Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: How To Let Go.
—
Lời khuyên dễ nhất để cho – và lời khuyên khó nhất để làm – đó là “buông bỏ”.
Không được tuyển vào làm vị trí đó ư? Thôi, bỏ nó đi. Vẫn nghĩ về những lỗi bạn đã mắc trong buổi thuyết trình tuần trước ư? Thôi, quên nó đi.
Vé xem biểu diễn Paul McCartney đã bị mua hết rồi ư? Thôi, kệ nó đi.
Sau cùng thì cuộc sống vẫn tiếp tục. Đơn giản là hãy loại bỏ chúng ra khỏi đầu bạn!
Nghe những câu này quen chứ? Hiển nhiên, chúng ta có thể loại bỏ chúng ra khỏi đầu nếu chúng ta có thể. Nếu chúng ta có khả năng loại bỏ mọi lo lắng, giận dữ hay cơn đau đầu điên cuồng ra khỏi đầu thì sẽ chẳng cần ai nói với chúng ta những điều này. Vấn đề là nói buông bỏ thứ gì đó có xu hướng khiến cảm xúc này thậm chí còn trở nên khó chữa hơn nữa.
Buông bỏ là có thể. Nhưng thực hiện được nó khác hơn nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ.
—
Con người chúng ta có xu hướng không nhận ra một sự thật cố hữu đó là: đến một lúc nào đó, mọi chuyện xảy ra đều sẽ trôi qua. Mỗi một thứ bạn nhìn, bạn nghe, bạn nếm, hay bạn cảm thấy đều qua đi, ngoại trừ thứ đang xảy ra ở thời điểm hiện tại khi mà bạn đang đọc bài viết này.
Niềm vui sướng bạn có khi ăn thanh kẹo socola lần gần đây nhất… giờ nó đâu rồi? Vết bỏng đau rát ở tay do tay bạn chạm vào lò sưởi lần gần đây nhất… giờ nó đâu rồi? Bị muỗi cắn, căng thẳng do deadline, khó chịu khi chưa biết tiệc cưới sẽ tổ chức ở đâu… những cảm xúc này giờ đâu rồi?
Bản chất thoáng qua của mỗi một trải nghiệm sẽ trở nên rõ ràng hơn nhiều khi bạn ngồi thiền trong vài phút. Bạn dành trọn một khoảng thời gian để cảm nhận sự bắt đầu và trôi qua của những trải nghiệm – chẳng hạn như cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ – và bạn sẽ dần nhận ra sự bắt đầu và trôi qua đó xảy ra nhanh một cách bất ngờ.
Nếu bạn để ý thì bạn sẽ hiểu nỗi lo lắng dâng trào có lẽ chỉ kéo dài trong 15 giây hoặc hơn. Sau đó, nỗi lo này sẽ xua tan dần, phần còn lại sẽ nán lại lâu hơn trong tâm trí bạn một chút, nhưng bạn có thể chịu đựng được. Đến một thời điểm nào đó, rồi bạn sẽ không thể hồi tưởng được nó nữa. Tuy nhiên, có một vấn đề và đây mới chính là điều cốt lõi: Nếu bạn cố gắng loại bỏ nỗi lo thì có thể, bạn sẽ nhận ra nó còn tệ hơn trước.
Đây chính là lúc mà tất cả những nhầm lẫn của việc buông bỏ xuất hiện. Chắc chắn, mọi chuyện xảy ra rồi cũng sẽ trôi qua nhưng có một điều rằng bạn không thể khiến chúng trôi qua thật nhanh được, bạn phải để chúng tự trôi qua một cách tự nhiên. Và khi bạn để chúng diễn tiến theo cách tự nhiên thì có khả năng, chúng sẽ trôi qua nhanh chóng.
—
Vấn đề là thường, chúng ta không làm vậy. Chúng ta đấu tranh với cuộc sống. Chúng ta nhìn vào những trải nghiệm ở giây phút hiện tại như thể chúng xảy ra vĩnh viễn chứ không phải tạm thời. Thế nên, chúng ta nghĩ đấu tranh với những thứ mà chúng ta không thích và cố bám đuổi thứ mà chúng ta thực sự thích là điều rất cần thiết. Nhưng vấn đề là chúng ta không nhận ra cảm giác thỏa mãn khi được ăn một que kem kéo dài rất ngắn hay khoảnh khắc của sự xấu hổ trôi qua nhanh thế nào nếu chúng ta không liên tục nghĩ về chúng nữa.
Và rồi, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào sự thỏa mãn và tìm đủ mọi cách để kháng cự lại những gì khiến chúng ta không hài lòng. Chúng ta làm mình căng thẳng bằng việc cố gắng khiến những thứ tốt đẹp trôi qua chậm lại hoặc những thứ không may trôi qua thật nhanh. Sự thật là chúng ta không có quyền kiểm soát.
—
Bạn nói thứ gì đó ngớ ngẩn trong một buổi họp và cảm thấy xấu hổ. Bạn phàn nàn mình là kẻ ngớ ngẩn bất trị hay phải chăng mọi người quá phán xét. Bạn thề sẽ không để chuyện đó xảy ra lần nữa.
Thực tế, bạn không thể kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống để bảo vệ chính bạn khỏi những cảm xúc bình thường thế này. Đòi hỏi kiểm soát mọi trải nghiệm – thứ mà không thể nào có được là điều vô cùng căng thẳng. Dù rằng, bạn vẫn có thể khiến một chuyện nào đó không thể xảy ra hoặc dừng lại, chẳng hạn như về nhà mà không bị ướt mưa hay trời tối sẽ biết cách bật đèn. Nhưng những trải nghiệm này không phải lúc nào cũng có sẵn, đặc biệt với những thứ thuộc về cảm xúc. Bạn không thể bật ô để bảo vệ chính bạn khỏi tâm trạng buồn, nỗi đau trên cơ thể hay suy nghĩ rối bời được.
Nếu bạn có thể đơn giản nhận ra cảm xúc đến rồi đi thì trải nghiệm này có lẽ chỉ kéo dài trong một hoặc hai phút.
—
Buông bỏ là một kỹ năng chúng ta có thể học. Nhưng đừng nhầm nó với việc khiến mọi thứ trôi qua thật nhanh. Đây là điều không thể.
John Yates – giáo viên dạy thiền và là nhà khoa học về thần kinh đã từng nói:
Hãy để nó đến, hãy mặc kệ nó xảy ra, và rồi hãy để nó đi.
Câu nói này phản chiếu một góc nhìn thực tế về cách mà cuộc sống thực sự diễn ra. Tất cả những trải nghiệm đều khởi phát và rồi nhạt nhòa và rằng nó có thể được quan sát trong thời gian thực. Không có thứ gì được gọi là trải nghiệm vĩnh viễn cả. Từng cái một đến, ở lại rồi trôi qua mà thôi.
Mỗi ngày, cuộc sống mang đến rất nhiều cơ hội. Hãy bắt đầu với thứ dễ nhất. Hãy khóa vòi hoa sen lại sau khi tắm xong và nhận ra những tia nước ấm áp đang ngừng chảy. Hãy dừng ăn khi bạn đã đủ no. Hãy tắt đèn và gấp sách lại khi bạn đã đi ngủ.
Hãy xem thử liệu bạn có thể trân trọng tất cả những trải nghiệm đẹp đẽ, hoặc có chút ít cay đắng đến rồi sẽ đi này như thế nào. Bạn hãy nhớ ẩn sau sự xuất hiện của một trải nghiệm sẽ là một trải nghiệm khác sắp xảy ra và đôi khi, nó còn kéo theo cả những cay đắng ngọt ngào mà bạn phải chịu đựng. Nhưng đừng phủ nhận chúng mà hãy đi tới khoảnh khắc cuối cùng, đọc hết trang cuối của cuốn sách, chờ đợi mặt trời lặn và ngắm hoàng hôn hay thưởng thức hết miếng cuối cùng của một chiếc bánh. Rồi sau đó, nói lời chào tạm biệt, nhẹ nhàng đóng cánh cửa và ngày mai, những trải nghiệm mới lại bắt đầu.
Ảnh đầu bài: Pixabay.
Vô cùng hữu ích. Em cảm ơn chị thật nhiều! ❤
Chị cảm ơn Chi Linh nha. hihi
Cam on ban nha.