Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Success at Work, Failure at Home.
—
Tôi và vợ tôi yêu nhau từ hồi đại học. Thời gian đầu mới cưới, chúng tôi lựa chọn chưa có con. Sau khi quyết định tiếp tục học về kinh doanh, việc chưa có con là điều cần thiết.
6 năm sau, chúng tôi biết đã đến lúc phải có em bé. Vợ chồng tôi đều làm việc cho các startup và cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng có thể vừa theo đuổi thứ mình muốn và chăm sóc toàn vẹn cho đứa con đầu tiên này. Để mọi việc ổn thỏa hơn, chúng tôi thuê một cô trông trẻ làm việc toàn thời gian, rất ân cần và yêu trẻ nhỏ. Hai tuần sau khi sinh, vợ tôi quay trở lại làm việc vì startup mà cô ấy đầu tư chuẩn bị tiến hành đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).
Khi vợ tôi mang bầu đứa con thứ hai, tôi là Managing Partner tại Idealab – một startup studio (một công ty dạng studio với mục tiêu thành lập nhiều công ty liên tiếp). Tại đây, công việc chính của tôi là quản lý việc đóng cửa các công ty mà đã bị ảnh hưởng bởi bong bóng dot-com. Tôi lên kế hoạch nghỉ ở nhà một thời gian, còn vợ tôi sau khi sinh con 6 tháng sẽ quay lại làm việc.
Nhưng khi đứa con thứ 2 chào đời, nhiều thứ đã thay đổi. Trên đường đưa con gái từ bệnh viện trở về nhà, tôi đã tiến hành gọi vốn cho một ý tưởng mà sau này đã trở thành IronPort – một startup cung cấp dịch vụ bảo mật email. Từ đây, cuộc sống của tôi bắt đầu khác trước.
Tôi và người bạn đồng sáng lập có một tầm nhìn đầy hoài bão: bảo vệ các doanh nghiệp trước những mối đe dọa trên Internet. Nhưng vì thiếu nguồn lực nên cả hai chúng tôi phải tự làm mọi thứ. Hai con người lao vào một startup công nghệ, trong tay chẳng có gì nhiều và đang dần tự hủy hoại mình để tạo nên điều vĩ đại. Tôi hiểu sự thật này và nó vẫn không thay đổi kể cả khi chúng tôi tuyển thêm người. Tôi không biết gì về code nhưng với cương vị là CEO, tôi cảm thấy mình cần ở bên cạnh anh em để động viên họ. Thế là đôi khi, tôi cùng họ ăn trưa hoặc ăn tối. Thậm chí vào những ngày cuối tuần, chúng tôi còn phải huy động toàn bộ người trong ban lãnh đạo tới văn phòng hỗ trợ các kỹ sư: mang đồ ăn cho họ, rửa xe cho họ, thay dầu, giặt quần áo hộ và trông con cho họ ở văn phòng, trong khi họ sẽ làm việc cật lực để hoàn thành dự án.
Nhờ tất cả những nỗ lực đó, IronPort cuối cùng đã phát triển với quy mô rộng lớn và trở thành một công ty độc lập trước khi được mua lại bởi Cisco 7 năm sau đó. Với tôi, thành công này là một trải nghiệm chỉ có một lần trong đời và vô cùng tuyệt vời.
Thế nhưng…
Những năm tháng tỏa sáng trong công việc lại là những năm tháng tối tăm nhất trong gia đình tôi. 18 tháng sau khi có đứa con thứ 2, chúng tôi có thêm một em bé nữa. Điều này khiến tôi và vợ phải suy nghĩ nghiêm túc về việc liệu sẽ tiếp tục sự nghiệp và chăm sóc gia đình như thế nào. Chúng tôi tính toán, tự vấn lương tâm và hiểu rõ sẽ phải có nhiều hơn 2 cô trông trẻ và những người giúp việc khác giúp chúng tôi chăm sóc con cái. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp tục theo đuổi sự nghiệp riêng với tốc độ như hiện tại. Tuy nhiên, phương án này không khả thi. Vì vậy, sau nhiều năm cống hiến cho startup và đảm nhận vai trò phó chủ tịch phát triển kinh doanh, vợ tôi – thạc sỹ kinh doanh Đại học Harvard – một người phụ nữ với sự nghiệp đầy tuyệt vời, “đã quyết định” từ bỏ những gì đã đạt được để trở thành một người mẹ toàn thời gian, ở nhà nuôi dạy con cái.
Từ sau khi có 3 đứa con, tôi hiếm khi ở nhà. Lúc ở nhà, đúng ra tôi cũng chẳng giúp ích được gì cho vợ hay làm không khí gia đình thêm vui vẻ gì mấy. Lúc ấy tôi nghĩ: tôi quá mệt ở văn phòng rồi nên khi về nhà, tôi chỉ muốn thư giãn với một ly cocktail và xem tivi mà thôi. Tôi nói chuyện với mọi người cả ngày rồi nên về nhà, cái tôi muốn thực sự là nghỉ ngơi trong yên tĩnh.
Ở thời điểm đó, IronPort rất phát triển. Tôi liên tục phải đi nhiều nơi để gặp khách hàng, cơ quan báo chí, chuyên gia phân tích và thăm nhân viên công ty ở những nơi khác. Sau một thời gian, IronPort có nguồn thu từ nước ngoài và mọi người đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc bám sát các văn phòng công ty từ châu Âu sang châu Á và Nam Mỹ. Có những tháng, tôi làm việc tới 13 tiếng một tuần, dẫn tới khi về nhà, tôi thường thiếu ngủ nên chẳng thể nào là chỗ dựa cho vợ trong việc chăm sóc con được.
Vợ của tôi lại khác. Cô ấy ở nhà dạy con tập nói, trò chuyện với chúng bằng những từ ngữ đơn giản và khao khát được nói chuyện với tôi mỗi khi tôi bước vào nhà. Nhưng tôi lại làm điều ngược lại với những gì cô ấy muốn: chỉ ngồi trước tivi với một ly cocktail. Cô ấy dạy con đã là gia đình thì các thành viên phải gắn kết với nhau nhưng tôi thì lại không như vậy. Thông điệp về việc phải giúp nhau nấu ăn, dọn dẹp và có trách nhiệm với ngôi nhà của mình không thể thực hiện được khi mà ông bố thậm chí còn không vứt rác hay thay bóng đèn bị hỏng. Không! Tôi không quá quan trọng về điều đó. Tôi đề nghị cô ấy thuê thêm người để dọn dẹp nhà cửa hoặc thậm chí là nấu nướng nếu như làm một mình khiến cô ấy “căng thẳng”.
Nhưng…
Tôi đã sai. Tôi đã xây dựng một hình mẫu tuyệt vời ở công ty nhưng lại tạo nên một hình ảnh cực kỳ xấu ở nhà – khi mà lúc nào tôi cũng hành động như thể tôi là người quan trọng nhất. Có vài thứ cần phải thay đổi.
Sau khi Cisco mua lại IronPort, tôi tiếp tục làm việc cho Cisco một vài năm rồi quyết định nghỉ việc và dành trọn 18 tháng cho gia đình. Trong khoảng thời gian ấy, mối quan hệ của tôi với gia đình hoàn toàn thay đổi. Tôi chuẩn bị bữa ăn trưa, lái xe cùng vợ tôi, nấu bữa tối. Tôi đảm nhận vai trò của mình và trở thành một ông bố tốt hơn nhờ sự hỗ trợ của vợ. Đến năm 2011, tôi quay lại làm việc và là Partner của Andreessen Horowitz. Dù thế nhưng tôi vẫn phân chia thời gian để giúp vợ làm việc nhà và chăm sóc con cái.
***
Đến bây giờ, chúng tôi đã lấy nhau được 22 năm. Những gì đã trải qua mang đến cho tôi rất nhiều bài học và dưới đây là những gì mà tôi đã làm được để lấy lại hạnh phúc gia đình:
1. Ngắt kết nối để kết nối
Khi còn làm ở IronPort, tôi đã từng nghĩ việc tôi đang làm ở văn phòng quan trọng và cấp bách hơn rất nhiều so với những gì diễn ra ở nhà. Tôi “bị ép” phải có mặt ở nhà nhưng dù ở nhà, tâm trí của tôi vẫn ở IronPort. (Nếu bạn thấy mình lén lút vào phòng tắm để gửi nốt email thì khi đó, chắc chắn là tâm trí bạn không dành cho gia đình). Vợ của tôi nói ý tứ nhiều lần nhưng tôi chẳng để ý.
Sau này, tôi nhận ra rằng cam kết cho gia đình đòi hỏi việc ngắt kết nối khỏi công việc (chẳng hạn, tắt máy tính và điện thoại) và dồn toàn bộ sự chú ý vào mọi thứ trong nhà. Nấu một bữa ăn thật ngon. Cùng con làm những thí nghiệm khoa học nhỏ. Thảo luận về tương lai cùng vợ… Tôi phải thực sự gắn kết với gia đình của mình.
2. Lên kế hoạch và các ưu tiên
Vợ tôi và tôi mỗi tuần đều có một tối hẹn hò. Con trai tôi và tôi cùng nhau tham gia một đội bóng. Tôi nấu ăn cùng hai con gái. Những hoạt động này phần lớn đều là những cuộc hẹn bất di bất dịch trên lịch của tôi.
3. Trò chuyện
Hồi ở IronPort, đôi khi tôi đi mấy ngày liền mà chẳng hề trò chuyện với gia đình. Một vài người bạn hỏi vợ tôi, “Này, Scott tuần này đi đâu vậy?”. Cô ấy thân thiện trả lời, “Tớ chẳng biết, cậu sẽ phải tự gửi email hỏi anh ấy thôi”. Tôi trở nên tồi tệ vậy đấy.
Giờ đây, tôi hoàn toàn dành cho gia đình. Chúng tôi lên kế hoạch cho các buổi tụ họp cuối tuần, ăn uống cùng nhau (có lẽ đây là điều quan trọng nhất chúng tôi làm), đưa đón con cái, và tạo ra những điều chỉnh kịp thời. Chẳng hạn: “Anh đang rảnh nên anh có thể đi đón con sớm và xem 30 phút cuối trận bóng chày của chúng chứ? Anh có thể mua gì đó trên đường về nhà không?” Và nhiều thứ khác nữa.
Thói quen của tôi là check in giữa các buổi gặp mặt. Lúc vợ tôi vắng nhà, tôi sẽ quay phim và đùa với cô ấy rằng: “Em sẽ phải tha thứ cho anh đấy. Vì anh là ông bố duy nhất trong thị trấn nên anh cần phải mang theo điện thoại bên người phòng trường hợp có việc gì đó”. Trò chuyện là điều tuyệt vời nhất mà tôi đã thay đổi được. Giờ đây, những cuộc gọi hàng ngày hay nhắn tin cho gia đình, với tôi, là điều rất quen thuộc.
Bạn có thể dùng nhiều hình thức để duy trì liên lạc với gia đình của bạn miễn sao bạn thấy phù hợp. Tôi tin, các gia đình nên có những cuộc trò chuyện nghiêm túc và thẳng thắn về các quyết định quan trọng, chẳng hạn như kinh doanh, thăng tiến trong công việc… Đồng thời, nên sẵn sàng thay đổi khi cuộc sống có những biến chuyển nhất định.
4. Tham gia
Không thể nào trở thành một người vợ/chồng đích thực nếu không thực sự đắm chìm trong bầu không khí gia đình và chủ động gìn giữ nó. Bạn không thể chờ cô ấy/anh ấy bảo bạn phải làm cái này cái kia, hoặc có thể nhưng cả hai cần thỏa hiệp và tôn trọng những mong muốn của nhau.
Vợ tôi không cần một người khác để “quản lý” việc nhà; cô ấy cần tôi cùng chịu trách nhiệm cho các hoạt động trong gia đình. Chủ động tham gia và dành thời gian cho gia đình là cách duy nhất để làm điều này và tôi không thể nhờ sự giúp đỡ của ai cả.
Cá nhân tôi tin những vị CEO bận rộn nhất cũng nên lái xe cùng vợ, chuẩn bị cơm trưa, giúp vợ làm việc nhà, nấu ăn sáng hoặc tối và dành thời gian để có mặt cùng con trong các hoạt động ở trường. Họ cũng sẽ trở thành những vị CEO tốt hơn nếu họ có thể nhạy cảm với những nhu cầu của người khác.

Có một cuộc tranh luận diễn ra ở hành lang của các trung tâm khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và giữa các doanh nhân rằng: Liệu có thể có tất cả? Các CEO và Founder không thể quá hoài bão, khát vọng trừ khi họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ. Rất nhiều cặp vợ chồng đối mặt với khủng hoảng hôn nhân và gần như luôn có một sự mất cân bằng, kéo theo vô vàn sự hy sinh từ một phía.
Kể cả ở thung lũng Silicon, nhiều người ở độ tuổi 20 đã trở thành CEO với kiến thức và tài năng hơn người. Thế nhưng, khi gia đình cần sự quan tâm của họ thì họ lại bắt đầu cảm thấy lạc lõng và không hiểu tại sao mọi thứ bỗng nhiên lệch khỏi quỹ đạo họ đã thiết lập.
Tôi đã đánh mất rất nhiều, xét về cuộc sống gia đình, để làm được những điều tôi muốn. Nhưng cho đến bây giờ, thật may mắn khi tôi đã lấy lại được tất cả.