Tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta là gì? Đó không phải là tiền, của cải, sức khỏe hay những thứ mà chúng ta vẫn thường nghe nói. Câu trả lời ở đây hoàn toàn khác: Đó chính là sự chú tâm (Attention).
Sự chú tâm (Attention) là một thuật ngữ được nghiên cứu bởi Tâm lý học nhận thức, ám chỉ cách chúng ta chủ động xử lý những thông tin cụ thể từ môi trường xung quanh. Sự chú tâm không chỉ liên quan tới việc tập trung vào một thứ/một việc xác định mà nó còn liên quan đến việc lờ đi những thứ khác. Trong cuộc sống hiện đại, sự chú tâm ngày càng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bài viết được lược dịch từ chia sẻ gốc: The Most Important Asset in Your Life.
—
Bố mẹ, thầy cô và rất nhiều người trên thế giới đều đã nói những lời này với chúng ta, bằng cách này hay cách khác, trong suốt cuộc đời, rằng thời gian mới là quan trọng nhất chứ không phải là tiền bạc. Điều này cũng đúng.
Ở một vài mức độ nào đó, đa phần chúng ta đều hiểu rằng tiền chỉ là một cách thức, chứ không phải là điểm cuối cùng. Tiền giúp chúng ta tiếp cận với nhiều cơ hội hơn và cũng nhiều lợi ích khác. Thực tế, sự liên kết mạnh mẽ nhất giữa tiền và hạnh phúc xuất phát từ khả năng mua thời gian thông qua sự thuận tiện.
Thời gian của chúng ta giới hạn và một niềm tin phổ biến là càng có nhiều thời gian thì chúng ta càng có nhiều cơ hội được tận hưởng niềm vui và sự viên mãn.
Nhưng đây có phải là toàn bộ sự thật không? Thời gian có thực sự mang đến cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống?
Tôi không đồng ý với điều này. Tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta không phải là thời gian mà là sự chú tâm (attention). Chất lượng của những trải nghiệm trong cuộc đời không phụ thuộc vào việc có bao nhiêu giờ trong một ngày mà bao nhiêu giờ chúng ta có đã được sử dụng.
Bạn có thể tiêu xài 80 năm trong một đời người một cách tự do theo ý bạn nhưng vẫn không thể tận dụng được hết nó bằng một người mà chỉ sống có 40 năm nhưng nỗ lực hướng sự chú tâm trực tiếp của họ vào những thứ thực sự quan trọng với họ.
Quả thật, mặc dù thời gian có hạn nhưng với sự chú tâm, bạn có thể làm được nhiều hơn những gì mà người khác làm được, cho dù họ có nhiều thời gian hơn bạn.
Tất nhiên là mọi việc không phải dễ dàng.
Thế giới được thiết kế theo hướng chống lại bạn
Một trong những vấn đề lớn nhất đối hiện nay đó là trong khi khả năng kiểm soát sự chú tâm ngày càng có giá trị thì thế giới xung quanh chúng ta lại đang được thiết kế để “lấy cắp” sự chú tâm của chúng ta càng nhiều càng tốt.
Nghiện smartphone là điều có thật. Stress vì công nghệ là điều có thật.
Các công ty như Google và Facebook không còn tạo ra sản phẩm nữa. Họ đang xây dựng các hệ sinh thái. Và cách hiệu quả nhất để tiền tệ hóa một hệ sinh thái đó là bắt đầu với sự tương tác bằng cách thiết kế các tính năng mà đảm bảo rằng mọi người từ bỏ càng nhiều sự chú tâm của họ càng tốt.
Năm ngoái, Tristan Harris, cựu Đạo đức học Thiết kế (Design Ethicist) tại Google đã chia sẻ rằng:
Họ tìm thấy những điểm mù trong nhận thức và sử dụng chúng để tác động tới hành vi của bạn mà bạn không hề nhận ra. Cứ mỗi thông báo bạn nhận được, cứ mỗi email bạn nhận được, và cứ mỗi website bạn lướt đều được tạo ra một cách cẩn thận để đảm bảo rằng bạn tối đa thời gian tương tác với các sản phẩm của họ.
Hôm nay, chưa bao giờ hết, chúng ta cần bảo vệ tâm trí của mình và dưới đây là 3 phương pháp bạn có thể sử dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn hiện tại.
1. Thiền chánh niệm (Mindfulness Meditation)
Theo văn hóa Phật giáo và các liệu pháp tâm lý hiện đại, thiền được sử dụng để trau dồi chánh niệm như là cách để tập trung hoàn toàn vào hiện tại, vô điều kiện.
Cụ thể, bạn ngồi yên trong một không gian với hai mắt nhắm lại, tập trung và quan sát vào điều đang xảy ra với cơ thể và tâm trí của bạn. Thiền được sử dụng để thư giãn, giảm căng thẳng và ngăn cách bản thân với những nhiễu loạn ở bên ngoài.
Thiền rất đơn giản. Bạn chỉ cần ngồi và tập trung vào một thứ duy nhất xung quanh, thường là hơi thở. Bạn thở ra, thở vào và duy trì sự chú ý chỉ vào hơi thở của bạn.
Tâm trí “lang thang” khắp mọi nơi và đầy rẫy suy nghĩ là điều rất tự nhiên. Về cơ bản, bạn không cần loại bỏ bất cứ hoạt động liên quan đến tâm trí nào. Bạn chỉ cần để ý đến nó trong hiện tại.
Nếu bạn đầu cảm thấy khó khăn khi thiền thì bạn có thể giới hạn sự chú tâm của mình chỉ vào một việc hoặc một thứ xung quanh khi đang tập thể dục hoặc làm việc nhà hoặc bất cứ việc gì bạn đang làm.
Bằng cách ép bản thân dồn tâm trí vào một thứ, bạn sẽ huấn luyện được bộ não của mình kiểm soát sự chú tâm.
2. Chỉ làm một việc tại một thời điểm
Làm nhiều việc cùng lúc hiếm khi mang lại hiệu quả, năng suất, đặc biệt là những công việc cần nhiều sức mạnh não bộ và tâm trí.
Không chỉ vậy, làm nhiều việc cùng lúc cũng sẽ có hại cho não bộ. Cứ mỗi lần bạn chuyển từ việc này sang việc khác trong khi đang làm nhiều hơn một thứ thì chi phí về nhận thức xuất hiện sẽ kéo tâm trí bạn xuống và gây ra căng thẳng liên tục.
Thậm chí, chuyển đổi giữa nhiều dự án và môi trường làm việc qua những giai đoạn lâu hơn cũng để lại một thứ mà giáo sư trường kinh doanh Sophie Leroy gọi là “thặng dư chú ý” (attention residue), và nó tác động tới khả năng tập trung vào một công việc mới.
Làm một việc tại một thời điểm với sự tập trung sâu sắc trong những khoảng thời gian mở rộng sẽ giúp chống lại những hiệu ứng phụ tiêu cực. Nó cũng hiệu quả và giúp duy trì sự chú tâm tốt hơn.
3. Tạo thói quen ngắt kết nối
Liên tục lướt web và kiểm tra thông báo là thói quen không có tội nhưng chúng thường dẫn đến sự thụ động.
Cứ mỗi lần bạn lấy điện thoại ra rồi lướt qua các tài khoản mạng xã hội và mỗi lần nghỉ ngơi dành 10 phút để vào Internet thì 10 phút sẽ trở thành 1 giờ đồng hồ, bộ não sẽ xây dựng một vòng lặp thói quen mà tự tăng cường chính nó để thúc đẩy hành vi đó.
Hiển nhiên, những thiết bị và công nghệ này là một phần quan trọng của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, để có thể biến chúng trở thành một thứ tích cực trong cuộc sống thì bạn phải đặt ra các giới hạn. Ngắt kết nối đều đặn không chỉ là lý tưởng mà nó còn là điều cốt lõi.
Cá nhân tôi cố gắng không kiểm tra thông báo và email cho tới ít nhất 3 giờ chiều. Ngày nào mà thực hiện được như vậy, tôi đều cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt trong mức độ kiểm soát của tôi vào ngày đó. Tôi cũng đều đặn làm việc hoặc làm những thứ tôi thích hoàn toàn trong 24 đến 48 giờ đồng hồ mà không cầm điện thoại hay mở máy tính.
Có thể điều này sẽ khác với từng người nhưng bạn sẽ không nhận ra bao nhiêu sự chú ý mỗi ngày đã bị đánh cắp cho tới khi bạn thật sự tìm cách nắm giữ nó.
Phần thưởng sẽ luôn lớn hơn nhiều
Nhà tâm lý học huyền thoại Mihaly Csikszentmihalyi đã từng nói trong một cuốn sách của ông mang tên Flow: The Psychology of Optimal Experience rằng: “Kiểm soát nhận thức quyết định chất lượng cuộc sống”.
Sự chú tâm có sức mạnh làm bạn hạnh phúc hơn bằng cách giúp bạn trân trọng những thứ nhỏ nhặt mà dễ dàng bị lờ đi trong cuộc sống thường ngày.
Sự chú tâm cho phép bạn bỏ qua những giới hạn mặc định bởi vì nó truyền cảm hứng cho bạn sử dụng tốt hơn thời gian bạn có.
Sự chú tâm dẫn bạn tới một cuộc sống viên mãn bằng cách dồn sự tập trung vào những thứ mà thực sự quan trọng với bạn, thay vì những thứ khiến bạn bị phân tán.
Hạnh phúc, năng suất, hiện tại và sự viên mãn tất cả đều xuất phát từ khả năng kiểm soát một cách siêu chủ động năng lượng tinh thần.
Mặc dù thế giới sẽ luôn tìm cách lấy cắp sự chú tâm của chúng ta nhưng với nhận thức, luyện tập và thói quen đúng đắn, chúng ta có thể đấu tranh để giữ lấy quyền kiểm soát tâm trí của mình.
Nếu biết cách bảo vệ và nuôi dưỡng sự chú tâm, gần như không có thứ gì có thể ngăn bạn sống một cuộc sống bạn muốn bởi vì đó là nơi tất cả mọi thứ bắt đầu.
Bài dịch hay. Đúng là tập trung mang đến hạnh phúc. nhưng để chú tâm vào từng hành động mỗi ngày thật sự không dễ
Cảm ơn bạn nha. <3
thank for your share 🙂
Thanks. 😍😍😍
Bài viết rất hay, cảm ơn bạn rất nhiều.
Cám ơn bạn nhé, hihi