Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: How and Why to Become a Lifelong Learner.
—
Chính xác trong hai mươi năm đầu đời, “công việc” chính của chúng ta là học. Phần lớn thời gian ở lớp học là để thu nạp kiến thức mới. Sau đó, khi đã tốt nghiệp, chúng ta cảm thấy dường như sự học đã kết thúc và giờ đã đến lúc “vào đời”.
Bạn đã từng nghĩ ý tưởng này thật kỳ quặc chưa? Rằng chỉ có duy nhất ¼ cuộc đời là dành cho việc học, còn sau đó, trong ¾ còn lại của cuộc đời, chúng đơn giản nên thỏa mãn với những gì mình đã đạt được?
Đây là tư tưởng rất sai lầm – nhưng nhiều người lại hấp thụ nó, ít nhất là về mặt tiềm thức. Trường học không phải là nhà cung cấp kiến thức duy nhất, và chỉ bởi vì bạn đã hoàn thành hết các bậc học trong giáo dục chính thống không có nghĩa là sự học của bạn đã kết thúc hoàn toàn.
Nhiều, có lẽ là đa phần, những con người vĩ đại trong lịch sử là những người tự học – những người mà hiến dâng cả bản thân mình cho việc tự học, hoặc là học thêm ngoài hoặc như là phần bổ sung cho việc học chính thức ở trường. Một ví dụ cực kỳ ấn tượng của tinh thần này đó là Louis L’ Amour – một trong những nhà văn viễn tưởng sáng tác nhiều nhất và nam tính nhất của nước Mỹ. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã hoàn thành một cách nhanh chóng hơn 120 tiểu thuyết ba xu lấy bối cảnh phương Tây cũng như nhiều bộ sưu tập thơ và truyện ngắn khác. Điều làm cho tất cả các câu chuyện của Louis L’Amour khác thường đó là ông gần như hoàn toàn tự học.
Vì sự nghèo khó của gia đình, L’Amour đã bỏ học khi ông 15 tuổi và dành 8 năm sau đó đi vòng quanh miền Tây Mỹ làm những công việc lặt vặt tại các trại nuôi ngựa, nông trang, xưởng cưa, và thậm chí là các khu mỏ. Để kiếm thêm tiền, L’Amour còn tham gia thi đấu quyền Anh tại các giải quyền Anh có thưởng trên khắp đất nước và nổi tiếng như là một đối thủ đáng gờm. Trong những năm tuổi 20, L’Amour làm việc cho một đội tàu buôn và đi khắp thế giới bằng tàu thủy.
Trong khoảng thời gian này, L’Amour đọc sách ngấu nghiến. Ngay khi đặt chân tới thị trấn mới, ông đã đến ngay thư viện địa phương. Nếu thư viện không ở xung quanh đó, ông sẽ bỏ ăn để có đủ tiền đặt sách từ catalog. Ông cũng chỉnh sửa các bản thảo của mình như là một nhà văn mới chớm nở, viết nguệch ngoạc lên những cuốn sổ tay rẻ tiền mà ông lúc nào cũng giữ kè kè bên mình.
Tất cả những trải nghiệm của ông khi đi ngao du, tất cả những cuốn sách ông đọc và tất cả những ghi chép của ông đã đặt nền tảng cho sự nghiệp thành công của ông sau này. Nhưng thậm chí sau khi đã trở thành một nhà văn có tiếng, mưu cầu học hỏi của ông vẫn tiếp tục và nó đã mang về cho ông những phần thưởng hết sức tuyệt vời. Ông là ví dụ hoàn hảo về một cuộc đời tươi sáng mà một người đã giành được khi anh ta cam kết trở thành một người học cả đời (a lifelong learner). Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về tinh thần tự học của L’Amour thì hãy đọc cuốn tiểu sử của ông “Education of a Wandering Man”, một cuốn sách đầy cảm hứng).
Nếu bạn muốn trở thành một người tốt nhất có thể, bạn cần phải nuôi dưỡng tư duy học tập cả đời. Dưới đây là lý do tại sao bạn phải làm như vậy và bằng cách nào bạn có thể đạt được nó.
Tại sao cần phải trở thành một người học cả đời (Lifelong Learning)?
“Cả cuộc đời của chúng ta là sự học – chúng ta không ngừng học hỏi, trong từng khoảnh khắc của thời gian, mọi nơi, dưới mọi hoàn cảnh, thứ gì đó được thêm vào vốn tri thức vốn có của chúng ta. Tâm trí luôn luôn làm việc một khi các chức năng của nó được khởi phát. Tất cả con người trên thế giới đều là những người học hỏi, cho dù bạn làm nghề gì, trong cung điện, túp lều, công viên và trên chiến trường. Đây đều là những điều luật đã được ấn định cho con người” – Edward Paxton Hood – tác giả của tác phẩm Self-Education: Twelve Chapters for Young Thinkers, 1852 (tạm dịch: Tự học: 12 chương cho những nhà tư tưởng trẻ, 1852).
Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Cách đây 50 hoặc 60 năm, bạn có thể hoàn thành đại học và có tất cả những học vấn cần thiết cho phần còn lại của sự nghiệp, nhưng trong thời đại hôm nay thì điều này không còn dễ dàng nữa. Các kỹ năng có lợi thế hơn hẳn cách đây 5 năm giờ đây có khả năng đã lỗi thời, và những công việc mà chúng ta sẽ thực hiện trong một hoặc hai thập kỷ tới thậm chí còn chưa xuất hiện. Nếu bạn muốn cạnh tranh được trong thị trường việc làm hiện nay và có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn thì bạn cần trở thành một người tự học.
Trở thành một người học cả đời không chỉ giúp bạn kiếm nhiều tiền khi đi làm công ăn lương mà chủ nghĩa tự học (autodidacticism) còn có thể là cửa ngõ cho việc tự làm chủ và bắt đầu việc kinh doanh của riêng bạn. Có vô số những ví dụ trong lịch sử về những con người nổi tiếng đã học cách tạo dựng sự nghiệp kinh doanh thịnh vượng mà không cần phải đến trường: Benjamin Franklin, Thomas Edison, Henry Ford và còn rất nhiều ví dụ khác. Vô số những người chủ kinh doanh không quá nổi tiếng trở nên thành công mà cũng không cần phải có bằng cấp, đơn giản bằng cách tự học những điều họ cần phải biết và không ngừng cải thiện.
Bạn sẽ trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Những người đã từng gặp Theodore Roosevelt (TR) luôn bị ấn tượng kinh khủng bởi khả năng làm chủ cuộc trò chuyện với bất kỳ ai về bất kỳ chủ đề nào của ông. Các nhà khoa học bị choáng ngợp bởi kiến thức của Roosevelt về những lý thuyết phức tạp; những người giao thiệp rộng yêu mến những ý nghĩ ngầm hiểu đầy hóm hỉnh của Roosevelt về tác phẩm mới nhất của Oscar Wilde; và những anh chàng cao bồi miền Tây ngưỡng mộ hiểu biết của “chàng công tử bột miền Đông” (ám chỉ Roosevelt) về cuộc sống hoang dã trên sa mạc. Làm thế nào mà Theodore Roosevelt lại có thể trở thành một con người đầy nhiệt huyết trong các cuộc trò chuyện và hấp dẫn đến như vậy? Câu trả lời chính là: Bằng cách phát triển khả năng đọc nhanh và sau đó là đọc ngấu nghiến từng cuốn sách như một chú sư tử đói đang tham dự một bữa tiệc thịt tươi.
Khi ở Nhà Trắng, ông cũng đọc một cuốn sách mỗi ngày trước bữa ăn. Nếu không phải làm bất cứ việc gì vào buổi tối, ông sẽ đọc nhiều hơn hai hoặc ba cuốn sách, cộng thêm tạp chí và báo mà ông cảm thấy thích thú. Dựa trên các đánh giá cá nhân, Roosevelt đã đọc được 10 nghìn cuốn sách trong suốt cuộc đời, bao gồm cả hàng trăm cuốn sách nước ngoài. Nhờ đó, ông có thể kết nối với bất cứ ai, từ mọi tầng lớp trong xã hội, về bất cứ thứ gì mà thực sự cuốn hút người khác.
Bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hơn. Có thể kết nối với những người khác không chỉ làm bạn trở nên thú vị hơn, nó cũng giúp bạn tăng khả năng gây ảnh hưởng. Nền tảng kiến thức của bạn càng lớn thì bạn càng có thể hiểu rõ được giá trị, phong cách, quan điểm của những người khác, và nắm trong tay kho giải pháp khổng lồ để giải quyết các vấn đề và vượt qua thử thách.
Bạn sẽ trở nên độc lập và khéo léo. Một thứ mà tôi ngưỡng mộ ông của mình khi lớn lên đó là tất cả những điều thú vị mà ông biết. Ông không ngừng cải thiện và dường như rằng ông biết mọi thứ về tất cả mọi thứ. Cách săn thú, cách đóng móng ngựa, cách làm vườn (ông đã trồng nho), cách làm ra những chiếc bánh pancake ngon tuyệt. Thậm chí sau khi nghỉ hưu, ông của tôi vẫn tiếp tục học những thứ mới mẻ và thu lượm được những kỹ năng mới. Chẳng hạn, ông học được cách khôi phục những chiếc xe ngựa và máy phát đĩa than cổ. Thực tế, ông thực sự rất xuất sắc về chúng, và ông bắt đầu nhận sửa chữa những chiếc máy phát đĩa than như là một công việc kinh doanh phụ nhỏ của mình.
Nhờ các kỹ năng rất đa dạng, khi có thứ gì đó hỏng hoặc cần hoàn thành việc gì, ông có thể tự làm một mình. Ông không cần phải nhờ hay thuê chuyên gia làm giúp ông. Nếu không biết cách làm, ông sẽ đi tới thư viện, đọc vài cuốn sách liên quan và tự tìm cách giải quyết.
Học cả đời giúp bộ não của bạn khỏe mạnh. Henry Ford đã từng nói rằng: “Bất cứ ai dừng học cũng đều già cỗi, dù là đang 20 tuổi hay 80 tuổi. Bất cứ ai không ngừng học vẫn luôn trẻ. Thứ tuyệt vời nhất trong cuộc đời đó là giữ cho tâm trí của bạn trẻ trung”. Gần 100 năm sau đó, khoa học đã hợp pháp hóa câu nói châm biếm của Henry Ford. Margie E. Lachman, nhà tâm lý học tại Đại học Brandeis chuyên gia về lão hóa nói rằng “học tập dường như là thuốc tiên mà có thể mang đến cho chúng ta một cơ thể và tâm trí khỏe mạnh trong suốt tuổi trưởng thành và thậm chí là sống lâu hơn”. Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng một người già càng học tập nhiều – cho dù học ở trường hay học dưới bất cứ hình thức nào khác – thì họ càng làm các bài test về nhận thức tốt hơn những người cùng tuổi mà ít hoặc dừng học.
Học hỏi những thứ mới mẻ cũng giúp ngăn chặn các triệu chứng phiền não do tuổi già như chứng mất trí và Alzheimer. Một nghiên cứu chỉ ra những người già mà giữ cho ý thức của họ chủ động và tò mò về thế giới xung quanh thì có khả năng phát triển chứng mất trí và Alzheimer ít hơn 2,6 lần so với những người mà “bỏ hoang” tâm trí của họ.
Bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống. Trong cuốn sách Động lực chèo lái hành vi, tác giả Dan Pink đã tranh luận rằng chúng ta cần 3 thứ để cảm thấy động lực và hài lòng với cuộc sống, đó là: sự tự quản, sự tinh thông và mục đích. Trở thành một người học cả đời sẽ giúp chúng ta đạt được 3 nhu cầu về mặt tâm lý này.
Khi bạn là một người tự học, bạn – chứ không phải là bố mẹ, thầy giáo hay ông chủ của bạn – ra quyết định việc bạn sẽ học cái gì. Thay vì trở thành một người tiêu thụ kiến thức bị động, bạn chủ động lựa chọn cái bạn muốn học. Hay nói cách khác, bạn là một người độc lập. Khi học được những kỹ năng mới, bạn tận hưởng cảm xúc tích cực đi kèm với sự thành thạo. Và bạn sẽ tìm thấy chính mình với một cảm giác tươi mới về mục đích sống khi bạn thiết lập các mục tiêu cho việc tự học của bạn.
Sự hài lòng đi kèm với việc học cả đời không dừng lại ở đó. Bạn càng biết nhiều về thế giới thì bạn càng muốn đắm chìm trong nó, và bạn càng có thể trải qua nhiều cấp độ của sự hiểu biết hơn. Cho dù đang đi du lịch, trò chuyện, tới thăm bảo tàng, xem phim hay đọc sách, thư viện kiến thức của bạn cũng sẽ giúp bạn tạo các kết nối mà bạn sẽ không bao giờ nhận được bằng bất cứ cách nào khác. Càng học, bạn càng nhận ra rằng có bao nhiêu điều ý nghĩa và kiến thức mà bạn đã bỏ lỡ bởi vì tác giả/diễn giả đơn giản coi kiến thức cơ bản đó, sự thành thạo trong hiểu biết về văn hóa đó như là điều hiển nhiên mà không đào sâu khai thác.
Bạn sẽ là “con người” hơn. Giống như Robert Heinlein đã từng nói một câu rất nổi tiếng: “Một con người nên biết thay tã lót, lên kế hoạch xâm chiếm, mổ lợn, lái tàu, thiết kế một tòa nhà, viết một bài thơ sonnet, cân bằng tài khoản, xây một bức tường, nắn xương, an ủi người đã khuất, đặt hàng, nhận hàng, tương tác, làm việc một mình, giải phương trình, phân tích vấn đề mới, dọn phân, lập trình máy tính, nấu một bữa ăn ngon, chiến đấu hết sức, dũng cảm đón nhận cái chết. Sự chuyên môn hóa chỉ dành cho côn trùng mà thôi”.
Những rào cản nhận thức phổ biến ngăn cản bạn trở thành một người học cả đời
Mọi người thường đưa ra cùng một lời bào chữa về việc từ chối trách nhiệm học tập cả đời, thay vào đó là lựa chọn một cuộc sống chỉ toàn lướt Internet và xem TV một cách không suy xét.
Thời gian: Tôi hiểu. Bạn bận rộn. Tôi chắc rằng thật khó để tưởng tượng việc tự học chỉ trong một thời gian ngắn ngủi khi ngày của bạn đã bị lấp đầy bởi công việc và gia đình. Nhưng vấn đề ở đây là: Vì là một người học cả đời nên bạn không có deadline cho việc học. Bạn có thể dành bao nhiêu thời gian bạn muốn cho việc học và sắp xếp để phù hợp với bất cứ lúc nào bạn thích. Do vậy, bạn không cần dành hàng giờ mỗi ngày để đọc sách hay luyện tập. Thi thoảng chỉ 30 phút thực hiện rồi duy trì dần theo năm tháng là được. Hơn nữa, từ trải nghiệm của tôi, khi tôi ý thức đưa việc học lên làm ưu tiên, thành ra tôi lại có thể sắp xếp thời gian cho nó (nghĩa là trước đây tôi thường lãng phí thời gian làm những việc khác).
Có rất nhiều những lúc rảnh rỗi mà bạn có thể biến thành cơ hội học tập. Nghe audio book khi đang đi bộ thay vì nghe những bản nhạc hit những năm 89, 90 hay nhạc thị trường. Mang một cuốn sách hay để đọc khi bạn đang chờ gặp bác sĩ thay vì thẫn thờ giở từng trang tạp chí Sports Illustrated (một tạp chí thể thao với rất nhiều siêu mẫu nóng bỏng) đã phát hành 2 năm trước.
Tiền bạc: Rào cản này chỉ tồn tại nếu bạn nghĩ tới việc mình cần phải tham gia các lớp học để học thứ gì đó. Bạn không cần. Nhờ những khả năng phi thường của Internet, bạn có thể học bất cứ thứ gì (và thậm chí là các lớp học cấp đại học) tại nơi bạn muốn, hoàn toàn miễn phí.
Thông tin: Giống với tiền bạc, rào cản này cũng không còn tồn tại nữa nhờ có Internet. Có lẽ có một vài kỹ năng sẽ cần sự hướng dẫn trực tiếp đặc biệt nhưng tìm kiếm những người như vậy cũng dễ dàng hơn nhiều nhờ web.
Vị trí: Điều này chỉ là vấn đề nếu bạn nghĩ bạn cần tham gia một lớp học truyền thống. Bạn cũng không cần. Bạn có thể học ở nhà, trên xe hoặc trong garage. Cứ cho là có vài tình huống bạn sẽ cần một nơi nào đó để học kỹ năng mới đi (chẳng hạn, bạn không thể học cách trượt tuyết ở Oklahoma) thì những tình huống đó cũng chỉ là ngoại lệ chứ không phải là quy luật.
Làm thế nào để trở thành một người học cả đời?
Nuôi dưỡng tư duy tăng trưởng (Growth Mindset): Một thứ mà có lẽ sẽ ngăn bạn học hỏi những thứ mới mẻ đó chính là niềm tin rằng bạn không thể học những điều mới. Nhưng khoa học thần kinh và tâm lý học đã chỉ ra điều này sai lầm. Bộ não của chúng ta duy trì sự mềm dẻo và dễ uốn nắn cho tới tuổi già, và nó có thể tạo ra những kết nối mới giữa các neuron và học hỏi những điều mới mẻ thậm chí khi bạn đã 80 tuổi.
Để trở thành một người học cả đời hiệu quả, bạn cần nuôi dưỡng tư duy phù hợp với cách bộ não của chúng ta thực sự vận hành. Chuyên gia tâm lý học Carol Dweck đến từ đại học Stanford đã khám phá ra rằng mọi người có một trong hai “cách tư duy”: cố định (Fixed) hoặc tăng trưởng (Growth). Những người có tư duy cố định tin rằng trí thông minh và tài năng của họ là bẩm sinh và cố định. Họ không nghĩ rằng họ có thể cải thiện nhờ làm việc và nỗ lực. Những người với tư duy tăng trưởng thì tin rằng họ có thể cải thiện chính họ thông qua làm việc và luyện tập. Bạn muốn nuôi dưỡng tư duy tăng trưởng. Làm thế nào bạn làm được? Dưới đây là một vài thứ mà Dweck đề nghị:
- Đọc các nghiên cứu mà chỉ ra rằng tăng trưởng và cải thiện là có thể.
- Phát triển khả năng co giãn của bạn.
- Thử những điều mới mẻ.
- Đọc và chắt lọc các bài học từ những người khác với tư duy tăng trưởng.
Thay đổi suy nghĩ của bạn về việc học. Học không có nghĩa là phải đến một môi trường nào đó có bàn ghế đầy đủ. Thực tế, đa phần những thứ hữu ích bạn biết đều có thể thu lượm một cách dễ dàng từ gia đình, bạn bè và những chiến lược thử sai (trial and error) quen thuộc. Để trở thành một người học cả đời, hãy loại bỏ ý nghĩ rằng bạn cần đăng ký một lớp học trực tiếp để thực sự học điều gì đó. Các cơ hội học hỏi ở khắp mọi nơi. Giờ đây, việc học không bị dừng lại ở những gì bạn tìm thấy trong sách vở – giành lấy những kỹ năng thực tế cũng là một phần lớn của việc học.
Đặt ra mục tiêu. Bạn muốn học điều gì? Khi nào bạn muốn học? Mỗi năm, hãy đặt ra mục tiêu cho chính bạn về những kỹ năng và kiến thức mà bạn muốn đạt được. Tôi thường đặt ra 2 mục tiêu học tập cho bản thân mình mỗi năm. Chẳng hạn, năm nay, mục tiêu học của tôi là (1) học cách tạo ra một video hấp dẫn cho website Artofmanliness, (2) học cách điều khiển súng ngắn trong những tình huống cần tự vệ, và (3) học cách săn bắt và làm thịt một chú nai.
Ngoài những mục tiêu lớn này, tôi luôn đặt ra mục tiêu học thứ gì đó mới mẻ mỗi ngày cho dù bằng việc đọc hay trò chuyện với những người khác. Để đảm bảo có thứ gì đó để nói vào giờ ăn tối (ngoài blog), Kate (vợ của tôi) và tôi luôn chơi trò chơi có tên “Bạn học được điều gì hôm nay?” (Thực sự, ý của chúng tôi là, “có câu chuyện nào kể cho anh/em không?”, hay đúng hơn là “Anh/Em có đọc hay nghe bất cứ điều gì thú vị hôm nay không?”). Mỗi ngày, cả hai chúng tôi cố gắng học hỏi lẫn nhau điều gì đó mới mẻ vào bữa tối.
Đây cũng có thể coi là cách tạo động lực đọc cho bản thân bạn. Chẳng hạn, nhân viên mới của chúng tôi Jeremy đã đạt được mục tiêu đọc tất cả 100 cuốn sách trong danh sách “100 cuốn sách đàn ông phải đọc” trong 100 tháng, khoảng hơn 8 năm. Không cần phải vội vã! Jeremy muốn đảm bảo mục tiêu của anh kiểm soát được và vẫn có thể đọc được những thứ khác. Một cuốn sách mỗi tháng từ danh sách này là một giải pháp hoàn hảo.
Tìm kiếm nguồn: Một khi đã đặt ra mục tiêu học tập, đã đến lúc cần tập hợp các nguồn. Bạn có thể tìm kiếm nhanh trên Google để xem liệu thông tin có sẵn trên Internet. Sau đó, đến thư viện – tôi dường như luôn tìm thấy những ý tưởng sâu hơn và tốt hơn trong các cuốn sách thay vì các bài báo trên mạng. Nếu đó là một kỹ năng mà sẽ cần đến sự hướng dẫn đặc biệt, hãy tạo một danh sách những nơi hoặc các cá nhân mà bạn có thể yêu cầu sự giúp đỡ.
Đặt câu hỏi: Cách học hiệu quả đòi hỏi sự tham gia chủ động. Bạn không thể chỉ bị động hấp thụ thông tin. Trong khi bạn đọc và nói chuyện cùng các chuyên gia, hãy đặt câu hỏi. Đừng lo lắng về việc bạn sẽ trông như thế nào hay giống như một kẻ ngốc. Tốt nhất là kiềm chế lòng tự ái của bạn lại.
Tìm kiếm một nhóm để học: Mặc dù nhiều mục tiêu học tập có thể đạt được một mình nhưng đôi khi có một nhóm học cùng sẽ tốt hơn. Người bạn học cùng có thể mang đến cho bạn những tài nguyên và ý tưởng mà bạn sẽ không bao giờ nghĩ tới. Hơn nữa, bằng cách học nhóm, bạn cũng thường sẽ nhận được những góp ý mang tính xây dựng mà bạn sẽ không bao giờ nhận được nếu học một mình. Như là một phần thưởng thêm vào, học cùng bạn bè cũng rất thú vị.
Để tìm được một nhóm bạn học cùng, hãy bắt đầu với những người mà bạn biết. Có lẽ, bạn có một vài người bạn muốn học thứ gì đó giống bạn. Hãy bắt đầu thảo luận hàng tuần hoặc luyện tập theo từng giai đoạn với họ. Nếu không thể tìm thấy bất cứ ai có cùng mục tiêu học tập thì hãy thử truy cập vào trang MeetUp để tìm kiếm. Mặc dù không thể cung cấp những tương tác trực tiếp như học theo nhóm tại một địa điểm cụ thể nhưng các cộng đồng online cũng sẽ là một môi trường học tập tuyệt vời nếu bạn biết kiểm soát.
Luyện tập, luyện tập, luyện tập: Đừng chỉ đọc hay nghe để thu nạp kiến thức. Hãy cố gắng tìm kiếm cách nào đó để vận dụng kiến thức vào thực tế. Nếu đang học về nghệ thuật, hãy tới thăm bảo tàng và cố gắng nhận dạng những bức tranh nào thuộc thời kỳ lãng mạn. Nếu đang học về cách sinh tồn hoang dã (wilderness survival), hãy đi ra ngoài thế giới hoang dã mỗi tháng một lần và áp dụng những kỹ năng đã học vào thực tế. Nếu đang học code, hãy code.
Dạy cho người khác điều bạn học được: Một trong những cuốn sách được yêu thích nhất mọi thời đại của tôi là cuốn 7 thói quen của những người thành đạt của Stephen Covey. Một trong những kỹ năng mà Covey đã đề cập trong cuốn sách là thực sự học thứ gì đó mà bạn cần phải dạy lại nó. Theo Covey, khi chúng ta dạy, chúng ta thực sự có động lực để học hỏi bởi vì chúng ta muốn đảm bảo những gì mình dạy cho người khác chính xác hơn. Dạy cũng thúc đẩy chúng ta nhìn nhận vấn đề với tư duy của một người mới bắt đầu, giúp chúng ta hiểu rõ hơn và có được insight (sự thật ngầm hiểu) mà chúng ta đang thiếu. Hơn nữa, đơn giản là nói chuyện to với một người cũng sẽ giúp củng cố ý tưởng của chúng ta thông qua “hiệu ứng sản xuất” (production effect – hiệu ứng này chỉ ra sự khác biệt trong khả năng ghi nhớ giữa việc đọc to và đọc thầm trong khi học).
Khi bạn học thứ gì đó mới mẻ, hãy dạy lại nó cho người khác. Viết blog là cách tuyệt vời để dạy lại cho người khác điều bạn đã học. Nhiều kỹ năng tôi đạt được trong 5 năm trước cũng xuất phát từ việc viết lách. Khi tôi viết “How to Change the Oil in Your Car” (Cách thay dầu cho xe hơi), tôi đã được bác của Kate dạy lại cho cách làm như thế nào, khi tôi viết “How to Throw a Knife” (Cách phóng dao), tôi đã đi và dành cả ngày tại trang trại của một người bạn; và khi Kate và tôi viết series về lịch sử của danh dự (History of Honor), chúng tôi đã đọc hàng tá sách và bài báo khoa học về vấn đề này.
Kiểm tra chính bạn: Việc nhận được feedback trong khi học là điều rất quan trọng, và kiểm tra là cách tốt nhất để làm nó. Là một người tự học, bạn sẽ không thể tham dự các bài test chính thức nên bạn cần tự tạo bài test cho chính mình. Cách bạn test chính bạn sẽ phụ thuộc vào kỹ năng và kiến thức mà bạn cố gắng đạt được. Nếu bạn học tiếng Anh, bài test của bạn có thể là đến một nơi nào đó có nhiều người nói tiếng Anh qua lại và bắt chuyện với họ.
Các nguồn để học cả đời:
Như tôi đã đề cập ở trên, có vô số nguồn miễn phí trên mạng để bạn học mỗi ngày. Dưới đây là một vài nguồn tuyệt vời nhất:
- Blinkist: Blinkist giống như website SparkNotes cho các cuốn sách phi hư cấu (non-fiction). Từ kinh doanh, cho đến triết học, lịch sử và nhiều hơn nữa, Blinkist cho phép bạn đọc mô tả các cuốn sách mà có thể lĩnh hội trong 15 phút!
- Coursera: Coursera hợp tác với các trường đại học hàng đầu trên khắp thế giới để cung cấp các lớp học trực tuyến miễn phí. Bạn có thể tham dự các lớp học thuộc nhiều lĩnh vực như khoa học máy tính, tâm lý hay toán học…
- OpenStudy: OpenStudy là một mạng lưới học tập xã hội cho phép bạn kết nối với các cá nhân khác có cùng mục tiêu học tập giống bạn.
- Khan Academy: Tôi cực kỳ yêu thích Khan Academy. Bạn có thể tìm thấy hơn 4.000 video bao trùm nhiều chủ đề từ đại số cho tới tài chính, lịch sử.
- Duolingo: Website miễn phí để học tiếng nước ngoài.
- Code Academy: Học code miễn phí với các bài tập có tính tương tác.
- edX: Đại học Harvard và MIT đã hợp tác cùng nhau để tạo ra những khóa học trực tuyến miễn phí, tương tác. Bạn có thể tìm thấy các khóa học về mọi chủ đề.
- Udacity: Udacity giống với Coursera và edX. Các lớp học bậc đại học miễn phí.
- CreativeLive: Tôi mới phát hiện ra CreativeLive cách đây vài tuần. Đây là một ý tưởng rất thú vị. Bạn có thể theo dõi live stream của các khóa học đang được dạy miễn phí, nhưng nếu muốn theo dõi khóa học bất cứ lúc nào bạn muốn thì bạn phải trả phí. Các khóa học tập trung nhiều vào các chủ đề kinh doanh và sáng tạo như videography và online marketing.
- TED: TED chứa đựng rất nhiều bài diễn thuyết và bài giảng không chỉ của các giáo sư mà còn của những con người thú vị từ khắp nơi trên thế giới và từ nhiều tầng lớp khác nhau. TED Talks còn hơn cả những bài giảng học thuật, thường khá hài hước và tập trung vào những chủ đề và ý tưởng thú vị. Dưới 20 phút cho mỗi bài nói chuyện nên chúng rất tuyệt vời cho những ai có khoảng chú ý ngắn hạn (short attention span).
- iTunes U: iTunes U cho phép bạn tải xuống hàng ngàn bài giảng miễn phí dưới dạng podcast của các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Disclaimer: Bài viết có điều chỉnh một số chỗ để giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được thông điệp của tác giả.
Thanks bạn.
Bài dịch rất dài nhưng mà rất thú vị. Cảm ơn bạn Vân Anh nhiều nghen! <3
Cảm ơn Yến Nhi nhiều nhé.
Rất hay. Cảm ơn Vân Anh nhé. Cần có 1 lộ trình rõ ràng là cái mình nên làm lúc này.
Cảm ơn bạn nhiều nha.
Cám ơn bạn nhiều nhé.
😍😍😍
Cảm ơn bạn nhiều. Bài viết có nhiều ý nghĩa với mình.
sanliurfa digiturk telefon numarasi ile en uygun digiturk paketinden sizde yararlanin.
digitürk adana servis