Tối hôm nay lúc lướt LinkedIn mình đọc được chia sẻ cực kỳ hay của Dave Gerhardt, một chuyên gia về marketing rất nổi tiếng trên cộng đồng B2B marketing. Bạn nào đang làm marketing tại các startup về công nghệ thì nên follow Dave để học hỏi.
Chia sẻ dưới đây của Dave nói về việc tại sao bạn nên suy nghĩ một cách thông thoáng khi quyết định nghỉ việc tại một công ty bạn đã gắn bó lâu dài để chuyển sang một công ty bạn mơ ước?
Tại sao bạn cần chủ động xây dựng bộ kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân và luôn trong trạng thái “sẵn sàng” cho bất cứ cơ hội nào tốt hơn đến?
Tại sao bạn không nên “quá màu hồng” về công ty, cho rằng nó “đã quá tốt đẹp” và bạn sẽ không bao giờ có thể rời bỏ được nó? Rằng bạn “yêu” nó tới mức khi chuyển sang một công ty khác, bạn không thể hòa nhập được, sẽ mất đi những đồng nghiệp mà bạn gọi là gia đình ở công ty hiện tại? Và rằng vì thế nên công ty cũng không thể “đánh mất” bạn?
Tại sao bạn không nên quá cảm xúc khi sếp quyết định cho bạn nghỉ, không phải vì họ ghét bạn, không phải vì bạn làm không tốt mà vì lý do công ty không thể đủ khả năng để giữ bạn được nữa?
Và rất nhiều những điều khác bạn có thể chiêm nghiệm ra sau khi đọc chia sẻ này. Hãy cùng uống một tách trà và nghiền ngẫm nhé.
Công ty của bạn không phải là bạn bè của bạn.
Công ty của bạn không phải là gia đình của bạn.
Hãy hỏi bất kỳ ai ở Twilio. Hoặc Shopify. Hoặc Netflix. Hoặc Twitter. Hoặc Patreon. Hoặc Hopin. Hoặc bất kỳ công ty nào đã sa thải nhân sự trong năm qua.
Có khó để sa thải những nhân viên đó không? Đó có phải là một quyết định đầy cảm xúc? Chắc chắn rồi. Nhưng đó là một quyết định kinh doanh. Và họ sẽ làm lại 10/10 lần tương tự nếu vẫn phải như vậy.
Chúng ta đã lãng mạn hoá công nghệ và các startup cũng như văn hoá tại các công ty đó.
Nhưng hầu như sẽ dễ dàng hơn nếu bạn đưa nó quay trở về với thực tế: một doanh nghiệp. Bạn là một con số trong một mô hình tài chính. Chính xác như vậy. Ngay cả với tư cách là “người làm việc tốt nhất” hay là một nhân viên mới đóng vai trò quan trọng trong quý trước hay là một nhân viên đã gắn bó thân thiết từ những ngày đầu khi mà ai trong công ty cũng là bạn bè với nhau và cùng rủ nhau đi ăn trưa.
Bạn phải nhìn thấy bản chất của nó — công ty của bạn không phải là bạn bè của bạn. Công ty của bạn không phải là gia đình của bạn. Công ty của bạn là một doanh nghiệp và mục đích của một doanh nghiệp là tạo ra khách hàng và doanh thu. Cho dù văn hoá khởi nghiệp đã khiến chúng ta muốn quên đi điều đó bởi vì những câu chuyện về các trải nghiệm thay đổi cuộc đời…
Nó là công việc. Nó là kinh doanh.
Đây là lý do tại sao bạn phải hành động như là chủ một doanh nghiệp CHỈ CÓ MỘT NHÂN VIÊN. Công ty của chính bạn.
Chắc chắn là rất khó khăn và đầy cảm xúc khi một công ty quyết định cho bạn nghỉ việc, nhưng họ vẫn phải làm điều đó đúng không?
Thế nên, hãy nhìn xung quanh. Phỏng vấn. Ứng tuyển các công việc. Luôn luôn tìm kiếm và khám phá các cơ hội. Ngay cả khi làm chúng một cách thụ động. Bởi vì điều gì sẽ xảy ra nếu một cơ hội tuyệt vời đến khi bạn có thể có thu nhập tốt hơn 30% tại một công ty mới? Nói với sếp và cả công ty mà bạn “yêu mến” cực kỳ nhiều là một quyết định khó khăn và xúc động đúng không? Chắc chắn. Nó sẽ như vậy. Nhưng bạn phải làm điều đó. Chỉ cần nói với công ty của bạn rằng quyết định của bạn không mang tính cá nhân, nó đơn giản chỉ là công việc.
Một điều mình ngẫm ra đó là một công ty dù mình có quý mến, gắn bó như thế nào thì bản chất họ cũng là một doanh nghiệp đang kinh doanh.
Sẽ có thời điểm họ buộc phải để mình ra đi vì họ không thể vận hành được nữa hoặc họ thay đổi mô hình kinh doanh và các skillset của mình không còn đáp ứng được…
Sẽ có thời điểm mình buộc phải ra đi vì mình đã tìm thấy một công việc mình yêu thích hơn và một môi trường với nhiều cơ hội phát triển hơn.
Dù rơi vào tình huống nào thì quyết định đưa ra là mang tính công việc, nếu mình thực sự yêu quý mọi người ở công ty đó thì mình vẫn có thể duy trì mối quan hệ lâu dài, cho dù mình có làm việc ở đâu đi nữa. Nếu quá dính mắc vào “công ty là gia đình, đồng nghiệp là anh em” thì sẽ có lúc, chúng ta tự gây khó dễ cho nhau và điều tệ hơn là dễ nói ra, lan truyền những lời lẽ không tốt.
Thêm nữa, bản thân mỗi người cũng luôn nên có sự chuẩn bị sẵn sàng về kỹ năng, kinh nghiệm, luôn trau dồi bản thân và chủ động cho các kế hoạch tiếp theo của mình. Nếu quá dính mắc vào công ty và cho rằng công ty sẽ cần mình, sẽ hoạt động mãi mãi vì mình đã làm việc quá lâu ở đây rồi thì bạn đang tự đưa mình vào thế bị động. Thời thế thay đổi, một công ty hoạt động khó khăn là chuyện bình thường. Lắm lúc không phải lỗi của họ.
Bằng cách thay đổi tư tưởng và rèn luyện chủ động, bạn sẽ luôn đứng vững trước mọi thử thách. 😉