Câu trả lời là: không bao giờ dừng được. Mình không biết thế nào, nhưng cá nhân mình thì mình sẽ dừng phát triển bản thân và dừng học khi mình… chết.
Thực sự là vậy các bạn ạ. Bởi vì kiến thức là vô bờ bến, trong khi khả năng học tập và thời gian là có giới hạn. Mỗi ngày qua đi, mỗi lần gặp người mới, mỗi giờ được tiếp xúc với một thứ mới là chúng ta lại học rồi. Chưa kể mỗi ngày, thế giới lại biết bao đổi thay, công nghệ cải tiến liên tục. Chiếc điện thoại hôm nay là đời mới, thì năm sau, thậm chí tháng sau có khi đã có vài chi tiết cũ rồi. Cuộc sống liên tục dịch chuyển như vậy thì làm sao mình chắc chắn rằng mình đã học được hết, đã phát triển bản thân đủ rồi được chứ?
Mình đã từng đề cập tới việc mình muốn phấn đấu trở thành người học cả đời và không bao giờ ngừng học. Mình đã và đang làm như vậy. Mình cực kỳ tò mò, thích khám phá, thích đọc, thích nghe, thích được hỏi, thích dành hàng giờ lang thang trên mạng tìm kiếm những gì mình chưa biết và thích viết ra để chia sẻ cho người khác. Đấy là bản tính của mình rồi và mình cũng cám ơn Đấng Tạo Hóa đã cho mình tinh thần ấy.
Bố mẹ mình, một số bạn bè mình và một số người thân quen, xa lạ, gặp một lần hay gặp vài lần khác từng nói với mình đại loại thế này: lấy chồng rồi thì học ít thôi, sinh con cái đi đã rồi sau đó thích học gì thì học.
Uh, mình biết chứ, có gia đình rồi thì phải chăm sóc gia đình, cũng phải có con cái cho vui cửa vui nhà và đó cũng là thiên chức của người mẹ. Mình hiểu hết. Nhưng mình nghĩ, việc muốn học và khao khát được học hỏi là quyền của mỗi người. Ngay cả có chồng, có con cái rồi thì chúng ta, phụ nữ hay cả đàn ông cũng đều có quyền được theo đuổi những sở thích cá nhân. Mỗi người vẫn có không gian và thời gian riêng để làm những điều mình thích đúng không nào. Nếu chỉ nghe theo lời người khác mà dừng việc học, dừng phát triển bản thân để rồi sau này lại cảm thấy tiếc nuối thì đấy không phải là niềm vui trọn vẹn được.
Có người bảo mình: bây giờ phải đọc những cuốn sách mới nhất, cập nhật những xu hướng mới nhất, những cuốn sách cũ thì xưa rồi, có khi còn lạc hậu, không dùng được nữa.
Nhưng mình nghĩ, cũng tùy thôi. Có cuốn đúng là không còn phù hợp với thế giới hiện đại, nhưng không phải 100% những thứ cũ kỹ đều như vậy. Nếu đọc lại, nếu nghiền ngẫm thì vẫn còn đầy thứ rất có giá trị đấy chứ. Điển hình là cuốn Kinh Thánh đấy, mình thấy hàng năm cuốn sách này vẫn được hàng triệu người trên thế giới mua và đến bây giờ, nó đã bán được hơn 3.9 tỷ cuốn rồi. Ai bảo cứ cái gì cũ là không nên dùng nữa?
Mình cũng nghe thấy có bạn bảo: tốt nghiệp đại học rồi, đi làm rồi nên không muốn học nữa, không muốn đụng chạm sách vở nữa. Vì sao? Vì hơi ngại, vì không có thời gian, vì lâu rồi không cầm bút, vì quá bận rộn với việc nhà và còn làm ở công ty, và vì học để làm gì nữa? Có làm kinh doanh đâu mà phải đọc sách kinh doanh, có làm nhà thơ, nhà văn đâu mà phải đọc sách văn học, có làm gì về công nghệ đâu mà phải đọc sách về mấy thứ đó? Mấy tỷ phú, người giàu hay CEO ư? Mình chẳng bao giờ được như họ đâu, đọc làm gì, với cả cũng khó mà áp dụng ở Việt Nam được. Tóm lại là, không cần đọc sách nữa. Đi làm ở công ty là đủ rồi.
Mình chẳng biết nói sao. Uh, tùy bạn thôi, mình cũng không muốn khuyên bạn, vì mỗi người mỗi sở thích.
Có bạn bảo: bây giờ trên mạng xã hội chia sẻ nhiều lắm, mấy bài viết như này đầy rẫy ra, cũng đều một kiểu nội dung ấy mà. Đọc một lần rồi lần sau thấy tiêu đề kiểu kiểu thế là biết ngay viết gì, chẳng muốn đọc nữa. Những nội dung đó nhàm chán rồi, làm gì có ai mãi tích cực, cuộc sống thực tế nhiều mưu toan chứ đâu phải ai cũng vui vẻ được. Biết thế nhưng mà chẳng làm được đâu… Phát triển bản thân nghe như đa cấp ấy nhỉ? Tớ chẳng muốn dính vào.
Bạn nói thế mình chịu rồi. Nếu chỉ đọc một bài viết có ý nghĩa một lần mà đòi thay đổi được cả cuộc đời thì có lẽ, chẳng có bài viết nào đáp ứng được nhu cầu của bạn. Vừa đọc, vừa ngẫm, vừa chọn lọc và áp dụng những cái hay thì mới có thay đổi được. Đọc một lần chưa ngấm thì đọc lần hai, lần ba, chứ nếu chỉ đọc một lần rồi đánh đồng tất cả các bài viết đều như nhau thì mình nghĩ không nên như vậy.
Gần đây, mình đọc được một bài viết rất hay của tác giả Darius Foroux nói về việc chúng ta có bao giờ xong việc phát triển bản thân hay không? Hy vọng chia sẻ này sẽ mang đến cho bạn nhiều suy ngẫm:
Tôi thường nghe mọi người nói kiểu như thế này, “Bạn không cần đọc những cuốn sách phi hư cấu nữa đâu!” Họ cho rằng bằng cách nào đó họ “đã xong” việc phát triển bản thân rồi.
“Tôi đã dừng nghe podcast” là một trong những khẳng định khác. Mỗi lần tôi nghe ai đó nói kiểu vậy, 2 từ xuất hiện trong đầu tôi đó là: kiêu ngạo.
Khi mọi người nói họ đã xong với việc học, điều họ đang thực sự nói là gì? Họ đang nói họ đã quá giỏi rồi nên không cần học tiếp những điều mà người khác chia sẻ nữa.
Họ đang nói, “Tôi không cần chúng nữa. Tôi biết hết rồi.” Đó chính xác là kiểu người mà không bao giờ tôi muốn kết bạn.
Chạy theo ‘trend’ hay tập trung vào những điều cơ bản
Khi học đại học, tôi đã từng làm việc ở bộ phận lễ tân của một phòng tập gym. Trong thời gian đó, tôi để ý thấy có hai nhóm người đăng ký tập. Một nhóm là tham gia tập gym vì họ chạy theo những xu hướng thể hình mới nhất. Có rất nhiều những người như thế này.
Bạn còn nhớ Tae Bo (môn thể dục Đông Tây kết hợp) chứ? Nó là cái gì thế?
Hay chế độ ăn kiêng Atkins? Và tất cả những biến thể của Spinning Class (đạp xe thể hình kết hợp âm nhạc) ? Cuồng Zumba. Cuồng Yoga. Tôi còn nhớ lúc mà Crossfit rất nổi tiếng.
Những ngày này, mọi người nói nhiều về leo núi đá (rock climbing). Yeah, yeah, tôi biết nó, bạn đã xem Free Solo (môn thể thao leo núi) và giờ bạn nghĩ bạn cũng có thể làm điều tương tự.
Luôn có những người chạy theo ‘trend’, đơn giản bởi vì nó được nhiều người biết đến. Những người này luôn chạy theo xu hướng mới nhất.
Họ đăng ký tập, đến phòng gym khoảng vài tháng và sau đó, chẳng bao giờ thấy họ xuất hiện nữa.
Một nhóm thứ hai là những người mà tập trung vào những điều cơ bản. Họ chẳng hề quan tâm gì đến ‘trend’. Thay vào đó, họ được tạo động lực bởi những mục tiêu bên trong – có thể là bất cứ điều gì từ giảm cân cho tới tăng cường sức mạnh.
Họ quan tâm tới kết quả. Họ đặt câu hỏi: Điều gì sẽ kéo dài qua hàng thập kỷ nữa? Những điều cơ bản của một quá trình rèn luyện là gì?
Lẽ tự nhiên, nhóm thứ hai này có rất ít người. Nhưng những người mà tập trung vào những điều cơ bản là những người mà luôn liên tục theo đuổi cái họ đã chọn. Đã hơn 10 năm kể từ khi tôi làm việc ở phòng gym đó, nhưng bây giờ tôi vẫn đang tập cùng với một vài trong số những người quen cũ.
…
Hãy tự hỏi bản thân: Tại sao mình đang cố gắng cải thiện bản thân? Nếu mình đi sai hướng, kiểu cố gắng gây ấn tượng với người khác hay chỉ để trở nên giàu có thì mình sẽ dễ bỏ giữa chừng nếu không nhanh chóng đạt được những mục tiêu này sao?
Nếu bạn có một động lực bên trong, khả năng kiên nhẫn của bạn sẽ tăng lên một cách tự động. Lúc này, bạn nuôi dưỡng tâm trí của một người mới bắt đầu.
Khi nuôi dưỡng tư duy này, bạn thậm chí còn không có sự kiêu căng để nói “Tôi đã rèn luyện xong rồi.”. Bạn cũng không nghĩ mình đã biết tất cả sau khi chỉ đọc vài cuốn sách.
Lặp lại những điều cơ bản
Mọi thứ trong cuộc sống đều có những điều cơ bản. Từ tập thể hình cho tới chế độ ăn cho tới triết học. Thế nên, hãy tập trung vào những điều cơ bản và lặp lại chúng thường xuyên. Nó sẽ giúp bạn luôn khiêm tốn và trở nên tốt hơn nữa.
…
Bạn sẽ chẳng bao giờ xong với việc làm chủ những điều cơ bản. Bạn cũng chẳng bao giờ xong với việc cải thiện bản thân. Đó là một quá trình mà sẽ kết thúc khi cuộc đời bạn chấm dứt.
Cách đây một vài tuần, mình có đọc một cuốn sách có tên Show Your Work (tiếng Việt: Nghệ thuật PR bản thân) của tác giả Austin Kleon. Cuốn sách này khá ngắn và bạn có thể đọc xong nó trong vòng 1,5 tiếng đồng hồ. Lúc đọc bài viết trên của Darius, mình đã nhớ tới một vài ý mà mình đã take note sau khi đọc xong Show Your Work:
Hãy là một kẻ nghiệp dư (amateur)
Bởi vì người nghiệp dư có ít thứ để mất. Người nghiệp dư sẵn sàng thử bất cứ điều gì và chia sẻ kết quả. Họ nắm lấy cơ hội, thử nghiệm và theo đuổi những ý nghĩ mới chợt nảy ra của họ. Đôi khi, trong quá trình làm những thứ này một cách không chuyên nghiệp, họ có được những phát hiện mới.
Người nghiệp dư không sợ mắc sai lầm hay trông thật buồn cười trước đám đông. Họ yêu đời, nên họ không ngại ngần làm những việc mà người khác nghĩ là ngớ ngẩn hay thật ngốc nghếch. “Hành động sáng tạo ngu ngốc nhất có thể vẫn là một hành động sáng tạo”, Clay Shirky đã từng viết như vậy trong cuốn sách Cognitive Surplus (tạm dịch: Thặng dư nhận thức).
Người nghiệp dư hiểu rõ đóng góp thứ gì đó còn hơn chẳng đóng góp gì. Người nghiệp dư có lẽ không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng họ đều là những người học cả đời, và họ chú ý tới việc học hỏi một cách công khai, nên những người khác có thể học hỏi từ những thất bại và thành công của họ.
Và bạn có biết người nghiệp dư là ai không? Đó là những người không chuyên – những người mà không bao giờ tự nhận mình là chuyên gia, chuyên nghiệp. Họ vẫn không ngừng phát triển kiến thức và hoàn thiện bản thân từng ngày, từng giờ.
Quan điểm của mình: nếu bạn thực sự muốn học và phát triển bản thân thì chắc chắn, bạn sẽ cố gắng (và sẽ làm được) sắp xếp thời gian cho nó. Đừng để “bận rộn” trở thành câu trả lời “tự động” của bạn. Nếu đang gặp khó khăn về vấn đề này, bạn có thể chia sẻ với mình. Mình sẵn lòng lắng nghe và hy vọng sẽ giúp được bạn cải thiện.
Bởi vì biết thêm nhiều điều mới thật sung sướng vô cùng. Vui lắm.
Cảm ơn tác giả! Mình cũng thuộc tuýp người như chị, luôn thích học mọi lúc mọi nơi. Mình rất háo hức đọc bài của chị hàng tuần. Chúc chị luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng, cảm xúc để chia sẻ nhiều hơn cho độc giả.
Cám ơn bạn đã ủng hộ mình nha. hihi
Mạnh dạn đoán bạn chủ blog tuổi 20 🤣