Trước đây mình đã từng chia sẻ một bài viết về động lực để học và thưởng thức tiếng Anh rồi. Nhưng dạo gần đây mình cảm nhận được trong số các tip để học tiếng Anh có một điều cực kỳ quan trọng mà cần phải được nhấn mạnh lại một lần nữa. Thế nên hôm nay mình quyết định sẽ viết riêng ra một bài về chủ đề này nhé.
Đầu tiên, tại sao bạn muốn học tiếng Anh?
Mình nhận được khá nhiều câu hỏi về việc học tiếng Anh. Phổ biến các bạn muốn học tiếng Anh vì những lý do sau:
- Giao tiếp được với người nước ngoài
- Có IELTS, TOEIC cao để đi du học
- Có IELTS, TOEIC cao để đi xin việc
- Tìm kiếm cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài
- Để khi nào đi ra Hồ Tây lỡ gặp người nước ngoài còn biết nói chuyện 😉
- Để coi phim không cần phụ đề tiếng Việt 😉
- Vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế rồi, không học không được
- Học để sau này còn dạy cho con, dù chỉ một chút
- Thấy chúng bạn học nên bản thân cũng phải học
- Cứ học đã, chưa có mục đích cụ thể, biết sau này lại cần
- Đơn giản là vì thích tiếng Anh
Những lý do này hoàn toàn hợp lý và đúng đắn. Mỗi người cũng sẽ có những mục đích khác nhau cho việc học tiếng Anh nữa.
Thời gian đầu quyết tâm học tiếng Anh mình cũng có hầu hết những mục tiêu trên. Mình tin tưởng khi tiếng Anh tốt thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn một chút nên cố gắng rèn luyện.
Tuy nhiên, khi đã trải qua việc học tiếng Anh, rồi làm freelance viết content cho các công ty nước ngoài, rồi làm việc trực tiếp với các Editor, Writer người Mỹ, Anh, Singapore…, gần 3 năm sống ở Úc, và gần 1.5 năm làm việc tại một agency nước ngoài, mình nhận ra rằng để có thể học tiếng Anh rồi sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, không bị áp lực hay nhàm chán thì chúng ta cần vượt ra khỏi các mục tiêu như đã kể ở trên.
Hay nói cách khác, bạn cần cái gì đó khác trước khi nghĩ tới việc sẽ chinh phục được tiếng Anh và đạt được mục tiêu mà bạn đã đặt ra.
Học tiếng Anh cũng giống như khi bạn “say nắng” một người
Chúng ta cần phải thực sự YÊU tiếng Anh và hào hứng với nó. Điều này cũng áp dụng cho việc học tất cả các ngoại ngữ khác. Bạn phải YÊU nó, hào hứng với nó thì bạn mới duy trì được động lực học vững chắc.
Vì sao lại như vậy?
Thử tưởng tượng nhé: Khi bạn yêu một người, bạn thích nói chuyện với họ, thích gặp họ rồi cùng họ đi chơi. Nghe tiếng họ hay nhìn thấy họ thôi cũng đủ làm bạn xao xuyến và xốn xang trong lòng. Một ngày được ở cạnh họ là bạn thấy mình có thêm năng lượng, đầy sức sống. Bạn muốn những điều tốt nhất đến với người đó và luôn cố gắng hết sức mình để họ vui. Càng có nhiều thời gian bên cạnh họ, bạn càng mừng rỡ. Tất cả những cảm xúc này xuất phát từ trong lòng bạn, từ bên trong bạn, chứ không phải từ bên ngoài.
Khi học tiếng Anh cũng vậy. Bạn cũng cần rèn luyện cho mình một tình yêu đối với ngôn ngữ. Bạn muốn và cần dành càng nhiều thời gian càng tốt cho đối tượng bạn yêu (trong trường hợp này là tiếng Anh). Bạn muốn được nghe âm thanh của nó. Bạn muốn tìm hiểu thật nhiều từ, cụm từ, cách sử dụng, cách mô tả mọi thứ xung quanh bạn bằng ngôn ngữ này. Bạn thích cái cảm giác lúc bạn phát âm được một từ và nghe nó thật “kêu”. Bạn nghĩ về nó mọi lúc. Đi bất cứ đâu thấy một từ tiếng Anh là bạn lại muốn đọc nó lên. Cảm thấy khó chịu khi không biết nghĩa. Bạn cảm nhận được mình yêu tiếng Anh thực sự. Vì yêu nên muốn học, muốn tìm hiểu mà không có sự thúc ép khó chịu nào. Có lúc bạn thấy mệt, bạn không gần nó, nhưng rồi bạn cũng sẽ nhanh chóng quay lại với nó, giống như “xa thì nhớ, gần thì thương” vậy đó.
Có các mục tiêu là như IELTS cao để đi du học hay xin việc lương cao hơn tốt. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào chúng thì bạn sẽ rất dễ bị áp lực và chán nản khi học tiếng Anh. Đây còn chưa nói đến những lý do học tiếng Anh như “thấy bạn bè học nên cũng học” hay “tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế rồi” hay “cứ học rồi sau này biết đâu cần” — những lý do này rất không rõ ràng và sự không rõ ràng sẽ càng khiến bạn không nhìn thấy sự tiến bộ trong việc học.
Bạn có thấy thiếu thiếu gì đó khi mỗi ngày không nghe tiếng Anh? Bạn có thấy rạo rực trong lòng khi hôm nay nhờ biết chút chút tiếng Anh mà bạn có thể đọc được một mẩu tin trên BBC hay một bài viết trên Medium? Bạn có thấy tràn đầy cảm hứng khi hôm nay bỗng dưng gặp một người nước ngoài và bạn giao tiếp được với họ? Những trải nghiệm này có thôi thúc bạn học tiếng Anh nhiều lên không? Nó có giúp bạn có thêm năng lượng “ôi tiếng Anh hay quá, mình yêu thích ngôn ngữ này quá, mình cứ học, cứ đắm chìm trong ngôn ngữ thôi, không cần phải áp lực…”
Học tiếng Anh nên là một hành trình, chứ không phải là đích
Điều này đúng cho mọi ngôn ngữ. Ngay cả tiếng Việt.
Có mấy ai có thể tự tin nói mình là một chuyên gia tiếng Việt. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của chúng ta mà còn quá nhiều thứ chúng ta không biết. Đôi khi còn bị bí từ, viết văn bản cũng chưa được xuôi, hay nói nhiều khi bị vấp do không biết dùng từ nào cho đúng. Dù chúng ta là những người nói tiếng Việt thì vẫn còn quá nhiều thứ để mà học. Thế nên học ngôn ngữ là một hành trình, chứ không phải một cái đích. Học và khám phá cả đời.
Tiếng Việt đã vậy, huống hồ là tiếng Anh, một ngôn ngữ thứ hai đúng không? Chúng ta không thể nói khi đã đạt IELTS 9.0 là chúng ta đã thành “chuyên gia tiếng Anh” rồi. Mình đã biết nhiều người IELTS, TOEFL cao chót vót nhưng khi viết lách hay giao tiếp thông thường, họ gặp nhiều trở ngại, cả việc đọc cũng thế. Đây còn chưa nói đến khi đi làm, bước vào lĩnh vực chuyên một với một kho từ vựng khổng lồ nữa. Không bao giờ dừng việc học được.
Chính vì lẽ đó, nếu bạn không nuôi dưỡng cho mình một tình yêu đối với tiếng Anh và thưởng thức nó thật sự thì cho dù bạn đã đạt được mục tiêu chứng chỉ rồi, bạn vẫn có thể dễ dàng mất đi cảm hứng học tiếng Anh. Rồi bạn sẽ thấy mình tiến bộ rất chậm và gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng nó. Vì sao? Vì bạn không “enjoy” nó.
Bạn đã bao giờ quan sát một người biết chơi nhạc cụ và trò chuyện với họ chưa? Mình đã có và cũng xem nhiều video trên YouTube nữa. Họ chơi một nhạc cụ không phải đơn giản chỉ là để cho vui, để bước vào nghề hay để đạt được học bổng, giải thưởng… Họ thưởng thức âm nhạc, họ vui thích với âm thanh mỗi khi họ lướt tay trên từng dây đàn. Họ yêu âm nhạc — một tình yêu mà khó diễn tả bằng lời. Khi âm thanh thoát ra, tâm hồn và cơ thể họ như thể đang chuyển động vậy, mặc dù người khác không nhìn thấy.
Hãy nghĩ việc học tiếng Anh theo cách tương tự.
Hôm qua mình và bạn đồng nghiệp người Ấn Độ có buổi họp về Google Analytics. Trong khi chờ sếp join cuộc gọi video thì mình và bạn ấy ngồi tán gẫu. Mình hỏi bạn ấy về văn hoá Ấn Độ như thế nào, rồi hôn nhân có còn bị sắp đặt không vì gần đây mình thấy trên Netflix có TV Show Indian Matchmaking làm mình tò mò. Thế là bạn ấy chia sẻ với mình đủ thứ, rất nhiều luôn. Càng nghe mình càng thấy thích thú và trong đầu mình rạo rực một điều “wowwww, nhờ biết tiếng Anh mà bây giờ mình đang được chia sẻ về điều mới lạ, mình hiểu hết bạn ấy nói gì, mình đặt câu hỏi lại bạn ấy, bao nhiêu thứ được mở mang, mình sung sướng vô cùng…” Kết thúc cuộc gọi mình cảm thấy như mình là một con người mới, đầu óc mình “to ra” hơn chút, và vui không thể diễn tả được.
Mình xem phim trên Netflix, mình nghe nhạc, mình đọc sách, họp với team qua video… mỗi ngày của mình trừ lúc nói chuyện với chồng còn lại đều vây quanh tiếng Anh. Mấy ngày gần đây mình cũng xem lại Anne with an E và sau đó quay sang đọc bộ 7 cuốn Anne of Green Gables (Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh). Mình đọc trên Kindle, đọc to từng chữ một và nhái theo giọng của các diễn viên trong phim, như thể mình đang sống trong bộ phim này. Mình thích âm thanh của từng từ tiếng Anh khi mình nghe podcast, video, audiobook, và khi mình nhại theo, mình vui sướng khi cảm thấy “ồ, nghe cũng na ná giọng gốc rồi đấy.”
Cứ làm như vậy, mình lại thích đọc sách, thích tiếng Anh hơn. Mình cảm thấy như mình đã “yêu” tiếng Anh thực sự, chứ không phải là học để đạt được một mốc hay một tiêu chuẩn nào đó.
Yêu thích tiếng Anh chính là khởi đầu vững chắc để học tiếng Anh tốt
Hiển nhiên có những người có khả năng ngôn ngữ thiên bẩm hoặc có một lợi thế nào đó nên việc học tiếng Anh với họ không phải quá khó. Nhiều người cũng dễ dàng đạt được các chứng chỉ rồi tìm được công việc tốt trong khi tiếng Anh không cần nhiều. Nhưng có bao nhiêu người trong nhóm này? Mình không biết bạn sao, nhưng mà mình chẳng được như vậy.
Học tiếng Anh phần lớn đều là thử thách đối với hầu hết mỗi chúng ta. Có người học, luyện vài năm rồi chẳng thấy tiến triển gì nên uể oải. Có người đi học hết trung tâm này đến trung tâm kia vẫn không cải thiện được. Điều này là bình thường và chúng ta phải chấp nhận. Không có lối tắt hay bí mật hay phép màu nào giúp bạn học giỏi tiếng Anh được. Bạn buộc phải dành đủ nhiều thời gian và kiên trì để theo đuổi nó.
Với mình, yêu thích tiếng Anh, đắm chìm trong nó chính là nền tảng vững chắc để luôn hào hứng với việc học và chinh phục ngôn ngữ này. Đấy chính là kinh nghiệm mình đúc rút được từ hành trình bước tới thế giới tiếng Anh của bản thân.
Nếu bạn đang gặp trục trặc trong việc tiếng Anh và nản quá, mình khuyên bạn hãy dừng lại một chút. Xem thử bạn có đang bị áp lực về mục tiêu hay chưa có sự rõ ràng trong lý do học. Sau đó, xoay chuyển góc nhìn bằng cách để bản thân yêu tiếng Anh và thưởng thức tiếng Anh trước.
“Em sẽ học ngữ pháp trước, học các mẫu câu… chị thấy sao?” Thành thật nhé, mình khuyên bạn đừng học theo kiểu này. Bạn sẽ thấy rất nản. Nếu bạn đang mới bắt đầu, hãy quên hết các cuốn sách mà chỉ tập trung vào việc nghe những bài hát tiếng Anh bạn yêu thích, xem phim nước ngoài bạn muốn… Nói chung là làm bất cứ điều gì liên quan đến tiếng Anh mà khiến bạn vui nhất. Bạn phải đắm mình trong ngôn ngữ, làm quen với cách họ giao tiếp và từ ngữ trước. Nghe là kỹ năng cơ bản, giống như đứa trẻ sinh ra nó nghe trước rồi học nói, chứ không phải học viết trước. Cũng không ai đưa cho đứa trẻ cuốn ngữ pháp tiếng Việt rồi bắt nó học.
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn và khơi dậy trong bạn tình yêu đối với tiếng Anh nhé. Đừng nản chí, sự học không có tuổi, cứ kiên trì với nó và rồi một ngày, bạn sẽ thấy tiếng Anh của mình cải thiện rõ rệt.