Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Why Are You Still Chasing More Money?.
—
Tiền bạc không làm bạn hạnh phúc. Tuy nhiên là chúng ta cần nó để sống. Vậy thì chúng ta làm gì? Cố gắng hết sức để kiếm thật nhiều tiền sao? Hay, hài lòng với những gì chúng ta đang có?
Vấn đề là cả hai lựa chọn đều đi kèm với cái giá rất cao.
Tất cả chúng ta đều nghe đến một nghiên cứu nói rằng bạn sẽ không hạnh phúc hơn nếu bạn kiếm được nhiều hơn $75K hay một vài con số kỳ diệu khác.
Cho tới bây giờ, hẳn ai cũng nghe đến nó. Nhưng nó không hề tạo ra một chút tác động nào tới cách mà chúng ta sống.
Ít nhất, những phát hiện đó không bao giờ thay đổi được cách mà tôi theo đuổi tiền bạc trong cuộc đời. Và cũng chẳng thay đổi bất cứ ai mà cá nhân tôi biết.
Vấn đề với những người trung bình đó là họ là những người trung bình. Tuy nhiên, các tác giả thiếu suy xét vẫn tiếp tục trích dẫn nghiên cứu trên cho rằng tiền bạc không làm bạn hạnh phúc.
“Tiền bạc không mua được hạnh phúc.” (Money doesn’t buy happiness). Tìm kiếm cụm từ này trên Google, bạn sẽ nhận được 69,200,000 kết quả.
Tôi phải thừa nhận tôi đã nói quá nhiều thứ kiểu như “Tiền bạc không làm bạn hạnh phúc bởi vì một nghiên cứu đã nói vậy.” Nhưng không một ai có thể gắn kết với những con số này mà thiếu đi một câu chuyện riêng tư.
Bài học rút ra từ thử thách
Một thời gian ở cuối tuổi thiếu niên hoặc là đầu những năm 20 tuổi gì đó, tôi đã nghĩ trong đầu mình cần phải trở thành một triệu phú để thành công. Tôi đã nghĩ làm sao mà mình lại bắt gặp ý tưởng này, nhưng không thể nhớ chính xác ai là người đầu tiên nói nó.
Tôi đoán chắc là nó có liên quan đến văn hóa đại chúng, lòng tham, sự phù phiếm và áp lực từ bạn bè.
Tất cả chúng đều là những lý do sai lầm dẫn tới một người có thể làm bất cứ điều gì trong đời. Nhưng tôi cũng có những động lực đúng đắn để kiếm tiền. Sinh ra trong một gia đình nhập cư, chúng tôi không có nhiều tiền để trang trải cuộc sống. Bố mẹ tôi cố hết sức để chu cấp cho tôi và anh trai. Bố mẹ nợ rất nhiều tiền.
Tôi luôn muốn giúp đỡ bố mẹ. Đó là sự thúc bách tự nhiên đối với nhiều người khi lớn lên trong những gia đình thiếu thốn.
Động lực ấy cũng thúc giục tôi phải nỗ lực hết sức ở trường. Tôi không phải là đứa trẻ thông minh nhất. Tôi chỉ cố gắng học chăm chỉ. Nhờ vậy, tôi đã vào được một trường đại học tốt. Với sự hỗ trợ của bố mẹ, tôi trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng thạc sĩ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tâm trí của tôi dồn vào tiền. Tôi thậm chí còn mất cơ hội làm việc cho một doanh nhân rất thành công bởi vì tôi đã đòi hỏi mức lương quá cao. Nhưng điều đó không ngăn tôi khỏi việc lao vào kiếm tiền càng nhiều càng tốt.
Tôi bắt đầu kinh doanh và chúng tôi đạt 1 triệu USD doanh thu trong năm thứ 2. Tôi trả lương cho chính mình $40K mỗi năm, và sống dư dả. Nhìn lại, thật là tuyệt vời khi có được con số này dù chỉ mới 25 tuổi. Nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ với tôi.
Tôi nói CÓ với mọi cơ hội và cảm thấy bản thân mình đang theo đuổi tiền bạc một cách mù quáng. Sau khi làm điều này trong gần như 4 năm liền, tôi nhận ra nó thật trống rỗng.
Tiền bạc kéo theo những vấn đề lớn hơn
Tôi đã nghĩ càng có nhiều tiền là câu trả lời của tất cả mọi thứ. “Chỉ cần kiếm được nhiều tiền hơn… thì khi đó, tất cả những vấn đề này sẽ biến mất.”
Nhưng không phải vậy. Một trong những cố vấn của tôi, người mà rất giàu có, đã từng nói với tôi rằng:
Càng kiếm được nhiều tiền thì vấn đề của bạn càng lớn.
Ý ông là tiền sẽ khiến tôi phải trả giá. Bạn càng đầu tư nhiều hơn thì bạn càng mất nhiều hơn. Điều này cũng đúng với việc mở một công ty. Khi công ty lớn dần lên thì càng nhiều vấn đề và trách nhiệm mà bạn phải gánh chịu.
Cuộc sống không hề dễ dàng. Bất kể bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa.
Bạn cần ít hơn bạn nghĩ
Quay trở lại thời gian khi tôi đang theo đuổi tiền bạc. Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng và làm việc cho tới khi tôi đi ngủ. Tâm trạng tôi lúc nào cũng tồi tệ. Khó chịu với bạn gái. Không có thời gian để gặp những người bạn của tôi. Thực tế, tôi chẳng có thời gian để tận hưởng bất cứ điều gì.
Câu chuyện của tôi không phải là duy nhất. Thực tế, những câu chuyện về những người thuộc kiểu “Tôi theo đuổi tiền bạc” trở nên phổ biến hơn những câu chuyện về những người mà thực sự giàu có.
Bởi vì khi một nhà khoa học nói “Tiền bạc không làm bạn hạnh phúc?”, nghe chẳng liên quan lắm.
Nhưng khi một người giàu nói thế thì lại khác!
Đúng không? Khi một triệu phú nói với bạn rằng tiền bạc không làm bạn hạnh phúc, thì có lẽ ai cũng đều nghĩ giống nhau, như thế này:
“Giàu rồi nói gì chẳng được.”
Đó là lý do tại sao tôi ở đây – một người bình thường – để chia sẻ với bạn về cùng một thứ. Đừng theo đuổi tiền bạc. Thậm chí khi bạn nghĩ nó mang đến cho bạn sự tự do. Nếu giàu có khiến bạn sống trong một nhà tù cảm xúc, thì nó không đáng giá.
Bạn luôn cần ít hơn bạn nghĩ. Khi tôi không hạnh phúc với sự nghiệp được trả lương hậu hĩnh, tôi sẽ lùi lại một bước. Thật sự như vậy.
Thay vì rời xa gia đình, tôi tiến lại gần hơn và giúp đỡ họ theo nhiều cách khác. Không chỉ về mặt tài chính mà còn về mặt cảm xúc bằng cách đơn giản là hiện diện bên họ.
Và bây giờ, tôi đang làm điều tôi yêu thích, tôi kiếm sống bằng nghề viết blog và dạy trực tuyến. Và bạn biết không, tôi thậm chí còn không cần nhiều tiền để sống một cuộc sống tốt đẹp.
Đây cũng là một trong những thông điệp chính của cuốn sách Your Money or Your Life được viết bởi hai tác giả Vicki Robin và Joe Dominguez, một trong những cuốn sách yêu thích của tôi về chủ đề tài chính cá nhân. Các tác giả đã so sánh hai vấn đề này (tiền bạc và cuộc sống) với một quan điểm rất rõ ràng và chính xác.
Chẳng hạn, họ minh họa bao nhiêu số tiền mà bạn tiêu xài cho những thứ liên quan đến công việc. Nếu bạn phải chuyển đến một thành phố đắt đỏ để làm một công việc thì chi phí sinh hoạt và đi lại cũng cao hơn nhiều.
Thêm vào đó, bao nhiêu tiền bạn tiêu xài cho quần áo mặc đi làm? Mua suit, váy, giày? Nếu làm việc ở một thành phố khác thì có lẽ bạn sẽ không cần dùng tiền để đầu tư cho những thứ này.
Trong cuốn sách trên, hai tác giả cũng vẽ ra một kế hoạch giúp bạn đạt được sự tự do tài chính. Nó rất thú vị và thực tế. Nhưng trước khi cần kế hoạch này, bạn cần một thứ khác.
Đầu tiên, hãy tự do về mặt cảm xúc
Có thể tôi vừa đưa ra một câu nói sáo rỗng. Không đời nào tôi kỳ vọng bạn thay đổi góc nhìn cuộc sống của bạn sau khi đọc đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, tôi rất hy vọng bạn quyết định cố gắng để có được sự tự do về mặt cảm xúc trước tiên – chứ không chỉ là tích lũy thật nhiều tiền.
Vâng, tiền mua được tự do, nhưng bạn không cần nhiều tiền để có được sự tự do đó. Hãy nhớ rằng: Nhiều tiền, nhiều vấn đề.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải thật mạnh mẽ về mặt cảm xúc. Chúng ta không thể mất kiểm soát ngay khi mới đối mặt với vấn đề được.
Chúng ta buộc phải mạnh mẽ và có khả năng đương đầu với căng thẳng. Với tôi, đấy là bước đầu tiên hướng tới đạt được hạnh phúc và tự do trong cuộc sống.
Tôi không sợ tương lai sẽ mang đến điều gì. Đó là bởi vì hai thứ:
- Giờ đây, tôi mạnh mẽ về mặt tinh thần và thể chất nhờ đã trải qua nhiều năm liên tục bị căng thẳng về tâm trí và thể chất. Đó là cách mà tôi xây dựng sức mạnh.
- Tôi không nợ ai cả, có tiền tiết kiệm và tự kinh doanh. Thêm vào đó, tôi không quan tâm tới danh tiếng, nên tôi không phải lý luận với ai cả. Tôi có những tiêu chuẩn đạo đức của riêng tôi.
Bạn thấy đấy, chủ đề về tiền bạc và hạnh phúc được bàn tán rất nhiều. Và mỗi một lựa chọn bạn làm trong cuộc sống đều có tác động đáng kể tới chất lượng cuộc sống của bạn. Đi kèm với mỗi hành động là một phản ứng.
- Bạn đang làm một công việc mà khiến bạn liên tục sợ bị mất danh dự? Nếu có, bạn không tự do.
- Bạn có phải vay mượn để mua xe? Nếu có, bạn không tự do.
Nhưng đấy chưa phải là ngày tận thế. Tôi đã từng mắc nợ. Tôi đã từng cảm thấy bị giam cầm khi làm việc trong các công ty chỉ chăm chăm hướng vào tiền bạc. Tôi bước ra. Tôi không phải là người duy nhất làm vậy.
Làm được thế cần sự cam kết và một kế hoạch.
Tự do không phải là điều tình cờ.
Nó là một chiến thuật chủ động đòi hỏi sự chăm chỉ, cố gắng, suy nghĩ và lên kế hoạch. Tôi khuyến khích bạn dồn tâm huyết cho nó. Tôi cũng sẽ làm thế. Bởi vì trong cuộc chơi này, bạn không bao giờ được phép tự cho bất cứ điều gì đó nghiễm nhiên thuộc về mình. Bạn phải sẵn sàng để bắt đầu mọi thứ một lần nữa.
Nhờ suy nghĩ như vậy, tôi chẳng có gì phải lo lắng cả.
Thank for sharing!
Hiện tại mình cũng đang tự học cách quản lý tài cá nhân vì mình thấy bản thân chưa quản lý tốt cho lắm. Bài viết này cũng giúp mình có thêm một góc nhìn để bổ sung kiến thức nữa 😀
Cám ơn Nhàn nhé.