Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Most Accomplishments Are Invisible.
—
Cách đây vài tuần, có một người trên Twitter đặt câu hỏi như thế này: “Chỉ còn một tháng nữa trước khi kết thúc thập niên 2010, bạn đã hoàn thành được điều gì?”
Nếu câu hỏi đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái thì không phải riêng bạn đâu.
Cả câu hỏi này và những bình luận tiếp theo sau đó đã biến mất, nhưng bạn vẫn có thể đọc các câu trả lời – chúng đề cập rất nhiều tới những quan niệm của chúng ta về “thành tựu” và nó đã thay đổi như thế nào.
Chủ đề bắt đầu với một danh sách những thành công thông thường: giành được nhiều huy chương, bằng cấp, xuất bản sách, bán startup. Nhưng khi các câu trả lời nhiều lên thì có một sự thay đổi. Càng nhiều người bắt đầu liệt kê ra không phải những thứ mà họ đã đạt được hay tạo ra, thay vào đó là những thứ mà họ phải đấu tranh để sống sót – thất nghiệp, nghiện ngập, những mối quan hệ tồi tệ, khủng hoảng, nỗi đau triền miên, nợ nần và lo lắng.
Nhiều người mô tả thành tựu vĩ đại của họ trong thập niên 2010 là chuyển từ một nơi khó khăn đến mức không chịu nổi sang một nơi dễ thở hơn, hay thậm chí là có thể tiếp tục sống ở nơi họ đang ở. Biểu tượng chúc mừng đập tay (high fives) và cái ôm được thay thế bằng emoji khác.
Tôi rất trân trọng việc thể hiện sự hân hoan đối với những thành tích nhỏ ít được nhìn thấy hơn này. Từ “thành tích” (accomplishment) và “thành tựu” (achievement) thường biểu thị những lợi ích dễ thấy, hướng ngoại, gắn liền với địa vị và vật chất. Bạn cứ tìm kiếm hình ảnh hai từ này trên Google sẽ thấy tất cả đều là về các nghi lễ tốt nghiệp, huy chương thể thao, bắt tay phòng họp và những người đứng trên ngọn núi. Nhưng thế giới loài người có vô vàn những thành tựu khác.
Ban đầu, những thành tích đầy ấn tượng được bàn tán nhưng sau đó, cuộc thảo luận đã hướng tới nhiều loại công việc thiên về nội tâm (inner work) thay đổi cuộc sống mà mọi người đã thực hiện – những thử thách riêng tư đã được vượt qua và học hỏi. Tôi thấy những thứ đó thú vị hơn nhiều. Tôi cho rằng bởi vì chúng ta nói về nó quá ít.
Một ví dụ tuyệt vời là bài viết Overcoming Your Demons của tác giả Morgan Housel. Ông mô tả về trải nghiệm bên trong của việc mắc tật nói lắp suốt đời, việc nó trông như thế nào – để hiểu từ mà bạn cần nói, những cũng là âm thanh của từ ngữ khi chúng biến mất khỏi tâm trí – và vài trong nhiều chiến thuật tinh thần mà ông đã phát hiện ra để kiểm soát tật nói lắp.
Chẳng hạn, ông đã học cách sắp xếp lại từ ngữ trước khi nói chúng, nên câu sẽ không bắt đầu với những âm tiết khó hiểu – “tôi đang nói chuyện với Sara” (I was talking to Sara) trở thành “Sara và tôi đã nói chuyện với nhau” (Sara and I were talking).
Ông nói rằng ông biết một nghìn thủ thuật như thế này và không nói nhiều hơn 10 giây mà không sử dụng ít nhất một trong số chúng.
Có lẽ, hầu hết các thử thách và chiến thắng của con người đều thuộc loại như vậy: không được nhìn thấy, không hấp dẫn và không liên quan đến hầu hết mọi người khác. Đó là lý do tại sao chúng không thực sự xuất hiện trong đầu khi chúng ta nói về thành tích. Nhưng tất cả chúng đều là các công việc thực tế buộc phải hoàn thành. Không có thêm thời gian được phân bổ cho chúng. Không hề có hướng dẫn hay đào tạo và thường không có hỗ trợ. Chúng chẳng đem lại lợi lộc gì rõ ràng trừ khi bạn nhớ về chúng và tự cảm ơn chúng.
Khi tôi xem xét những thành tựu lớn nhất của mình trong thập niên 2010, tất cả đều là những chiến thắng vô hình mà không một ai khác có thể biết được.
Cho đến khoảng một năm trước, hầu hết thời gian tôi sử dụng để xem xét việc những hành động của mình được mọi người diễn giải như thế nào. Họ sẽ nghĩ gì nếu tôi đứng đây thay vì đứng đằng kia? Tay của tôi nên để đâu bây giờ? Tôi sẽ nói gì nếu người ta hỏi tôi câu hỏi X, Y, Z? Các câu hỏi không ngừng và việc trả lời chúng rất cấp bách.
Việc suy nghĩ đầy lo lắng này chồng chéo và làm phức tạp mọi thách thức bên ngoài tôi phải đối mặt. Tôi đã làm việc, gặp gỡ mọi người và ngoài ra còn sống sót trong trạng thái đó. Tôi không hiểu tại sao bộ não của tôi lại như vậy và tôi đã không biết rằng nó không bình thường cho đến những năm tôi 30 tuổi.
Rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn và tôi đã xoay sở được. Tôi không có bằng cấp, không viết được những cuốn sách bán chạy nhất, không giành huy chương hay nói cách khác là không đạt được bất cứ thành tích thông thường nào. Nhưng tôi đã tìm ra hàng trăm thủ thuật nhỏ để giúp cuộc sống của tôi tốt hơn theo nhiều cách.
Cách đây vài năm, mỗi khi gọi điện thoại tôi đều phải diễn tập hoặc viết ra những điều tôi cần nói. Giờ đây việc này chẳng nhằm nhò gì cả.
Tôi không còn bị ám ảnh bởi việc nghĩ về biểu cảm khuôn mặt, tư thế và lựa chọn từ ngữ của mình. Tôi không còn lãng phí cả ngày để lo lắng.
Tôi có thể hòa nhập với mọi người mà không uống rượu. Tôi có thể đặt một câu hỏi mà không cần suy nghĩ về việc liệu tôi có thể trông ngu ngốc khi hỏi nó không.
Tôi có lịch gặp gỡ phong phú và nhiều nhóm bạn. Tôi không còn phụ thuộc vào một người giỏi giao tiếp hơn để kết nối tôi với mọi người. Ngày hôm nay, điều mà tôi thấy tuyệt vời nhất trong cuộc sống của mình là dành thời gian với những người khác.
Những thành tựu này hoàn toàn không ấn tượng theo ý nghĩa thông thường. Tôi đã đạt được khả năng làm một số việc hàng ngày nhất định mà đa phần mọi người đều làm chúng một cách dễ dàng. Nhưng chúng đã giúp tôi rút ngắn thời gian làm những việc khác và cho dù có 1 triệu đô la, tôi cũng không đánh đổi cái nào cả.
Vì vậy nếu bạn cảm thấy không hài lòng về mình bất cứ khi nào nghe thấy ai đó có thành tích thật hoành tráng thì cũng đừng cảm thấy thế. Chúng ta đang sống trong một xã hội đánh giá con người bằng những gì cuộc sống họ tạo ra, chứ không phải những gì họ cần để sống. Những gì bạn đạt được ở bên trong thường bị bỏ qua trừ khi chúng được thể hiện bằng những thành tích bên ngoài.
Điều đó nói lên rất nhiều về xã hội nhưng lại chẳng nói lên thứ gì về bạn cả. Hãy yên tâm rằng hàng triệu người trên thế giới hiểu rõ giá trị to lớn của việc thay đổi thế giới bên trong hoặc thậm chí chỉ vượt qua những nỗi đau nội tâm, bởi vì chúng tôi vẫn đang làm điều đó một cách lặng lẽ cùng bạn. Hầu hết điều mà con người đạt được vào một ngày nhất định đều khó được nhìn thấy.
Ảnh đầu bài: Pixabay.