Mình kết thúc kỳ 1 vào giữa tháng 2, sau đó được nghỉ gần 3 tuần cho đến 9/3 thì đi học trở lại. Ngày thi cuối cùng kết thúc kỳ 1, mình có bao nhiêu dự định trong đầu.
Mình đã nghĩ được nghỉ 3 tuần quả là giá trị đây. Mình sẽ làm đủ thứ. Mình sẽ trồng thêm nhiều cây. Mình sẽ viết nhiều hơn cho blog. Mình sẽ network nhiều hơn, tìm thêm nhiều khách hàng hơn. Mình sẽ học thêm về thiết kế. Mình sẽ tranh thủ đi đây đi đó. Mình sẽ đến thư viện ở gần chỗ mình đang ở. Mình sẽ vẽ tranh (điều mà mình rất thích làm). Mình sẽ trang trí thêm cho cuốn scrapbook vẫn còn đang dở dang. Mình sẽ học hát (mình không hát hay nhưng được cái hay hát)…
Mình sẽ không nghỉ xả hơi sau kỳ thi đâu vì mình muốn làm nhiều thứ lắm. Cảm giác cực kỳ phấn khích. Thậm chí đêm trước buổi thi cuối cùng, mình còn không ngủ được đấy, bởi vì quá hào hứng với những kế hoạch muốn làm sau khi thi xong. Nghỉ tận 3 tuần cơ mà. Yeahhhhh!!!!!
Sự thật là 3 tuần ấy không như mong đợi…
Mình ngập đầu với công việc. Dù chỉ nhận hai khách hàng và số bài họ đặt hàng cho mình không nhiều, nhưng mỗi bài đều gần 3000 từ. Đúng chủ đề mình thích và mình muốn bài nào cũng viết thật hay nên thời gian tốn rất nhiều. Một tuần trôi qua mà ngày nào cũng chỉ ngồi viết.
Mình tự nhủ, thôi mấy thứ kia cứ từ từ. Tuần sau sẽ trồng cây. Tuần sau sẽ học thêm những thứ khác. Tuần sau sẽ đi ra ngoài. Tuần sau sẽ đi thư viện… Mình thích viết mà, cứ viết cho chán đã.
Tuần sau cũng qua đi chóng vánh. Chỉ học thêm được mỗi thiết kế, vì mình vẫn vùi đầu trong viết lách.
Đến tuần cuối trước khi đi học trở lại, công việc đỡ hơn. Mình mới có thời gian để làm những thứ đã đặt ra đó. Mỗi ngày trôi qua là mình lại tiến gần hơn với học kỳ mới. Mình cố gắng tranh thủ khoảng thời gian còn lại để làm những điều mình thích. Cuối cùng cũng xong.
3 tuần được nghỉ đó với biết bao nhiêu kế hoạch đặt ra vẫn còn nằm trong suy nghĩ đã giúp mình nhận ra được vài điều giá trị.
Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ mình có nhiều thời gian nên cứ bĩnh tĩnh, thoải mái mà làm. Làm chậm cũng được, không cần quá căng thẳng. Thành ra cứ lười, cứ để cho thời gian trôi qua và rồi “one more day” — chơi cố một ngày nữa, một ngày nữa, “kệ, còn nhiều thời gian mà”… đến lúc hết thời gian lúc nào không biết.
Cũng may mình thích viết lách và viết lách là công việc chính của mình nên trong 3 tuần nghỉ đó, dù không hoàn thành hết được những dự định, nhưng mình vẫn rất vui bởi vì dẫu sau thì mình cũng tập trung được vào điều lớn nhất: viết lách.
Nhưng thử đặt tình huống, nếu như đó là game, đó là mạng xã hội, đó là chơi quá nhiều thì chắc chắn mình sẽ tiếc nuối và ân hận lắm.
Thời gian cách ly xã hội này, với nhiều người có thể là một sự kiện hết sức tiêu cực, nhưng bạn hãy xem đây là một cơ hội. Kỳ thực nó là một cơ hội — cơ hội để học tập và phát triển bản thân.
Bạn hãy nghĩ xem, từ lúc cách ly xã hội tới giờ là bao nhiêu thời gian? Một tháng, hai tháng hay chỉ mới vài tuần, bạn đã làm được những gì rồi? Bạn có học thêm được gì không? Hay bạn vẫn nghĩ rằng “Còn cách ly dài dài. Dịch còn dài dài, còn nhiều thời gian lắm, vô tư đi. Chưa học thì học sau…”?
Tình hình dịch có vẻ đỡ hơn. Ở Việt Nam hay ở bên này cũng thế. Ngày mà mọi thứ trở lại “bình thường” có lẽ cũng không xa nữa. Khoảng thời gian được ở nhà, khoảng thời gian “rảnh mà không rảnh” đầy quý giá này sẽ sớm kết thúc. Lúc đó, bạn sẽ lại đi làm, lại vùi đầu vào công việc, giấy tờ, áp lực từ sếp, rồi việc học ở trường… Bạn sẽ không còn thời gian để học tiếng Anh, để học thêm lập trình, để luyện viết, để làm những thứ mà từ lâu bạn vẫn muốn làm nữa.
Rút kinh nghiệm từ 3 tuần sau khi thi xong đó, mình luôn tận dụng hết thời gian ở nhà vì virus này. Mình làm đủ thứ. Mình vẫn viết cho khách hàng, nhưng mình học thêm thiết kế, mình thực tập các kỹ thuật marketing đã học được, mình network nhiều hơn, mình xây dựng khóa học freelance writing — điều mà mình đã ấp ủ từ lâu, mình học nấu thêm nhiều món mới, mình đọc nhiều hơn trước…
Khi chúng ta quá bận rộn với công việc và học tập, chúng ta mòn mỏi mong có một lần được nghỉ ngơi dài để thực hiện các dự định. Nhưng khi cơ hội ấy đến, khi khoảng thời gian giá trị ấy đến — chính là lúc này — chúng ta lại mong muốn một điều khác.
“Ngay bây giờ hoặc không bao giờ?”, “Hôm nay hoặc ngày mai?” — quyền lựa chọn thuộc về bạn.
Cuốn sách hay mình đã đọc trong thời gian này: Nếu biết trăm năm là hữu hạn.