Ngày hôm nay, mình có nghe một podcast có tựa đề Manifesting Your Desired Reality w/ Kimberley Wenya. Trong podcast này, chị Kimberly có nhắc tới một ý làm mình suy nghĩ: You don’t have to be positive all the time (tạm dịch: bạn không cần lúc nào cũng phải suy nghĩ tích cực).
Mình nhớ lại vài tuần trước có một số email chia sẻ với mình về vấn đề này. Có bạn quá căng thẳng vì việc lúc nào cũng phải nghĩ tích cực, cố gắng tỏ ra lạc quan trong khi bản thân đang trải qua một vấn đề rất nghiêm trọng. Có bạn vì cố gắng tích cực thành ra không thể sống thật với bản thân, giống như đeo mặt nạ vậy. Lúc gặp gỡ mọi người thì cố tỏ ra vui vẻ, mạnh mẽ nhưng lúc về nhà, đối diện với hiện thực cuộc sống thì không thể nào lạc quan được. Có thể bạn nghĩ, “À, như vậy thì đâu phải lạc quan? Đó chỉ là tự dối lòng mình thôi.”
Uh, thì đúng là như vậy, nhưng chỉ khi nào chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh đó thì mới thấy ranh giới giữa việc “tự dối lòng” và “cố tỏ ra tích cực” rất hạn hẹp. Đôi khi bạn thật sự muốn lạc quan, nhưng chính mức độ nghiêm trọng của hoàn cảnh khiến bạn như thể tự dối lừa cảm xúc của mình. Khó lắm.
“Mày phải lạc quan lên chứ, như tao đây này.”
“Lạc quan lên mày, cố mà lạc quan. Đừng có ủ rũ nữa.”
“Lúc nào cũng phải vui lên đó. Gặp tao là không được ủ rũ, buồn bã đâu nhé.”
“Tích cực lên đi. Cố mà vượt qua.”
…
Mình đã từng nhận được những lời động viên đại loại thế này. Mình rất cám ơn những người đã động viên mình, và nhờ họ mà mình đã vượt qua được nhiều vấn đề trong công việc lẫn cuộc sống. Nhưng có lẽ cần nhấn mạnh rằng không phải lúc nào mình cũng lạc quan đến thế được, kể cả bây giờ.
Quá cố gắng để tích cực sẽ tạo ra áp lực
Mỗi một người trên thế giới sẽ có một đời sống nội tâm và tâm linh khác nhau. Chưa kể, ngoài ra mỗi người còn có gia đình, công việc và các mối quan hệ. Tất thảy những điều đó cùng với sự biến chuyển không ngừng của tạo hóa, tự nhiên, vũ trụ, thế giới… khiến mọi thứ trở nên vô cùng đa dạng.
Thử nghĩ xem bạn gặp một người lạ. Bạn không hề biết tính cách của họ, họ thích gì, nghĩ gì, có nhu cầu gì, đang muốn làm gì? Nếu bạn đưa cho họ thứ họ không muốn thì đó có thể là trải nghiệm tiêu cực với cả hai người. Bạn nói một lời không phù hợp trong văn hóa và thế giới quan của họ, điều đó cũng có thể gây ra sự vấp phạm. Bất cứ một tình huống nào cũng có thể xảy ra, khiến bạn không vui theo một cách nào đó. Bản chất cuộc sống là như vậy rồi thì việc lúc nào cũng tích cực, lạc quan là điều không phải dễ.
Chưa kể, sự thật là cuộc sống đôi khi không công bằng và khắc nghiệt theo đúng nghĩa. Mỗi một chúng ta rồi cũng sẽ trải qua đau khổ, mất mát, thương tiếc, giận dữ, sợ hãi… và tất cả những điều đó đều ổn thôi. Có thể bạn bị nghỉ việc, thất tình, trượt học bổng, bị phạt, mất tiền, ngã xe, đau ốm, mất người thân, thua lỗ kinh doanh, mắc bệnh hiểm nghèo, bị nói xấu, bị chỉ trích… mỗi một tình huống đều có thể gây ra cảm xúc tiêu cực.
Bạn có thể tránh được chúng không? Hầu hết là không thể. Bạn không thể kiểm soát lời nói của người khác. Bạn không thể thay đổi quyết định của ban xét duyệt học bổng. Bạn không thể chắc chắn lúc nào mình cũng đủ tỉnh táo để cất giữ tiền cẩn thận. Bạn không thể đảm bảo mọi quyết định kinh doanh đều đúng đắn. Bạn không thể biết được 100% thực phẩm bạn mua về là sạch. Bạn không thể níu kéo một người khi họ đã không còn tình cảm với bạn nữa.
Cuộc sống đôi khi không dễ dàng mà.
Thế nên, trong những tình huống như vậy, nếu bạn quá cố gắng để tích cực trong khi bản thân cần được dốc lòng, cần được sẻ chia, cần được giãi bày mọi suy nghĩ, cần được khóc để cảm thấy nhẹ nhõm hơn thì lời khuyên ấy (dù chân thành) có thể sẽ phản tác dụng. Bạn sẽ thấy như có thứ gì đó trong lòng vẫn chưa được giải tỏa, cảm giác như một viên đá đè nặng lồng ngực, khiến bạn không thể thở nổi. Bạn muốn hét lên, hét thật to để nó bắn ra ngoài và bạn được giải thoát.
Bản thân mình hiểu điều đó. Có lúc mình không thể lạc quan mặc dù trong đầu hiểu rằng mình cần cố gắng tích cực nhất có thể. Đó là khi mình không tìm ra cách nào đảm bảo khả năng xin được visa cho hai vợ chồng sang Úc. Đó là khi mình cố gắng rất nhiều nhưng cuối cùng mình đã trượt học bổng. Đó là khi mình không thể nào quản lý deadline của các bạn trong team dù mình đã cố gắng hết sức. Nhiều lắm những lúc mình khóc đấy chứ, và sau mỗi lần khóc mình thoải mái lắm, như thể mình đã ném bỏ được viên đá nặng nề đó ra ngoài. Mình bình tĩnh hơn và cứ thế bắt tay vào làm. Rồi mọi việc lại đâu vào đấy.
Suy nghĩ tiêu cực đôi khi cũng có lợi
Lời khuyên “lúc nào cũng phải tích cực” xuất hiện rất nhiều, dưới các hình dạng khác nhau, chẳng hạn:
- Hạnh phúc là một lựa chọn.
- Cứ hạnh phúc thôi, sao không được?
- Cuộc sống của bạn rất tuyệt vời. Bạn không nên lo lắng.
Lời khuyên như vậy nhiều khi không tốt, không chỉ bởi vì nó thể hiện sự thiếu đồng cảm và thấu hiểu mà còn bởi vì, những cảm giác buồn bã, lo lắng và giận giữ cũng là những trải nghiệm quan trọng. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh như vậy.
Trong một bài báo được đăng trên Tạp chí Scientific American, chuyên gia điều trị bằng liệu pháp tâm lý Tori Rodriguez đã đưa ra một vài điểm trong nghiên cứu của bà, giải thích vai trò của các cảm xúc tiêu cực trong trải nghiệm của con người. Việc lờ đi hay đàn áp những suy nghĩ tiêu cực này có thể kéo theo những hiệu ứng không mong muốn trong đời sống tinh thần.
Những cảm xúc không hài lòng cũng quan trọng giống như những cảm xúc tích cực trong việc giúp bạn hiểu rõ ý nghĩa của những thăng trầm trong cuộc sống. Thiếu đi cảm xúc tiêu cực, chúng ta không thể đánh giá những trải nghiệm của mình hay trải nghiệm được cảm giác hài lòng thực sự.
Rodriguez đã sử dụng một loạt các nghiên cứu để vạch ra những hệ quả tích cực của các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Những nỗ lực đàn áp các cảm xúc như giận dữ hay buồn bã có thể thực sự làm giảm cảm giác hài lòng. Mặc cho xu hướng hướng tới suy nghĩ tích cực của xã hội – điều mà có thể dẫn tới nhiều người cảm thấy mặc cảm về những suy nghĩ tiêu cực của họ – việc liên tục cố gắng tích cực có thể đi kèm với nhiều rủi ro.
Đầu tiên, đàn áp suy nghĩ nghĩa là chúng ta không thể đánh giá chính xác những trải nghiệm của cuộc sống. Nếu chúng ta không cho phép bản thân tiêu cực thì khi đó sự hài lòng từ việc tích cực sẽ giảm xuống. Vì bà giải thích, “các nỗ lực đàn áp suy nghĩ có thể phản tác dụng và thậm chí là làm giảm cảm giác hài lòng.”
Thứ hai, các cảm xúc tiêu cực có khả năng quan trọng với sự tồn tại của con người. Sự tiêu cực liên quan đến vấn đề sức khỏe hay mối quan hệ, hay công việc làm rõ với chúng ta rằng có vấn đề đã xảy ra. Nó cảnh báo cho chúng ta về những thứ mà cần phải chú ý và rằng chúng ta cần thay đổi.
Cuối cùng, hành động đàn áp các suy nghĩ và cảm xúc có thể có hại đối với sức khỏe vật lý của chúng ta và gây ra căng thẳng. Một nghiên cứu từ trường Đại học Florida State chỉ ra những người đàn áp cảm xúc tiêu cực trải qua căng thẳng cao hơn khi đối mặt với một vấn đề mà gây ra suy nghĩ tiêu cực trong đầu họ.
Làm thế nào để chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực?
Bạn có thấy trời có lúc mưa, lúc nắng. Thời tiết có lúc mát mẻ, có lúc âm u, có lúc lại giông bão, sấm chớp đùng đùng. Xe cộ có lúc chạy bon bon, có lúc thủng săm, hết xăng, hỏng cái này hỏng cái nọ. Điện thoại lúc mới mua chạy mượt mà, nhưng sau một thời gian rồi cũng bị hỏng. Tình yêu có lúc đằm thắm, lúc lại chẳng muốn gần nhau. Hôn nhân lúc mới cưới, chưa có con cái thì như đôi chim uyên ương lúc nào cũng quấn quýt, nhưng đến khi có con rồi thì vô vàn vấn đề, áp lực; nhưng khi con đã lớn, khi bố mẹ đã học được cách chăm sóc, dạy dỗ con và cân bằng trong gia đình thì mọi thứ có thể lại êm xuôi, hạnh phúc trở lại… Đến cả đồng xu cũng có hai mặt, sấp và ngửa.
Bạn thấy đấy, rất nhiều thứ trong cuộc sống đi theo quy luật này và tựu trung lại, hai từ mà mỗi chúng ta cần nhớ là: chấp nhận. Chấp nhận bản thân mỗi người đâu đó trong lòng đều có sự yếu đuối, cần được chở che, bao bọc và cần được hiểu rằng không ai đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi chuyện và luôn tích cực. Vì có tiêu cực thì có người mới tìm được thứ phù hợp với họ, có thể là một niềm tin tâm linh, có thể là một cuốn sách thay đổi cuộc đời, có thể là một mối quan hệ đúng đắn hơn, hoặc có thể đơn thuần là nhận ra lỗi lầm của bản thân và tìm cách sửa chữa.
Chấp nhận suy nghĩ tiêu cực sẽ có lúc xuất hiện trong đầu, cho phép bản thân được gục ngã, khóc, tức giận… nhưng không để chúng kiểm soát, đấy là điều mà theo mình là tuyệt vời nhất. Cứ sống thật với bản thân, không che giấu, không hoàn hảo, cầu toàn, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống thật tốt đẹp.
Ảnh đầu bài: Aziz Acharki