Sức mạnh của âm nhạc thật bí ẩn.
Trong cuốn sách The World in Six Songs, Levitin sắp xếp các bài hát vào 6 loại: những bài hát về tình bạn, những bài hát về niềm vui, những bài hát an ủi, những bài hát về tri thức, những bài hát tôn giáo, và những bài hát về tình yêu.
Không một ai trên đời này mà chưa từng nghe một giai điệu hoặc một âm thanh du dương nào đó. Không một ai mà không có những cảm xúc kỳ lạ hay những “cơn sóng” dậy trong lòng mỗi khi nghe một bài hát quen thuộc. Không một ai có thể phủ nhận âm nhạc đã tác động tới chính bản thân họ, dù ít hoặc nhiều, dù lúc này hay lúc khác.
William Shakespeare từng nói, “âm nhạc thể hiện những điều mà không thể nói bằng lời và những điều mà không thể cứ mãi im lặng.” Nhà soạn nhạc Glenn Kurtz cũng có quan điểm của riêng ông về âm nhạc, “Mỗi nốt nhạc cọ xát vào nhau một cách ăn khớp, và nhạc cụ rung lên đầy thích thú. Cảm giác ấy thật say sưa, không thể nhầm lẫn được.”
Một đứa trẻ vừa được sinh ra đã được nghe những lời hát ru từ người mẹ. Bạn còn nhớ:
Ru con, con ngủ cho lâu
Để mẹ đi cấy ruộng sâu lâu về
Ru con, con ngủ cho mê
Mẹ còn lo chuyện lê thê kéo cày
Ru con, con ngủ cho say
Mẹ còn vất vả chân tay ngoài đồng
Ru con, con ngủ cho nồng
Mẹ còn nhổ mạ trả công cho người.
Nguồn: Văn học
Không chỉ ở Việt Nam, mọi nền văn hóa đều có những bài hát ru đặc trưng của họ. Các bà mẹ đều sử dụng những câu từ êm ái, nhẹ nhàng này để dỗ dành đứa con đi vào giấc ngủ. Lời ca không cần quá hoa mỹ, cầu kỳ. Giai điệu không cần trau chuốt, phức tạp. Chỉ đơn giản là “à ơi, ru con con ngủ cho ngoan…” Điều đặc biệt là một đứa trẻ (có thể) không hiểu những gì mà người mẹ đang cất lên, nhưng âm thanh từ lời ca ấy lại có hiệu ứng cực kỳ mạnh mẽ đối với nó. Cựa quậy, khóc, không thể nằm yên nhưng chỉ cần một lời ru của người mẹ là em bé lại nằm yên, miệng cười tủm tỉm một cách kỳ lạ. Thế mới biết âm nhạc, cụ thể ở đây là giai điệu của âm thanh có tác động mạnh mẽ đến thế nào.
Thần thoại Hy Lạp cổ đại lan truyền câu chuyện về Orpheus.
Orpheus là con trai vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần thi ca Calliope. Ngay từ khi còn nhỏ, Orpheus đã bộc lộ năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc, đặc biệt là tài năng đánh đàn lia không ai sánh bằng.
Vợ của Orpheus – nàng Eurydice là một nữ thần xinh đẹp, nết na. Họ sống bên nhau rất hạnh phúc, cho đến ngày thần Aristaeus (thần đất đai và nông nghiệp) xuất hiện. Choáng ngợp trước sắc đẹp của Eurydice, thần Aristaeus quyết tâm giành nàng về mình cho bằng được.
Khi đang chạy trốn khỏi thần Aristaeus, Eurydice đạp phải một tổ rắn và bị cắn chết. Mất đi người vợ yêu dấu, Orpheus đau đớn hát những khúc ca sầu thảm đến mức khiến vạn vật trên thế giới đều phải rơi lệ. Theo lời khuyên của những vị thần, Orpheus lên đường tới âm phủ với hy vọng sẽ đưa được Eurydice trở về.
Bằng tài năng âm nhạc và tình cảm mãnh liệt dành cho người vợ, tiếng đàn của Orpheus đã làm mủi lòng thần chết Hades và vợ của ông – nàng Persephone. Được biết, Orpheus là người đầu tiên làm được việc này nên họ chấp thuận để chàng đưa Eurydice trở về thế giới con người, tuy nhiên với một điều kiện: Orpheus luôn phải đi trước, giữ im lặng và không được quay lại nhìn mặt vợ cho đến khi ra khỏi âm phủ.
Tuy nhiên, vì quá nhớ vợ, Orpheus sốt ruột nên quên mất lời dặn. Chàng quay mặt lại phía sau nhìn Eurydice khi cả hai chưa lên tới trần thế. Vì thế, Eurydice dần biến mất lần thứ hai, song lần này là vĩnh viễn không thể quay về. Orpheus vội quay lại nhưng người lái đò địa phủ không cho phép chàng đến địa ngục lần nữa bởi chàng là người còn sống, mà địa phủ không phải là nơi “vào – ra tùy tiện”. Ngay cả khi Orpheus đã quỳ ở đó đến 7 ngày 7 đêm nhưng kết quả vẫn không thay đổi.
Khi trở về trần thế, vì quá đau buồn nên Orpheus không còn quan tâm đến cô gái nào khác. Vì vậy, chàng bị người ta xem là ngạo mạn và bất cần. Và rồi trong một buổi lễ hội rượu nho của thần Dionysus, Orpheus đã bị một nhóm đàn bà say rượu đánh đến chết và quăng xác xuống sông. Kỳ lạ thay, ngay cả khi Orpheus chết mà đàn của chàng vẫn vang lên tiếng hát tha thiết, yêu thương.
Nguồn: Kenh14.vn
Không ai biết được có thứ gì đằng sau tiếng đàn của Orpheus. Người ta chỉ biết tiếng đàn ấy thậm chí đã khiến thần chết phải mủi lòng và nó vẫn da diết, yêu thương kể cả sau khi chàng đã chết. Người Hy Lạp coi câu chuyện này như là một lời nhắc nhở về sức mạnh thần kỳ của âm nhạc.

Âm nhạc không chỉ dành cho đôi tai
Những nghiên cứu trong khoa học nhận thức về âm nhạc đã chứng minh với sự thuyết phục ngày càng tăng rằng khả năng âm nhạc của con người không bị tách khỏi những năng lực khác của trí não. Ngược lại, nhận thức về âm nhạc có liên kết chặt chẽ với các hệ thống nhận thức khác, khiến âm nhạc không còn chỉ đơn giản ở các nốt nhạc, địa phận nghiên cứu của các nhà lý luận và nhạc sĩ chuyên nghiệp mà còn là vấn đề liên quan đến trải nghiệm cơ bản của con người.
Phân tích hình ảnh não bộ cho thấy một bức tranh rõ ràng về sự kết nối này. Khi chúng ta nghe nhạc, không có một “trung tâm âm nhạc” đơn lẻ nào sáng lên. Thay vào đó, một mạng lưới phân phối rộng rãi được kích hoạt, bao gồm các khu vực liên quan đến thị giác, kiểm soát vận động, cảm xúc, lời nói, trí nhớ và lên kế hoạch. Khác xa với việc tiết lộ một khu vực dành riêng cho âm nhạc, công nghệ tinh vi nhất hiện nay được sử dụng để khám phá bộ não cho thấy nghe nhạc tác động tới một loạt các phân khu trong não, chứng minh nhận thức về nó đan xen sâu sắc như thế nào với trải nghiệm khác của con người. Ngoài những gì chúng ta nghe, những gì chúng ta thấy, những gì chúng ta mong đợi, cách chúng ta di chuyển và tổng lượng kinh nghiệm cuộc sống của chúng ta đều góp phần vào cách chúng ta trải nghiệm âm nhạc.
Nếu bạn nhắm mắt lại, bạn có thể hình dung một màn trình diễn âm nhạc đầy cảm xúc ngay trong đầu bạn. Chẳng hạn, bạn có thể tưởng tượng đến một người đang mở miệng ngân vang một giai điệu, cơ thể họ đung đưa và hai tay họ đang nâng một cây đàn guitar lên không trung. Khi bạn bắt đầu hình dung cảnh tượng biểu cảm này, thật dễ dàng để cảm nhận được những âm thanh trong đầu. Trên thực tế, có thể khó hình dung những chuyển động này mà không tưởng tượng ra âm thanh.
Âm nhạc phù hợp có thể khiến một nhóm người nhảy múa. Ngay cả những người tham dự các buổi hòa nhạc cổ điển không được khuyến khích chuyển động quá mức đôi khi cũng không thể cưỡng lại được việc chạm vào bàn tay hay dậm chân. Các kết quả nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh đã tiết lộ nghe nhạc thụ động có thể kích hoạt hệ thống vận động. Sự đan xen của âm nhạc và chuyển động này là một hiện tượng phổ biến và sâu sắc, thịnh hành trong các nền văn hóa trên khắp thế giới. Những trải nghiệm âm nhạc đầu tiên của trẻ sơ sinh thường liên quan đến việc bị khuấy động khi người mẹ cất lên lời ru. Sự kết nối có nghĩa là không chỉ những gì chúng ta nghe có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta di chuyển, mà còn là cách chúng ta di chuyển có thể ảnh hưởng đến những gì chúng ta nghe thấy.
Lợi ích của âm nhạc đối với não bộ
Nghe nhạc hay chơi một nhạc cụ có ảnh hưởng tích cực tới não bộ giống như lúc bạn tập thể dục. Khơi chơi một nhạc cụ, mọi khu vực trong bộ não được vận động cùng lúc, đặc biệt là vỏ não thị giác, thính giác và vỏ não vận động. Càng chơi nhạc nhiều, chúng ta càng củng cố chức năng của những khu vực này, khiến nó trở nên linh hoạt, mạnh mẽ hơn, từ đó, phát huy hiệu quả cho những hoạt động khác.
Nghiên cứu cũng cho thấy nghe nhạc hỗ trợ cho sự phát triển bình thường và các hoạt động của thể chai – cầu nối giữa hai bán cầu – cho phép các thông tin được truyền qua não nhanh hơn và qua nhiều đường hơn. Đây cũng là lý do vì sao nhiều nhạc sĩ có khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn và sáng tạo hơn, trong cả môi trường học thuật và xã hội.
Âm nhạc và sức khỏe
Âm nhạc giúp giảm đau
Bob Marley đã từng nói như thế này: “Một điều thú vị về âm nhạc đó là khi nó chạm tới bạn thì bạn chẳng hề cảm thấy nỗi đau nào nữa.”
Khoa học đã chứng minh câu nói trên của Bob Marley là có cơ sở.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Brunel (Anh) đề xuất âm nhạc giúp giảm đau và lo lắng đối với các bệnh nhân đang trải qua phẫu thuật. Bằng cách phân tích 72 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát từ hơn 7000 bệnh nhân được phẫu thuật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những người mà nghe nhạc sau khi điều trị xong cảm thấy ít đau đớn và có sự bình an hơn những người mà đã không nghe nhạc. Họ cũng ít có khả năng cần thuốc giảm đau. Hiệu ứng thậm chí còn mạnh mẽ hơn với những người mà được chọn nghe loại nhạc họ thích nghe.
Ngoài nghiên cứu này, còn có nhiều nghiên cứu khác chứng minh tác dụng giảm đau của âm nhạc. Vào tháng 3 năm 2014, các nhà nghiên cứu từ Đan Mạch đã tìm thấy âm nhạc có thể có lợi cho bệnh nhân bị đau cơ xơ – một loại rối loạn gây đau cơ, đau khớp và mệt mỏi. Tổng 22 bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa được mời tham gia nghe một loại nhạc nhẹ nhàng, thư giãn mà họ yêu thích. Kết quả họ cảm thấy cơn đau dịu dần và khả năng vận động chức năng tăng đáng kể.
Cơ chế chính xác tại sao âm nhạc có tác dụng giảm đau vẫn chưa có một kết luận rõ ràng. Nhưng một lý do được nhiều nhà khoa học khẳng định đó là vì nghe nhạc kích hoạt sự giải phóng opioid trong não – một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Âm nhạc làm giảm căng thẳng
Khi cảm thấy căng thẳng, nghe những bản nhạc/bài hát yêu thích có thể làm bạn nhẹ nhõm hơn.
Theo một số nhà nghiên cứu, âm nhạc có thể giúp giảm bớt căng thẳng bằng cách hạ thấp mức độ cortisol (một loại hormone được giải phóng ra để đáp ứng với căng thẳng) trong cơ thể. Tuy nhiên, hiệu ứng giảm căng thẳng còn phụ thuộc vào loại nhạc được nghe vì một số bản nhạc có thể gây ra tác động ngược lại.
Tác dụng làm dịu căng thẳng của âm nhạc còn được thể hiện qua việc nó giúp làm giảm nhịp tim, hô hấp và huyết áp. Nó điều hòa những áp lực bên trong cơ thể.
Âm nhạc và trí nhớ
Một số bài hát nhất định có khả năng nhắc nhở chúng ta về những giai đoạn hoặc sự kiện nhất định trong cuộc sống của chúng ta – một số sự kiện khiến chúng ta mỉm cười, một số chỉ khiến chúng ta muốn quên đi mãi mãi.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng âm nhạc giúp tăng cường trí nhớ của bệnh nhân Alzheimer và chứng mất trí nhớ, bao gồm một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học California Irvine, cho thấy trí nhớ của bệnh nhân Alzheimer được cải thiện khi họ nghe nhạc cổ điển.
Âm nhạc giúp hồi phục các chấn thương não bộ
Một đánh giá các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy liệu pháp âm nhạc có thể giúp bệnh nhân phục hồi các cử động sau khi bị tổn thương não.
Tiến trí Joke Bradt thuộc Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và chất lượng cuộc sống tại Đại học Temple ở Philadelphia đã thực hiện đánh giá có tính hệ thống về âm nhạc liên quan đến phục hồi chấn thương não bộ. Bà cho biết việc phục hồi chức năng vận động là điều rõ ràng, thể hiện qua việc các nhà trị liệu bằng âm nhạc sử dụng các kỹ thuật nhằm kích thích chức năng não kiểm soát chuyển động, nhận thức, lời nói, cảm xúc và các giác quan.
Âm nhạc và tâm trạng
Âm nhạc cũng là một công cụ điều chỉnh tâm trạng tốt nhất con người từng sáng tạo ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó không phải lúc nào cũng tích cực.
Nó có thể khiến một người đang vui có thể buồn, đang buồn có thể vui, đang tuyệt vọng trở nên hy vọng, đang đầy hy vọng trở nên thất vọng ê chề.
Nó có thể giúp chúng ta vượt qua được những nỗi đau tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.
Nó có thể thống nhất chúng ta với những cảm xúc chúng ta cần nhưng đã từng bị mất trước đó.
Nó có thể xóa tan cảm giác lạnh lẽo, cô đơn trong lòng chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy như có một chỗ dựa về mặt tinh thần.
Nó có thể đưa chúng ta trở lại với cuộc sống sau những đắng cay, đau đớn, thất bại; nhẹ nhàng kéo chúng ta trở về thực tại với đầy hy vọng.
Nó kết nối chúng ta với bản năng yếu đuối của một con người khi lý trí, logic và các nguyên tắc có nguy cơ nghiền nát chúng ta.
Nó phá vỡ các rào cản giữa những người lạ, thúc giục chúng ta nhìn vào những điểm chung và lờ đi những điểm gây chia rẽ.
Nó khiến những kỷ niệm (vui/buồn) trong quá khứ mà chúng ta đang cố chôn vùi sống lại, khiến chúng ta có cảm giác như thể quá khứ ấy vẫn còn như mới hôm qua.
Nó khiến chúng ta vui mừng như có cả thế giới hay đau đớn một cách đến quằn quại như thể đã mất tất cả.
Nó là nguồn hy vọng, là nguồn cổ vũ, là sự khích lệ, là người bạn, là “người tình” bí ẩn của mỗi chúng ta.
Âm nhạc là một quy luật của tinh thần. Nó trao linh hồn cho vũ trụ, đôi cánh cho tâm trí, sự bay bổng cho trí tưởng tượng, sự hấp dẫn cho nỗi buồn, và sức sống cho mọi thứ.
Plato
Âm nhạc làm chúng ta yêu đời
Một giai điệu có thể mang đến cho chúng ta niềm vui? Plato chắc chắn đã nghĩ như vậy, cũng như nhiều người hiện nay. Nhưng không hề dễ để nhận ra điều này xảy ra như thế nào. Liệu đó có phải là thứ gì đó liên quan đến dòng chảy và sự hình thành của một nhịp điệu kích thích bạn dự đoán những nốt tiếp theo? Hay đó có phải là lời của một bài hát nhất định mô tả về một hoàn cảnh gợi lại cho bạn một thời gian vui vẻ? Có lẽ giai điệu quá quen thuộc đến nỗi bạn chỉ đơn giản là nhận ra nó.
Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học McGill ở Canada với sự tham gia của 217 người, 8 người liên tục phản ứng với âm nhạc theo cùng một cách, bất kể họ đang nghe nhạc trong môi trường nào. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết hợp các kỹ thuật PET (chụp cắt lớp phát xạ positron) và fMRI (hình ảnh cộng hưởng từ đa chức năng) để quét não của 8 người này khi họ đang nghe nhạc trong suốt 3 phiên. Ngoài ra, họ cũng được yêu cầu hoàn thành một bảng câu hỏi đánh giá mức độ dễ chịu của họ khi nghe nhạc.
Kết quả chụp PET cho thấy dopamine (một chất được giải phóng khi chúng ta cảm thấy hài lòng) đã được giải phóng trong những khoảnh khắc đỉnh cao của cảm xúc khi họ nghe nhạc. Kết quả chụp fMRI giúp nhận ra sự khác biệt rõ nét về thời điểm và các cấu trúc cảm xúc liên quan.
Tuy nhiên, một điều chú ý là quá nhiều âm nhạc có thể phản tác dụng. Vì âm nhạc kích hoạt các hệ thống phần thưởng trong não của chúng ta giống như ma túy hay các hoạt động khác, âm nhạc cũng có thể trở thành một chứng nghiện mà chúng ta không thể dứt được. Việc liên tục cắm tai nghe nghe nhạc có thể khiến chúng ta bị tê liệt, lờ đờ, bị ám ảnh bởi các hình ảnh tưởng tượng, điều mà rất có khả năng xảy ra nếu chúng ta nghe quá nhiều các bài hát có giai điệu buồn bã, sầu não.
Một lần nữa…
I Wanna Hold Your Hand (The Beatles), Yesterday Once More (The Carpenters), Beautiful in White (Shane Filan), Người lạ ơi (Karik, Orange, Superbrothers), Nơi này có anh (Sơn Tùng MTP), Dấu Mưa (Trung Quân Idol)…
Bạn đã nghe những bài hát này bao nhiêu lần? Một, hai, ba… hay nhiều hơn thế đến mức bạn không nhớ nổi nữa.
Âm nhạc chuyển sự chú ý của bạn từ ý nghĩa của lời nhạc sang giai điệu (âm thanh cao và thấp) và nhịp điệu của nó (nốt ngắn, dài), khiến bạn muốn ngân nga theo. Các nhà tâm lý học hiểu rằng con người thích những gì mà họ đã trải nghiệm trước đó. Không quan trọng đó là một vật thể, một hình ảnh hay một giai điệu. Ngay cả khi họ chỉ tiếp xúc với nó một lần duy nhất từ rất lâu, họ vẫn có một cảm giác tương đồng khi tiếp xúc nó trở lại. Hiệu ứng này cũng áp dụng với âm nhạc.
Sự lặp lại trong âm nhạc xuất hiện phổ biến trong văn hóa trên hầu khắp thế giới. Những bài hát “hit” trên đài phát thanh thường có một đoạn điệp khúc được phát đi phát lại nhiều lần. Nhà nghiên cứu âm nhạc David Huron tại Đại học bang Ohio ước tính rằng trong hơn 90% thời gian dành cho việc nghe nhạc, chúng ta thực sự đang nghe lại những đoạn mà chúng ta đã nghe trước đó. Trên iTunes, bạn có thể biết tần suất bạn đã nghe những bản nhạc/bài hát yêu thích. Và nếu ngần này chưa đủ thuyết phục với bạn thì hãy nghĩ tới những giai điệu, âm thanh đang bị “mắc kẹt” trong đầu bạn. Bạn có thấy chúng cứ văng vẳng trong đầu bạn, lặp đi lặp lại không thể dứt ra. Nói tóm lại, sự lặp lại là một tính năng phổ biến đầy ngạc nhiên của âm nhạc.
Lời kết
Ngày nay, người ta dễ nghĩ về âm nhạc như một chuỗi các âm thanh – được ghi lại và mã hóa nên bạn có thể nghe trên iTunes, Spotify hay YouTube. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản như thế này thì nên giải thích như thế nào về một bài hát như Amazing Grace lại có thể khiến hàng tỷ người trên thế giới phải lắng lòng mình lại khi nghe nó.
Câu trả lời đơn giản chỉ là “I once was lost, but now am found, Was blind but now I see.”
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn: