Có rất nhiều bạn hỏi mình về việc làm thế nào để tìm việc remote ở nước ngoài, làm thế nào để làm việc cho các công ty nước ngoài nên hôm nay mình sẽ nói tiếp về chủ đề này. Mình sẽ viết rất thẳng thắn để giúp bạn nhận ra được bạn đang ở đâu và cần phải làm gì tiếp theo (một cách ngay lập tức) nếu vẫn muốn ước mơ ra biển lớn.
Vì sao mình nói như vậy?
Tuần trước có một số bạn email cho mình chia sẻ về việc mong muốn tìm được công việc remote, làm việc từ xa cho các công ty ở Mỹ, ở Anh, ở Úc như mình đang làm. Các bạn muốn có một công việc như vậy vì làm cho nước ngoài thì sẽ có thu nhập tốt hơn, môi trường làm việc, cách làm việc, đồng nghiệp, mọi thứ đều sẽ “chuyên nghiệp” hơn. Hơn nữa, không muốn làm cho các công ty trong nước vì thấy nhiều sự hạn chế về cơ hội phát triển. Các bạn nói sau khi đọc những bài viết trên blog mình về Twitter, LinkedIn rồi làm marketing rồi làm remote, các bạn cực kỳ hào hứng.
Có 4 email gửi cho mình thì tất cả đều kết thúc đúng một kiểu rằng mong chị giúp đỡ cho cách làm thế nào để tìm được công việc mơ ước. Nên bắt đầu từ đâu, phải làm gì, học gì…
Mình email lại hỏi các bạn có thể chia sẻ cho mình LinkedIn và Twitter của các bạn thì cả 4 đều chưa có Twitter. Về LinkedIn, 3 người chưa có tài khoản, 1 người đã mở với nickname rất cute — ngoài nickname đó thì LinkedIn trống rỗng, chẳng có thông tin gì cả.
Bạn có nghiêm túc với ước mơ của mình không?
Nếu bạn nào đã follow blog Form Your Soul hay đã đọc nhiều các bài viết trên blog của mình sẽ thấy rằng mình chia sẻ khá nhiều về học tiếng Anh và kỹ năng công việc. Gần như những gì mình học được, trải nghiệm được đều đã được phản ánh hết qua những gì mình viết ra. Những gì mình đạt được bây giờ đều là kết quả của những năm tháng mài đi mài lại các kỹ năng đó, chứ không hẳn có bí quyết tuyệt diệu gì khác.
Mình không ngại nói ra mình đã làm thế nào để có công việc tốt hơn. Vì quan điểm của mình đó là những gì mình học được cũng là nhờ qua người khác. Thế nên, nó hẳn không thực sự phải là của mình. Mình nhận từ người khác rồi thì cũng nên chia sẻ lại để giúp đỡ cho những người đang trải qua cái mình từng đã trải qua. Mình cực kỳ thích truyền cảm hứng và chia sẻ, giúp đỡ.
Nhưng mình thực sự rất mất kiên nhẫn khi thấy bạn không có sự chủ động nào trong việc đạt được ước mơ của chính bạn.
Bạn đã nói là đã đọc các bài viết mình hướng dẫn cách tìm việc remote, cách dùng Twitter và LinkedIn… nhưng bạn vẫn chưa thực hành gì cả. Bạn chưa có Twitter, chưa có LinkedIn. Có người có nhưng chẳng hề đầu tư gì. Tên tài khoản vẫn là còn mang tính chất “giải trí.”
Bạn có biết rằng LinkedIn là dành cho đối tượng nào không? LinkedIn là nơi những người làm việc chuyên nghiệp chia sẻ, kết nối với nhau, cùng trao đổi thông tin, kiến thức thuộc về rất nhiều lĩnh vực. LinkedIn là nơi các nhà tuyển dụng và người có mong muốn tìm việc mới gặp nhau, là nơi mà các nhà đầu tư tìm kiếm những chủ doanh nghiệp tiềm năng để rót vốn họ vào, là nơi mà bất kỳ ai cũng có thể tận dụng để vươn tới công việc ước mơ của họ.
Còn Twitter là một mạng xã hội rất phổ biến ở Mỹ. Trên Twitter, bạn có thể kết nối với những người có cùng mối quan tâm với bạn, theo dõi những chủ doanh nghiệp, CEO, marketer, những người có tầm ảnh hưởng, học hỏi từ họ, tạo dựng mối quan hệ và chia sẻ lại những gì bạn đã có. Nếu bạn có ước mơ trở thành một Marketer thì Twitter chính là một nơi cực kỳ tốt để học hỏi.
Mình đã cực kỳ nhấn mạnh hai nền tảng này trong hai bài viết trước. Nhưng vẫn chưa thấy các bạn hành động hoặc đã hành động mà không có sự chuẩn chỉnh.
Twitter và LinkedIn không phải là Facebook.
Mình đã tự mò mẫm tất cả và không bỏ qua bất cứ cơ hội nào
Không một ai chỉ cho mình cách viết 1 bài chuẩn SEO tiếng Việt. Không một ai chỉ cho mình cách dịch 1 bài tiếng Anh, cách làm thế nào để viết hay hơn. Không ai chỉ cho mình freelance nghĩa là gì, content marketing là gì, viết cho một người nước ngoài sẽ ra sao, tiêu chuẩn của họ là gì, gửi email tới họ để “bán” dịch vụ sẽ như thế nào, cách tìm khách hàng bằng Twitter, LinkedIn… Không ai cầm tay chỉ cho mình những cái này. Tất cả đều là mình tự mò mẫm.
Người bạn hàng ngày của mình là chiếc máy tính, là Google. Mình khởi đầu với việc dịch từng chữ, từng câu, từng đoạn. Viết trên OhayTV, ReadZo, rồi tự đặt mục tiêu viết 500, 750 từ tiếng Anh hàng ngày. Đến công ty, dù hạn định mỗi ngày chỉ là 3,000-4,000 từ bài viết, nhưng mình luôn vượt chỉ tiêu rất nhiều. Một phần viết nhiều thì sẽ có thu nhập tốt hơn, nhưng phần khác mình biết chỉ có viết nhiều mới tăng được khả năng viết. Đến công ty mình cắm cúi viết và dịch, tối về cũng vậy. Đồng nghiệp ghen tị vì lương mình cao hơn và thấy sao mình chỉ tập trung làm. Nhưng mình kệ, mình chỉ biết mình thích viết nên cứ viết, không phải ngại gì cả.
Rồi khi viết đã tốt hơn, dịch đã tốt hơn thì may mắn mình được tuyển vào một công ty phần mềm, nơi mình viết hướng dẫn phần mềm — một lĩnh vực mình chẳng có chút kinh nghiệm nào cả. Rồi những chuỗi ngày mò mẫm với Google, phải chỉnh sửa bài viết gần như lại toàn bộ, nhìn hàng trăm comment trên bản nháp mà bản thân chỉ thấy mình quá yếu kém. Nhưng rồi ý chí ham học hỏi, phát triển bản thân lại trỗi dậy. Mình lại cùng Google mò mẫm từng ngày, sửa đi sửa lại từng câu, từng chữ một.
Cứ tự nghiên cứu như vậy làm mình trở nên linh hoạt, nhạy bén hơn. Mình biết đến nhiều người cùng lĩnh vực trong ngành content. Mình follow họ và đọc các bài viết của họ. Follow người này lại được dẫn ra một người khác. Những thứ mình đọc được nhiều lên, và khi kiến thức mình nhiều, tự nhiên may mắn và cơ hội lại đến. Mình chuyển sang lĩnh vực Marketing lúc nào không biết.
Cả một quá trình phát triển công việc của mình là cả những năm tháng tự mò mẫm và cực kỳ chủ động. Mình thấy người ta làm gì mình làm theo và thử nghiệm theo. Mình đọc thấy họ chia sẻ cần phải tối ưu LinkedIn như thế nào mình cũng áp dụng và cập nhật LinkedIn của mình để cũng trở nên chuyên nghiệp như vậy. Mình ghi chú lại mọi thứ và học dần dần.
Từ một cải thiện nhỏ trở thành một cải thiện lớn. Từ việc viết lách câu từ lủng củng đến việc được công nhận là một người viết tốt. Từ việc không biết tổ chức ý tưởng ra sao đến việc biết cách sắp xếp, bố trí ý tưởng sao cho phù hợp. Từ việc không ai biết đến đến việc được người khác theo dõi và tham vấn khi cần. Từ việc là học sinh tài chính ngân hàng chật vật sau khi tốt nghiệp, viết từng bài viết 20k, 30k để có thu nhập trang trải cuộc sống đến là một người có một công việc tốt và làm việc cho nước ngoài. Mình nói thật là không hề đơn giản. Mình không hề có một kế hoạch gì cho tất cả những cái này. Mình chỉ cực kỳ kiên trì, chủ động, và ham học hỏi.
Muốn tìm việc ở nước ngoài, bạn phải cực kỳ chủ động
Mình kể câu chuyện trên không phải để tự hào bản thân, vì thực ra mình vẫn đang nỗ lực rất nhiều mỗi ngày cho vị trí mới là Email Marketing Specialist. Mình viết ra là để nói với bạn rằng không ai có thể giúp bạn đạt được ước mơ ngoài chính bạn. Và bản thân bạn phải cực kỳ chủ động phát triển chính mình và “quảng bá” bản thân mình ra thế giới thì thế giới mới biết đến bạn để mà thuê bạn.
Bạn không thể nào chỉ đứng nguyên chỗ hiện tại và phân vân làm thế nào để tìm được công việc remote ở Mỹ? Cạnh tranh ngày càng nhiều, các ứng viên tài năng quá nhiều và thế hệ trẻ hiện nay quá xuất sắc. Bạn không thể ngồi một chỗ và lướt qua mấy trang web tuyển dụng, nộp cái hồ sơ rồi trông mong rằng một ngày, một công ty nào đó sẽ gọi bạn, mời bạn phỏng vấn rồi tuyển bạn. Bây giờ, công ty tốt trong nước còn khó, huống hồ là nước ngoài. Tuyển dụng nước ngoài càng khó hơn nữa.
Bạn có biết rằng như ở Úc thì LinkedIn là một trong những nơi mà các nhà tuyển dụng luôn sử dụng để kiểm tra hồ sơ ứng viên. Lắm khi họ chỉ cần nhìn vào LinkedIn của bạn và tiếp cận bạn với vị trí họ cần tuyển luôn hoặc họ sẽ đọc thông tin trên LinkedIn và quyết định ngay liệu bạn có phải là ứng viên phù hợp. Nếu họ vào hồ sơ của bạn, thấy thông tin về nghề nghiệp, kỹ năng rồi các bài chia sẻ của bạn thể hiện bạn là người có năng lực, họ sẽ cực kỳ ấn tượng với bạn. Họ sẽ lưu lại hồ sơ của bạn và liên lạc với bạn bất cứ lúc nào họ có vị trí phù hợp.
Vậy bạn đã có LinkedIn chưa? Bạn đã đầu tư như thế nào cho nó? Hay vẫn chưa có tài khoản gì? Hay vẫn để nickname cute và một hình ảnh đại diện chẳng liên quan gì. Bạn đã chủ động trong việc xây dựng nền tảng cho các cơ hội đến với bạn?
Bây giờ là thời đại 4.0. Các nền tảng kết nối, xây dựng mối quan hệ trực tuyến, các cộng đồng online cực kỳ nhiều. Không hề có một giới hạn nào trong công việc và gần như nhiều thứ khác. Thế nên, bạn không thể chờ đợi người khác tìm đến bạn nữa. Nếu bạn muốn làm việc ở nước ngoài, từ xa, thì bạn phải đi trước một bước đó chính là tìm cách đưa bản thân mình vào tầm nhìn và khoảng chú ý của những người tuyển dụng và CEO của những công ty bạn mơ ước.
Mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm thì học thêm, đọc thêm. Chấp nhận làm những công việc với mức lương chưa cao hoặc thậm chí là làm free để tích luỹ kinh nghiệm. Tận dụng chiếc máy tính của mình và Google, tìm, đọc những gì liên quan đến mảng mình làm. Chưa biết cái gì thì tra Google cái đó. Rèn luyện cho bộ não và đôi tay của mình trở nên nhanh nhạy. Vừa học vừa rèn luyện vừa xây dựng bản thân mình trên LinkedIn, Twitter. Khi bạn nỗ lực hết mình thì cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn. Khi bạn dốc hết sự cố gắng và quyết tâm của mình thì cơ hội sẽ mỉm cười với bạn.
Đừng chần chừ, mà hãy cực kỳ chủ động.
Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn nhận ra bạn cần phải làm gì nhé. Chúc bạn cuối tuần thật vui.
P/S: Bạn có thể đọc thêm cuốn Nghệ thuật PR bản thân (Show Your Work) để cởi mở góc nhìn của mình nhé. Đây là một trong những cuốn sách mình cực kỳ yêu thích và rất ảnh hưởng tới bản thân mình. Mình cũng đã từng viết review về nó, bạn có thể đọc tai đây nha: Những ghi chú về cuốn sách Show Your Work (Nghệ thuật PR bản thân).