Trong bộ phim “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” (Desperate Housewives), có một nhân vật mà mình rất ấn tượng: Bree Van De Kamp. Để miêu tả về nhân vật này, có lẽ phải dùng cụm từ “người theo chủ nghĩa hoàn hảo”. Bất kể có chuyện gì xảy ra và dù có tệ đến mức nào đi chăng nữa, Bree vẫn luôn cố tỏ ra bình thường, cười rất tươi và không một chút lo lắng trên khuôn mặt. Với cô, cuộc sống không nên có những điều tiêu cực và việc gì cũng phải làm tốt nhất có thể. Cô muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo.
***
Chủ nghĩa hoàn hảo hay chủ nghĩa cầu toàn (perfectionism) thường bị nhầm lẫn với việc “trở nên hoàn hảo” hay “làm thứ gì đó một cách hoàn hảo”. Nhiều người cho rằng nó chắc hẳn là một điều tốt đẹp. Số khác lại nghĩ người theo chủ nghĩa hoàn hảo cực kỳ xấu. Vậy thì cầu toàn tốt hay xấu?
Chủ nghĩa hoàn hảo
Từ “perfectionism” ám chỉ những người luôn nỗ lực làm mọi thứ một cách hoàn hảo nhất, không có sai sót và đặt ra những tiêu chuẩn lẫn mục tiêu phi thực tế cho chính họ. Người theo chủ nghĩa hoàn hảo rất nghiêm khắc với những gì họ làm – thậm chí kể cả khi họ đã làm tốt, họ vẫn cố gắng tìm ra lỗi để sửa chữa.
Hiển nhiên, ở một mức độ nhất định, cầu toàn là điều tốt. Đặt ra tiêu chí cao để vươn tới, làm việc với sự lạc quan và không ngừng khao khát được nâng cao kiến thức lẫn kỹ năng. Nhiều người cầu toàn ở một số lĩnh vực nhưng họ biết khi nào nên dừng lại.
Tuy nhiên, phần lớn người theo chủ nghĩa hoàn hảo thì ngược lại. Họ không bao giờ hoàn toàn hài lòng với những gì họ làm; họ thường không vui, hay lo lắng và bị ám ảnh bởi việc phải làm mọi thứ thật hoàn hảo, thậm chí kể cả khi phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện.
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo
Chủ nghĩa hoàn hảo nói rằng bạn không thể mắc sai lầm. Nếu bạn mắc sai lầm thì nó sẽ ám ảnh bạn. Nó trở thành thứ duy nhất bạn hướng đến trong đời và bạn xem nó là cách thể hiện khả năng bản thân hơn bất cứ thứ gì khác. Nếu bạn mắc sai lầm và không làm thứ gì đó hoàn hảo trong 1% thời gian thì bạn sẽ tập trung hoàn toàn vào 1% đó và quên đi hoàn toàn 99% còn lại. Bạn thà lên kế hoạch để thất bại còn hơn là vùi mình vào khả năng sẽ không hoàn thành. Bạn thà không cố gắng bởi vì ít nhất khi bạn không cố gắng, bạn có thể kiểm soát được kết quả!
Khi bạn là một người cầu toàn, một lời khen ngợi giống như bản tuyên án tù vậy. Khoảnh khắc một người nói với bạn rằng bạn đang làm một việc tốt đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải làm thật tốt mọi công việc từ giờ cho đến hết đời, bởi vì giờ đây trong mắt họ, bạn hoàn hảo (và bạn được kỳ vọng sẽ luôn hoàn hảo). Bạn không chỉ đón nhận lời khen và nói “cảm ơn, bạn tử tế quá”. Bạn nghe một lời khen và tiếp thu nó như áp lực: áp lực của họ lên bạn phải trở nên hoàn hảo và làm việc tốt nhất mọi lúc và không bao giờ, không bao giờ được thất bại.
Không bao giờ được thất bại!
Khi là người cầu toàn, bạn không cố gắng (và sợ cố gắng). Nếu thử bắt đầu một thói quen tập luyện mới, bạn sẽ lên kế hoạch để tập bài tập đó mỗi ngày trong đời. Nhưng nếu bất ngờ phải đi đâu xa thì bạn sẽ dừng tập vì bạn biết sẽ không thể nào thực hiện được kế hoạch luyện tập và bạn không muốn ngắt quãng. Một sự chệch hướng khỏi kế hoạch là một thất bại nên bạn thà tránh thực hiện còn hơn. Bạn dừng kỷ luật với bản thân vì bạn biết nếu không thể duy trì kế hoạch mỗi ngày thì bạn sẽ phải đối mặt với sự thật là bạn chẳng hoàn hảo.
Chủ nghĩa hoàn hảo không phải chỉ cầu toàn trong những gì bạn làm. Nó còn là nỗi sợ rằng bạn sẽ chẳng bao giờ có thể làm được. Và rồi bạn quay cuồng. Bạn liên tục quay cuồng. Bạn không tiến bộ được bởi vì sẽ thế nào nếu bạn đi sai hướng? Sẽ thế nào nếu bạn bắt đầu thứ gì đó và rồi bạn không thể làm nó tốt nhất? Có rất nhiều nỗi sợ với một người cầu toàn mà không phải lúc nào cũng có thể giải thích được.
Hoàn hảo giống như thể bị đóng băng, bởi vì bạn chẳng bao giờ muốn tìm hiểu việc mình không giỏi điều gì. Bạn luẩn quẩn, bế tắc và lặp lại những hành động cũ. Bạn chỉ tập trung vào điều bạn biết bạn có thể kiểm soát bởi vì ý nghĩ của việc dám sai lầm hay không đúng hay không hoàn hảo khiến nhịp đập trái tim bạn loạn xạ!
Sự cầu toàn cũng tồn tại một cách thầm lặng khi bạn mắng nhiếc chính bản thân mình vì không thể làm thứ gì đó. Nó là một niềm tin ngấm ngầm rằng tất cả sẽ thật hoàn hảo và tốt đẹp khi mà bạn có thể hoàn hảo và tốt đẹp. Nó là củ cà rốt treo lủng lẳng ở trên cao và bạn không thể với tới bởi vì nó chưa bao giờ nằm trong tầm với của bạn. Bạn có thể không bao giờ có đủ. Bạn có thể không bao giờ hoàn hảo.
Chủ nghĩa hoàn hảo nghĩa là bạn luôn nghiêm trọng hóa mọi câu chuyện. Bạn chuẩn bị lời nói. Bạn hành hạ bản thân nếu bạn nói thứ gì đó khiến người khác không hài lòng. Bạn cố làm cho mọi mối quan hệ thật hoàn hảo. Tuy nhiên, vì sự thật là bạn không thể kiểm soát cảm xúc của mọi người nên bạn không thể điều khiển cuộc nói chuyện và rồi bạn lại giữ khoảng cách với họ. Bạn không muốn tiến lại gần bởi vì họ thật khó đoán, và khó đoán nghĩa là bạn không thể hoàn hảo và không thể kiểm soát bản thân. Bạn giữ mình hoàn hảo bằng cách kiểm soát điều bạn có thể.
Cầu toàn là kiểm soát.
Cầu toàn khiến bạn luôn so sánh mình với người khác. Bạn nhìn vào cuộc sống của họ và phân vân tại sao bạn không có thứ họ có. Bạn thu hút tất cả mọi người xung quanh bạn, những người mà dường như thừa thãi những thứ bạn thiếu và cực kỳ muốn được sở hữu. Cầu toàn nói với bạn rằng tất cả những gì bạn phải làm là thay đổi mọi thứ về chính bạn và khiến bạn thật hoàn hảo. Sau đó, hãy cố gắng để có được thứ mà người khác đang có.
Cầu toàn là “một người phụ nữ đầy quyến rũ” luôn thì thầm những lời nói khêu gợi vào tai bạn về một cuộc sống bạn có thể đạt được nếu bạn là người giỏi nhất, không bao giờ sai lầm và luôn luôn làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Nó nói với bạn về cơ thể hoàn hảo của bạn, sức khỏe hoàn hảo của bạn và cuộc sống hoàn hảo của bạn. Nó khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn cho tới khi bạn không thể tìm đường thoát ra. Nó lừa dối bạn.
Nhưng bạn lại tin. Bạn mạo hiểm để trở nên hoàn hảo và rồi bạn thất bại ê chề. Bạn khiến những người thân yêu của bạn lo lắng. Bạn để giọng nói đầy-ngọt-ngào ấy cám dỗ bạn quay trở lại, nó thuyết phục bạn rằng tất cả những thứ bạn muốn có sẽ thành hiện thực khi bạn đạt được sự hoàn hảo này. Nó lôi kéo bạn. Và đấy là cách mà sự cầu toàn tồn tại.
Cầu toàn và tình yêu
Trong cuốn nhật ký của Anais Nin viết vào năm 1941, bà viết: “Khi những lời đồn biến mất thì tình yêu giữa con người bắt đầu. Sau đó, chúng ta lại yêu con người, không phải giấc mơ của họ mà là yêu một con người với đầy những khiếm khuyết”.
Cầu toàn sẽ giết chết sáng tạo và nó cũng sẽ hủy hoại tình yêu. Chúng ta càng thần thoại hóa và lý tưởng hóa người chúng ta yêu thì chúng ta sẽ càng thất vọng và vỡ mộng khi chúng ta nhận ra bản chất không hoàn hảo của con người mà nếu không bị dơ bẩn bởi những lý tưởng mù quáng này thì chắc chắn, nó sẽ là khởi nguồn đầy tiềm năng cho một tình yêu đích thực. Đó là điều mà nhà soạn kịch Tom Stoppard đã hiểu thấu được khi đưa ra định nghĩa vĩ đại nhất về tình yêu: một “chiếc mặt nạ bị tuột khỏi mặt”, bóc trần sự lý tưởng hóa và chấp nhận đầu hàng trước sự không hoàn hảo đầy đẹp đẽ của một con người.
1,5 thế kỷ sau những ý tưởng đầy sâu sắc của Stendhal về việc tại sao chúng ta lại thất tình, Joseph Campbell đã dựa trên lý thuyết tâm lý của Carl Jung về ẩn nữ (phương diện nữ giới ẩn tàng trong tiềm thức nam giới) và ẩn nam (phương diện nam giới ẩn tàng trong tiềm thức nữ giới) để khám phá ra sự cầu toàn đã khiến chúng ta bị lu mờ như thế nào trước phần đáng giá nhất của sự lãng mạn. Campbell viết:
Hai con người (Sam và Suzy) gặp nhau rồi yêu nhau. Sau đó, họ làm đám cưới và cả Sam lẫn Suzy “thật” bắt đầu lộ diện. Thế là cả hai đều sốc.
….
Họ ly hôn và chờ đợi một người bạn đời lý tưởng khác xuất hiện, yêu lần nữa và à, uh, lại một cú sốc khác. Và cứ thế, cứ thế mãi.
Đây là một sự thật không thể phủ nhận: sự vỡ mộng này không thể tránh được. Bạn có một lý tưởng. Bạn cưới lý tưởng đó, sau đó, nhận ra thực tế rằng không thể tương hợp với lý tưởng đó. Bạn đột nhiên nhận ra những thứ không phù hợp với mong muốn của bạn. Bạn sẽ làm gì khi điều này xảy ra? Chỉ có duy nhất một thái độ mà sẽ giúp bạn giải quyết tình huống: đồng cảm. Sự thật là họ chỉ là con người. Tôi cũng là con người. Thế nên, tôi sẽ gặp một người vì sự thay đổi, tôi sống với họ và cố gắng tử tế với họ, thể hiện sự đồng cảm trước những khuyết điểm và sai lầm mà bản thân tôi có thể chắc chắn sẽ mắc phải”.
Hoàn hảo không phải con người. Con người là không hoàn hảo.
Dan Savage
Hãy nhìn chính mình trong gương và bỏ qua mọi khuyết điểm của bản thân để tập trung vào tổng thể. Bạn là tập hợp của rất nhiều những mảnh ghép. Bạn không hoàn toàn tốt và cũng không hoàn toàn xấu, cũng không phải hoàn hảo hay không hoàn hảo.
Hãy đấu tranh để chống lại những điều lý tưởng bạn đặt ra – thứ mà khiến bạn luôn bị ám ảnh và sợ hãi; chấp nhận những sai lầm và tìm cách cải thiện. Đừng quá cố gắng để trở thành người tốt nhất, hoàn hảo nhất và che đậy bản chất con người. Cuộc sống yên bình và tươi đẹp của bạn nằm ở phía bên kia của sự hoàn hảo.
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn:
Bài viết này có đầu tư quá Vân ^^. L cũng từng theo chủ nghĩa hoàn hảo nè, muốn những điều mình đã nhúng tay vô là phải thực hiện thật tốt, và L cũng đã bị mặt trái của chủ nghĩa này hại thê thảm. Điển hình là L thích rất nhiều thứ và muốn thực hiện hoàn hảo nhất có thể, nên phải chuẩn bị rất nhiều, nhưng lúc nào cũng sợ là chưa đủ, nên đánh mất một vài cơ hội. Thay vào đó, mình cứ nhảy vào thực hiện, dám chấp nhận thất bại rồi lại thay đổi giải quyết vấn đề khúc mắc thì sẽ tốt hơn. Giờ L tập lại về mức độ kì vọng, khi mới bắt đầu nên đặt kì vọng cao, mình làm hết sức mình, và đến ngày đến hạn thì mình bằng lòng với những gì đã làm được, nên chúc mừng bản thân đã đi đến cuối đường. Lúc đó thì cho dù có cố gắng nữa cũng vậy thôi 🙂
Hì hì. Cảm ơn bạn nhiều nhé. Không sao bạn, miễn là mình nhận ra được những sai lầm của mình và tìm cách sửa chữa nó là tốt rồi. Cố lên bạn nhé. 😍😍😍
Bài viết thật gần gũi chị ạ..em thấy nhiều bài viết nói về chủ nghĩa hoàn hảo nhưng không thực sự khiến người đọc phải tĩnh lại để suy ngẫm..Em cảm ơn chị!
Chị cảm ơn Duy Anh nhiều nhé. <3
Bài viết này nói lên đúng những gì mà mình đang gặp phải. Nhiều khi nhận thức được vấn đề những không sao diễn đạt ra thành lời được. Cảm ơn bạn tác giả nhiều lắm <3 <3 <3
Cám ơn bạn nha