustic lúc tập lúc nghỉ trong nhiều năm, nhưng tôi vẫn phải vật lộn với những hợp âm barre. Tôi đã hát từ khi còn bé nhưng những buổi biểu diễn của tôi không liên tục. Tôi đã viết kể từ khi tôi có thể cầm bút và kiếm sống bằng nó từ năm 2012, nhưng phần lớn mọi người chưa bao giờ nghe nói về tôi.
Trong nhiều năm, giọng nói của cha tôi luôn ám ảnh tôi, bảo tôi luôn phải là số một. Tôi đã cố gắng loại bỏ lời khuyên này của ông, từ chối nó, viết nó ra như là một sự tự cao tự đại. Nhưng nó vẫn gặm nhấm tôi.
Một giọng nói trong đầu tôi rằng tôi nên chấp nhận chính mình theo đúng con người tôi. Một giọng nói khác không thể chịu đựng được việc lên tiếng rằng tôi còn nhiều thứ phải cải thiện. Quá trình lắng nghe nhiều giọng nói ấy giúp tôi nhận ra một giọng nói không cần phải đánh bại giọng nói khác. Chúng chỉ là cần học cách hòa hợp với nhau.
Chấp nhận mức độ kỹ năng hiện tại của tôi đối với một thứ bất kỳ là một hành động tự yêu thương. Ai có thể nghi ngờ điều này chứ? Nhưng cho rằng các kỹ năng của tôi không thể hoặc sẽ không bao giờ tốt lên là một hành động tự hủy hoại chính mình. Nỗ lực cải thiện bản thân cũng là một hành động tự chấp nhận bản thân. Tôi chấp nhận khả năng học hỏi của mình – nhưng quá trình học hỏi đó có thể chậm rãi và lúng túng.
Một số người nói chúng ta nên luôn cố gắng trở nên tốt hơn so với ngày hôm qua. Tôi không đồng ý. Có ngày, tôi ít kiên nhẫn, ít năng lượng, và ít tử tế hơn tôi của ngày trước đó. Và điều đó không sao.
Bởi vì, đối với tôi, mục tiêu không phải là trở thành số một trong so sánh với những người khác. Và nó thậm chí không phải là số một trong so sánh với những phiên bản trước đây của bản thân tôi. Thay vào đó, tôi đã học cách trở nên giỏi nhất chỉ trong một thứ: trở thành người hâm mộ, người hỗ trợ, người bạn, và người cố vấn số một của riêng tôi.
Đây không phải là một công việc dễ dàng. Không dễ dàng để yêu một người vô điều kiện và thúc đẩy họ thay đổi. Thật không dễ dàng để giữ ai đó khi họ đã thất bại vào một ngày và khích lệ họ làm tốt hơn trong ngày kế tiếp. Đấy là một nghịch lý và một hành động cân bằng. Rất khó. Nhưng nó cực kỳ đáng giá.
Tôi đã dành tất cả những năm đó để cạnh tranh. Cố gắng là người xuất sắc nhất. Cố gắng để trở nên hoàn hảo. Cố gắng để được công nhận, được thừa nhận, được để ý. Cố gắng. Cố gắng. Cố gắng. Không bao giờ thành công.
Nhưng bây giờ tôi biết rằng phần thưởng cho việc theo đuổi những đam mê thắp sáng trái tim tôi không phải là phần thưởng giống như phần thưởng cho việc theo đuổi địa vị, sự công nhận hay thành tích. Không hề có điểm số, không hề có phần thưởng, không hề có huy chương mà có thể định lượng được cách ngực tôi nổ tung khi tôi hát một thứ gì đó thực sự. Không có con số nào đo lường được sự nhẹ nhàng mà tôi cảm thấy trong cơ thể khi tôi viết ra những từ mà khiến tôi khóc nức nở và chữa lành. Phần thưởng là trải nghiệm.
Chúng ta sống trong thời đại của lòng tự trọng. Hệ thống trường học nói với trẻ nhỏ: “Bạn có thể là bất cứ điều gì bạn muốn trở thành! Bạn có thể làm tất cả!” Nhưng thông điệp được thêu dệt thành những từ khích lệ nhất mà được coi là thước đo thành công lại là thành tích, sự công nhận và giải thưởng.
Điều gì xảy ra nếu tất cả những đứa trẻ đó muốn được hạnh phúc? Hay giận dữ? Hay bị tra tấn? Hoặc bất cứ điều gì mà chúng cảm thấy trong thời điểm đó.
Lòng tự trọng không là gì ngoài sự thay thế rẻ tiền cho tình yêu bản thân. Tôi không cần tôn trọng bản thân. Tôi biết tôi là một mớ hỗn độn trong hình dạng con người đầy đẹp đẽ và ngượng ngịu. Trong hầu hết những gì tôi làm, tôi ở đâu đó giữa sự tầm thường và thú vị. Trong một vài thứ, tôi pha trộn giữa khủng khiếp và tầm thưởng. Tôi thích rằng dù sao tôi cũng làm chúng.
Tôi trân trọng bản thân mình rất nhiều vì đang làm những thứ tôi yêu thích, mặc dù tôi không phải là “số một” về chúng. Tôi biết ơn bao nhiêu thời gian, bao nhiêu sự quan tâm và bao nhiêu nỗ lực mà tôi đã cố gắng để trở thành một người bạn tốt của chính mình.
Và đó là những gì tôi nghĩ về bản chất thực sự của cuộc sống: học hỏi về bản thân mình. Cố gắng trở thành một người bạn tốt cho hình ảnh phản chiếu con người tôi. Thậm chí là một người bạn tốt nhất.
Quá nhiều người trong chúng ta bỏ lỡ cơ hội để trải nghiệm sự thân mật với bản thân bởi vì chúng ta quên mất tình bạn có ý nghĩa gì. Nó là về những bí mật, những trò đùa và cuộc phiêu lưu. Nó là về sự đau lòng, hàn gắn và hiện diện. Chúng ta không yêu mến bạn bè vì sự tài giỏi, thành đạt hay hoàn hảo của họ. Chúng ta yêu mến họ vì họ chân thật, vì đã bước đi bên cạnh chúng ta trên hành trình đầy hỗn loạn và nhầm lẫn của cuộc sống.
Và đó là điều mà tôi tìm kiếm cho bản thân mình: một người bạn thân thiết. Một lữ khách đi chung một hành trình. Một người bạn đồng hành tò mò. Có lẽ nó không có nhiều ý nghĩa, nhưng với tôi, đó là một thành tựu mà tôi đã đạt được và tôi ăn mừng nó mỗi ngày.
Ảnh đầu bài: Jon Tyson
Cảm ơn bạn vì bài viết.
Cám ơn bạn nha
Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả.