Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: With Lifelong Struggles, Effort Isn’t What’s Missing.
—
Một người bạn đã kể cho tôi nghe một câu chuyện rất xúc động về cậu bạn học cùng lớp phổ thông của anh ấy – một câu chuyện mà giờ đây, tôi tin rằng nó xảy ra với gần như tất cả mọi người, dù dưới những hình thức khác nhau. Nó đã xảy ra với tôi, và có thể cả với bạn.
Cậu bạn cùng lớp đó được biết đến như là một vận động viên đầy tài năng nhưng cũng đồng thời là một sinh viên kém, và ai cũng nhận thấy vậy. Trong đội bóng bầu dục, cậu là người bắt bóng, nhưng cậu lại có thói quen rất khiến người khác nổi cáu đó là lúc nào cũng đứng sai phía khi xếp đội hình. Và khi đáng lẽ chạy sang trái thì cậu lại chạy sang phải. Huấn luyện viên vẫn giữ cậu lại trong đội vì cậu chạy nhanh và chơi hết mình, và những lỗi di chuyển của cậu có thể thay đổi được.
Nhưng, cậu vẫn liên tục phạm lỗi. Vị huấn luyện viên nhanh chóng phỏng đoán còn có một lý do khác nữa. Cuối cùng, ông quyết định đưa cậu học sinh tới gặp một chuyên gia tâm lý. Hóa ra, vì mắc chứng khó đọc (dyslexia) nên cậu mới “đảo ngược” mọi nỗ lực ghi bàn của đội.
Hội chứng này cũng giải thích cho những khó khăn của cậu trong lớp. Cậu không phải là học sinh kém, cậu chỉ là chẳng hề biết mình đang gặp khó khăn với bài tập ở trường theo cách hoàn toàn khác với bạn bè của cậu. Vì biết rõ vấn đề nên cậu (và giáo viên của cậu) hiểu mình cần phải dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành bài tập.
Bạn có thể tìm thấy vô số những câu chuyện tương tự về những đứa trẻ mà nhiều năm liền, chúng không có sự tập trung hoặc chẳng hề cố gắng, trong khi chúng thực sự không thể đọc được câu chữ trên bảng và chỉ cần một cặp kính. Quả là một phát hiện xoay chuyển hiện trạng với mỗi một đứa trẻ này, cũng như đối với bố mẹ và giáo viên của chúng.
Giờ đây tôi băn khoăn liệu phần lớn chúng ta, ở khía cạnh nào đó, có phải cũng là những đứa trẻ cần cặp kính nhưng chúng ta không hề biết. Hiện tượng ấy rất phổ biến với nhiều người: vô cùng gặp khó khăn với thứ gì đó bởi vì họ không hề nhận ra rằng mình đang trải qua hoàn cảnh hoàn toàn khác với những người xung quanh họ.
Khi đối mặt với thứ gì đó mà đa phần mọi người dường như chưa hề gặp phải, chúng ta bắt đầu tin vào thông điệp quen thuộc mà ai cũng nói: chúng ta ngu dốt, lười biếng và không phải là người phù hợp cho một công việc nhất định. Chúng ta cần tập trung hay nỗ lực hơn. Thế nên, chúng ta lại cố gắng.
Và thế là một lối sống bắt đầu được hình thành từ thông điệp đó: một người bỗng trở thành kẻ chạy trốn khỏi hoàn cảnh để không phải liên tục chịu đựng những khó khăn hay nỗi đau xuất hiện. Ai đó gặp rắc rối với việc học, vì một lý do trong hàng ngàn lý do, có lẽ mãi mãi trốn tránh những thử thách học tập dưới bất cứ hình thức nào, từ việc vào học đại học cho tới tham dự những màn ganh đấu giải đố tại các quán pub.
Đấy là lý do tại sao những sự khác biệt chưa được công nhận này trong trải nghiệm nội tâm của chúng ta có xu hướng tiếp tục không được nhận dạng – bởi vì chúng ta có xu hướng sống theo cách mà tránh làm cho những khó khăn của chúng ta trở nên hiển nhiên. Chúng ta tránh những tình huống mà chúng ta cảm thấy bản thân không hòa hợp, thứ mà ngăn chúng ta hoàn toàn khỏi việc hiểu rõ được chính xác thì điều gì đang xảy ra.
Cội rễ của sự bỏ ngơ này là không một ai có thể đánh giá được sự dễ dàng và khó khăn một cách khách quan. Mỗi một chúng ta đều nhận biết thế giới và các thử thách của nó thông qua những trải nghiệm nội tâm cá nhân, duy nhất – thứ mà không một ai khác có thể nhìn thấy – nên chẳng ai có cách nhìn rõ ràng về điều gì là dễ dàng hay khó khăn trong trải nghiệm của những người khác. Chúng ta gắn kết những thứ “bình thường” lại với nhau – vì trong điểm tham chiếu, chúng ta có xu hướng so sánh bản thân mình với chúng – bằng cách quan sát cách những người khác, nói chung, dường như đang vượt qua cùng những thử thách đó.
Tuy nhiên, đây là một phát hiện đầy bất ngờ: về cơ bản, những thử thách đó không giống nhau. Cố gắng hiểu từng câu chữ được viết trên tấm bảng đen với một tầm nhìn hạn chế là một đòi hỏi về năng lực khó hơn nhiều đối với một người có vấn đề về mắt so với một người có thị lực 20/20. Cố gắng hẹn hò khi tâm trí bạn vô cùng lo lắng lại càng khuếch đại sự khó khăn hơn là giúp giải tỏa căng thẳng, kể cả khi coi những yếu tố khác không thay đổi.
Khi không nhận ra sự khác biệt mạnh mẽ giữa cách mà chúng ta và những người khác trải qua một tình huống nhất định, tất cả đều có xu hướng gán sự khác biệt về kết quả cho: hoặc là tài năng bẩm sinh, hoặc những là những phẩm chất nổi bật, hiếm thấy về mặt đạo đức như bền bỉ, kỷ luật, biết xác định những thứ cần ưu tiên nhất. Thậm chí còn có một ngành công nghiệp self-help tỷ đô gần như hoàn toàn tập trung vào việc giúp cải thiện những phẩm chất này, như thể việc thiếu những phẩm chất đó có thể giải thích cho tất cả những thiếu hụt của chúng ta.
Tôi tin rằng sự bỏ ngơ ấy có một tác động rất lớn tới cách mà mỗi một chúng ta nhìn nhận bản thân và khả năng của mình, và không chỉ trong những trường hợp mắc các hội chứng có thể được chẩn đoán như ADD (rối loạn thiếu khả năng chú ý), lo âu, hay chứng khó đọc. Một thứ có thể còn khó hơn gấp 10 lần đơn giản bởi vì chúng ta không có được chút thông tin cốt lõi mà những người khác có.
Khi lần đầu tiên chơi guitar, có một khoảng thời gian ngắn đầy tuyệt vọng khi tôi chỉ là không thể hiểu nổi làm sao mà mọi người có thể chơi hầu hết các hợp âm hay đến thế. Tôi có thể chơi âm giai Sol trưởng rất tốt và âm C ổn. Nhưng những âm khác rất lộn xộn. Thậm chí, những người mới chơi khác còn chơi tốt hơn tôi rất nhiều. Tôi biết là tôi đã bấm đúng.
Vấn đề là một sự bỏ ngơ cực kỳ đơn giản (nhưng mấu chốt): tôi phải bấm dây xuống bàn phím, chứ không chỉ đặt ngón tay lên chúng ở đúng vị trí. Một sự nhận diện thay đổi cách nhìn của tôi, tuy rằng nó không có gì to tát. Đột nhiên, mọi thứ một lần nữa lại thành có thể.
Dù vấn đề có nhỏ hay lớn, chúng ta sẽ dừng tìm kiếm lời giải thích thật sự một khi chúng ta bắt đầu gói gọn những khó khăn của mình thành “tôi khổ quá” (hoặc khi những người khác tự làm thế với chúng ta: “cậu khổ quá”). Không may, đấy thường là lời đầu tiên và cũng là câu nói mà chúng ta liên tục nhận được.
Tôi không có ý khẳng định lúc nào cũng có một sự hiểu nhầm hay một hội chứng chưa được chẩn đoán tương ứng với mỗi hoàn cảnh chúng ta trải qua. Đôi khi, sự khác biệt nằm ở may mắn, tự tin, kinh nghiệm hay sự kết hợp đầy tình cờ của các yếu tố này. Tuy nhiên, khi cứ phải liên tục gồng mình lên để làm thứ gì đó nhiều năm liền, tôi cá là có một nhân tố tạo nên sự khác biệt, chủ chốt hiện diện đang khiến khó khăn chồng chất – và một khi nhìn thấy nó, nhiều thứ sẽ thay đổi.
Những khoảnh khắc không dễ nhận thấy này có thể hoàn toàn thay đổi bản sắc của bạn, về việc bạn cảm thấy mình giá trị và được yêu mến như thế nào. Chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tôi 38 tuổi, và chỉ năm nay tôi mới bắt đầu hiểu mình đang làm quá lên nỗi sợ xã hội (social anxiety) của mình như thế nào, đặc biệt là sự khác nhau khi tôi tham dự buổi hòa nhạc, tiệc tùng, điện thoại, đổi quà, nói chuyện với tài xế lái xe bus và một nghìn những tình huống bình thường khác. Cả cuộc đời tôi, những tình huống này và cả những thứ rất bình thường hàng ngày khác dường như đều là những thử thách khó nhằn phải đối mặt.
Để làm cho câu chuyện dài đằng đẵng này thật ngắn, giờ đây tôi đã hiểu yếu tố tạo ra sự khác biệt phi thường đằng sau quá nhiều những thứ đầy khó khăn với tôi: lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi suy nghĩ về cách mà những người khác nghĩ tôi như thế nào.
Tôi đã hiểu nó, tôi có thể lý giải nó, và cuộc sống của tôi thay đổi rất nhanh. Các mục tiêu và sở thích mà dường như vượt ngoài giới hạn bây giờ đã là có thể với tôi, giống như những người khác, lần đầu tiên kể từ khi tôi trưởng thành.
Sống gần đến tuổi trung niên mà không hiểu gì về sự khác biệt sâu xa này đã khiến tôi gặp rất nhiều vấn đề nữa: trì hoãn kinh niên, hoài nghi về thành công, một cảm giác lạc loài giữa đám đông, sự kiện và những khi mọi người vui vẻ; uống nhiều; mất ý tưởng sáng tác; mất khả năng yêu cầu sự giúp đỡ, và nhiều những chướng ngại vật khác.
Giờ đây tôi đang hào hứng đánh giá lại mối quan hệ của tôi với gần như mọi thứ tôi đang làm (hay đã đang tránh làm) mà chẳng để ai chi phối. Đó là một thế giới mới, một thế giới có ý nghĩa hơn nhiều.
Tóm lại, có hai điều mấu chốt tôi muốn chia sẻ với bạn:
Đầu tiên, trải nghiệm của hai người với cùng một thử thách có thể rất khác nhau, và có rất nhiều thứ đang diễn ra nữa chứ không chỉ là khao khát, nỗ lực và sự bền bỉ. Tuy nhiên, phần lớn những thông điệp mà chúng ta nhận được về thành công, ở trường, ở nơi làm việc, và trong văn hóa đại chúng đã đánh giá thấp những thứ này. Khi chúng ta xác định được những nhân tố phức tạp, vô hình đang diễn ra bên trong mỗi chúng ta, không một ai có thể khẳng định với chúng ta rằng một thứ là dễ hay khó nữa. Họ không hiểu rõ để làm điều đó.
Thứ hai, khi khám phá ra việc không một ai trên thế giới này giống nhau, những chướng ngại vật sẽ được dỡ bỏ.
Khi nói đến những cuộc đấu tranh kéo dài cả cuộc đời, thứ đang thiếu gần như chắc chắn không phải là nỗ lực, quyết tâm, hay sự gan lì hay mấy thứ tào lao đó. Cái đang thiếu có khả năng hơn chính là sự thấu hiểu – cả từ phía những người khác và từ bản thân chúng ta.