Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: How I Learned To Stay Curious.
—
Mỗi một đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào để luôn là một nghệ sĩ ngay cả khi đã trưởng thành.
Pablo Picasso.
Tôi rất dễ hào hứng về nhiều thứ. Trước đây, tôi kiềm chế bản thân trước việc theo đuổi những cuộc khám phá đầy tò mò này. Tôi đẩy bản thân ra khỏi những mối quan tâm mới và nghĩ tôi cần tập trung vào một thứ khác. Cho dù đó là về kinh doanh hay marketing thì tôi đều tạo ra áp lực cho bản thân rằng tôi không có thời gian cho chúng – mặc dù rõ ràng chúng rất thú vị. Ở thời điểm đó, một thứ phải trực tiếp liên quan và phù hợp với tôi thì tôi mới thử làm.
Trường học dạy tôi như thế.
Không phải lúc nào tôi cũng như vậy. Lớn lên, tôi tò mò với mọi thứ. Tôi muốn biết về hóa học, điện tử, nhiếp ảnh và nghệ thuật. Dù chẳng có mối liên hệ gì giữa những chủ đề này – nhưng tôi vẫn muốn tìm hiểu về chúng.
Với sự giúp đỡ của bố mẹ tôi – những người sinh ra trong thời kỳ Baby Boomer (thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh, từ năm 1946 – 1964) và các giáo viên trường tiểu học, tôi dần chán nản với việc tìm kiếm những thứ làm tôi hứng thú. Thay vào đó, tôi cứ làm theo những gì được chỉ bảo, kiểu như thế này:
- Đầu tiên, con phải học quy tắc này hay phương trình này để ghép nối các máy bán dẫn lại với nhau. Còn mấy thứ kia, con có thể làm chúng vào năm sau.
- Nhưng con đã tập lắp ráp mấy đồ dùng bằng sắt như thế ở nhà nhiều rồi!
- Ồ, đáng lẽ con không nên làm thế! Không ai mong con làm thế cả.
Hay nói cách khác, họ bảo tôi: – Con không thể!
Nhưng làm thế nào họ biết điều tôi có thể hoặc không thể làm?
Bạn có nghĩ Palmer Luckey, người sáng lập ra kính thực tế ảo Oculus Rift, nghĩ là anh ta không nên đùa giỡn với những chiếc headset thực tế ảo cũ rích? Bạn có nghĩ anh ta đã học vật lý bán dẫn trước khi tự tháo dỡ chiếc Nintendo đầu tiên của mình không?
Bạn có nghĩ YouTube vlogger nổi tiếng Casey Neistat cần phải học về khẩu độ và tốc độ chụp trước khi làm nên video này không?
Chẳng ai trong số hai người này học những thứ đó cả.
Bởi vì họ chẳng quan tâm một chút gì đến điều những người khác nghĩ.
Họ chỉ cứ thế mà tìm hiểu thôi. Rất quyết liệt.
Bạn chỉ có thể kết nối các dấu chấm bằng cách nhìn lại phía sau.
Sự tò mò ở đâu cũng thấy này có liên quan đến sự sáng tạo. Elizabeth Gilbert đã có một bài diễn thuyết rất hay trên TED về việc sáng tạo bắt nguồn từ đâu. Bà đưa ra luận điểm rằng chẳng có cách nào để giải thích về sự sáng tạo. Thay vì thế, bà nói về cách nuôi dưỡng sự sáng tạo và trên tất cả, chấp nhận nó.
Khi tôi cảm thấy hứng thú, tôi đưa ra những kết luận mà chưa bao giờ tôi đoán trước được. Đôi khi tôi đạt tới khoảnh khắc kiểu “trời đất ơi, cái này hay quá” đầy khoái chí. Khi tôi tiếp tục đào sâu hơn và chôn vùi mình trong công việc, đột nhiên, tôi tiếp cận được với quá nhiều điều mới mẻ đến nỗi mà tôi đã không hề biết chúng ở đó. Những thứ này là những dấu chấm đã được kết nối.
Một lần nữa, bạn không thế kết nối các dấu chấm bằng cách nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng bằng cách nhìn lại phía sau. Thế nên, bạn buộc phải tin rằng những dấu chấm bằng cách nào đó sẽ kết nối với nhau trong tương lai. Bạn phải tin vào thứ gì đó – linh cảm của bạn, số phận của bạn, cuộc sống của bạn, nghiệp của bạn, bất cứ điều gì nữa. Cách tiếp cận này chưa bao giờ đốn ngã tôi, và nó tạo ra tất cả những khác biệt trong cuộc sống của tôi.
Steve P. Jobs
Bạn chỉ có thể kết nối các dấu chấm bằng cách nhìn lại phía sau. Khi bạn tò mò, bạn đi ra ngoài, bạn thử, thất bại, cố gắng và thất bại. Việc học trở nên dễ dàng hơn bởi vì nó được tạo động lực bởi sự quan tâm chân thực. Năng lực nhận thức mở rộng, và bạn học bằng cách làm. Và nó hóa ra, đây là cách học tốt nhất.
Nguồn kiến thức duy nhất đó là trải nghiệm.
Albert Einstein
Câu nói này đúng với tôi hơn bất cứ điều gì khác. Thi thoảng, tôi tìm thấy một đam mê mới và tôi sẽ vùi đầu vào trong nó. Nhưng thường sau đó, tôi lại nhảy ngay sang một thứ khác nên tôi chẳng có nhiều tiến bộ trong đa phần những thứ tôi đã thử dấn thân vào. Nhưng những sự tuôn trào của việc học đầy thú vị này đã để lại cho tôi một bài học mà gần đây tôi mới phát hiện ra được.
Bất cứ ai cũng có thể học bất cứ thứ gì.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành bất cứ điều gì.
Điểm tạo sự khác biệt là đam mê và động lực mà sẽ dẫn lối chúng ta vượt qua những thử thách khó nhằn. Sự siêng năng mà theo sau sự tìm kiếm đầy tò mò.
Chẳng có đam mê nào mà không đi kèm với sự tò mò và một mối quan tâm đầy sâu sắc.
Nếu bạn đang tìm kiếm đam mê, hãy để bản thân thỏa sức tò mò trước đã. Hãy cứ tiếp tục tìm kiếm và giữ sự tò mò.
Ảnh đầu bài: DariuszSankowski
cảm ơn bạn về những điều tuyệt vời như v. xin lỗi vì không thể ủng hộ được bạn trong thời gian này. vì mình là 1 sinh viên nên kinh tế hơi eo hẹp. sau này mình nhất định sẽ ủng hộ bạn
Cám ơn Hùng nhé, không có gì phải xin lỗi nha, việc bạn đọc bài viết của mình đấy là sự khích lệ lớn nhất với mình rồi.