Sau gần chục năm bước vào nghề marketing, từ chỗ chỉ là nhân viên viết nội dung cho đến bây giờ là một Digital Marketing/Email Marketing Specialist thực sự, mình đã nhận ra mình bước vào nghề theo cách không-có-kế-hoạch-hay-chủ-ý gì cả. Mình cứ bước đi theo như ông Trời đã sắp đặt cho mình, thấy có cơ hội nào thì nắm lấy và cố gắng hết sức để đạt được nó.
Tuy nhiên, kinh nghiệm và kỹ năng đã cho mình nhận thấy rằng nếu có một định hướng rõ ràng ngay từ đầu, xác định lĩnh vực marketing bản thân thích là gì, và có một kế hoạch để theo đuổi nghề marketing thì sẽ tốt hơn nhiều. Điều này cực kỳ thực tế nếu bạn đang là người bắt đầu, mới yêu thích marketing và chưa biết liệu nghề này có phù hợp với bạn.
Trong thời gian tới, mình sẽ chia sẻ một chuỗi các bài viết định hướng bên cạnh các bài viết chuyên môn, hy vọng sẽ có ích cho bạn. Bài viết đầu tiên trong chuỗi này sẽ là làm thế nào để biết liệu nghề marketing có phải cho bạn.
Để có được câu trả lời cho câu hỏi lớn này, bạn nên trả lời những câu hỏi nhỏ sau.
1. Bạn biết bao nhiêu về nghề marketing?
Nghề marketing là nghề gì? Một marketer nghĩa là như thế nào?
Một cách đơn giản, nghề này cũng như bao nghề khác. Bạn được giao một mục tiêu và bạn phải triển khai các hoạt động để đạt được mục tiêu đó.
Đa phần các vị trí marketing hiện nay đều liên quan đến Digital Marketing/Online Marketing. Tuy nhiên, marketing truyền thống như qua tivi, radio, báo chí, biển hiệu, sự kiện… vẫn còn tồn tại, thậm chí phổ biến trong một vài lĩnh vực nhất định.
Mình không làm marketing truyền thống nên không biết nhiều. Nhưng qua hiểu biết hạn hẹp thì mình thấy marketing truyền thống thường đòi hỏi bạn là người tự tin, bạo dạn, giao tiếp nói tốt, có nhiều mối quan hệ,… Đây đều toàn là điểm yếu của mình. 🙂
Mình thiên về Digital Marketing và vô cùng yêu thích mảng này. Với xu hướng hiện đại, cộng với công nghệ phát triển thì bạn sẽ thấy Digital Marketing sẽ càng rộng mở hơn. Ở nước ngoài thì Digital gần như lấn át marketing truyền thống rồi, nhưng ở Việt Nam thì Digital vẫn còn đang bước vào giai đoạn nở rộ. Nên cơ hội cực kỳ lớn cho bất kỳ ai.
Digital Marketing thôi, chứ chưa nói gì đến Marketing nói chung nhé, rất rộng. Nó có chỗ cho bất cứ ai yêu thích lĩnh vực này nên đừng sợ không có vị trí nào phù hợp với bạn. Mình chỉ lấy vài ví dụ đơn giản:
- Content: Copywriter, Content Writer, Editor, Content Planner, Content Designer, Content Specialist, Content Manager, Head of Content, Video Content Producer, Video Content Editor, Podcast Producer, Podcast Maker, Audio Content Producer, Head of Creative,…
- SEO (search engine optimization): SEO Specialist, SEO Analyst, Search Marketing Specialist, SEO Content Strategist, SEO Manager, Link Builder, SEO Consultant, Website Manager…
- Social Media: Content and Social Specialist, Social Media Specialist, Brand and Content Specialist, Instagram Content Creator, Social Media Coordinator, Social Media Marketing Specialist, Social Account Manager, PPC Media Specialist, Social Media Strategist, Social Media Assistant, TikTok Strategist, Social Media Curators, TikTok Content Creator, Ad Designer,…
Quá nhiều vị trí và cơ hội luôn. Đây mới chỉ là một short list thôi mà mình gõ ra đã thấy mỏi tay rồi. Bạn chịu khó tìm kiếm trên Google, rồi LinkedIn, dành một thời gian nghiên cứu về lĩnh vực này để biết sâu hơn nhé. Hoặc chờ đợi các bài viết sau của mình, mình sẽ dần làm rõ thêm.
Nếu bạn đã biết rất nhiều về nghề marketing, đấy là dấu hiệu tốt chứng tỏ bạn yêu thích thực sự và có lẽ có sự kết nối. Còn nếu bạn vẫn chưa hiểu nghề này là gì mà cứ luôn thắc mắc liệu mình có phù hợp hay không thì cần xem lại nhé!
2. Bạn có phải là người sáng tạo không?
Bạn không cần phải là người cực kỳ sáng tạo mới có thể làm Marketer. Và không phải Marketer nào cũng là người rất sáng tạo. Ví dụ như mình, mình có sáng tạo nhưng không phải quá xuất sắc.
Vậy có khả năng sáng tạo tốt tại sao lại là dấu hiệu bạn có thể phù hợp với nghề này? Bởi vì lĩnh vực Marketing có rất rất nhiều vị trí phù hợp với những người có óc sáng tạo. Đơn giản như là Copywriter rồi Designer, Content Creator, Creative Producer… Đây chính là những vị trí sẽ giúp bạn toả sáng.
Thậm chí, tác giả Andrew Geoghegan, Chief Marketing Transformation Officer (nghe tên vị trí “ngầu” chưa) tại tập đoàn FMCG khổng lồ PZ Cussons còn chia sẻ trên tạp chí MarketingWeek như này:
“Sáng tạo là oxy trong marketing — nó quan trọng trong mọi khía cạnh, từ cách chúng ta hiểu và hợp tác với những người sử dụng sản phẩm cho đến làm rõ các thử thách thương hiệu và phát triển ra các giải pháp dễ nhớ mà sẽ giúp xây dựng thương hiệu cũng như là bán được hàng.
Tất cả chúng ta đều sáng tạo và cần tiếp thu nhiều hơn thế để tạo ra những ý tưởng mới, vượt qua ranh giới về cách chúng ta nhìn nhận thế giới ngày nay, và để duy trì sự phát triển trong tương lai. Trong một thế giới mà người ta nói nhiều về robot, chúng ta cần phải nhận ra khả năng sáng tạo của con người cần thiết như thế nào và đẩy mạnh nguồn cung của nó.”
Ngay cả ở agency mình đang làm, mỗi tuần đều có ít nhất một cuộc họp bàn về các ý tưởng sáng tạo. Sếp khuyến khích mọi người “think out of the box”, đọc, theo dõi, suy nghĩ và rèn luyện sự sáng tạo để làm mới các nội dung và phát triển những chiến dịch hiệu quả giúp các thương hiệu quảng báo sản phẩm và tăng doanh thu.
Bạn càng sáng tạo thì cơ hội của bạn cho nghề marketing càng lớn.
3. Bạn có thích làm việc trong một môi trường năng động không?
Cái này thì khỏi phải nói rồi. Nghề marketing chỉ phù hợp với những người năng động, tích cực, chịu được áp lực cao, chăm chỉ, luôn cập nhật, nhạy bén, và không ngại thử thách.
Bạn biết gần đây công ty mình tuyển rất nhiều, nhưng đều không thể giữ lại bởi vì họ không phù hợp với môi trường làm việc. Môi trường agency khác với một công ty bình thường vì agency thường làm với rất nhiều thương hiệu, doanh nghiệp to nhỏ khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực. Nếu bạn chậm rãi, thiếu sự chủ động, không chịu được “nhiệt” thì bạn sẽ tự loại mình ra. Bạn không chỉ nghĩ ý tưởng cho một sản phẩm mà cho rất nhiều sản phẩm, lắm khi chẳng liên quan gì đến nhau vì thuộc nhiều công ty mà. Thế nên agency cực kỳ năng động.
Marketer tại các công ty, doanh nghiệp cũng đòi hỏi sự năng động. Vì cạnh tranh ngày càng nhiều và mỗi công ty nếu muốn có thêm khách hàng mới và giữ chân khách hàng trung thành thì đội Marketing càng phải mạnh. Bạn sẽ cảm nhận được rất nhiều áp lực từ phía các sếp, đặc biệt trong các mùa thấp điểm khi nhu cầu mua thấp (ví dụ mọi người mua sắm nhiều trước tết nên sau tết sẽ hạn chế). Lắm khi sản phẩm có bán được hay không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào Marketer.
Bạn cần hiểu rõ điều này để chuẩn bị tâm lý trước khi theo đuổi nghề nhé. Không phải là màu hồng đâu, đặc biệt là thời gian đầu.
4. Bạn có thích làm việc nhóm không?
Marketing là một trong những lĩnh vực đòi hỏi tinh thần teamwork cực kỳ cao. Mỗi một chiến dịch quảng cáo hay một email bạn gửi đi hay một bài viết bạn đăng trên website không chỉ là nỗ lực của một người đâu, nó là của cả một team đằng sau đấy. Người viết copy, người sửa copy, người duyệt copy, người chụp ảnh, người thiết kế hình ảnh, người thiết lập chiến dịch, người theo dõi, người phân tích dữ liệu… Bạn thấy đấy, cả một tập hợp người đằng sau đó.
Vậy nên, một Marketer đòi hỏi phải có khả năng làm việc nhóm. Khả năng làm việc độc lập thì chắc chắn rồi, nhưng làm việc nhóm còn quan trọng hơn. Bạn phải thích ứng tốt khi làm việc với Designer, rồi Analyst, rồi Creator…, cởi mở trong việc feedback và lắng nghe feedback. Biết khi nào nên nói ý kiến, khi nào nên dừng lại.
Nếu bạn không thích làm việc nhóm hay kiểu “cũng vừa vừa” hoặc “lúc thích lúc không” thì nghề Marketing chưa chắc đã phù hợp với bạn. Cần suy nghĩ thật kỹ nhé.
5. Bạn có là người ham học hỏi không?
Như mình đã nói ở trên nghề Marketing, đặc biệt là Digital Marketing, rất năng động, thậm chí là thay đổi liên tục theo sự thay đổi của công nghệ. Nó không giống như một số nghề là bạn cứ đi làm sáng đi tối về là được, không cần đọc nhiều, cập nhật nhiều. Muốn đứng vững trong nghề Marketing và có sự nghiệp chắc chắn thì tinh thần không ngừng học là điều bắt buộc.
Nghề Marketing không dành cho người lười biếng, không thích học, hay chỉ thích sự ổn định. Mình phải nói thẳng thắn như vậy.
Bạn có thể dành thời gian tìm hiểu rồi tự trả lời 5 câu hỏi này xem thử liệu bạn có phù hợp với nghề. Nếu bạn thấy mình hội tụ đủ các yếu tố này thì cứ tự tin đi sâu và tìm kiếm cơ hội của bạn với nghề Marketing nhé.
xo xo