“Tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ thì người Tây có muốn thuê mình viết?” là câu hỏi muôn thuở mình nhận được rất nhiều, không chỉ từ các bạn ở Việt Nam mà còn các bạn người Philippines và Ấn Độ nữa.
Thực tế mà nói thì việc chúng ta không phải người bản địa nói tiếng Anh có rất nhiều bất lợi. Đặc biệt, nếu bạn đang theo đuổi con đường viết lách và tìm kiếm khách hàng là các công ty Mỹ, Anh… thì khó khăn càng nhiều nữa.
Khi bạn muốn vươn ra nước ngoài, bạn không chỉ cạnh tranh với người sinh ra ở các nước nói tiếng Anh mà còn những người sinh ra ở phần còn lại của thế giới nhưng tiếng Anh cực kỳ giỏi.
Thêm nữa, một tâm lý chung là các công ty Mỹ thường muốn tìm kiếm những người có kỹ năng viết tốt và am hiểu thị trường. Nhiều công ty có suy nghĩ rằng nếu thuê những writer với tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ thì không thể nào tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của họ được.
Nếu bạn thường xuyên xem các bản tin tuyển dụng cho những vị trí content writer thì họ còn ghi rõ là “only English native spearkers should apply.” Còn nếu bạn gửi email thẳng cho họ thì thậm chí họ có thể nhìn vào tên của bạn mà từ chối ngay, hoặc nếu bạn dùng pen name (bút danh) thì họ sẽ hỏi bạn có phải người bản địa.
Điều này xảy ra như cơm bữa.
Vậy tại sao mình vẫn có được các khách hàng Mỹ? Đúng ra, 80% khách hàng của mình là các công ty Mỹ, 20% còn lại đến từ Singapore, Đức, Anh, và Pháp.
Đây là lý do.
Mình không hề quan tâm tới câu hỏi trên
Câu hỏi trên chính là câu hỏi tiêu đề bài nhé. 😉 Chính xác đấy, thực ra mình không hề biết tới vấn đề là có sự “phân biệt” người bản địa và không bản địa như vậy. Có lẽ hồi mới vào nghề mình quá chú tâm vào việc tìm khách hàng và xây dựng portfolio quá mà không để ý tới sự thật hiển nhiên đó. Hoặc là mình quá vô tư chăng?
Dù sao thì việc không hề để ý tới điều này lại cực kỳ có lợi. Nghĩa là mình không bị phân tán tư tưởng — mình không bị mất thời gian vào suy nghĩ liệu người Mỹ có thuê mình không? Liệu mình có nên tiếp cận họ không? Sẽ thế nào nếu họ không muốn thuê mình? Mình có nên tiếp tục theo đuổi freelance writing? Vân vân và mây mây. Những câu hỏi này không xuất hiện trong đầu mình.
Nếu bạn bị để ý quá nhiều tới sự “phân biệt” thì bạn sẽ bị cuốn theo nó. Bạn cứ loay hoay mãi với “tiếng mẹ đẻ” và ‘tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai” đến nỗi bạn bị mất hết động lực để tiếp tục.
Vấn đề không nằm ở người Mỹ có muốn thuê bạn viết
Vấn đề nằm ở bạn có đủ năng lực để họ tin tưởng và sẵn sàng giao dự án của họ cho bạn. Đây là điều mà mình nhận ra rằng cực kỳ quan trọng và bạn cần chuyển cách tư duy theo hướng này.
Thay vì cứ mãi băn khoăn “mình người Việt thì người Mỹ ai thuê?” hay “người Mỹ thiếu gì writer, chẳng ai thuê người Việt đâu?” thì hãy tập trung vào chính bản thân bạn. Liệu kỹ năng viết tiếng Anh của bạn có đủ tốt để họ thuê bạn chưa? Liệu bạn đã am hiểu thị trường Mỹ trong lĩnh vực mà bạn đang chuyên tâm chưa? Liệu bạn đã có một portfolio ấn tượng để khiến họ nhìn vào là muốn thuê bạn ngay?
Một điều bạn cần hiểu rằng Mỹ và các nước phương Tây nói chung rất thực tế. Khi họ giao cho bạn một dự án, họ kỳ vọng điều bạn đã tạo ra sẽ giúp cho họ đạt được mục tiêu, nghĩa là có thêm khách hàng mới, quảng bá hình ảnh, tăng doanh thu… Nếu họ không nhìn thấy tiềm năng của bạn, họ sẽ nói thẳng thắn thay vì vòng vo tam quốc. Do vậy, khi họ từ chối bạn và nói rằng họ cần người bản địa thì chưa chắc họ có sự “phân biệt” trong suy nghĩ, mà đơn giản chỉ là họ đang cần tìm một người mà sẽ giúp họ đạt được điều họ muốn — người đó, rất tiếc, không phải là bạn.
Tóm lại, hãy dừng đặt câu hỏi liệu có công ty nước ngoài nào thuê bạn viết. Thay vào đó, tập trung rèn luyện tiếng Anh và kỹ năng viết thật tốt. Đồng thời, áp dụng đủ mọi cách để có được bài đăng ở các website, blog, tạp chí và báo nước ngoài — kể cả viết miễn phí. Làm như vậy sẽ giúp bạn xây dựng được portfolio. Khi bạn đã có portfolio rồi thì đấy là lúc bạn có thể bắt đầu hành trình đi tìm kiếm khách hàng và tạo thu nhập từ việc viết lách.