Vậy là kỳ nghỉ tết cũng qua. Form Your Soul đã quay trở lại để mang đến cho bạn những chia sẻ hữu ích nhất về học tập, công việc, cuộc sống.
Sau khi bài viết về danh sách những gì mình thích xem và nghe trên mạng được đăng, nhận được phản hồi tích cực từ phía bạn đọc khiến mình có thêm nhiều động lực hơn để khám phá, trải nghiệm và tiếp tục chia sẻ. Dưới đây là một vài kênh mới mình đã học hỏi được rất nhiều. Bạn có thể tìm hiểu nếu quan tâm nhé.
Note: Giống như việc cập nhật danh sách đọc My Reading List mới đây nhất, lần này, mình cũng sẽ đẩy các nguồn nghe cũ (đã được chia sẻ) xuống dưới và nguồn mới lên phía trên để bạn tiện theo dõi.
*** Mới nhất ***
1. SoulPancake
SoulPancake là một trong những kênh YouTube mình vô cùng muốn bạn ghé thăm. Đây là kênh rất đặc biệt, cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Theo dõi kênh, bạn sẽ được lắng nghe những chia sẻ rất chân thực về cuộc sống, khám phá con người, cuộc sống từ nhiều lăng kính khác nhau và rút ra nhiều bài học ý nghĩa.
Chẳng hạn, đó là các series về The Science of Happiness (Khoa học về Hạnh phúc), The Science of Love (Khoa học về Tình yêu), Tell My Story (Kể câu chuyện của tôi), Stories from the street (Những câu chuyện từ đường phố) hay In Love Or Not (Đang yêu hay không)… Tất cả các series này đều mang đến cho bạn những câu chuyện hết sức thú vị, tình huống bất ngờ, nội dung chân thật và giàu cảm xúc.
Một số video của SoulPancake đã “chạm” tới trái tim mình khi lắng nghe:
- Khoảnh khắc bạn gặp mẹ của bạn
- Khoảnh khắc bạn nhận ra bạn có thể chết
- Khoảnh khắc bạn học cách yêu chính mình
2. Jubilee
Jubilee là kênh YouTube của công ty truyền thông Jubilee Media với sứ mệnh kết nối mọi người lại với nhau bằng những câu chuyện ý nghĩa. Jubilee mang mọi người đến gần nhau hơn, thách thức cách suy nghĩ theo lối mòn và lan truyền tình yêu giữa người với người. Các câu chuyện mà kênh này mang đến đều rất “sâu”, đảm bảo bạn sẽ nhận thấy chính mình trong số đó.
Jubilee là tâm huyết của những con người trẻ tuổi đến từ Châu Á, một trong số đó là Jason Y. Lee. Trên tờ Huffington Post, anh đã từng chia sẻ rằng: có hàng trăm video gây sốt trên YouTube, chẳng hạn như một cô bé khóc vì Justin Bieber hay một anh chàng người Nhật hát ca khúc của Whitney Houston. Những video này có hàng triệu lượt xem, vậy thì tại sao lại không tạo ra các video với một mục đích nào đó, cụ thể là vì những điều tốt đẹp? Đấy chính là ý tưởng thai nghén cho sự ra đời của Jubilee sau này.
Một số video trên Jubilee bạn nên xem thử:
- Tại sao tôi rời bỏ công việc với mức lương 6 con số để đi tìm tiếng gọi của mình?
- Giây phút tôi cố hủy hoại chính mình?
- Bài học tình yêu
3. Smarter Everyday
Smarter Everyday, tạm dịch là “thông minh hơn mỗi ngày”, sẽ giúp bạn thông minh hơn mỗi ngày thật đấy :). Xem kênh này thường xuyên, bạn sẽ có cái nhìn khác về thế giới, không chỉ một chiều mà là đa chiều với góc nhìn sâu sắc hơn trước. Kênh này đặc biệt thích hợp với các bạn ưa khám phá, mày mò và thử nghiệm.
4. Minutephysics
Kênh này cũng có nhiều điểm giống với Smarter Everyday nhưng tập trung giải thích các vấn đề dưới góc nhìn vật lý. Thay vì trình bày khô khan như sách giáo khoa, Minute physics sử dụng nhiều hiệu ứng thú vị để giúp bạn dễ học, hiểu và tiếp nhận vấn đề.
Ví dụ:
- Cách để nhìn mà không cần kính?
- Đi bộ hay chạy trong mưa sẽ tốt hơn?
- Tại sao đặt chân lên Sao Hỏa rất khó?
5. Phim Wonder (Điều kỳ diệu)
Bộ phim này được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết thiếu nhi cùng tên của tác giả R.J. Palacio, xoay quanh nhân vật chính là August Pullman (do Jacob Tremblay thủ vai), hay còn gọi là Auggie. Ngay từ lúc chào đời, Auggie đã mắc một căn bệnh hiếm khiến gương mặt bị biến dạng.
Nhờ được nuôi dưỡng trong bầu không khí tích cực và lớn lên dưới sự yêu thương hết mực của gia đình, Auggie đã trở thành một cậu bé rất thông minh, đam mê khoa học và giàu lòng nhân ái. Khi lên 10 tuổi, Auggie được mẹ đưa đến trường và từ đây, cậu bắt đầu chuyến hành trình thoát khỏi lớp vỏ an toàn và đối mặt với sự tự ti luôn hiện hữu.
Wonder không chỉ lấy đi của bạn những giọt nước mắt mà còn mang đến cho bạn nghị lực sống và khiến bạn yêu chính mình hơn; mặc kệ cho những lời chế nhạo, gièm pha ngoài kia, hãy cứ là chính mình, đối mặt với mọi thứ và sống thật. Ai cũng sẽ có những lúc bất hạnh, những khiếm khuyết không muốn để lộ ra ngoài nhưng càng che giấu chúng, chúng ta càng trở thành một người khác. Chi bằng cứ sống như những gì mình có, trân trọng và yêu thương nhiều hơn, cuộc sống sẽ lộ ra nhiều điều tốt đẹp.
*** Cũ hơn ***
YouTube
1. TED, TED Talks và TED-ed
TED là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh lan truyền ý tưởng khắp thế giới. TED chuyên tổ chức hội nghị về công nghệ, giải trí, thiết kế nhưng giờ đã mở rộng ra gần như tất cả các chủ đề, từ khoa học, kinh doanh cho đến các vấn đề toàn cầu trong hơn 100 ngôn ngữ. Khi tìm kiếm từ khóa “TED” trên YouTube, bạn sẽ nhìn thấy có 3 kênh khác nhau đó là TED, TED-ed và TED Talks.
Mình subscribe cả 3 kênh này và phải nói rằng, tất cả các video đều cực kỳ hữu ích. Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác biệt chút ít nên mình sẽ dẫn ra để bạn dễ hình dung và lựa chọn cho mình một kênh phù hợp để học hỏi nhé.
- TED (YouTube hoặc website): Các video trên TED được ghi lại từ những sự kiện được tổ chức bởi TED.
- TED Talks (YouTube): Các video trên TED Talks được ghi lại từ những sự kiện diễn ra do tổ chức TED đảm bảo, mang tên thương hiệu TED (nhưng không phải do TED tổ chức đúng nghĩa mà do bất cứ ai ở bất cứ đâu được TED cấp phép tổ chức). TED Talks được ra đời nhằm mục đích mang trải nghiệm “giống TED” tới càng nhiều người càng tốt.
- TED-ed (TED-education: YouTube hoặc website): Một thư viện với các video dạng animation nhằm mang đến cho người học một cách cải tiến để tiếp cận tri thức. TED-ed cũng hỗ trợ các giáo viên tạo ra các bài học tương tác của riêng họ để giới thiệu đến học sinh trên toàn cầu.
Ngoài ra, TED còn có một sự kiện nữa tên là TEDYouth dành cho các học sinh trung học và phổ thông. Nếu quan tâm, bạn có thể xem trên kênh YouTube trên TED-ed hoặc truy cập vào đây để theo dõi nhé.
Mình xem nhiều nhất là các video trên TED và TED Talks, đặc biệt là TED Talks. Bởi lẽ, thông qua kênh này, mình được nghe nhiều câu chuyện của chính các diễn giả, chẳng hạn như câu chuyện tình yêu, nghị lực và sự mạnh mẽ của nữ diễn viên Tembi Locke sau khi chồng cô qua đời. Cô chia sẻ cho mọi người cách mà nỗi đau trong cô đã chuyển hóa thành nhận thức về việc giúp đỡ những người khác như thế nào.
Hay câu chuyện của Nikki Webber Allen: một người phụ nữ thành công, hạnh phúc nhưng cô cũng thừa nhận đôi khi mình yếu đuối và khủng hoảng. Thông điệp của cô đó là “cuộc sống thật tươi đẹp. Đôi khi nó lộn xộn và chẳng lúc nào đoán trước được. Nhưng sẽ ổn thôi nếu bạn có một hệ thống hỗ trợ giúp bạn vượt qua điều đó.” Cô hy vọng rằng nếu cảm thấy gánh nặng quá lớn, chúng ta hãy sẵn sàng yêu cầu sự giúp đỡ từ những người khác. Đừng che đậy điểm yếu của mình.
Một số playlist trên TED mình rất thích:
- Playlits 20 bài nói được xem nhiều nhất
- Top 10 Test Talks được xem nhiều nhất
- TED Playlist: Bạn có thể truy cập vào website của TED để tìm và nghe các bài nói theo chủ đề theo mối quan tâm của bạn nhé. Mình rất thích cách phân loại này của TED.
- Playlist trên TED-ed
2. Lavendaire
Lavendaire là blog của Alieen Xu – nữ blogger đầy phong cách, yêu cuộc sống và cô tự nhận mình là “artist of life – nghệ sĩ của cuộc sống”. Cô tạo ra kênh Lavendaire với mục đích chia sẻ trải nghiệm và những gì cô học được trong chuyến hành trình của mình cho mọi người. Gần như tất cả các video trên Lavendaire đều có một điểm rất nổi bật đó chính là phông nền màu tím sáng, tinh khiết và đầy sức sống. Mọi thứ đều rất đẹp.
Mình biết kênh Lavendaire khoảng năm ngoái nhưng xem nhiều nhất và thực sự hứng thú với kênh này thì chính xác là từ tháng 8 năm nay. Từ khi theo dõi và áp dụng các chia sẻ của chị Alieen, cuộc sống của mình đã có nhiều thay đổi. Mình thích cách chị chia sẻ những câu chuyện của mình, lý do vì sao chị lại tìm đến cuộc sống tối giản và hướng tới cuộc sống tươi đẹp. Chị là con người thích sáng tạo, yêu âm nhạc, tin tưởng vào tư duy tích cực, không ngừng tìm ra các phương pháp để hoàn thiện bản thân mình và làm đẹp cuộc sống.
Video trên Lavendaire bao trùm nhiều góc cạnh, chẳng hạn như cách yêu bản thân, tổ chức công việc, journaling, quản lý thời gian, xây dựng sự tự tin, đơn giản hóa cuộc sống, luyện tập biết ơn hay cách trang điểm, ăn uống khoa học… Có thể bạn thấy những chủ đề này rất “to” hoặc “xa” quá nhưng cách nói của chị Alieen rất gần gũi và thiết thực. Hãy thử xem và cảm nhận nhé.
Playlist mình yêu thích trên Lavendaire:
- Playlit về yêu bản thân
- Playlist về tư duy tăng trưởng
- Playlist về tư duy tích cực
- Playlist về chủ nghĩa tối giản
- Playlist về cải thiện năng suất (Productivity)
3. Bill Gates
Mình thường ghé thăm website của tỷ phú Bill Gates (The Gate Notes) để đọc các chia sẻ về sách và hành trình của ông. Ngoài ra, mình cũng xem nhiều các video trên kênh YouTube của Bill Gates.
Theo dõi kênh này giúp mình có góc nhìn mở hơn về thế giới. Mình biết được cuộc sống của người dân ở các quốc gia khác như thế nào, những vấn đề mà Bill Gates cùng các cộng sự của ông đang tìm cách giải quyết là gì, các công nghệ cải tiến đang đóng góp như thế nào vào sự thay đổi tốt hơn của thế giới và quan trọng nhất đó là giáo dục. Mình rất yêu thích chủ đề này nên những gì mà Bill Gates chia sẻ vô cùng có ý nghĩa đối với tôi.
Một số video mình yêu thích trên kênh Bill Gates:
- https://www.youtube.com/watch?v=ykOruBWoK9s
- https://www.youtube.com/watch?v=x7RuCm7BH-4
- https://www.youtube.com/watch?v=8Ygy1VpV3KA
4. Marie Forleo
Một trong những kênh YouTube mình cực kỳ, cực kỳ yêu thích. Mình phải nhấn mạnh như vậy bởi vì:
- Marie Forleo là nữ doanh nhân nổi tiếng, rất xinh đẹp, cách cô nói tiếng Anh, dẫn dắt video và những chia sẻ của cô rất hay.
- Video trên kênh này cũng được đầu tư công phu, cả về âm thanh và chất lượng video, hình ảnh.
- Marie Forleo cũng thường mời những người nổi tiếng như chuyên gia, doanh nhân, tác giả viết sách best-seller (Seth Godin, Elizabeth Gilbert, Mark Manson…) nên theo dõi kênh, mình học được rất, rất nhiều.
Những lúc mất động lực hoặc nản chí, Marie Forleo thường là kênh mình tìm đến đầu tiên. Ngoài các video về suy nghĩ tích cực, cảm hứng…, cô cũng xây dựng nhiều video về các chiến thuật Marketing, kinh doanh, viết lách. Marie Forleo hiện cũng là nhà sáng lập của B-School, trường kinh doanh trực tuyến dành cho các doanh nhân hiện đại.
Một số video mình yêu thích trên Marie Forleo:
- https://www.youtube.com/watch?v=0IQAGI7di7Q
- https://www.youtube.com/watch?v=RWLOZ55ecp8
- https://www.youtube.com/watch?v=oINfXbPsVqM
5. The Vox
The Vox là kênh YouTube của Tạp chí Vox nơi chia sẻ góc nhìn sâu sắc về các sự kiện và vấn đề thời sự trên thế giới. Chẳng hạn thuế giúp ích cho người giàu như thế nào, cái giá của đổ xe miễn phí, tại sao ở Na Uy lại đầy rẫy xe Tesla… Mình thích cách mà Vox đưa ra vấn đề, giải thích, trình bày ý tưởng và các hình ảnh minh họa.
Ngoài The Vox, mình cũng subscribe một kênh khác là The Economist. Các video tập trung nhiều về kinh tế, công nghệ.
6. Big Think
Đúng như tên của kênh, các video trên Big Think cung cấp cho người xem rất nhiều thông tin mang tính hành động, đặc sắc, ý tưởng lớn và kỹ năng cốt yếu từ các chuyên gia hàng đầu. Đảm bảo bạn sẽ rất kinh ngạc vì có lúc khám phá ra một sự thật mà mình đã hiểu sai quá lâu đấy.
Kênh tương tự nếu bạn thích: AsapSCIENCE, SciShow (đặc biệt dành cho những người yêu thích tìm hiểu thế giới xung quanh dựa trên khoa học).
7. 99U
99U có cả kênh YouTube, nhưng mình xem video trên website 99U nhiều hơn. Có thể nói, 99U chính là tài nguyên đặc biệt dành cho những người thích sáng tạo.
Sứ mệnh của 99U đó chính là làm cho cộng đồng sáng tạo trở nên mạnh hơn. Tại đây, bạn sẽ được nghe những câu chuyện (dưới dạng video hoặc bài viết) về các nhà lãnh đạo, những con người đầy sáng tạo đã làm thế nào để trau chuốt các sản phẩm của họ và trở thành bậc thầy. “Bất kể bạn là một nhà thiết kế, Marketer, kỹ sư, nhà giáo dục, nghệ sĩ hay CEO – nếu bạn tiếp cận công việc một cách sáng tạo thì 99U cũng sẽ giúp bạn tìm thấy cảm hứng để xây dựng một sự nghiệp tuyệt vời” chính là cam kết của 99U.
Mình biết đến 99U đã khá lâu và thích thú với những video trên website này. Vì là những người sáng tạo nên những câu chuyện của họ luôn tạo điều bất ngờ, thú vị, càng xem càng muốn xem nữa. Bạn có thể tham khảo một số video mình đã từng xem dưới đây để làm quen với 99U nhé:
- http://99u.com/videos/54253/yuko-shimizu-money-or-control-pick-one
- http://99u.com/videos/51943/rohan-gunatillake-you-are-not-your-work
- http://99u.com/videos/51854/heidi-grant-halvorson-why-no-one-understands-you-and-what-to-do-about-it
Ngoài ra, mình cũng thường xem video trên các kênh YouTube sau.
- Rick Steves’ Europe (Mình mới phát hiện ra kênh này vào hôm trước. Kênh này rất hữu ích cho bạn nào thích khám phá châu Âu. Rick Steves là một tác giả nổi tiếng, đã từng xuất bản hơn 50 đầu sách về du lịch. Ông cũng từng có một bài nói trên TED Talks về lợi ích của du lịch. Khi xem video của Rick về nước Anh, mình chỉ muốn có một lần được đặt chân đến nước Anh mà thôi. ^_^).
- National Geographic (Kênh này quá nổi tiếng với những video có độ sâu về nhiều chủ đề như khoa học, môi trường, thế giới sinh vật, vũ trụ…)
- Be Inspired, Prince Ea, MotivationGrid (Kênh truyền cảm hứng, tạo động lực. Mình là “fan ruột” của các kênh này).
- The School of Life (Bạn có thể đọc bài My Reading List của mình để hiểu hơn về kênh này nhé).
- Yoga with Adriene (Nếu bạn thích Yoga có thể subscribe kênh của cô Adriene và lập kế hoạch tập yoga 30 ngày với series 30 Days of Yoga cùng cô. Tính đến hiện tại, mình đang tập với video ngày 23).
- Một số kênh khác mình thích: TheEllenShow, Vsauce, FightMediocrity, Talks at Google.
Podcast
Ngoài xem video, mình cũng subscribe một số podcast. Sau khi đi làm về, mình có thói quen mở podcast lên nghe và bắt đầu nấu cơm, dọn dẹp.
1. Lavendaire

Lavendaire là blog của Alieen Xu – nữ blogger đầy phong cách, yêu cuộc sống và cô tự nhận mình là “artist of life – nghệ sĩ của cuộc sống”. Cô tạo ra kênh Lavendaire với mục đích chia sẻ trải nghiệm và những gì cô học được trong chuyến hành trình của mình cho mọi người. Gần như tất cả các video trên Lavendaire đều có một điểm rất nổi bật đó chính là phông nền màu tím sáng, tinh khiết và đầy sức sống. Mọi thứ đều rất đẹp.
Mình biết kênh Lavendaire khoảng năm ngoái nhưng xem nhiều nhất và thực sự hứng thú với kênh này thì chính xác là từ tháng 8 năm nay. Từ khi theo dõi và áp dụng các chia sẻ của chị Alieen, cuộc sống của mình đã có nhiều thay đổi. Mình thích cách chị chia sẻ những câu chuyện của mình, lý do vì sao chị lại tìm đến cuộc sống tối giản và hướng tới cuộc sống tươi đẹp. Chị là con người thích sáng tạo, yêu âm nhạc, tin tưởng vào tư duy tích cực, không ngừng tìm ra các phương pháp để hoàn thiện bản thân mình và làm đẹp cuộc sống.
Video trên Lavendaire bao trùm nhiều góc cạnh, chẳng hạn như cách yêu bản thân, tổ chức công việc, journaling, quản lý thời gian, xây dựng sự tự tin, đơn giản hóa cuộc sống, luyện tập biết ơn hay cách trang điểm, ăn uống khoa học… Có thể bạn thấy những chủ đề này rất “to” hoặc “xa” quá nhưng cách nói của chị Alieen rất gần gũi và thiết thực. Hãy thử xem và cảm nhận nhé.
Playlist mình yêu thích trên Lavendaire:
- Playlit về yêu bản thân
- Playlist về tư duy tăng trưởng
- Playlist về tư duy tích cực
- Playlist về chủ nghĩa tối giản
- Playlist về cải thiện năng suất (Productivity)
2. Optimal Living Daily
Optimal Living Daily là một phần của Optimal Network, với các podcast về rất nhiều lĩnh vực. Optimal Living Daily bao trùm các chủ đề về phát triển cá nhân, chủ nghĩa tối giản và năng suất. Optimal Finance Daily gồm các chủ đề về tài chính cá nhân nhưng không quá lý thuyết, lý tưởng cho người mới bắt đầu. Optimal Health Daily gồm các chủ đề về sức khỏe và thể chất như chế độ ăn, dinh dưỡng và quản lý căng thẳng. Optimal StartUp Daily liên quan đến bắt đầu và phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng. Optimal Living Daily: Relationships gồm các chủ đề về tình bạn, hẹn hò, hôn nhân, làm cha mẹ và mọi thứ liên quan.
Hiện tại, mình subscribe Optimal Living Daily và thường nghe hàng ngày. Bạn có thể click vào các đường link để nghe trực tiếp trên máy tính hoặc tìm kiếm tên tương ứng trên Podcast iPhone hoặc Google Play Music nhé.
3. The Minimalists
The Minimalists (iOS, Android) là phiên bản podcast thuộc sở hữu của The Minimalists. Mình đã giới thiệu về website này trong bài viết trước My Reading List
Đây cũng là một trong những kênh podcast nổi bật nhất trên iTunes. Một số kênh podcast khác: Lewis Howes, Ted Talks Daily.
Phim ảnh
1. The Pursuit of Happyness (Việt ngữ: Mưu cầu hạnh phúc)
Mình đã xem đi xem lại bộ phim này phải đến chục lần và lần nào cũng là một cảm giác dâng trào rất khó diễn tả. Mình dám chắc những người từng xem phim này cũng giống tôi. Phim kể về Chris Gardner – một người bán hàng đầy tài năng nhưng không may mắn. Để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, thậm chí có lúc không còn nơi để ở, Chris đã phải nỗ lực rất lớn. Nghị lực và tinh thần vượt lên nghịch cảnh của anh luôn là động lực để mình cố gắng. Mình còn nhớ Chris đã từng nói với cậu con trai bé bỏng rằng “Đừng bao giờ để ai bảo rằng “con không thể làm thứ gì đó”, kể cả bố. Con có ước mơ. Con phải bảo vệ nó. Những người khác có thể không tự làm được thứ gì đó. Họ muốn nói với con “con cũng không thể”. Nếu con muốn thứ gì, hãy giành lấy nó. Chấm hết!”.
Sâu sắc. Thiết thực. Ý nghĩa. Xúc động. Đầy cảm hứng. Mình sẽ còn xem bộ này rất nhiều lần nữa (bởi chắc chắn mình sẽ cần nó).
2. The Intern (Việt ngữ: Bố già học việc)
Mình đã nghe đến bộ phim này từ lâu nhưng mãi đến cuối tuần vừa rồi mới có thời gian xem. Thực ra, nghĩa của The Intern là “Thực tập sinh” và theo tôi, nếu tên phim như thế này mới sát với nội dung của nó. Tuy nhiên, “Bố già học việc” cũng là một tiêu đề khá hay phản ánh đúng nhân vật chính của bộ phim là một người đàn ông ngoài 70 tuổi (Ben Whittaker, do Robert De Niro thủ vai) xin làm thực tập sinh tại một công ty thời trang. Hơn 2 tiếng đồng hồ với vô vàn những suy nghĩ về “Bố già học việc”:
- Ben chính là hình mẫu của một con người đầy nhiệt huyết với cuộc sống, công việc. Hết mình, tận tâm và sẵn sàng phục vụ mà không đòi hỏi.
- Tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng Ben không hề nghĩ rằng mình không còn khả năng làm gì nữa. Ông luôn thấy thiếu gì đó cho đến khi được nhận vào làm thực tập sinh. Cho dù không biết gì về thời trang, không có smartphone, không biết sử dụng laptop… nhưng không vấn đề gì, Ben sẵn sàng học hỏi và thử thách. Kể cả khi biết rằng nữ CEO là một người không hề dễ chịu nhưng Ben vẫn không hề muốn được chuyển sang một bộ phận khác.
- Ben cảm thông, lắng nghe và chia sẻ cùng CEO của mình những khó khăn. Ông giống như một người bạn tâm giao, một người bạn mà khi cần, ông đều xuất hiện đúng lúc. Ông đã có tuổi nhưng vẫn còn trẻ về tâm hồn, vẫn lao động, vẫn luyện tập để giữ gìn sức khỏe, vẫn duy trì những thói quen tốt và vẫn theo đuổi tình yêu.
Nếu bạn chưa xem phim này, hãy dành thời gian cuối tuần xem thử nhé. Và nếu bạn học được điều gì thú vị khác, đừng ngần ngại chia sẻ cùng tôi.
3. Morning Glory (Việt ngữ: Xin chào buổi sáng)
Morning Glory là tên một loài hoa thường nở vào buổi sáng: hoa bìm bịp. Đây cũng là tiêu đề của một bộ phim mà mình rất thích. Mình đã xem lại 3 lần.
Phim kể về Becky Fuller (do Rachel McAdam thủ vai) từ nhỏ luôn mơ ước trở thành một nhà sản xuất tin tức. Mặc dù phải dừng công việc ở Good Morning New Jersey và mẹ cô cũng khuyên cô nên từ bỏ nhưng Becky vẫn tiếp tục. Cô gửi rất nhiều hồ sơ và cuối cùng được nhận vào làm tại IBS, phụ trách chương trình tin vào buổi sáng DayBreak. Ở thời điểm đó, DayBreak có số lượng người xem tụt thảm hại và có nguy cơ sẽ phải dừng sản xuất nhưng Becky đã tìm mọi cách để duy trì. Cô làm việc tới tận đêm, thức dậy rất sớm và không bao giờ lùi bước.
4. The Help (Việt ngữ: Người giúp việc)
Một bộ phim khác để lại trong mình nhiều cảm xúc đó là The Help. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nữ nhà văn Kathryn Stockett xuất bản năm 2009, kể về cuộc đời của 3 người phụ nữ với 3 số phận và tính cách khác nhau, nhưng họ có mối quan hệ rất đặc biệt. Phim nhấn mạnh đến xã hội Mỹ (lấy bối cảnh vùng Mississippi) những năm 1960 khi nạn phân biệt chủng tộc lan rộng: những đứa trẻ da trắng được nuôi lớn bởi những cô bảo mẫu người da đen, trong khi họ lại không được nuôi con đẻ của mình. Chưa kể, họ còn bị kỳ thị khi không được dùng chung nhà vệ sinh với người da trắng…
Phim mang đến nhiều cung bậc cảm xúc: xúc động, có cả tình tiết hài hước, châm biếm một cách nhẹ nhàng. Đây thực sự là một phim rất ý nghĩa.
Một số phim khác mình cũng xem lại nhiều lần: Letters to Juliet (Việt ngữ: Thư gửi Juliet), Forrest Gump, Facing the Giants (Việt ngữ: Đối mặt với gã khổng lồ), I am Sam (Việt ngữ: Tôi là Sam), Three Idiots (Việt ngữ: Ba chàng ngốc)….
Thật tuyệt vời chị ạ 😀 Cảm ơn chị đã chia sẻ những “viên ngọc quý giữa đời thường” thế này. Đều là những chương trình hữu ích và mang lại ảnh hưởng tích cực tới những ai biết và theo dõi
Chị cảm ơn Duy Anh nhé. 😍
Chân thành cảm ơn Bạn đã chia sẻ
Cảm ơn bạn nhiều nha.
Ý, mình rất thích chị Aileen Xu của Lavendaire và Marie Forleo.
Cảm ơn bạn nhiều!
Cảm ơn bạn nhiều nha. hihi
cảm ơn , nội dung chị viết hữu ích và hay, đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu.
Cám ơn bạn nhiều nhé