Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: The Joys of Rereading.
—
Tôi dành cả cuộc đời mình để đọc và một khoảng thời gian khá nhiều trong cuộc đời đó được dùng để đọc lại những thứ mà tôi đã đọc. Không phải tất cả mọi người đều hiểu điều này, và không phải ai cũng cảm nhận được sự thôi thúc cần phải đọc lại một lần nữa. Hành động đọc vốn đã có tính phát triển: Nó có xu hướng đi lên, hướng về tương lai, chữ này sau chữ khác, từ này sau từ khác, câu này sau câu khác, trang này sau trang khác. Đọc lại còn nhân đôi tất cả những thứ này; mỗi một sự chuyển động tiến lên cũng là một sự lặp lại, một tiếng vang, một sự hồi tưởng.
Tôi băn khoăn liệu có thứ gì khác giống như việc đọc, nếu có thì chỉ có duy nhất việc đọc lại là giống như vậy.
Tôi luôn có thiên hướng đọc lại những cuốn sách tôi yêu thích. Thói quen này bắt đầu lúc tôi còn trẻ, hồi ấy tôi đọc truyện tranh, tôi nghĩ vậy. Chờ đợi 30 ngày liền giữa những lần phát hành Avengers hay Amazing Spider-Man là quá dài và nó giày vò tôi khủng khiếp. Thế nên, để có thể lấp đầy khoảng thời gian “nhàn nhã” đó, tôi đã đọc lại những cuốn sách trên bộ sưu tập sách ngày càng nhiều của mình, thứ được đặt ở dưới chiếc hộp các tông nơi chứa những kho báu bí mật của tôi. Mỗi sự đọc lại lại làm cho mỗi câu chuyện in sâu hơn trong trí tưởng tượng và trí nhớ của tôi, tạo ra một sự liên kết giữa những hoạt động tinh thần mà tôi thực hiện mỗi ngày.
Mỗi lần đọc lại, sức mạnh và sự kỳ diệu của các tình tiết trong câu chuyện lại được hé lộ nhiều hơn. Càng đọc đi đọc lại, càng không có nhiều điều bất ngờ nữa, không có nhiều những câu chuyện ly kỳ đến cuối cùng vẫn chưa rõ kết cục nữa. Tôi biết được nhân vật chính của từng câu chuyện mà tôi đọc trở lại. Dù rằng tôi cảm nhận được nhịp đập trái tim mình hòa quyện với nhịp đập của nhân vật chính trong mỗi câu chuyện, dù rằng tôi có thể dự đoán được kết thúc, nhưng khám phá lại những khuôn mẫu và nhịp điệu quen thuộc là thứ mà đã luôn cho tôi niềm hạnh phúc tuyệt vời. Sự thỏa mãn tuyệt vời. Sự hài lòng tuyệt vời.
Tuần vừa rồi tôi đọc lại Watchmen, cuốn tiểu thuyết với các hình ảnh đặc sắc của Alan Moore và Dave Gibbons. Tôi không chắc tôi đã đọc lại cuốn sách này bao nhiêu lần – có thể là gần 12 lần. Tôi biết đằng sau những tình tiết đa dạng và ngòi bút lão luyện của tác giả thì đấy là một cuốn sách mời gọi, thậm chí là đòi hỏi, việc phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu hết nội dung của nó.
Tôi nhận thấy có một thứ trong việc đọc lại này mà tôi chưa bao giờ để ý trước đó. Nó là một chi tiết mà hoàn toàn thay đổi hiểu biết của tôi về toàn bộ cuốn sách, và tôi đã rất bất ngờ bởi thực tế rằng trước đây, tôi đã bỏ lỡ nó. Cách thể hiện của nhân vật chính xung quanh những hành động của Ozymandias, vị cứu tinh tự nhận của thế giới – người mà đã giải mã nút thắt Gordian trong Chiến Tranh Lạnh và dường như mang lại hòa bình cho thế giới, mặc dù chỉ bằng cách chủ động tiêu diệt hàng triệu người. Giống như tin tức về những chiến thắng vẻ vang của ông qua màn hình tivi, Ozymandias đã giơ tay lên, đầy hân hoan vì chiến thắng. Một bức tranh về người anh hùng của ông, Alexander Đại Đế, hiện ra lờ mờ ở phía sau nền. Tôi nghĩ bức tranh này là thứ đã cướp mất sự chú ý của tôi trong những lần đọc trước đây.
***
Lần này điều tôi nhận ra là hai cánh tay duỗi thẳng của Ozymandias, đeo nhẫn vàng sáng, tạo ra ảo ảnh về những chiếc kim đồng hồ. Có thứ gì đó dâng trào lên trong người tôi khi tôi liên tưởng tới nó, một sự hưng phấn khác hẳn với cảm giác rùng mình đầy nhầm lẫn trong lần đầu tiên đọc cuốn sách và cả những lần đọc khác sau đó nữa. Ý nghĩa của sự nhận ra này chính là nó cho phép tôi kết nối chiến thắng của Ozymandias với hình ảnh của những chiếc đồng hồ Doomsday xuất hiện khắp trong tiểu thuyết. Những gợi nhớ của sự đếm ngược dường như không thể thay đổi và không thể dừng lại về một cuộc chiến tranh hạt nhân hiển hiện mọi nơi trong cuốn sách, và hành động phi thường của Ozymandias xảy ra vào đúng lúc nửa đêm. Lần đọc mới nhất của tôi cho tôi thấy trong khoảnh khắc chiến thắng, có một điều không thể phủ nhận đó là những hành động của Ozymandias chỉ khiến chiếc đồng hồ quay ngược lại một ít phút. Ông không cứu được thế giới nhưng đúng hơn là ông đã trì hoãn điều không thể tránh được. Rõ ràng, trước đây tôi đọc sách không toàn tâm toàn ý. Giống như những chiếc kim đồng hồ, tôi muốn bắt đầu lại lần nữa. Tôi còn bỏ lỡ điều gì khác chứ?
***
Phía trên chồng sách của tôi bây giờ là cuốn The Road của Cormac McCarthy. Vợ tôi đã tặng tôi bản copy cuốn sách cách đây 8 năm đúng vào ngày sinh nhật, và khi đó tôi đã nghĩ là mình sẽ đọc lại nó ít nhất mỗi năm một lần. Con trai của tôi vừa mới được 2 tuổi khi lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách đó. Tôi còn nhớ khoảnh khắc tôi đọc về chuyến phiêu lưu đầy đau khổ của hai cha con qua một vùng đất hoang trong sách khải huyền khiến cảm xúc của tôi bị áp đảo. Điều khủng khiếp thật sự chính là: tôi là một người vừa mới làm bố và cuốn sách ấy đã nhồi nhét tôi với sự khủng khiếp về những viễn cảnh trong tương lai của thế giới và cuộc sống của con tôi trong thế giới đó.
Con trai của tôi giờ đã 10 tuổi, có nghĩa nó sẽ bằng tuổi của cậu bé trong cuốn tiểu thuyết. Tôi nghĩ mỗi lần đọc lại, lúc nào tôi cũng nhìn thấy con trai mình trên từng trang sách. Cùng câu chuyện đó, nhưng nó chỉ thay đổi với từng người kể mà thôi.
Trong cuốn tiểu thuyết, ông bố nhớ có lần ông đứng giữa “một chiếc thư viện đã bị cháy thành những vụn than”. Trong ký ức của ông, “ông cầm một trong những cuốn sách lên và giở lướt qua những trang sách nặng mùi khói. Ông đã không nghĩ tới giá trị của thứ nhỏ bé nhất cần dựa vào thế giới để xuất hiện. Nó khiến ông bất ngờ. Khoảng không mà đã bị mọi thứ chiếm chỗ tự nó là một kỳ vọng”. Suy nghĩ ấy khiến ông cảm thấy bị hủy hoại, đầy mất mát, đau đớn và tuyệt vọng.
Tôi có một tầm nhìn – một tầm nhìn không rõ ràng, xám xịt nhưng nó là thế này – tầm nhìn về việc sẽ đọc lại The Road khi tôi đã già, với kiến thức rộng hơn của một cậu bé mà đồng thời cũng là một người đàn ông. Theo cách mơ hồ nào đó, kỳ lạ, bất ngờ, thậm chí khi tôi đọc nó bây giờ tôi cũng băn khoăn về điều gì sẽ gây ấn tượng với tôi trong lần đọc chưa đến đó.
Và tôi biết cực kỳ chắc chắn rằng – tầm nhìn này sâu sắc hơn – rằng con trai tôi cũng sẽ đọc cuốn sách này một ngày nào đó. Tôi nghĩ mình sẽ tặng con bản copy của tôi, thứ mà bản thân nó cũng là cuốn sách và nó cũng sẽ là một chiếc bản đồ, một chiếc la bàn, một cuốn nhật ký, một cỗ máy thời gian và một bản sao của một câu chuyện chưa kết thúc, một mê cung của những lời chú giải và gạch dưới được thêm và đánh bóng bằng một chiếc bút chì mờ.
Và lần đầu tiên, con trai tôi sẽ mở cuốn sách ra và đọc lại nó lần nữa.
Ảnh đầu bài: YouWorkForThem.