Nhặt được của rơi phải trả lại. Nhìn thấy người già hoặc trẻ nhỏ qua đường phải giúp đỡ. Lên xe bus thấy phụ nữ mang thai hoặc trẻ em phải nhường chỗ. Nói chung, trong bất cứ tình huống nào nếu gặp người hoạn nạn đều phải cứu giúp. Đấy chính là một trong những quy tắc làm người đầu tiên và cơ bản nhất mà chúng ta đã được dạy ngay từ nhỏ. Và đấy cũng là bài học về lòng tốt ai ai cũng phải mang theo suốt đời.
Vậy lòng tốt là gì?
Một cách cơ bản, lòng tốt chính là việc làm thứ gì đó cho người khác mà không mong đợi được nhận lại bất cứ điều gì cả.
Lòng tốt hiện diện ở khắp mọi nơi. Đó có thể là những hành động nhỏ như lấy giúp người khác thứ gì đó ở trên cao họ không thể chạm tới hay đưa một người qua đường cho tới những hành động lớn lao hơn như cứu một người chết đuối, đưa người bị nạn vào bệnh viện hay quyên góp tiền ủng hộ người nghèo… Lòng tốt chính là việc sẵn sàng dành thời gian của mình cho những người xung quanh (không phân biệt quen hay lạ) một cách tự nguyện, không ca thán, không ngại ngần, không kể công, không khó chịu.

Lòng tốt có sức mạnh vô cùng mạnh mẽ. Nó là thần lực phi thường giúp tất cả mọi người có thể trở thành những người tốt đẹp. Nó kéo chúng ta bước ra khỏi sự tù túng, bế tắc, cảm thấy vô dụng và bắt đầu nhận ra rằng mình cũng là một con người có ý nghĩa.
Cách đây nhiều năm, mình đã từng xem một bộ phim có tên Pay It Forward (Đáp đền tiếp nối). Phim xoay quanh lớp học của thầy Eugene Simonet và quyết định ngây ngô của cậu bé Trevor McKinney khi được thầy giáo giao bài tập về nhà: “Quan sát thế giới xung quanh và thay đổi những điều mình không bằng lòng”. Ý tưởng của cậu là nếu làm 3 điều tốt cho ai đó thì người ấy sẽ tiếp tục giúp đỡ người khác, dần dần thế giới sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Những nỗ lực của Trevor cuối cùng đã chứng minh được một điều rằng lòng tốt dù rất nhỏ, nếu thực hiện mỗi ngày đều sẽ tạo ra những tác động vô cùng lớn. Một người có thể tạo một sự thay đổi và sự thay đổi lớn hay nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta.
Lòng tốt trong xã hội hiện đại
Mặc cho bao nhiêu giáo điều, lời răn về lòng tốt nhưng không thể phủ nhận rằng có những tình huống việc thể hiện lòng tốt ra bên ngoài là điều rất khó, bởi liệu bạn có sẵn sàng cứu một người khi có thể chính bạn phải hy sinh tính mạng (hoặc một thứ gì đó) của mình không?
Có vẻ như lòng tốt đang phai nhạt dần trong xã hội hiện đại.
Trên diễn đàn tranh luận Debate.org, có một câu hỏi như thế này: “Should you sacrifice your life to save someone else’s?” (có nên hy sinh cuộc đời để cứu người khác?). Tính đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều câu trả lời khác nhau với tỷ lệ 73% người nói “có” và 27% người nói “không”.
Gần như những người nói “có” đều đưa ra lý lẽ rằng hy sinh người khác là một việc làm cao cả, là hành động anh hùng và xã hội này rất cần lòng nhân đạo. Lòng tốt trong xã hội vẫn chưa biến chất, đổi thay và con người vẫn không có gì khác xưa cả. Tuy nhiên, những người nói “không” lại đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau nhưng có một điều rằng, dẫn chứng của họ ở một mức độ nào đó đều rất thuyết phục:
“Không. Cuộc đời rất quan trọng. Việc được sinh ra còn có nghĩa gì nếu bạn hy sinh cuộc đời mình cho người khác bằng mọi giá? Đó là điều không công bằng. Cuộc đời là thứ quan trọng nhất trên thế giới. Mặc dù nó có chút ích kỷ nhưng cuộc đời của bạn cũng giá trị như cuộc đời của người mà bạn định hy sinh vì người đó”.
“Nói chung là không. Nó còn tùy thuộc vào người mà bạn định cứu, tình huống và điều kiện liên quan. Tôi có gia đình. Vợ và con cái là những người quý giá nhất của tôi. Sẽ rất lố bịch nếu như tôi hiến dâng cuộc đời mình cho một người không hề quen biết nào đó, đó còn chưa kể gia đình tôi sẽ rất khốn khổ. Họ cũng cần tôi”.
“Bạn không bị ép buộc phải hy sinh chính mình; sự lựa chọn là của bạn và chỉ riêng mình bạn. Câu hỏi trên có một điểm sai lầm, không phải là “nên” mà là “sẽ”. Chúng ta không được giao nhiệm vụ phải cứu những người khác bởi vì thực mà nói, tất cả chúng ta đều giống nhau. Chúng ta không thể cứu bất kỳ ai mà không mất đi chính mình trong quá trình đó, và thậm chí nếu chúng ta thử, chẳng có gì đảm bảo rằng chúng ta có thể cứu được họ cả”.
Ai dám khẳng định những lý lẽ này là vô căn cứ?
Chúng ta đang sống trong một xã hội có tốc độ phát triển rất nhanh. Nhiều người bận rộn tới mức chẳng hề có thời gian để nghỉ ngơi và làm thứ gì đó cho những người mình yêu quý. Chúng ta có quá nhiều thứ để nghĩ trong đầu. Chúng ta bị ám ảnh bởi bài thuyết trình quan trọng ngày mai hay phân vân về việc sẽ nấu gì cho bữa tối. Chúng ta háo hức khi sắp được đi du lịch dài ngày. Về cơ bản, chúng ta bị mắc kẹt trong thế giới suy nghĩ, cảm xúc của riêng mình nên cảm thấy vô cùng khó khăn để “ngó” sang cuộc sống của những người khác.
Là một công dân của xã hội hiện đại, chúng ta dường như đang đánh mất bản năng tử tế, tốt bụng và tinh thần sẵn sàng mở rộng vòng tay tình bạn. Những phản ứng của chúng ta với trẻ con, người lớn tuổi, người lạ tất cả đều bị giới hạn bởi suy nghĩ không muốn bị xúc phạm và nỗi sợ can dự tới chuyện-nhà-người-khác.
Thậm chí, một số khảo sát còn ghi nhận rằng xã hội đang ngày càng đánh giá cao những người có thế mạnh về kinh tế thay vì đánh giá dựa trên lòng tốt và sự đồng cảm.
Phải chăng chính xã hội hiện đại khiến chúng ta nghĩ về bản thân mình nhiều hơn hay vì một lý do nào khác? Phải chăng lòng tốt giờ đây cần có thời gian để cân nhắc trước khi được chuyển thành hành động?
Từ một xã hội “dè dặt” lòng tốt cho đến những con người cô đơn
Cộng đồng là từ mô tả một nhóm người sống cùng nhau ở một nơi. Tuy nhiên, nó còn hơn cả thế. Đó chính là linh hồn của một con người, linh hồn của xã hội, là cách mà chúng ta gắn kết với nhau và nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, khi chúng ta được sống trong những ngôi nhà đẹp nhất, trường học tốt nhất và được ăn mặc đầy đủ chưa từng thấy thì chúng ta cũng phải thừa nhận những mối nguy hiểm mà điều kỳ diệu này đang mang đến cho xã hội hiện đại.
Chủ nghĩa tư bản tấn công vào mọi nguồn cội của cộng đồng bằng cách biến mỗi cá nhân trở thành trung tâm của mọi thứ và đề nghị rằng: một khi nhu cầu và mong muốn của từng cá nhân được đáp ứng thì họ không còn cần liên hệ với bất kỳ ai khác.
Theo Tổng giám đốc tổ chức từ thiện Age UK Michelle Mitchell, mọi người thường cảm thấy cô đơn vì nhiều lý do khác nhau nhưng xu hướng chung là bị kích thích bởi một sự kiện lớn nào đó trong đời.
“Đó có thể là sức khỏe giảm sút, bệnh tật, thiếu thốn tiền bạc, con cái rời xa, cảm thấy xa cách với gia đình, bạn bè, và cộng đồng, mất người thân, không thể di chuyển, thừa thãi, các vấn đề trong công việc hoặc ly hôn. Thường đó là khi mọi người đánh mất cảm giác sống có mục đích và không thể tạo ra giá trị gì đó có ý nghĩa”. Đồng thời, những sự thay đổi của xã hội như sự tăng lên của những người thích sống độc thân, sự thúc đẩy của các mạng lưới xã hội và sự già hóa dân số đang thay đổi cách mà chúng ta tương tác với nhau.
Chính sự đổ vỡ trong niềm tin đó đã đẩy mọi người vào một dạng khủng hoảng của chủ nghĩa cá nhân với tất cả những rắc rối xảy đến – khi họ tin quá mức vào cảm giác về giá trị bản thân mà quên đi những thiếu sót của mình và xa lánh những người “thấp kém” hơn họ. Dần dần, chủ nghĩa cá nhân tăng lên và sự cô đơn khủng khiếp ẩn náu trong mỗi con người trỗi dậy, khiến họ chỉ có thể tìm thấy niềm an ủi bằng cách làm việc chăm chỉ hơn để có nhiều tiền hơn, nhiều thành công hơn đi kèm với nhiều sự phân tán hơn nữa.
Nhà thơ John Donne sống vào khoảng thế kỷ 17 đã từng viết một bài thơ, đại ý rằng: Không có người đàn ông hay phụ nữ nào có thể sống một mình trên một hòn đảo cả. Mỗi con người là một phần nhỏ của một lục địa, một phần nhỏ của một số lớn nào đó.
Điều này hoàn toàn đúng. Con người không thể sống cách biệt. Dưới những dạng cực đoan của chủ nghĩa cá nhân, mỗi người cần những người bạn hoặc người đồng hành. Cảm giác ở cạnh nhau, thuộc về nhau và cùng nhau trải nghiệm cuộc sống theo từng nhóm, gia đình, club, nhà thờ hoặc trong một nhóm bất kỳ. Đó là phần gắn liền với bản chất của mỗi chúng ta.
Tách biệt sẽ khiến chúng ta bị hủy hoại và chết dần. Một vài người tìm kiếm sự tĩnh lặng, nhưng rất ít người lựa chọn cô đơn.
Sự thật sâu sắc nhất về con người không phải là cái mà chúng ta quá nhiều lần được chứng kiến – mà chính là việc tất cả chúng ta được thúc đẩy bởi tính tư lợi, rằng bản chất của chúng ta là cạnh tranh không ngừng; rằng các hành động của chủ nghĩa vị tha thể hiện bên ngoài chỉ là tấm bình phong che đậy cho động cơ thật sự của chúng ta – thứ mà gần như được nhìn thấy như là những hành động “tốt đẹp”. Vâng, chúng ta có thể như vậy. Nhưng sự thật sâu xa hơn nhiều: về bản chất, chúng ta là những sinh vật xã hội; đa phần những hành động vị tha chính xác đều là những gì được thể hiện ra ngoài; sự thôi thúc hợp tác nằm sâu bên trong chúng ta. Giống như nhiều loài sinh vật khác trên Trái Đất, chúng ta phụ thuộc vào các cộng đồng để cứu sống chính mình. Chúng ta không hoạt động tốt khi bị tách biệt, chúng ta cần có nhau.
Tuy nhiên, các cộng đồng giúp chúng ta tồn tại không chỉ tự nhiên xuất hiện và chúng không phải lúc nào cũng sống sót. Chúng ta buộc phải nuôi dưỡng chúng, phải gắn kết vào chúng; mỗi một người phải đóng góp vào vốn xã hội (social capital) – thứ đóng vai trò là thứ bảo hiểm cho chúng ta khỏi tình trạng hỗn loạn. Đó là cảm giác phụ thuộc lẫn nhau ngăn mọi xã hội khỏi việc bị sa vào sự hỗn loạn. Gắn kết với cuộc sống cộng đồng – tình hàng xóm, xã hội – không chỉ duy trì sự sáng suốt của riêng chúng ta mà nó còn nuôi dưỡng các tài nguyên xã hội cứu sống tất cả chúng ta nữa.
Lời kết:
Đừng chỉ tìm kiếm hạnh phúc, hãy đi tìm cả ý nghĩa. Đừng chỉ nghĩ cho lợi ích của riêng mình, hãy đi tìm cả một cộng đồng có thể che chắn cho chính bạn. Đừng chỉ giúp đỡ những người mang đến lợi ích cho bạn, hãy thể hiện lòng tốt và sống tử tế với tất cả mọi người. Trong bất kỳ thời đại nào, xã hội cũng luôn cần những hành động tốt đẹp.
Thử thách dành cho chính bạn:
Thử thách cho bạn đó là cuối tuần này, hãy dành thời gian đi ra ngoài và giúp đỡ một người bất kỳ bạn gặp. Cười nhiều hơn, thân thiện nhiều hơn, khen ngợi một cách chân thành và mở rộng trái tim của bạn. Đó là cách giúp bạn bước ra khỏi cảm giác cô đơn và yêu lại cuộc đời một lần nữa.