Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: 9 Habits to Increase Your Energy
—
Năng lượng là điều cơ bản của năng suất (productivity), chứ không phải thời gian. Có 24 giờ mỗi ngày sẽ không có ích gì cho bạn nếu như gần như suốt thời gian, bạn cảm thấy kiệt sức.
Thói quen của bạn xác định mức năng lượng của bạn. Nếu có những thói quen tốt, bạn sẽ luôn cảm thấy ngập tràn năng lượng và nhiều sức bật hơn mỗi khi bị “cháy sạch” (burn out), cả về thể xác lẫn tinh thần. Nếu các thói quen của bạn không gắn kết với nhau thì bạn có thể bước vào một vòng xoay mà chỉ khiến bạn càng thêm tồi tệ hơn. Nó chỉ là một cuộc tranh đấu mà bạn buộc phải tiếp tục.
Dưới đây là 9 thói quen mà bạn có thể rèn luyện trong năm nay để tăng năng lượng cho cơ thể của mình.
Thói quen 1: Đi ngủ sớm
Ngủ là nền tảng của năng lượng. Nếu bạn không ngủ đủ, bạn sẽ thấy mình làm việc không hiệu quả.
Mặc dù một số người tuyên bố rằng họ có thể làm việc rất tốt dù chỉ ngủ 6 hoặc dưới 6 tiếng mỗi ngày, nhưng theo nhiều nghiên cứu, họ chỉ đang lừa bản thân mình thôi. Ngủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày khá là bắt buộc nếu bạn muốn duy trì sự tỉnh táo về ý thức trong dài hạn.
Đối với một số người, tình trạng thiếu ngủ có thể khiến tinh thần bị giảm sút, có nghĩa là họ cảm thấy hơi mệt mỏi cả ngày, nhưng họ không hề nghĩ rằng họ có thể trở nên tồi tệ hơn. Một thí nghiệm thú vị cho thấy thiếu ngủ gây ra sự suy giảm liên tục về hiệu suất tinh thần, mặc dù những người tham gia cảm thấy như họ vẫn đang rất ổn.
Thử thách: Đi ngủ sớm lúc 10 giờ mỗi tối, kể cả cuối tuần trong 30 ngày tới.
Thói quen 2: Tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục là một sự đầu tư dài hạn cho nguồn năng lượng. Trong ngắn hạn, việc giảm giờ rèn luyện là rất dễ, nhưng về lâu về dài, nếu bạn liên tục cắt giảm thời gian rèn luyện sức khỏe thì bạn sẽ khiến cho việc duy trì sự tỉnh táo, tập trung, và suy nghĩ thấu đáo trong suốt cả ngày kém hiệu quả.
Nếu bạn chật vật với việc tìm thời gian để tập thể dục, đừng biến việc đi tập gym thành điều kiện tiên quyết của bạn. Hãy tạo thói quen thực hiện một số động tác chống đẩy hoặc tập burpee mỗi ngày. Những thói quen này sẽ khiến tim bạn đập và máu di chuyển và chúng không yêu cầu bạn phải dành ra hai giờ từ lịch trình bận rộn của bạn để tập.
Bạn có thể tập gym hoặc tham gia các lớp thể hình, nhưng sự đầu tư cơ bản về mặt rèn luyện sức khỏe ở trên sẽ giúp bạn luôn khỏe khoắn ngay cả khi bạn không thể đến phòng gym mỗi tuần.
Thử thách: Thực hiện ít nhất 10 burpee mỗi ngày ở nhà.
Thói quen 3: Ngủ trưa 20 phút
Ngủ trưa có thể làm bạn cảm thấy lười biếng, nhưng nghiên cứu cho thấy nó mang đến nhiều lợi ích về mặt nhận thức. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn phải học rất nhiều vì giấc ngủ ngắn có thể giúp ích cho việc ghi nhớ.
Tôi đã từng cảm thấy tội lỗi khi ngủ trưa, tin rằng đó là một dấu hiệu của điểm yếu. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ nó chắc chắn là một thế mạnh. Một giấc ngủ trưa ngắn có thể giúp bạn tỉnh táo quay trở lại làm việc vào buổi chiều, thời điểm mà bạn thường kiệt sức. Ngay cả khi bạn làm việc trong một văn phòng không khuyến khích ngủ trưa thì bạn vẫn có thể tận dụng một chút thời gian dành cho bữa trưa để nhanh chóng thư giãn.
Điều quan trọng ở đây là học cách ngủ trưa ngắn. Nhiều người ngủ trưa quá lâu khiến họ cảm thấy thậm chí còn lảo đảo hơn khi thức dậy (mặc dù lợi ích của những giấc ngủ trưa này thường đến sau khi sự uể oải bắt đầu mất đi). Chìa khóa là bạn phải thức dậy ngay lập tức khi chuông báo thức kêu. Nếu bạn cố gắng ngủ thêm chút nữa thì một giấc ngủ trưa ngắn có thể trở thành một giấc ngủ dài.
Thử thách: Thêm 20 phút ngủ trưa sau khi bạn ăn trưa để phục hồi năng lượng cho buổi chiều.
Thói quen 4: Làm việc thật chăm chỉ vào buổi sáng
Mục đích ở đây là hoàn thành công việc quan trọng nhất trong 4 giờ đầu tiên của ngày làm việc, bắt đầu càng sớm càng tốt.
Ở đây, những lợi ích cho năng lượng của bạn chủ yếu là về mặt tâm lý. Mức năng lượng của tôi phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng của tôi. Nếu tôi đã hoàn thành một số công việc quan trọng, tâm trạng của tôi thường tốt và tôi cảm thấy hiệu quả. Nếu tôi đã lãng phí thời gian vào email, các cuộc họp, các cuộc gọi hoặc đã không thể tạo ra thứ gì đó có giá trị thì tôi thường thất vọng và kiệt sức khi bước vào nửa cuối của ngày.
Một lý do khác cho cách tiếp cận này là làm việc sâu (deep work) không phải lúc nào cũng bền vững cho cả ngày làm việc. Tốt hơn là tập trung nó vào một khoảng thời gian cụ thể thay vì nhồi nhét việc áp dụng kỹ thuật này lúc được lúc không trong cả ngày.
Thử thách: Khiến 4 giờ đầu tiên vào mỗi buổi sáng của bạn trở thành một thời điểm vực yên tĩnh để làm việc sâu.
Thói quen 5: Đặt ra mục tiêu trong ngày trước đó
Năng lượng thường liên quan đến động lượng. Bắt đầu làm việc chăm chỉ và bạn sẽ vượt qua sự trì hoãn và tiếp tục làm việc hiệu quả trong suốt cả ngày. Bắt đầu chậm rãi và cuối cùng, bạn có thể phải đối mặt với sự bốc đồng của mình, lãng phí năng lượng vào những thứ mà chẳng hề hiệu quả.
Một cách để tránh điều này là đặt ra một ý định rất rõ ràng về ngày của bạn sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt là vào đêm hôm trước. Hình dung ý định này và viết nó vào lịch trình của bạn có thể khiến nó diễn ra tự động hơn khi bạn thức dậy.
Thử thách: Trước khi đi ngủ, hãy viết ra kế hoạch cho ngày tiếp theo và hình dung về nó.
Thử thách 6: Thuyết phục chính bạn về mục tiêu của mình
Nhiều người giữ đồng thời hai niềm tin trái ngược nhau: rằng những người khác (những người làm marketing) thực sự giỏi trong việc thuyết phục chính họ làm tất cả những việc mà họ sẽ không làm nếu trong một tình huống khác, nhưng rằng bản thân họ không có khả năng thay đổi động lực của mình để làm những việc mà họ phải làm.
Sự thật là bạn cần phải trở thành một nhân viên bán hàng cho mục tiêu của riêng bạn. Không phải cho người khác mà là cho chính bạn.
Một phần của điều này bắt đầu với việc đóng gói – cách bạn đóng khung các mục tiêu và dự án của bạn có thể có ảnh hưởng rất lớn đến động lực của bạn. Đây có phải là thứ gì đó bạn phải làm? Hay là một thử thách thú vị.
Tiếp theo là làm mới và nhắc nhở bản thân về những cảm hứng của bạn. Tại sao bạn bắt đầu làm theo hướng này? Bạn đang hy vọng đạt được điều gì. Những người làm marketing giỏi biết cách hướng khách hàng tập trung vào việc hình ảnh hóa điều họ muốn để kích thích họ mua hàng. Bạn nên hướng bản thân mình tập trung vào điều bạn muốn để có năng lượng hoàn thành nó.
Thử thách: Đặt ra 10 phút mỗi ngày để nghĩ về những hành động của ngày hôm nay sẽ giúp bạn tiến về phía trước.
Thói quen 7: Tìm những người bạn tốt
Bạn có lẽ không thể lựa chọn bố mẹ, đồng nghiệp hay sếp của mình. Nhưng bạn có một số kiểm soát đối với bạn bè trong cuộc sống của bạn.
Bạn biết rằng bạn cảm thấy phấn chấn và hào hứng khi nói chuyện với một số người bạn. Nhưng cũng có một số người khác, khi nói chuyện với họ, bạn cảm thấy tệ hơn trước đó.
Bạn không cần loại trừ những người bạn mà đang trải qua khó khăn tạm thời, nhưng bạn nên cân nhắc về những người mà bạn dành thời gian với họ khi có những người mà liên tục tạo ra những trao đổi cảm xúc một chiều đầy tiêu cực. Mỗi người đôi khi đều cần một bờ vai để khóc nhưng một số người luôn mong đợi bạn là bờ vai vĩnh viễn của họ.
Thử thách: Đặt ra giới hạn thời gian với những người bạn mà khiến bạn cảm thấy kiệt sức.
Thói quen 8: Đọc những cuốn sách tốt hơn
Một trong những lợi ích tuyệt vời của việc đọc sách không đơn giản chỉ là cung cấp cho bạn ý tưởng và thông tin. Đúng hơn là nó sẽ củng cố một tâm lý mà thường xảy ra ở cấp độ tiềm thức. Những cuốn sách hay nhất không phải là những cuốn sách dạy cho bạn sự thật, nhưng là những cuốn sách mà thay đổi toàn bộ suy nghĩ của bạn theo cách mà bạn không hề hay biết.
Sách nói có thể rất hữu ích cho điều này, vì bạn có thể nghe và nghe lại chúng mỗi ngày dù bạn đi bất cứ đâu. Một cuốn sách nói hay là một cuốn sách mà khi nghe nó, tự động điều chỉnh suy nghĩ của bạn vào những thứ mà bạn cần làm việc chăm chỉ hơn. Giống như một bài hát hay có thể là nền tảng cho một thứ cảm xúc cụ thể thì một cuốn sách hay có thể là nền tảng cho một năng lượng suy nghĩ cụ thể.
Thử thách: Luôn có một sách nói mà tạo động lực cho bạn để cố gắng cho mục tiêu bạn đã đặt ra.
Thói quen 9: Gắn kết cuộc sống của bạn
Thói quen cuối cùng không phải là quá trình một lần, nhưng là một nỗ lực liên tục để đưa các yếu tố khác nhau trong cuộc sống của bạn ra khỏi xung đột và liên kết với nhau.
Rất nhiều năng lượng bị lãng phí bởi vì các phần khác nhau của cuộc sống, cả bên trong lẫn bên ngoài, có mâu thuẫn với nhau. Đó có thể là đồng nghiệp tại nơi làm việc không hề muốn bạn được thăng tiến, những người bạn mà chế giễu mục tiêu của bạn hay thậm chí là những nỗi sợ và giả thuyết bên trong khiến bạn do dự.
Hãy dành thời gian gỡ rối những xung đột khác nhau trong cuộc sống của bạn để xem bạn có thể giải quyết chúng như thế nào. Đôi khi điều đó có thể được thực hiện trong thời gian ngắn bằng cách thay đổi. Đôi khi nó đòi hỏi một kế hoạch dài hạn để thoát khỏi môi trường độc hại, vòng tròn xã hội hoặc hệ thống niềm tin kìm hãm bạn.
Thử thách: Dành một giờ ngồi xuống và nghĩ về tất cả những thứ mà hỗ trợ cho mục tiêu của bạn và tất cả những thứ mà kìm hãm bạn. Bạn có thể giải quyết những căng thẳng này như thế nào?
Những thói quen nào bạn đã xây dựng sẽ mang đến cho bạn năng lượng để tập trung cho những thứ mà quan trọng với bạn? Hãy chia sẻ với mình nhé.
Ảnh đầu bài: Agnieszka Boeske