Chào các bạn. Mình vừa có chuyến đi tới Ấn Độ kéo dài gần 1 tuần, từ ngày 16 đến 22. Thực sự, đây là trải nghiệm đi xa tuyệt vời nhất từ trước tới giờ của mình. Hôm nay, mình đã trở lại và muốn kể cho các bạn nghe những gì mình đã học được từ chuyến đi này. Mình hy vọng sẽ giúp các bạn, đặc biệt là những người trẻ có thêm cảm hứng để tìm kiếm các cơ hội đi ra nước ngoài và học hỏi, cũng như có cái nhìn mới mẻ hơn về các bạn đến từ các quốc gia khác như Pakistan, Afghanistan, hay Bangladesh.
Sơ lược về chuyến đi của mình
Cách đây vài tháng, mình có nộp hồ sơ đăng ký tham dự một hội nghị ở Ấn Độ. Hội nghị này có tên là Telangana Jagruthi International Youth Leadership Conference 2019 (TJIYLC 2019), tạm dịch là Hội nghị Quốc tế về Lãnh đạo trẻ năm 2019 của tổ chức Telangana Jagruthi. Telangana là một bang ở Ấn Độ, từ Jagruthi nghĩa là “Awakening” – “Thức tỉnh”. Telangana Jagruthi là “Thức tỉnh Telangana”. Đây là một trong những tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất ở Ấn Độ.
Hội nghị diễn ra ở thành phố Hyderabad với sự tham gia của 550 đại biểu đến từ hơn 110 quốc gia trên thế giới. Mục đích chính của hội nghị là tăng cường sự hiểu biết của các bạn trẻ trên thế giới về phát triển bền vững dựa trên triết lý của Mahatma Gandhi, đồng thời xây dựng nền tảng cho một lớp các nhà lãnh đạo trẻ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc. Mình quan tâm tới mục tiêu số 3 (Good health and wellbeing) và số 5 (Gender equality) nên đã quyết định nộp hồ sơ đăng ký tham dự.
Hội nghị tài trợ chi phí ăn ở và di chuyển ở Hyderabad. Riêng tiền máy bay và làm visa, các đại biểu phải chịu trách nhiệm. Mình nhận được thư mời vào giữa tháng 10 và có xin cho chồng mình đi cùng. Rất may là ban tổ chức đã chấp nhận. (Chồng mình cũng đi với tư cách đại biểu.)
Chuyến đi tới Ấn Độ cho mình được nghe và được thấy rất nhiều điều thú vị. Mình sẽ kể cho các bạn nghe lần lượt những điều này cùng một số bài học mình đã rút ra nhé.
Lưu ý:
- Tất cả các hình ảnh trong bài viết đều do mình (và chồng mình) chụp. Đối với các câu chuyện, mình cũng đã xin phép các bạn nước khác trước khi đưa thông tin vào bài viết.
- Mọi cảm nhận và những gì mình nghe, thấy đều đứng dưới quan điểm của mình. Nếu bạn thấy Ấn Độ dưới một góc nhìn hay một tình huống khác (có thể tiêu cực so với những gì mình chia sẻ) thì chúng cũng có thể đúng.
- Vì mình đi dưới dạng hội nghị, được xe của ban tổ chức đưa đón và đi chơi với nhóm đông người nên rất an toàn. Nếu bạn đọc bài viết của mình và có cảm hứng muốn sang Ấn Độ thì mình cũng khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng vì đi du lịch một mình có thể nguy hiểm hơn.
- Mình viết bài này không phải với mục đích review đất nước Ấn Độ nên trải nghiệm tới các địa điểm như Golconda và Charminar sẽ không được kể ở đây.
Nào, bây giờ là những gì mình muốn chia sẻ cho các bạn.
Mình đã nhầm
Trước khi tới Ấn, cảm nhận của mình từ những gì mình nghĩ, nghe và thấy về người Ấn qua Internet đều xoay quanh một từ là: SỢ. Sợ vì Ấn Độ có văn hóa khác Việt Nam – nơi nhiều người theo đạo Hindu sinh sống. Sợ những người trùm khăn kín mặt. Sợ các nghi lễ. Sợ bị bắt nạt, hiếp dâm vì có nghe bạn bè cảnh báo và đọc trên Internet.
Sự thật là ngược lại. Từ lúc xuống sân bay cho tới lúc ra về, bọn mình đều nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của các bạn Ấn Độ. Không phán xét. Không phân biệt. Không có những cái nhìn đầy hoài nghi. Tất cả những người bọn mình gặp đều thân thiện và hiếu khách. Có thể có bạn nghĩ vì đây là hội nghị và bọn mình cũng đi theo đoàn nhiều người nên sẽ được đón tiếp chu đáo thôi. Tuy nhiên, cảm nhận của mình thì không phải vậy. Mình thấy nhiều người Ấn, bất kể tôn giáo, đều thân thiện và nhiệt tình lắm.
Kể cả lúc vào siêu thị, các cô chú bán hàng cũng nhiệt tình. Mình lựa đồ, còn làm đứt cả dây buộc giày nhưng cô bán hàng không hề tức giận. Sợ lắm, mình xin lỗi rối rít nhưng rất may, cô chỉ nói “It’s ok. Ma’am.” (Không sao đâu, thưa bà). Rồi cả lúc 4 người ngồi đợi xe ô tô đưa ra sân bay trở về nước, chú giám đốc khách sạn còn lấy trà mời bọn mình. Chú giản dị, hiền lành và gần gũi, khiến mình không nghĩ chú là người quản lý của cả một khách sạn.
Những câu chuyện đáng nhớ
Mình gặp rất nhiều bạn, và họ vô cùng, vô cùng đáng yêu, thân thiện, gần gũi. Họ vui tính, lạc quan, nhiều hoài bão, ước mơ và nhiệt huyết. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau (Hindu, Đạo Hồi, Công giáo, Tin lành…) và có màu da khác nhau (da đen, da trắng, da vàng). Dù trẻ tuổi nhưng các bạn chững chạc, tự tin, làm mình tuy lớn tuổi hơn nhưng lại cảm thấy như thể mình kém tuổi. Một điều đặc biệt nữa khiến mình cực kỳ ấn tượng đó là khả năng nói tiếng Anh của các bạn nước ngoài. Gần như ai cũng nói lưu loát, trôi chảy.
Buổi sáng hôm đầu tiên đến Hyderabad, mình và chồng mình đã làm quen được một nhóm bạn, gồm có: Elmeer (Philippines), Ashutosh (Ấn Độ), Saif (Bangladesh), Suci (Bangladesh), Faria (Bangladesh), Kim Chi (Việt Nam), Anish (Nepal), Ankit (Ấn Độ), Intan (Indonesia). Cái tên “ASEAN Community” (Cộng đồng ASEAN) không có nghĩa là nhóm gồm các thành viên đến từ các nước Đông Nam Á, đơn giản là một cái tên đầy ngẫu hứng do bạn Ashutosh tự đặt. Nhóm chơi vui lắm, đi đâu cũng gọi nhau, chờ nhau, chụp ảnh cùng nhau, ăn sáng cùng nhau, đi siêu thị cùng nhau, đi mua đồ ăn cùng nhau. Bọn mình liên tục cười nói, chia sẻ vô vàn niềm vui, nụ cười và cả những câu chuyện. Mình quý mến các bạn vô cùng và chắc chắn sẽ không bao giờ quên được.
Chuyện thứ nhất: Ashutosh Mishra
Ashutosh (hay Ashu), 26 tuổi, quê ở Ấn Độ. Ashu hiện đang làm việc tại Đại học Siam (Thái Lan) cực kỳ tốt bụng, vui tính và là người dẫn đường cho cả nhóm mình mỗi khi đi ra ngoài. Thoạt đầu nếu mới gặp Ashu, có lẽ bạn sẽ thấy anh chàng này “khó gần”, nhưng chỉ cần nghe bạn ấy nói là mọi định kiến của bạn tiêu tan hết. Giọng nói đầy vui tính và thích giúp đỡ người khác của Ashu sẽ khiến bạn chỉ muốn nói chuyện với Ashu cả ngày đấy.
Hôm đầu tiên đến, vì nghĩ ở sân bay tỷ giá thấp nên cả hai chị em (mình và Chi) quyết định về đến khách sạn mới đổi tiền sang Rupee. Thật không may, người nước ngoài đổi tiền ở Ấn Độ khá khó khăn bởi vì sẽ phải trả thuế và bị kiểm tra rất ngặt nghèo. Mình và Chi đã vô cùng lo lắng. Thế nhưng, Ashu đã giúp giải quyết tất cả.
Khi biết mình và Chi chưa đổi được tiền, Ashu đã nói rằng “Đừng lo lắng. Bạn ấy sẽ giúp”. Ashu gọi điện cho một người bạn ở Ấn Độ (tên là Taranpreet Singh) và chỉ trong chưa đầy 15 phút, Taranpreet đã xuất hiện và nói sau bữa trưa sẽ quay lại để đổi tiền cho bọn mình. Ăn trưa xong, Taranpreet đến khách sạn, đưa cho mình và Chi mỗi người 500 rupee. Bạn ấy bảo đấy là tiền làm tin rằng bạn ấy đã cầm tiền USD của bọn mình và chắc chắn sẽ đưa lại đủ số tiền rupee tương đương giá trị.
30 phút sau, Taranpreet quay lại. Khuôn mặt đầy vui tươi và đưa cho bọn mình hai phong bì chứa số tiền rupee đã đổi được. Mình biết bạn ấy đã phải nhờ vả người khác và đi khá xa để đổi tiền. Mình rất vui sướng, biết ơn và đấy cũng là một trong những điều tuyệt vời nhất chúng mình nhận được khi vừa mới chân ướt chân ráo sang Hyderabad.
Chuyện thứ hai: Elmeer Meeynard Divinagracia Calimpos
Elmeer 21 tuổi, đến từ Philippines, và hiện đang học Thạc sĩ năm đầu tiên ngành Science of Social Work, tại trường Đại học Negros Occidental – Recoletos. Em vui tính, thông minh, dễ gần, chu đáo, thích bắt chuyện với mọi người, và thích chia sẻ. Em có thể nói đủ thứ chuyện đầy hăng say mà chắc chắn ai mới gặp lần đầu cũng rất dễ có thiện cảm. Ngay khi gặp em, mình đã cảm thấy sự gần gũi chứ không hề có bất cứ rào cản hay ngại ngùng nào. Elmeer là đại biểu Philippines duy nhất đến tham dự hội nghị.
Nói về Elmeer, mình rất ấn tượng với những chia sẻ của em về đất nước Philippines và mong muốn đóng góp của em đối với cộng đồng. Em nói ở Philippines, bạo lực xảy ra nhiều lắm. Người ta có thể dùng súng và các loại vũ khí khác để tàn sát lẫn nhau hoặc đấu tranh với chính quyền. Ở Philippines, nhiều người muốn đứng dậy đòi quyền lợi, quyền con người và đấu tranh cho sự no ấm nhưng họ không có thế lực và tài lực để làm vậy. Em nói ở Philippines, mọi người thèm sự yên bình và ấm no lắm.
Khi nghe câu chuyện của em, mình rất ngạc nhiên và chia sẻ rằng ở Việt Nam khá yên bình, không có chuyện dùng súng hay bạo lực công khai khủng khiếp thế đâu, ít nhất là theo những gì mình biết. Em tròn mắt, ngạc nhiên nói “You guys are so lucky. Very peaceful.” (Các bạn may mắn quá. Rất bình yên.) Khi em nói vậy, mình để ý đôi mắt em ướt dần. Dường như em cũng khao khát đất nước em được như vậy. Một chàng trai trẻ 21 tuổi nhiều ước mơ, mạnh mẽ nhưng cũng rất nhạy cảm.
Mình hỏi em có sợ không khi em bảo tình hình chính trị ở Philippines rối như vậy?
Em nói: “Mẹ em cũng lo lắng. Mẹ không cho em tham gia nhiều và còn tức giận. Nhưng em cũng biết mình nên có giới hạn. Em không tham gia quá sâu mà chỉ đến những vùng người dân chưa có nhiều hiểu biết để chia sẻ cho họ thôi. Em tìm hiểu chính trị để biết chứ em không tham gia sâu vào.” Mình rất khâm phục em.
Elmeer còn có sở thích hát và chơi đàn. Mỗi lần trên xe từ Trung tâm Hội nghị Novotel về khách sạn Babylon, em đều hát. Em hát rất hay và cũng chẳng ngại mọi người nghĩ gì về mình. Em cứ hát thế thôi. Em 21 tuổi mà đôi mắt và những suy nghĩ của em còn lớn gấp nhiều lần so với những gì em thể hiện ra bên ngoài. Nhiều ước mơ, nhiều khao khát và rất quan tâm tới người khác.
Chuyện thứ ba: Faria Farzana
Faria 23 tuổi, đang học năm cuối ngành tài chính ở trường đại học Dhaka. Sau khi tốt nghiệp, Faria sẽ nộp hồ sơ xin học bổng đi học ở nước ngoài. Nguyện vọng của em là nhận được học bổng toàn phần để đi học ở Mỹ.
Faria rất hiền lành, chu đáo, ân cần, tinh tế và thích quan tâm người khác. Em giản dị, từ cách ăn mặc cho đến lời nói đều toát lên một vẻ rất nhẹ nhàng. Mình thích nói chuyện với em. Đi với em mình có cảm giác như mình là em gái của em chứ không phải là người chị hơn em tận 4 tuổi nữa.
Chuyện thứ tư: Asma Sultana Suci
Suchi đến từ Bangladesh. Em 23 tuổi, hiện đang học năm cuối ngành Khoa học xã hội ở trường Đại học Rajshahi. Lần đầu tiên nói chuyện với Suci, mình đã cảm thấy đây là một cô bé vô cùng hiền lành. Và càng chơi với Suchi, mình càng cảm thấy điều này bộc lộ rất rõ.
Suci có ước mơ giúp đỡ phụ nữ và các bé gái ở Bangladesh có một cuộc sống tốt hơn, được tôn trọng hơn và có cơ hội được học tập, phát triển. Hôm tham dự buổi workshop về Gender Sensitivity and Prevention of Sexual Harassment, mình mới được biết rõ câu chuyện của Suci và những gì em đã trải qua trong quá khứ. Hoá ra cách đây vài năm, trong một lần đi đến một lễ kỷ niệm, Suci đã bị một đám thanh niên say rượu trêu chọc, đòi đụng chạm vào cơ thể em. Rất may, em đã hét lên và những người bạn của em cũng xuất hiện kịp thời để cứu em khỏi nguy hiểm. Kể từ đó em rất sợ đi ra ngoài vào buổi tối hoặc ở chỗ ít người qua lại. Em cũng sống nội tâm hơn và hút thuốc.
Đêm hôm trước khi em bay về nước, mình có qua phòng em chơi. Em hỏi mình liệu có ngại nếu em hút thuốc. Mình có bảo em cứ hút, đừng ngại. Và rồi em vào nhà tắm, đóng cửa hút thuốc một mình trong khi mọi người đang chơi game. Mình không phán xét em, chỉ là hơi bất ngờ vì ở lứa tuổi em, một cô sinh viên học năm cuối rất hiền lành, xinh đẹp lại dùng đến thuốc lá để giải khuây những vấn vương trong lòng.
Nhưng những gì về em chưa dừng lại ở đấy.
“Chị bay sang đây hết bao nhiêu tiền vậy?
Uh. Nếu tính tiền máy bay và visa thì khoảng 22 triệu Việt Nam đồng, cho cả hai vợ chồng. Khoảng gần 1000usd đó.
Làm sao chị có tiền như vậy để đi?”
Mình bảo mình đã đi làm rồi nên mình tiết kiệm được. Em định hỏi thêm nhưng Faria ngồi bên cạnh ngăn không cho em hỏi. Hai người nói chuyện bằng tiếng Hindu nhưng mình đoán Faria muốn nói với Suci rằng đây là chuyện nhạy cảm, không nên hỏi. Lúc ấy, Suci cúi xuống, mặt rất buồn. Faria nhanh chóng đổi chủ đề, nhưng mình bảo cứ để cho Suci hỏi bất cứ điều gì em ấy muốn. Không sao hết. Mình không ngại gì cả. “Người Việt Nam ai cũng thân thiện như chị sao?”, Suci nói.
Mình im lặng, không nói được gì, vì mình thấy rất thương em.
Rồi cái lúc trước khi em rời khỏi khách sạn để trở về nước, em thì thầm vào tai mình rằng “Tiếc quá, biết thế đêm hôm qua em đã rủ chị đi ra ngoài để tâm sự rồi.”
Mình cũng thấy tiếc lắm, giá như mình có thể cùng em nói chuyện nhiều hơn. Câu nói ấy của em cứ ám ảnh mình mãi.
Chuyện thứ năm: Mohammad Saif
Anh Saif, 31 tuổi, hiện đang là giảng viên về quản trị tại trường Đại học Dhaka (Bangladesh). Điều mình ấn tượng nhất về anh đấy là một con người rất yêu thương và tự hào về vợ. Ngay hôm đầu tiên gặp Saif, anh đã cho mình xem một loạt ảnh những nơi hai vợ chồng đã đến. Ảnh nào anh cũng mô tả rất kỹ trải nghiệm của hai người như thể anh nhớ không bỏ sót một chi tiết nào. Càng nghe mình càng cảm nhận được tình yêu mà Saif dành cho vợ vô cùng thắm thiết. Anh chị lấy nhau vào ngày 24/02/2017, trước ngày cưới của mình 3 ngày và hiện chưa có em bé. (“Thực ra, anh muốn có con lắm rồi, nhưng vợ anh chưa muốn. Vợ anh muốn tập trung học đã.” Anh vừa nói vừa cười như vậy.)
Mình hỏi: “You are so proud of your wife, right?” (Anh rất tự hào về vợ phải không ạ?)
Anh không nói gì cả. Chỉ gật đầu và cười rất tươi.
Đi dự hội nghị ở Ấn Độ một tuần liền, anh đều thường xuyên gọi điện cho vợ. Anh còn gọi video giới thiệu bọn mình cho vợ của anh. Đi siêu thị, anh cũng không quên để ý ở hàng quần áo phụ nữ. Anh nhờ bọn mình chọn áo cho vợ và mua bánh kẹo về cho vợ.
Dự định của anh trong năm tới là nộp hồ sơ xin học bổng tiến sỹ ở nước ngoài và đưa vợ đi học cùng. Mục tiêu của anh là học ở Anh, Malaysia hoặc Singapore.
Những câu chuyện đầy thú vị khác
- Mình tuy đã 27 tuổi nhưng gần như các bạn nước ngoài tham dự hội nghị đều rất ngạc nhiên khi mình nói tuổi của mình. Các bạn nghĩ mình mới chỉ 20 thôi vì trông mình quá trẻ. Thậm chí bạn cùng phòng của mình còn hét toáng lên khi mình nói tuổi.
- Trước hôm trở về nước, mình nhận được rất nhiều bánh kẹo từ các bạn nước khác. Có bạn còn lẳng lặng đặt 3 gói bột yến mạch vào túi đồ của mình. Dù chỉ là những gói bánh nhỏ nhưng mình cảm nhận được tình cảm và sự yêu thương của các bạn dành cho mình và chồng mình. Thật sự rất yêu quý các bạn.
- Lúc check in ở sân bay, hành lý của bọn mình vượt quá mức (giới hạn 15kg cho cả hai người, nhưng của bọn mình là 21,2kg) gần 7kg. Ban đầu, họ yêu cầu bọn mình phải mua hành lý ký gửi, khoảng 4.700 rupi, tương đương 1,4 triệu VND. Bọn mình nấn ná vì thấy số tiền ký gửi quá lớn, còn lớn hơn tiền mua quà nữa. Cộng thêm nếu ký gửi ở đây thì lúc bay từ Sài Gòn về Hà Nội cũng phải mua thêm hành lý. Nghĩ vậy, bọn mình đã quyết định quay trở lại bàn checkin và dành tặng hết số bánh kẹo đã mua cho anh nhân viên làm thủ tục. Khi mình nói “Bọn em muốn dành tặng anh chị số quà này vì bọn em đã bỏ ra một số tiền lớn để mua, bọn em không muốn để đâu khác hay vứt vào thùng rác”, anh bắt đầu lưỡng lự và gọi quản lý đến. Sau một hồi thảo luận, mình nhận được câu trả lời rằng “Bọn anh không lấy và bọn anh cho phép em mang hành lý lên máy bay, không cần mua thêm hành lý.” Mình sung sướng vô cùng và cảm ơn anh rối rít. Đến giờ phút cuối cùng sắp rời Ấn Độ rồi mà vẫn nhận được những sự giúp đỡ đầy ấm áp như vậy đấy.
Đây là một chuyến đi vô cùng thú vị, ý nghĩa và tuyệt vời đối với mình và chồng mình. Gặp gỡ hàng trăm bạn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, rèn luyện tiếng Anh, khám phá Ấn Độ, lắng nghe nhiều câu chuyện khác nhau và hiểu được rằng, chúng mình rất, rất may mắn hơn hàng nghìn, hàng triệu người trên thế giới. Mình thực sự biết ơn những gì mình đang có và sẽ tiếp tục cố gắng để đọc, viết, chia sẻ được nhiều điều có ý nghĩa với mọi người.
Mình cũng muốn chia sẻ với các bạn, đặc biệt là các bạn sinh viên rằng ngoài kia có rất nhiều cơ hội để bạn có thể đi ra nước ngoài với chi phí thấp nhất (thậm chí là được tài trợ toàn phần), giao lưu, học hỏi và bước ra khỏi vùng an toàn. Nếu bạn không thể đi nhiều thì hãy cứ thử đi một lần rồi bạn sẽ thấy thế giới thật rộng lớn. Mình tuy đã 27 nhưng mình vẫn thấy mình còn trẻ lắm và mình vẫn sẽ tiếp tục đi nếu có cơ hội.
Để tìm kiếm cơ hội đi nước ngoài, bạn có thể đi du lịch tự túc hoặc nộp hồ sơ tham dự các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, chương trình trao đổi… Thường, các sự kiện này sẽ được tài trợ và bạn sẽ được gặp gỡ với hàng loạt bạn trẻ ở nước ngoài, đầy hoài bão, nhiệt huyết, tự tin, bản lĩnh.
Bạn có thể truy cập các trang web sau để tìm kiếm các cơ hội nhé:
- Ybox.vn
- 10 Times
- Youth Opportunities
- All Conferences
- Conference Monkey
- Scholarship for Vietnamese Students
- Scholarship and Life Abroad
Hãy bước ra khỏi vùng an toàn và vươn ra biển lớn để thấy bầu trời thật bao la và cuộc đời mình còn tươi đẹp hơn nhiều người. Đấy là những gì mình đúc kết được sau chuyến đi này.
Cám ơn Ấn Độ, cám ơn tất cả những người bạn mình đã được gặp. Cám ơn vì đã xuất hiện trong cuộc đời mình. Dù có thể không bao giờ gặp lại nhưng chúng mình vẫn tiếp tục kết nối với nhau và mình sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp đẽ ấy.
gato quá :))
Ahihi.
cám ơn chia sẻ về chuyến đi của chị rất nhiều! Em cũng đã cảm nhận được cảm xúc của chị khi nhận được sự chia sẻ và trải lòng của các bạn nước ngoài. Em rất xúc động. Em chân thanh cám ơn những bài viết mới của chị ở năm 2019. Nó rất sâu , dễ hiểu và dễ đọc. Cám ơn chị rất nhiều và mong sẽ được đọc các bài mới tiếp theo của chị!
Chị cám ơn em nhiều nha. Cám ơn em đã ủng hộ chị và Form Your Soul. xo xo
Cảm ơn chị về những chia sẻ, mỗi lần đọc bài của c em lại cảm thấy ấm áp và học hỏi được rất nhiều .
Chào Duyên nhé. Chị cám ơn Duyên thật nhiều. Yêu! :b :b :b
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ của bạn. Mình biết tới bạn trễ quá khi mình đã có 2 con và gia đình nhiều công việc. Nhưng đọc bài viết của bạn cũng giúp mình thêm động lực để năng động hơn.
Cám ơn bạn nhiều nha, cố lên nhé.