Gần đây mình có đọc một cuốn sách có tên Show Your Work (Nghệ thuật PR bản thân) của tác giả Austin Kleon. Cuốn sách này đã có bản dịch tiếng Việt với tên gọi Nghệ thuật PR bản thân. Bạn có thể tìm mua dễ dàng nó tại các hiệu sách.
Mình đọc bản tiếng Anh và thực sự rất ấn tượng với những gì tác giả viết. Ngôn từ, câu cú dễ hiểu, không quá nhiều những ngụ ý đằng sau nên càng đọc, càng cảm thấy như thể nuốt được từng thông điệp mà Austin muốn truyền đạt. Một cuốn sách truyền cảm hứng, những góc nhìn tích cực, lành mạnh và thiết thực – mình khuyến khích các bạn nếu có thời gian hãy đọc nhé.
My Notes
💚 Để có thể được tìm thấy thì bản thân bạn phải dễ tìm thấy.
💚 Trở thành một phần giá trị của một ‘cộng đồng những người tài năng’ (scenius) về cơ bản không phải là việc bạn thông minh hay tài năng như thế nào mà là bạn có thể đóng góp được điều gì cho cộng đồng đó – những ý tưởng mà bạn chia sẻ, chất lượng của những kết nối mà bạn có được, và những câu chuyện mà bạn gợi mở.
💚 Tham gia cộng đồng này rất dễ vì không có người bảo kê, không có người gác cổng hay bất cứ rào cản nào cả. Bạn không cần phải giàu có, không cần phải nổi tiếng và cũng không cần phải có một bản sơ yếu lý lịch bóng bẩy hay một bằng cấp hào nhoáng từ một trường đại học danh giá. Tất cả mọi người – nghệ sĩ và như tư vấn triển lãm nghệ thuật, bậc thầy và thực tập sinh, chuyên gia và kẻ nghiệp dư – đều có khả năng đóng góp thứ gì đó.
💚 Hãy là một kẻ nghiệp dư thay vì khao khát trở thành một chuyên gia, bởi vì kẻ nghiệp dư “không có gì để mất, những kẻ nghiệp dư sẵn sàng thử bất cứ điều gì và chia sẻ những gì họ nhận được. Họ nắm lấy mọi cơ hội, thử nghiệm và theo đuổi những ý nghĩ chợt nảy ra của họ. Đôi khi, trong quá trình làm ra những thứ theo một cách không chuyên nghiệp, họ lại tìm ra những phát hiện mới.”
💚 Những kẻ nghiệp dư không sợ mắc sai lầm hay trông thật ngớ ngẩn giữa chốn đông người. Họ say đắm trong tình yêu nên họ không ngần ngại làm những thứ mà những người khác nghĩ là ngớ ngẩn hay trông thật ngốc nghếch. “Những hành động sáng tạo ngớ ngẩn nhất có thể vẫn là một hành động sáng tạo,”, Clay Shirky đã từng viết như thế trong cuốn sách Thặng dư nhận thức (Cognitive Surplus) của ông.
💚 Những kẻ nghiệp dư hiểu rằng đóng góp thứ gì đó còn tốt hơn chẳng đóng góp được điều gì.
💚 Những kẻ nghiệp dư thiếu đi sự đào tạo chính thống, nhưng họ đều là những người học cả đời, và họ chú tâm học hỏi trong sự cởi mở, nên những người khác có thể học hỏi từ những thất bại và thành công của họ.
💚 Kẻ nghiệp dư chỉ là những con người bình thường mà bị ám ảnh bởi thứ gì đó và dành hàng giờ để nói ra suy nghĩ của họ về nó.
💚 Hãy nghĩ về điều bạn muốn học và cam kết học hỏi nó trước những người khác.
💚 Chú ý vào điều mà những người khác đang chia sẻ và bắt đầu ghi chép những điều mà họ không chia sẻ.
💚 Chia sẻ điều bạn yêu và những người mà yêu thích cùng những thứ giống bạn sẽ tìm đến bạn.
💚 Nếu bạn muốn mọi người biết về những gì bạn đang làm và những thứ mà bạn quan tâm thì bạn phải chia sẻ nó ra.
💚 Bạn phải biến những thứ vô hình thành thứ gì đó mà những người khác có thể nhìn thấy.
💚 Hãy trở thành một người làm phim tài liệu về những gì bạn đang làm. Hãy bắt đầu ghi nhật ký công việc: Hãy viết ra những suy nghĩ của bạn vào một cuốn sổ, hoặc nói ra và ghi âm chúng.
💚 Hãy chụp thật nhiều ảnh về công việc của bạn ở những giai đoạn khác nhau. Hãy quay video về những gì bạn đang làm. Đây không phải là sáng tạo nghệ thuật mà đơn giản chỉ là theo dõi những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Hãy tận dụng tất cả những công cụ rẻ, dễ dàng bạn có trong tay – những ngày này, đa phần chúng ta đều sở hữu một studio đa phương tiện với đầy đủ chức năng ngay trên chiếc điện thoại của mình.
💚 Liệu rằng bạn chia sẻ nó hay không thì việc ghi chép lại và quay phim lại quá trình của bạn khi bạn làm việc cũng đều có ích lợi: bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy công việc bạn đang làm một cách rõ ràng hơn và cảm thấy bạn đang tiến bộ. Và khi bạn sẵn sàng chia sẻ thì bạn có sẽ nhiều tư liệu để lựa chọn.
💚 Hãy cởi mở, chia sẻ sự không hoàn hảo và những công việc dở dang mà bạn muốn nhận được góp ý của người khác, tuy nhiên tuyệt đối đừng chia sẻ tất cả mọi thứ.
💚 Những thứ nhỏ bé, theo thời gian, có thể trở nên lớn dần lên.
💚 Trước khi chúng ta sẵn sàng thực hiện một bước nhảy đó là chia sẻ công việc của chúng ta với thế giới thì chúng ta có thể chia sẻ cảm nhận của mình về công việc của những người khác.
💚 Khi bạn tìm thấy thứ gì đó mà bạn cực kỳ thích thú thì đừng để những người khác khiến bạn cảm thấy tồi tệ về nó. Đừng cảm thấy tội lỗi về sự thỏa mãn mà bạn có từ những thứ bạn thích. Hãy tận hưởng chúng.
💚 Hãy cởi mở và chân thật về thứ bạn thích là cách tốt nhất để kết nối với những người mà cũng thích thứ đó.
💚 Đừng chia sẻ những thứ mà bạn không tin tưởng. Hãy tìm nguồn đáng tin cậy, nếu không thì đừng chia sẻ.
💚 Những câu chuyện mà bạn nói về công việc bạn làm có một hiệu ứng rất lớn trong cách mà mọi người cảm thấy và hiểu về công việc của bạn, cách mà mọi người cảm thấy và điều họ hiểu về công việc của bạn sẽ có ảnh hưởng tới việc họ trân trọng nó như thế nào.
💚 Cho dù bạn đang kể một câu chuyện hoàn chỉnh hay còn dở dang thì hãy luôn để ý tới khán giả của bạn. Nói với họ trực tiếp bằng ngôn ngữ đơn giản. Trân trọng thời gian của họ. Học cách nói. Học cách viết.
💚 Tất cả mọi người đều thích một câu chuyện hay, nhưng cách kể chuyện hay không đến dễ dàng với tất cả mọi người. Đó là một kỹ năng mà cần cả đời rèn luyện. Thế nên, tìm hiểu những câu chuyện hay nhất và sau đó, tạo ra những câu chuyện của riêng bạn. Những câu chuyện của bạn sẽ tốt hơn khi bạn càng nói về nó nhiều hơn.
💚 Cách bạn giải thích công việc của bạn với đồng nghiệp tại quán bar không phải là cách mà bạn giải thích công việc của bạn với mẹ của bạn.
💚 Có sự đồng cảm với khán giả. Hãy dự đoán trước những ánh nhìn ngơ ngác. Hãy sẵn sàng đối mặt với nhiều câu hỏi hơn. Hãy trả lời một cách kiên nhẫn và lịch sự.
💚 Giây phút bạn học được điều gì đó thì hãy ngoảnh trở lại và dạy nó cho người khác.
💚 Nhưng trên tất cả, khi bạn chia sẻ kiến thức và công việc với người khác, bạn lại được học một lần nữa.
💚 Nếu bạn nhận được, bạn phải cho đi. Nếu bạn muốn được chú ý thì bạn phải chú ý.
💚 Hãy thận trọng. Hãy tận tâm. Đừng tỏ ra khó chịu. Hãy ở luôn cởi mở.
💚 Nếu bạn muốn thứ gì đó thú vị thì bạn buộc phải thật thú vị.
💚 Càng nhiều người để ý tới công việc của bạn thì càng nhiều những chỉ trích mà bạn sẽ đối mặt.
💚 Nếu bạn dành cả đời trốn tránh sự dễ tổn thương thì bạn và công việc của bạn sẽ không bao giờ thực sự được kết nối với những người khác.
💚 Đừng xóa sổ bạn bè của bạn bởi vì họ đã có một chút thành công. Đừng ghen tị khi những người bạn yêu quý làm tốt công việc của họ – hãy hân hoan cho những chiến thắng của họ như thể đó là của bạn.
💚 Một cuộc sống sáng tạo tất cả là liên quan đến sự thay đổi – tiến về phía trước, nắm lấy cơ hội, khám phá những biên giới mới.
💚 Hãy hoài bão. Giữ cho bản thân bận rộn. Hãy nghĩ lớn hơn. Mở rộng khán giả của bạn. Đừng trói buộc bản thân trong danh nghĩa “giữ sự chân thật” hay “không bán ra ngoài”. Hãy thử những điều mới. Nếu một cơ hội đến mà cho phép bạn làm nhiều những thứ mà bạn muốn làm thì hãy nói có. Nếu một cơ hội đến mà có nghĩa sẽ có nhiều tiền hơn nhưng ít hơn những công việc bạn có thể làm thì hãy nói không.
💚 Đừng nghĩ về nó như một sự bắt đầu lại. Hãy nghĩ về nó như sự bắt đầu một lần nữa. Hãy tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ để học và khi bạn tìm thấy nó, hãy dồn hết sức để học hỏi nó với tâm thế cởi mở. Hãy ghi chép quá trình của bạn và chia sẻ đường đi của bạn nên những người khác có thể học cùng bạn. Hãy cho người khác biết việc bạn làm, và khi những người phù hợp xuất hiện, hãy chú ý nhiều tới họ, bởi vì họ sẽ có nhiều thứ để cho bạn biết.
Sau khi đọc xong Nghệ thuật PR bản thân, mình đã cố gắng rèn luyện cho bản thân tâm thế của một kẻ nghiệp dư – chưa hề biết gì cả. Điều đó giúp mình luôn nỗ lực mỗi ngày, học hỏi hết sức từ những người khác, tò mò với những điều mới lạ, tích cực đặt câu hỏi, đào sâu để khám phá ra những khía cạnh mới của vấn đề hoặc của một thứ bất kỳ mà mình nghe được.
Mỗi ngày là một trải nghiệm tuyệt vời khi mình cởi mở hơn, suy nghĩ sâu hơn về mọi tình huống. Không vội vàng kết luận hay đưa ra một lựa chọn vì khi mở lòng hơn, mình sẽ nhìn ra nhiều lựa chọn tốt đẹp hơn nữa.
Hy vọng những ghi chú này của mình sẽ có ích cho bạn và truyền cảm hứng cho bạn đọc cuốn sách. Chúc bạn cuối tuần thật vui.
Link mua sách trên Shopee: Nghệ thuật PR bản thân.
Những cuốn sách hay khác mình đã đọc:
Ảnh đầu bài: Austin Kleon
Cảm ơn bạn, mình sẽ không ấn tượng với bài viết này nếu nó được đặt tên là “Nghệ thuật PR bản thân” rồi ^^
Đôi khi trong lòng mình rất muốn làm nhiều thứ, để khám phá thêm về khả năng của mình, để chia sẻ với mọi người cái điều mình học được, được giúp đỡ và đóng góp, cơ mà việc chia sẻ cũng có nhiều trắc trở, nhất là mình sợ làm sai hoặc sợ bị đánh giá. Nhất là khi ngày ngày, lớp chuyên gia sẽ đăng bài chỉ trích lớp nghiệp dư rằng thà đừng làm còn hơn làm sai, vì họ có thể tạo nên một “nền giáo dục sai” cho cả một thế hệ trẻ.
Mình băn khoăn nhiều. Liệu có sự bình đẳng nào mang tính nối kết, hàn gắn, chia sẻ giữa con người với con người, giữa cái đúng vàcái sai? Làm sao biết như thế nào là đúng, như thế nào là sai?
Như việc tạo ra những sản phẩm tiện lợi, tạo ra hàng hóa với số lượng lớn, có thể được xem như là bước tiến nhảy vọt của con người, sau thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Vậy mà thời gian gần đây, rác thải từ những sản phẩm ấy lại là một mối nguy cơ đáng lo ngại.
Cũng giống như thế giới có thời gian, công việc có quy trình, có hiệu suất đẩy con người đến những thăng tiến nhất định, nhưng lại đánh mất đi sự cân bằng nào đó trong cuộc sống vốn có của chúng ta.
Cũng như hiện tại nghiên cứu khoa học dựa trên phương pháp thực nghiệm là bằng chứng đáng tin cậy, được con người đánh giá cao, nhưng chắc gì vài chục năm nữa nó sẽ vẫn đáng được tin tưởng.
Bằng cách nào đấy, mình thấy rằng không có gì là tuyệt đối hoàn toàn, vậy nên ranh giới giữa cái đúng và cái sai vốn rất mong manh, miễn sao mình không gây tổn thương, gây chia rẻ, gây hiểu nhầm, gây đau đớn cho người khác là được rồi phải không?
Mình rất thích câu này: Trở thành một phần giá trị của một ‘cộng đồng những người tài năng’ (scenius) về cơ bản không phải là việc bạn thông minh hay tài năng như thế nào mà là bạn có thể đóng góp được điều gì cho cộng đồng đó.
Cái tài năng này thực có ích vì mình không sở hữu nó một mình, duy nhất ^^
Mình sẽ thử bắt đầu trở thành kẻ khù khờ nghiệp dư như đoạn này của bạn: Hãy là một kẻ nghiệp dư thay vì khao khát trở thành một chuyên gia, bởi vì kẻ nghiệp dư “không có gì để mất, những kẻ nghiệp dư sẵn sàng thử bất cứ điều gì và chia sẻ những gì họ nhận được. Họ nắm lấy mọi cơ hội, thử nghiệm và theo đuổi những ý nghĩ chợt nảy ra của họ. Đôi khi, trong quá trình làm ra những thứ theo một cách không chuyên nghiệp, họ lại tìm ra những phát hiện mới.”
Ngọc Ngớ Ngẩn
#ngocpsycho
Cám ơn bạn nhiều nha. Đọc được những chia sẻ này của bạn thật mình cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Mình cũng nghĩ giống như bạn, trên đời này không có gì là tuyệt đối cả, và cái quan trọng vẫn là giúp đỡ được gì cho những người xung quanh. Sai thì sửa, nên đừng ngại ngần nhé. Cùng cố gắng nha bạn. xo xo
Bài này của bạn hay quá!
Cám ơn bạn nhiều nha.