Hôm nay mình sẽ kể cho bạn nghe vài câu chuyện có thật.
Chuyện (có thật) thứ nhất
Năm 2014, mình có đi làm ở một công ty công nghệ, vị trí là nhân viên viết đánh giá phần mềm. Công việc chủ yếu của mình là tìm các game/ứng dụng/phần mềm ở nước ngoài, sau đó dịch ra tiếng Việt để người dùng vào đọc và tải về chơi/sử dụng. Công ty có nhiều website và dịch vụ nên nhân viên viết nội dung rất nhiều. Phòng mình có gần 30 người thì phải đến gần một nửa là làm công việc như vậy.
Thế nhưng, một điều bất bình thường đó là người viết nội dung không hề được trân trọng.
Mỗi lần sếp tổng (giám đốc) vào phòng là sếp lại chạy ngay đến những người làm quản lý, lập trình, hoặc những người có thâm niên ở công ty… hỏi han, săn sóc. Dù rằng những người viết nội dung ngồi ngay ở gần cửa ra vào, sếp cũng chẳng bao giờ biết tên những người mới. Đó là sếp to, sếp nhỏ hơn cũng như vậy.
Họ coi công việc của những người ngồi gõ chữ tành tạch không giá trị bằng những người mà ngồi code ra các sản phẩm hay trực tiếp đem về đơn hàng. Tuy nhiên, họ không hề màng đến sự thật rằng nếu không có những người viết nội dung thì người dùng/khách hàng làm sao biết đến sản phẩm/website của công ty mà vào tải về hay mua hàng.
Mỗi một vị trí trong công ty họ đã hình thành, đã mất nhiều thời gian tuyển dụng/đào tạo, mua trang thiết bị phục vụ cho người làm và rồi trả lương cho người đó thì cũng cần có được sự trân trọng ngang nhau, chứ chưa nói gì đến việc dành sự quan tâm, động viên phù hợp.
Chuyện (có thật) thứ hai
Vào khoảng năm 2016, mình bước chân vào lĩnh vực Technical Writing. Đây là lần đầu tiên mình làm ở vị trí này và được đắm mình trong một không gian thực sự “công nghệ”: làm việc trực tiếp với các bạn lập trình và tester (kiểm thử phần mềm), viết tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh như hướng dẫn sử dụng, thủ thuật. Công việc khá là khó vì mình vừa phải biết cách sử dụng phần mềm, vừa phải diễn đạt lại nó theo cách mà người dùng mục tiêu (Mỹ, Úc….) hiểu được. Công ty có một phòng lớn rộng rãi, áp dụng hình thức open workspace, nghĩa là tất cả mọi người ngồi làm việc cùng với nhau, thiết kế, test, lập trình, viết nội dung, trừ kế toán và giám đốc thì có khu vực riêng. Team mình có 3 người.
Mọi việc bình thường cho đến một ngày có một bạn lập trình hỏi mình, nôm na kiểu: “Em hỏi thật, vị trí của chị là gì vậy? Viết cái gì thế? Chị chỉ cho em được không? Em thấy suốt ngày 3 người cứ gõ tạch tạch mà chẳng hiểu viết gì? Cũng không biết sản phẩm ở đâu?”….
Đại loại là những câu như vậy, và không chỉ một lần mà rất nhiều lần, dù rằng mỗi lần hỏi mình đều cố gắng giải thích và chỉ bạn ấy mình viết những cái gì. Hình như đã thành thói quen của bạn ấy, cứ gặp mình là lại hỏi “Công việc của chị là gì?”
Chuyện (có thật) thứ ba
Năm 2018, mình làm vị trí Senior Technical Writer tại một trong những công ty công nghệ tầm cỡ ở Việt Nam. Mình ngồi cùng phòng với các developer và tester—chắc cũng hơn 30 người, duy nhất mình là “nhân viên viết nội dung” theo cách gọi của họ. Gần như tất cả đều là con trai, chỉ có mình và hai bạn nữ khác là con gái.
Hiếm ai trong phòng biết mình đang làm việc gì, chỉ trừ hai bạn gái ngồi cạnh và sếp quản lý trực tiếp mình. Mỗi lần những người khác hỏi công việc của mình, biểu hiện trên khuôn mặt họ như muốn nói “Anh/tớ không hiểu em đang làm cái gì cả?”. Sự băn khoăn của họ đầy tiêu cực, như thể công việc của mình không có giá trị, chứ không phải là một sự tò mò rằng “em có thể chia sẻ về những gì em đang làm không?”
Nếu bạn đã từng ở trong tình huống này, bạn sẽ hiểu chính xác những gì mà mình đã trải qua.
Những chuyện “có thật” khác
Mình đã từng nghe nhiều người chia sẻ làm việc cứ phải thăng tiến, leo cao thì lúc đó mới có “tương lai”. Còn năm này qua năm khác chỉ ngồi mãi một vị trí thì công việc chẳng có gì đáng nói.
Rồi lại có người bảo mình mấy nghề bán hàng trên mạng chỉ là tạm thời, kiếm vốn, còn sau này vẫn phải cứ đi làm một chỗ nào đó thì mới có thu nhập “ổn định”, cuộc sống vững chắc và gọi là “nghề”.
Vài người khác lại suy nghĩ những công việc được gọi với những cái tên “bóng bẩy”, “Tây” như data scientist, developer, software engineer, automation tester hay làm kiểm toán ở Big4 này kia thì mới hoành tráng, xứng tầm. Mỗi lần nói chuyện với họ, cách họ nói chuyện, dùng từ, cách họ “tôn vinh” nhau khiến những người xung quanh—làm ở các vị trí văn phòng, hành chính thấy như mình ở một phương trời khác.
Writer hay nhân viên viết nội dung?
Nhân viên viết nội dung là cách gọi tiếng Việt nói chung dùng cho các vị trí liên quan đến viết nội dung. Trừ một số vị trí đặc thù như Content Writer hay Copywriter hiện nay đã được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, còn lại mình vẫn thấy các công tuyển dụng ghi rõ vị trí nhân viên viết nội dung. Thậm chí, đọc mô tả công việc thấy rõ thiên về Content Writer hoặc Copywriter nhưng tiêu đề thì không ghi như vậy.
Còn từ writer, trong tiếng Anh, chỉ chung những người viết. Bạn là một người viết tiểu thuyết, bạn là (novel) writer. Bạn viết truyện ngắn, bạn là (story) writer. Bạn viết blog, bạn là writer (hoặc blogger). Bạn viết nội dung chuẩn SEO, bạn là (SEO) writer. Bạn viết tài liệu kỹ thuật, bạn là (technical) writer. Bạn viết nội dung marketing, bạn là (content) writer…
Writer là một nghề và nghề này, ở nước ngoài, rất được trân trọng.
Vì sao mình biết? Vì mình đã làm việc với nhiều công ty nước ngoài, và mình cảm nhận được điều đó. Từ cách họ làm việc với mình, từ cách họ gửi email cho mình, xưng hô với mình, góp ý với mình, hỏi ý kiến mình, phỏng vấn qua cuộc gọi/video hay kể cả khi tiếp cận với mình lần đầu tiên. Họ biết họ có nhu cầu và họ muốn mình giúp đỡ—viết nội dung cho họ. Họ công nhận khả năng của mình, họ cần mình và họ tin tưởng mình.
Nhưng qua ba lần làm việc ở ba công ty cũ, cũng là viết lách, nhưng mình không hề cảm nhận được sự trân trọng như vậy. Mặc dù sự khác biệt chỉ là cách gọi: writer hay nhân viên viết nội dung mà thôi.
Nghề nào cũng đáng trân trọng
Như mình đã nói ở trên, một công ty đã bỏ ra ngân sách để tuyển một nhân viên làm việc, cho dù ở vị trí cao hay thấp thì cũng đều xứng đáng nhận được sự công nhận cho những gì mà họ đóng góp. Mỗi một ngày họ đi làm, mỗi một giờ họ dành thời gian và công sức cho sự thành đạt của một công ty là mỗi một sự đáng trân trọng.
Một người làm việc ở vị trí đòi hỏi nhiều sáng tạo, hiểu biết về máy móc, vi tính, công nghệ… không có nghĩa người đó nên được ưu ái hơn người làm ở vị trí liên quan nhiều đến giấy tờ, thủ tục, quy trình. Một người suốt ngày ở bên ngoài gặp gỡ khách hàng, cafe, ăn uống với khách không có nghĩa họ không tạo ra giá trị cho công ty bằng những người 8 tiếng hiện diện ở văn phòng. Một người ngồi gõ máy tính viết ra từng con chữ, rồi xóa đi xóa lại hàng trăm lần cho đến khi sản xuất ra được một mẩu quảng cáo dài 2 dòng không có nghĩa công việc của họ không có ý nghĩa.
Hãy thử đặt câu hỏi theo chiều ngược lại: Bạn là một lập trình, bạn có thể viết được như họ không? Bạn là một designer, bạn có giỏi kế toán? Bạn là một nhân viên bán hàng xuất sắc, nhưng bạn có thể ngồi code ra được sản phẩm? Bạn là một chuyên viên sáng tạo nhưng bạn có biết xử lý các tình huống hành chính, pháp lý, liên quan đến giấy tờ? Bạn có thể biết cách làm một, hai, ba hoặc thậm chí, ba, bốn, năm nghề, nhưng bạn không giỏi tất cả mọi thứ.
Nghề nào cũng đáng được trân trọng, công nhận, và tôn vinh. Thế giới này cần tất cả các nghề, để mỗi người gánh vác mỗi thứ, mỗi sứ mệnh, để cùng nhau làm cho mọi thứ được luân chuyển mượt mà. Thiếu đi một người trong một hệ thống đang vận hành trơn tru thì sẽ dồn gánh nặng cho những người khác, và rồi cuối cùng, cũng sẽ phải tìm một người khác bổ sung cho vị trí khuyết đó.
Ngày mai đi làm, bạn hãy thử dành tặng người đồng nghiệp làm cùng/khác vị trí của mình một tấm thiệp hoặc một tin nhắn nhỏ, rằng tớ trân trọng những gì cậu làm, cậu đã cố gắng hết sức rồi, cậu làm tốt lắm,… Một lời động viên, một lời khích lệ chân thành là một đòn bẩy tinh thần và năng lượng cực lớn mà nó tiềm ẩn sức mạnh lan tỏa ra những người xung quanh. Nếu bạn và mình cùng làm được vậy thì mỗi ngày đi làm luôn tràn ngập niềm vui, bạn nhỉ?
学习啦,很久没浏览过了!