Ngạc nhiên không? Hôm nay mình lại nói về số tiền mình đã kiếm được sau 3 năm tròn viết content bằng tiếng Anh đấy!
Nhiều bạn biết mình cực kỳ kín tiếng về vấn đề thu nhập, nhưng vài tuần trước, có một chia sẻ từ một độc giả đã làm mình suy nghĩ lại.
Mình đã từng nói mình không muốn bàn đến vấn đề tiền bạc vì mình nghĩ nó có thể tạo ra cảm giác sai lầm rằng nghề freelance này có thể kiếm bộn tiền, khiến nhiều người lao vào không chiến thuật. Hơn nữa, mình luôn nghĩ tiền bạc là vấn đề nhạy cảm nên mình muốn tránh né.
Nhưng bạn độc giả đó đã cho mình một góc nhìn khác:
“Mọi người đều muốn học hỏi từ chị và việc chị chia sẻ thu nhập sẽ khích lệ những người mới như bọn em. Nên chị đừng ngại. Bởi vì bọn em mới bước vào nghề, chưa biết cách đặt giá, chưa thấy tiềm năng của nghề ra sao. Có được các con số từ người từng trải như chị sẽ giúp bọn em hào hứng hơn và có động lực hơn nữa.”
Độc giả giấu tên.
Bạn ấy nói đúng. Nên mình phải tiếp nhận và học hỏi.
Vậy nên, mình sẽ chia sẻ với bạn số thu nhập mà mình đã kiếm được từ việc vừa học thạc sĩ Marketing, sau đó, là làm việc fulltime vừa viết content bằng tiếng Anh nhé.
Lưu ý
Mình luôn lấy phí tính bằng USD, chứ không phải AUD. Có hai lý do: một, vì 90% khách hàng của mình là ngoài Úc; hai, mình xác định ngay từ đầu là phí tính bằng USD, bản thân các công ty phải hiểu rõ điều này, nếu họ có thuê freelancer ở nước họ thì cũng tính bằng USD. Không dại gì mình tính bằng AUD hay VND. 😉
Thu nhập năm đầu tiên làm part-time freelance content writer (12/2019 – 12/2010): 50,248 USD
Đầu tiên, mình chính thức mở freelance business của mình và đầu tư 100% vào mảng này từ tháng 12 năm 2019, 2 tháng sau khi mình sang Úc. Vì vừa học thạc sĩ vừa làm nên mình không có nhiều thời gian. Mình chỉ có thể tranh thủ những lúc không phải lên trường, buổi tối, lúc rảnh rỗi, tìm hiểu. Mình mất hơn 1 tháng để đọc, lang thang hết website rồi cộng đồng này đến cộng đồng khác để nghiên cứu về nghề, và xác định mình cần làm gì. Phương pháp tìm khách hàng mình thấy hiệu quả nhất với bản thân mình đó chính là cold pitch.
Bạn nào chưa biết cold pitch là gì có thể xem thêm khoá học về cách làm freelance này của mình. Mình trình bày khá rõ về cách thức và template để thực hiện.
Sau hơn 2 tháng rong ruổi cold pitch và rất nhiều đêm căng thẳng, mệt mỏi, mình đã có khách hàng SaaS đầu tiên vào ngày 6/2/2020. Đó chính là Leadpages.
Chị Director of Marketing bên Leadpages giao cho mình hai bài viết, 1 bài 3000 từ với phí là 600 USD. Một bài khác ngắn gọn hơn, mang tính chỉnh sửa, hơn 1000 từ, với phí là 250 USD.
Đúng như luật hấp dẫn, hơn 1 tuần sau đó, chị Phương Anh là sếp cũ ở Beeketing công ty mình làm trước khi chuyển sang Úc, liên lạc với mình hỏi có thể giúp chị viết một ebook về Shopify. Mình đồng ý. Chị trả phí cho mình là 2,500 USD. Như vậy, chỉ trong tháng đầu tiên mình đã có hai khách hàng với tổng thu nhập là 3,350 USD.
Cảm giác của mình thật khó tả! Khi bản thân thấy tuyệt vọng, nghĩ rằng có lẽ mình không hợp với nghề này vì bản thân đã gửi đi hàng trăm email vẫn chẳng ai cho mình một cơ hội được viết cho họ.
Mình nỗ lực rất nhiều cho 3 bài viết đầu tay. Ngày nào cũng đọc và sửa đi sửa lại nhiều lần để gây ấn tượng với khách hàng. Mình cũng dành nhiều thời gian để tìm kiếm các ví dụ thực tế minh hoạ cho các lập luận mình đưa ra. Vì mình biết rằng nếu họ hài lòng, họ sẽ sẵn sàng cho mình một lời chứng (testimonial) tốt để “show” ra trên website của mình.
Và đúng thật, họ rất ưng với những gì mình viết. Chị Director của Leadpages đã giao cho mình thêm nhiều bài viết nữa trong các tháng tiếp theo. Mỗi bài có giá là 600 USD.
Khi bạn đã có các khách hàng hài lòng và họ tin tưởng để tiếp tục hợp tác với bạn thì cảm giác tự tin, biết mình có khả năng và năng lượng sẽ lên cao chọc trời. Nhưng ngặt nỗi thời gian năm 2020 mình đang học năm đầu tiên nên vẫn không thể “all in” cho công việc freelance được. Mình chỉ có thể tranh thủ vào những buổi tối hoặc cuối tuần ít bài để tìm khách hàng. Cũng không dám nhận nhiều chủ đề vì sợ ảnh hưởng việc học.
Tổng kết năm 2020, mình có thu nhập từ freelance là 50,248 USD, đồng thời đạt High Distinction cho ⅞ môn học. Nhờ có khoản thu nhập này, mình cũng trả hết các khoản tiền đi vay để đi du học. Chính thức không còn nợ nần gì cả!
Thu nhập năm thứ hai làm part-time freelance content writer (01/2021 – 12/2021): 74,763 USD
Bước tiếp thành công của năm 2020, sang năm 2021 mình quyết định dành thời gian nhiều hơn cho việc làm freelance. Mình tối ưu hoá việc học ở trường bằng cách lên lịch đọc, học, làm bài tập, không bỏ sót thời gian nào rảnh rỗi. Những lúc mệt, buồn ngủ thì mình tìm kiếm các công ty tiềm năng cho việc cold pitch. Mình cũng tích cực tham gia chia sẻ, đóng góp trải nghiệm cho các nhóm freelancer để gây dựng hình ảnh bản thân, cũng như hy vọng là mọi người sẽ nhớ đến để khi họ có quá nhiều gig thì họ sẽ “refer” (giới thiệu) cho mình.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh, các tháng đầu tiên của mỗi năm thường sẽ rất chậm đối với freelancer. Lý do bởi vì họ thường đi nghỉ nhiều (Christmas với New Year mà). Hơn nữa, đầu năm họ mới khởi động lại các kế hoạch content marketing nên cũng sẽ tập trung vào nội bộ nhiều hơn. Ngoài ra, mình vẫn còn mới nên các khách hàng lâu dài (retainer) còn ít.
May mắn có một lần lướt trên cộng đồng các freelancer, mình đọc được chia sẻ của một chị nói về bí quyết để luôn luôn có bài và đảm bảo thu nhập hàng tháng. Đó là thay vì chỉ tập trung vào các khách hàng trả phí cao thì chị sẽ linh hoạt nhận các bài viết có phí thấp nhưng đều đặn.
Ví dụ, nếu một khách hàng chỉ trả 200 USD/bài nhưng mỗi tháng họ cần 10 bài thì tính ra cả tháng chị đã thu được 2,000 USD từ chỉ khách hàng đó. Vì các bài như thế này cũng đơn giản, không đòi hỏi nhiều nên chị viết khá nhanh. Nên chị nói đôi khi phí thấp chưa hẳn đã tệ. Đổi lại một bài viết được trả 1,000 USD mà mất cả tuần mới viết xong thì công sức cho 1 giờ cũng không là mấy.
Đọc được bài chia sẻ của chị ấy làm mình như bừng tỉnh. Đúng là quá xuất sắc! Mình áp dụng ngay lập tức. Mình gửi email lại cho các khách hàng cũ, những người mà đã từng nói rằng họ không có ngân sách phù hợp để trả cho mình. Mình cũng xác định một số khách hàng mới mà có lẽ không có ngân sách lớn cho marketing và pitch cho họ một mức giá thấp hơn thông thường.
Và kết quả là đây? Tháng 1 năm 2022 mình quá bận rộn luôn. Tuy phí ít nhưng cuối tháng thu nhập cũng là 5,536 USD!
Trong năm 2021, mình cũng may mắn được hợp tác với nhiều khách hàng sẵn sàng chi mạnh tay, như Insider và Zoovu. Zoovu còn trả cho mình 2,000 USD cho 1 bài viết 3000 từ, so sánh với hồi mình mới bắt đầu, Leadpages chỉ trả mình 600 USD cũng cho 1 bài viết 3000 từ. Bạn thấy đấy, khi kỹ năng bạn lên cao và bạn có kinh nghiệm rồi thì đàm phán với khách hàng sẽ tự tin hơn rất nhiều!
Tổng lại đến hết năm 2021, thu nhập từ viết content part-time của mình là 74,763 USD.
Thu nhập năm thứ ba làm part-time freelance content writer (01/2022 – 12/2022): 40,000 USD
Năm nay là năm bận rộn nhất của mình kể từ khi sang Úc.
Từ tháng 3 đến tháng 5 mình phải thực tập 5 tiếng một ngày trong 3 ngày, vừa hoàn thành 2 môn học cuối và viết luận văn.
Đến tháng 6 năm nay, như nhiều bạn đã biết, mình bắt đầu làm fulltime với vị trí Digital Marketing Executive và sau đó là Email Marketing Specialist nên thời gian lại không có nhiều nữa. Đây là mảng mới, mình gần như phải dành ít nhất 10 tiếng mỗi ngày để học và trau dồi kiến thức.
Tuy không có nhiều thời gian nhưng mình vẫn cố gắng duy trì freelance đều đặn. Phần lớn thu nhập freelance của mình trong năm nay là đến từ các retainer — những khách hàng lâu năm mà mình đã viết cho họ nhiều lần trước đó. Các khách hàng này bao gồm Revenue Grid, Gorgias, Salsify, Zoovu, và Insider. Mình không tìm khách hàng mới trong năm nay vì số bài mà những retainer gửi đến đã ngốn hết thời gian trống của mình rồi.
Mặc dù chưa hết năm nhưng mình dự tính tổng thu nhập freelance năm nay của mình là 40,000 USD, căn cứ trên các bài mới cho tháng 12 mà khách hàng đã gửi.
Như vậy kể từ khi sang Úc vào tháng 10 năm 2019 và bắt đầu đầu tư cho freelance business cho đến bây giờ là hơn 3 năm, mình đã có thu nhập 165,000 USD (50,248 + 74,763 + 40,000 = 165,011 USD), mà chỉ làm part-time thôi.
Bạn thấy đấy chỉ cần nỗ lực, kiên trì, và không ngừng đào sâu để rèn luyện kỹ năng cũng như mạnh dạn vươn mình ra bên ngoài, bạn sẽ tìm thấy cơ hội của mình. Đừng nghĩ rằng mình là người Việt Nam không phải người bản địa thì không ai thuê, chỉ cần bạn chứng tỏ được khả năng của mình thì không ai từ chối bạn.
Thị trường content Việt Nam đã đông rồi, tại sao không chọn cho mình ngách là thị trường nước ngoài, thị trường Đông Nam Á? Đường rộng tuy dễ đi nhưng cạnh tranh lớn. Đường hẹp ít người đi nhưng giá trị nhiều. Lựa chọn nằm ở bạn 😉
Hy vọng chia sẻ này sẽ khích lệ cho bạn thật nhiều.
P/S: Bạn nào đang loay hoay chưa biết bắt đầu với freelance writing cho nước ngoài như thế nào thì có thể xem khoá học Get Paid to Write của mình nha. 😉