Trong bài viết Khi mất đi một người bạn yêu quý, mình đã đề cập tới khái niệm Sức bật (Resilience). Như đã hứa, hôm nay sẽ là một bài viết dành riêng cho chủ đề này. Bài viết giới thiệu nhiều chiến thuật hữu ích để rèn luyện sức bật, hy vọng sẽ có ích cho bạn.
Dịch từ chia sẻ gốc: The Road to Resilience.
—
Sức bật (Resilience) là gì?
Sức bật là quá trình thích nghi tốt khi đối mặt với bất hạnh, thảm kịch, tai ương, và các tình huống gây căng thẳng khác – chẳng hạn như vấn đề gia đình, mối quan hệ đi xuống, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng hay các mâu thuẫn, lo lắng trong công việc, căng thẳng tài chính. Sức bật nghĩa là khả năng “phục hồi” sau khi trải qua khó khăn và đau đớn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sức bật là bản năng thường có ở phần lớn mọi người, chứ không phải là thứ gì đó phi thường. Phản ứng của người Mỹ trong cuộc tấn công khủng bố 11/09/2011 và nỗ lực của từng cá nhân tái dựng lại cuộc sống của họ chính là một bằng chứng điển hình của sức bật.
Có sức bật không đồng nghĩa với việc một người không trải qua khó khăn hay không cảm thấy căng thẳng. Những người đã từng trải qua các chấn thương hay tai họa nghiêm trọng ở mức độ nào đó, đôi khi đều có những nỗi đau về mặt cảm xúc không dễ nói thành lời.
Sức bật cũng không phải là một đặc điểm mà mọi người có thể có hoặc không. Nó bao gồm hành vi, suy nghĩ và hành động mà bất cứ ai cũng có thể học và phát triển.
Các yếu tố của sức bật
Sức bật là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố cơ bản của sức bật đó là có những mối quan hệ hỗ trợ và yêu thương mọi người trong và ngoài gia đình. Các mối quan hệ tạo nên tình yêu, sự tin tưởng, những hình mẫu vai trò, sự động viên và sự tái bảo đảm giúp thúc đẩy sức bật của một người.
Ngoài ra, sức bật còn liên quan tới nhiều yếu tố khác, bao gồm:
- Khả năng lên các kế hoạch thực tế và từng bước thực hiện chúng.
- Nghĩ tích cực về bản thân và tự tin vào điểm mạnh cũng như khả năng của bản thân.
- Kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng quản lý những cảm xúc mạnh và sự bốc đồng.
Tất cả những yếu tố này bản thân mỗi người đều có thể tự phát triển được.
Cách để tăng sức bật
Hành trình rèn luyện sức bật của mỗi người rất khác nhau. Không phải tất cả chúng ta đều có những phản ứng giống nhau khi đối mặt với chuyện buồn, bất hạnh hay khủng hoảng. Vì thế, cách mà người này rèn luyện sức bật có thể không áp dụng được với người kia, và ngược lại.
Tuy nhiên, vẫn có một số chiến thuật rèn luyện sức bật phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
1. Kết nối với mọi người: Những mối quan hệ tốt đẹp với các thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc những người khác rất quan trọng. Chấp nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người quan tâm đến bạn và lắng nghe bạn sẽ giúp tăng cường sức bật. Một số người còn nhận thấy chủ động tham gia vào các câu lạc bộ, nhóm bạn, các tổ chức tinh thần hay các nhóm khác còn cung cấp sự hỗ trợ xã hội và có thể giúp lấy lại hy vọng. Nói chung, một sự giúp đỡ đúng lúc rất có lợi.
2. Đừng xem khủng hoảng như là vấn đề không thể vượt qua: Bạn không thể thay đổi được sự thật là những sự kiện căng thẳng đã xảy ra, nhưng bạn có thể thay đổi cách mà bạn nhìn nhận và phản ứng với những sự kiện đó. Hãy cố gắng nhìn xa hơn hiện tại để nhìn thấy tương lai, mọi việc sẽ tốt hơn.
3. Chấp nhận thay đổi là một phần của cuộc sống: Khi gặp phải một vài tình huống nghiêm trọng, một số mục tiêu có thể sẽ không đạt được. Chấp nhận sự thật rằng bạn không thể xoay chuyển được tình thế có thể giúp bạn tập trung vào những tình huống mà bạn có thể thay đổi.
4. Tiến tới mục tiêu: Xây dựng các mục tiêu thực tế. Làm thứ gì đó thường xuyên – kể cả khi có lẽ kết quả bạn nhận được rất nhỏ – giúp bạn từng bước tiến tới mục tiêu bạn muốn. Thay vì tập trung vào những điều mà dường như không thể đạt được thì hãy tự hỏi chính mình “Thứ gì tôi có thể hoàn thành hôm nay sẽ giúp tôi tiến về phía tôi muốn đến?”
5. Hành động dứt khoát: Đừng tách mình ra khỏi vấn đề hoàn toàn và ước gì chúng biến mất. Thay vào đó, hãy hành động dứt khoát dựa trên những gì bạn có trong hoàn cảnh đó.
6. Tìm kiếm cơ hội để khám phá bản thân: Mọi người thường nhận ra điều gì đó về chính mình và hiểu họ đã trưởng thành sau khi đối mặt với sự mất mát. Có người còn cảm thấy các mối quan hệ của họ tốt hơn, mạnh mẽ hơn kể cả khi đang trải qua tổn thương, quý trọng giá trị bản thân tốt hơn, đời sống tinh thần phát triển hơn và trân trọng cuộc sống hơn trước.
7. Nuôi dưỡng góc nhìn tích cực về chính bản thân mình: Tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của bản thân và tin vào bản năng của mình sẽ giúp hình thành sức bật.
8. Thay đổi góc nhìn: Ngay cả khi đối mặt với những sự kiện vô cùng đau đớn, hãy thử xem xét tình huống trong một bối cảnh rộng hơn và thay đổi góc nhìn theo hướng dài hạn. Tránh nghiêm trọng hóa vấn đề.
9. Giữ vững hy vọng: Hy vọng sẽ giúp bạn nghĩ đến những điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong cuộc sống. Cố gắng hình ảnh hóa điều bạn muốn thay vì lo lắng về những thứ bạn sợ hãi.
10. Hãy chăm sóc bản thân mình: Chú ý vào nhu cầu và cảm xúc của bản thân. Tham gia vào những hoạt động mà bạn cảm thấy thích thú và được thư giãn. Tập thể dục hàng ngày. Chăm sóc bản thân mình sẽ giúp tâm trí và cơ thể bạn sẵn sàng đối mặt với những tình huống đòi hỏi sức bật.
11. Học hỏi từ quá khứ: Nhìn vào những trải nghiệm trong quá khứ và sức mạnh nội tại sẽ giúp bạn học được những chiến thuật rèn luyện sức bật có lợi cho bạn. Bằng cách khám phá ra câu trả lời cho những câu hỏi sau đây, bạn sẽ phản ứng tốt hơn với nghịch cảnh.
- Những kiểu tình huống nào xảy ra khiến bạn căng thẳng nhất?
- Những tình huống đó thường ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
- Những lúc đó, nghĩ về những người quan trọng trong đời có giúp bạn cảm thấy tốt hơn không?
- Bạn thường tìm đến ai khi bạn rơi vào những tình huống đó?
- Bạn học được điều gì từ những phản ứng của bạn đối với các tình huống đó?
- Bạn có thấy tốt hơn không khi giúp đỡ những người cũng trải qua tình huống giống như bạn?
- Bạn có thể vượt qua các chướng ngại vật không, nếu có thì bằng cách nào?
- Thứ gì giúp bạn cảm thấy có nhiều hy vọng hơn về tương lai?
12. Linh hoạt: Sức bật gắn liền với việc duy trì sự linh hoạt và cân bằng trong cuộc sống khi bạn đối mặt với căng thẳng và bất hạnh. Linh hoạt thể hiện theo nhiều cách, bao gồm:
- Để bản thân trải nghiệm những cảm xúc mạnh mẽ, và nhận ra khi nào bạn cần kiểm soát cảm xúc để tiếp tục sống.
- Tiến lên phía trước và hành động để giải quyết vấn đề và duy trì cuộc sống thường ngày. Đồng thời, biết khi nào nên lùi lại để nghỉ ngơi và hồi phục năng lượng.
- Dành thời gian với những người bạn yêu thương để tìm kiếm sự hỗ trợ và động viên. Đồng thời, thói quen này cũng nuôi dưỡng chính bạn.
- Dựa vào người khác và dựa vào chính mình.
Trên một dòng sông, bạn có thể bắt gặp những dòng chảy, thác ghềnh, chỗ nước nông, nước cạn. Trong cuộc sống, những thay đổi bạn trải qua cũng tác động tới chính bạn theo nhiều cách.
Khi đi dọc theo dòng sông, bạn sẽ hiểu hơn về cấu trúc, cách hoạt động và làm thế nào để vượt qua được nó. Chuyến hành trình của bạn nên được chỉ dẫn bởi một kế hoạch, một chiến thuật mà phù hợp với bạn.
Bền bỉ và tin tưởng vào khả năng bạn sẽ từ từ vượt qua được các tảng đá và những chướng ngại vật khác rất quan trọng. Bạn có thể rèn luyện được sự dũng cảm và thu nhận kiến thức bằng cách điều chỉnh hướng đi. Thêm vào đó, những người bạn đồng hành đáng tin cậy mà đi cùng bạn trên chuyến hành trình cũng đặc biệt hữu ích trong việc giúp bạn vượt qua thác ghềnh, những chỗ nước chảy ngược và những khúc quanh ngoằn ngoèo khác của dòng sông.
Bạn có thể chinh phục được những thử thách khác dọc theo dòng sông, nhưng để đi đến cuối chuyến hành trình, bạn cần quay lại chiếc bè của bạn và tiếp tục.
Ảnh đầu bài: Stephen Walker