Trong thứ bậc của các mối quan hệ, tình bạn nằm ở dưới cùng, sau các mối quan hệ tình cảm lãng mạn, bố mẹ, và con cái. Đây là sự thật cuộc đời và khoa học cũng khẳng định như vậy.
Tình bạn là mối quan hệ độc nhất bởi vì không giống như các mối quan hệ thuộc về gia đình, chúng ta lựa chọn đến với nhau. Và không giống các mối quan hệ mang tính tự nguyện khác, chẳng hạn như hôn nhân hay tình yêu, tình bạn thiếu đi một kết cấu chính thống. Cụ thể, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ thiếu thốn nếu vắng mặt một người bạn đời hay một người nào đó ý nghĩa với bạn. Nhưng có lẽ bạn sẽ sống đến già mà không cần liên lạc với một người bạn nào cả.
Sự mỏng manh của tình bạn theo năm tháng
Sự thật là các cuộc khảo sát liên tiếp đã chỉ ra những người bạn có tầm quan trọng rất lớn trong hạnh phúc của mỗi người. Thêm nữa, dù có xu hướng thay đổi theo thời gian nhưng nhìn chung, chúng ta đều muốn vài thứ từ những người bạn.
William Rawlins, giáo sư về Giao tiếp liên nhân (Interpersonal Communication) tại đại học Ohio chia sẻ: “Tôi đã nghe một cậu bé 14 tuổi và một người già 100 tuổi nói về những người bạn thân thiết với họ. Sau cùng, có 3 mong ước về một người bạn thân, đó là để trò chuyện, để dựa dẫm và để vui vẻ cùng nhau. Những mong ước này không thay đổi nhưng hoàn cảnh để chúng được đáp ứng thì thay đổi”.
Ở tuổi trưởng thành, tình bạn là mối quan hệ mà có khả năng sẽ bị tổn thương nhất. Chúng ta bận rộn với gia đình, con cái và ưu tiên những việc liên quan đến bản thân mình nhiều hơn. Điều này khiến cho việc dành vài giờ trò chuyện với bạn bè không phải dễ.
Trong giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành, tình bạn tuy phức tạp nhưng lại nhiều ý nghĩa. Hồi nhỏ, bạn bè phần lớn là những đứa trẻ đồng trang lứa chơi cùng nhau. Chẳng màng đến những thứ xung quanh như ước mơ là gì, mối quan tâm gì, thích gì… Chỉ cần chơi vui vẻ với nhau là đủ. Đến lúc lớn lên, tình bạn thiên nhiều về chia sẻ tính cách cá nhân và hỗ trợ. Dù rằng chúng ta vẫn cố gắng hiểu nhau và thắt chặt thêm mối quan hệ đó.
Những người bạn là những người bạn. Họ lựa chọn lẫn nhau. Họ từ chối lẫn nhau. Họ có thể chọn bước vào một mối quan hệ tình bạn và họ có thể chọn bước ra khỏi đó. Không có ràng buộc nào cả. Đó là thứ đặc biệt và đẹp đẽ nhất khiến tình bạn mỏng manh vô cùng. Càng giữ càng sâu sắc. Nhưng giữ được hay không không hề dễ.
Trong suốt cuộc đời, từ lúc đi học cho đến lúc già đi, có được một tình bạn nghĩa là có nhiều lợi ích sức khỏe, cả tinh thần lẫn thể chất. Nhưng trớ trêu thay, khi chúng ta bước vào cuộc sống nhộn nhịp, ưu tiên và trách nhiệm thay đổi thì tình bạn có từ bao giờ bị tác động mạnh mẽ, thường là theo chiều hướng xấu.
Chúng ta không bị buộc phải đối xử hay làm những việc với bạn bè theo cách mà chúng ta dành tâm sức đối với gia đình, bạn đời hay nghề nghiệp. Không hợp nhau, không hài lòng, chúng ra sẽ rời xa một người bạn. Nếu vui, nếu hợp, chúng ta sẽ tiếp tục. Đôi khi việc dứt ra còn dễ dàng hơn lúc hình thành tình bạn. Đây là sự thật cố hữu của tình bạn, là điều mà Rawlins giải thích rằng “tự do để độc lập và tự do để phụ thuộc”.
Khi bước vào tuổi trung niên, chúng ta có nhiều mối quan tâm quan trọng hơn là dành thời gian cho bạn bè. Chẳng hạn, dễ dàng để hủy một cuộc hẹn với một người bạn hơn là lờ đi việc chơi cùng con cái hay đi công tác. Lúc này, ý tưởng về các kỳ vọng của mọi người đối với tình bạn trở nên đối nghịch mạnh mẽ với thực tại của cuộc sống.
Một khía cạnh đầy “ngọt ngào và cay đắng” nữa đó là thời trẻ, bạn bè giúp bạn khám phá ra bạn là ai và điều bạn nên làm. Nhưng đến cuối tuổi trưởng thành, bạn không còn thời gian cho chính những người mà đã giúp bạn đưa ra những quyết định đó.
Thời gian lúc này phần lớn dành hết cho gia đình và công việc. Dù rằng không phải ai cũng kết hôn hay có con nhưng kể cả những người độc thân cũng có khả năng xem xét tình bạn của họ dưới tác động của các cặp đôi khác. Rawlin nhấn mạnh thêm: “Đến lúc mọi người kết hôn, tình bạn có khả năng rạn vỡ nhất. Và trớ trêu hơn nữa đó là lúc mọi người mời bạn bè của họ tới dự lễ cưới thì đó giống như thể là buổi tụ tập tuyệt vời, đông đủ cuối cùng trước khi họ không còn bên nhau nữa”.
Càng lớn càng khó kết bạn
Lần cuối cùng bạn có một người bạn mới là khi nào? Không chỉ là quen một người mới hoặc có thêm một đồng nghiệp tại nơi làm việc mà là một ai đó thực sự gần gũi – người mà bạn sẽ gọi cho họ trong trường hợp khẩn cấp? Nếu bạn “già” như tôi (đã qua tuổi 30) thì bạn sẽ nhận ra rằng việc tìm được những người bạn theo suốt cuộc đời như vậy giờ đây khó hơn bao giờ hết.
Tất cả chúng ta đều biết biết những lý do hiển nhiên của việc kết bạn sẽ từ từ bị mất dần khi chúng ta lớn tuổi. Chúng ta làm việc 50 giờ mỗi tuần, lập gia đình và có con, có nhiều trách nhiệm hơn và có ít thời gian hơn để làm những việc khác. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Real Simple và Học viện Families Work, phần lớn phụ nữ trong độ tuổi 25 đến 54 được báo cáo là có ít hơn 90 phút rảnh rỗi mỗi ngày, trong số đó có 29% là có ít hơn 45 phút. Ngần ấy thời gian thậm chí còn không đủ để xem một tập phim Games of Thrones (Trò chơi Vương quyền), quá ít để kết bạn mới.
Trong một bài báo nổi tiếng trên tờ New York Times vào mùa hè năm ngoái, tác giả Alex Williams – người đã từng đối mặt với khủng hoảng bạn bè ở tuổi trung niên nói rằng:
Khi nói về độ tuổi trung niên, những ngày rong ruổi khám phá thời trẻ – khi cuộc sống như thể một buổi gặp gỡ của hai người chưa từng gặp nhau trước đó – sẽ bắt đầu nhạt dần. Các lịch trình chồng lên nhau, các ưu tiên thay đổi và mọi người cũng bắt đầu kén cá chọn canh với những điều mà họ muốn ở những người bạn của họ.
Bất kể bạn có bao nhiêu người bạn, cảm giác về “thuyết định mệnh” cũng có thể tác động đến mọi thứ: giai đoạn của những tình bạn kiểu “BFF” (Best Friends Forever – mãi mãi là những người bạn tốt), cách mà bạn sống với tuổi teen hay khi vẫn còn hai mươi mấy tuổi gần như đã chấm dứt. Đã đến lúc bạn chấp nhận “những người bạn theo hoàn cảnh” (situational friends ám chỉ những người bạn mà bạn gặp mỗi ngày ở nơi làm việc, trường học, xe bus hay phòng tập gym. Bạn có thể nói chuyện với họ về nhiều vấn đề nhưng khi đến một nơi khác thì bạn gần như quên họ và không có cảm giác nhớ gì cả): K.OF. (“kind of friends”) – kiểu như là bạn bè – cho đến bây giờ.
Nhiều năm trôi qua kể từ khi tốt nghiệp đại học, tôi đã gặp nhiều người ở nơi làm việc, nơi tôi sống và những thứ giống như buổi gặp giữa phụ huynh và giáo viên. Đa phần, họ đều thân thiện và tôi cũng trao đổi số điện thoại với họ để một ngày nào đó cần sẽ liên lạc lại. Tuy nhiên, kế hoạch gặp lại chưa bao giờ thành công. Dường như có một rào chắn vô hình nào đó ngăn chúng tôi không thể tiến đến đủ gần để trở thành những người bạn sâu sắc, bởi vì thật khó để kết thân với những người bạn gần gũi mà tôi đã có (người mà tôi đã biết từ trường THPT), chứ chưa nói gì đến việc thử nghiệm và cố gắng xây dựng một mối quan hệ thân thuộc với những người mới.
William viết:
Trong các nghiên cứu về những nhóm người cùng chơi với nhau, giáo sư tâm lý học Laura L. Carstensen, đồng thời là giám đốc của Trung tâm Longevity Stanford ở California đã quan sát thấy rằng mọi người có xu hướng tương tác với ít người hơn khi họ dần bước sang tuổi trung niên nhưng sẽ gần gũi hơn với những người bạn mà họ đã có.
Về cơ bản, bà đề xuất rằng, đó là bởi vì mọi người có một chiếc “đồng hồ báo thức” bên trong mà sẽ dừng hoạt động trong những sự kiện lớn của cuộc đời, chẳng hạn như bước sang tuổi 30. Nó nhắc nhở họ rằng các phạm vi thời gian (time horizon) đang co lại nên đã đến thời điểm cần giảm bớt những chuyến khám phá và tập trung vào thời điểm hiện tại.
Kết bạn không còn là yêu cầu của sự tồn tại
Lý do khác đó là kết bạn khi còn trẻ, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nó có một chút gì đó là sự cần thiết. Kể từ thời gian chúng ta còn ở nhà trẻ cho tới khi tốt nghiệp đại học, xây dựng tình bạn là một phần rất quan trọng trong sự phát triển cá nhân và xã hội, thậm chí, nó gần như không thể được lựa chọn. Chúng ta cần kết bạn để khám phá bản thân mình là ai, chúng ta hòa hợp với bạn bè ở những điểm nào, cách để xoay chuyển những tình huống xã hội và những người nào sẽ giúp chúng ta vượt qua những thời khắc khó khăn trên hành trình trở thành người lớn (những thứ như giải quyết việc bị chơi xấu ở lớp học hay các mối quan hệ rối rắm).
Hiển nhiên, chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc khi nào thì chúng ta kết bạn ở trường. Chúng ta không hề phân biệt – kết thân với những người bạn gần như là tùy ý (Bạn ngồi cạnh tôi hàng giờ liền trong một lớp hóa nhàm chán đúng không? Cũng ghét một giáo viên nào đó hay một nhóm những đứa bạn khác trong trường? Ồ, chúng ta là BFF rồi đấy!).
Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều năm liền trong một thế giới thực với tư cách là một người trưởng thành, chúng ta đã không còn cần những người bạn mới để tìm ra cách vượt qua những tình thế chênh vênh đầy rẫy áp lực từ xã hội hay để phát triển khả năng hiểu hơn về chính mình như là những cá nhân độc lập. Và những thứ đơn thuần chỉ là một tình huống ít có khả năng kích hoạt những sự thân thiết mãnh liệt.
Giữ gìn tình bạn
Với những người đang tìm kiếm những người bạn mới – có lẽ sau khi chuyển tới một thành phố mới, thay đổi công việc hay đơn giản là vừa chấm dứt mối quan hệ mới những người bạn cũ – thì điều này sẽ đặc biệt thử thách. Ai cũng quá bận và chúng ta ít có khả năng có 3 thứ mà các nhà xã hội học cân nhắc là cần thiết để kết bạn thân: sự gần gũi; các tương tác lặp lại, bất ngờ; và một tình huống khi mọi người giảm sự đề phòng và giải bày tâm sự với nhau (giống như thời đại học).
Điều này có nghĩa một khi bạn đã qua tuổi 30, bạn nên từ bỏ hy vọng có được một tình bạn mới đích thực không? Chắc chắn là không.
Tracy Moore, từng so sánh tình bạn với băng chuyền đã viết trên trang cá nhân của mình rằng có lẽ chúng ta chỉ cần thay đổi thái độ của chúng ta đối với tình bạn:
Có lẽ chúng ta đến một thành phố mới với những băng chuyền chưa hề biết; có lẽ những người bạn cũ là những kẻ gàn dở độc ác mà bạn chẳng hiểu lý do tại sao mình lại gặp gỡ họ suốt 10 năm trước. Dù là gì thì bạn cũng phải nghĩ về bạn bè ở độ tuổi này trong thế giới này với cái đầu này như là một cuộc chơi hoàn toàn khác.
Và tất nhiên, bạn phải đi ra ngoài và hòa nhập với những người có cùng sở thích với bạn. Chẳng hạn:
- Sử dụng các dịch vụ gặp gỡ, kết bạn với rất nhiều các sự kiện như leo núi ngoài trời cho tới đọc thơ hay các bữa tiệc nhảy.
- Tham gia các bữa tiệc hoặc sự kiện ăn uống nơi sẽ có nhiều người có cùng gu ẩm thực với bạn.
- Gặp gỡ mọi người tại nhà thờ, câu lạc bộ…
- Tham gia vào các nhóm tập thể thao.
- Dắt chó đi dạo ở công viên và bạn sẽ gặp được rất nhiều người mới.
- Tham gia tình nguyện, bắt đầu một sở thích mới, đi du lịch hay câu lạc bộ sách gần nhà.
Để giữ tình bạn hiện tại:
- Hãy sắp xếp thời gian gặp gỡ bạn bè ít nhất 2 đến 3 lần mỗi tháng, tùy thuộc vào lịch trình của bạn.
- Nhắn tin, gọi điện, liên lạc thường xuyên với nhau.
- Sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn.
- Trân trọng tình bạn và xem nó như là một mối quan hệ cần giữ chặt.
Một khi đã tìm thấy một người bạn tiềm năng, bạn có thể loại bỏ những chuyện đã qua trong quá khứ để biến họ trở thành một người bạn bằng cách đề xuất cùng làm một hoạt động chung hoặc lập kế hoạch cho những buổi gặp gỡ thường xuyên hơn, chẳng hạn như ăn tối tại nhà.
Xây dựng tình bạn cũng có nhiều điểm giống với hẹn hò – và có thể đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư cả về nỗ lực lẫn cảm xúc.
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn sau: