Lòng khiêm tốn hay khiêm nhường được nhắc đến rất nhiều trong cuốn sách Kinh Thánh, nhưng đây có lẽ là một trong những đức tính bị đánh giá thấp nhất. Nhiều khi chúng ta nhắc nhở bản thân phải khiêm tốn nhưng thực sự, chúng ta hiểu được bản chất của nó đến mức nào. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu một chút về đức tính này nhé.
Lưu ý: Mình sử dụng luân phiên hai từ khiêm tốn và khiêm nhường để tạo nhịp điệu cho bài viết. Về bản chất, hai từ này có ý nghĩa tương đương.
Lòng khiêm tốn là gì?
Từ điển Chambers English Dictionary, ấn bản 1988 định nghĩa:
Humility (danh từ): Trạng thái hoặc phẩm chất khiêm nhường, hạ mình ở vị trí thấp nhất, nhún nhường.
Nhìn vào định nghĩa này, có thể bạn cảm nhận khiêm tốn là một đức tính tiêu cực. Nhưng sự thật thì ngược lại.
Khi hạ mình xuống, bạn sẽ nhận ra rằng quan điểm của mình không quan trọng hơn nhưng cũng không kém quan trọng hơn quan điểm của người khác. Hay nói cách khác, khiêm nhường không có nghĩa là trở thành “người dễ bị chà đạp” và để cho người khác lấn ác mình. Ngược lại, đó là sự thấu hiểu mỗi một con người có giá trị ngang nhau; một sự công nhận rằng bạn không cao trọng hơn cũng không kém cỏi hơn bất cứ một ai cả.
Khiêm nhường không phải là:
- Thiếu sự tự tin
- Yếu đuối
- Ích kỷ
Khiêm nhường là một sự tự tin thầm lặng mà mỗi hành động bên ngoài chưa nói lên toàn bộ con người bạn.
Khi bạn khiêm nhường, bạn để cho hành động và kết quả của những việc bạn làm phản ánh con người bạn thay vì để cho “cái tôi” bộc lộ. Khi bạn khiêm nhường, bạn vẫn tự tin, nhưng bạn không cố gắng thể hiện điều đó ra ngoài để làm nổi bật bản thân. Sự tự tin ở đây nghĩa là tin tưởng vào bản thân bạn và không nghĩ rằng bạn là người giỏi nhất. Khi bạn tin vào bản thân và bạn khiêm tốn về điều bạn có thể làm, bạn tìm ra một sự cân bằng mà khiến người khác chú ý vào điều bạn đang làm và khiến họ muốn giúp đỡ bạn.
Tại sao lòng khiêm tốn lại quan trọng?
Một trong những lý do lòng khiêm tốn càng ngày càng bị cho là điều cũ kỹ đó là bởi vì mỗi khi nhắc đến nó, chúng ta lại cảm thấy như phải nhìn lại chính mình, phải cẩn trọng với bản thân – điều mà không ai làm trong khi mình phải làm.
Tuy nhiên, lòng khiêm tốn vô cùng quan trọng và nó mang đến những lợi ích hết sức bất ngờ. Cho dù ở bất kỳ thời nào, bất kỳ đâu, lòng khiêm tốn cũng phải luôn được thực hành và hiện hữu.
Lòng khiêm tốn giúp bạn làm việc nhóm hiệu quả
“Cái tôi” của bạn nói với bạn rằng bạn là người giỏi nhất.
Nhưng, lòng khiêm tốn nói với bạn rằng không thành công nào có thể đạt được trong sự tách biệt. Bạn nghĩ bạn tự mình đạt được điều đó, nhưng hãy suy ngẫm lại xem, trên chuyến hành trình đó có bao nhiêu người đã giúp đỡ bạn? Cho dù chỉ là một hành động nhỏ thôi nhưng chính họ là một phần trong thành công của bạn đấy.
Khi mục tiêu của bạn là giành chiến thắng bằng mọi giá và có lợi cho chỉ bản thân bạn thì cuối cùng, bạn sẽ hủy hoại mọi mối quan hệ với những người mà bạn đã gặp trên hành trình giành lấy chiến thắng đó.
Khi bạn khiêm nhường, bạn hiểu rằng mọi thứ không phải là về bạn. Bạn đi từ ích kỷ sang vị tha.
Lòng khiêm tốn nhắc nhở bạn đặt câu hỏi với mọi thứ
Thế giới này có rất ít thứ tuyệt đối.
Khiêm nhường dạy bạn tinh thần cởi mở và hiểu được hai sự thật quan trọng: Bạn không biết tất cả mọi thứ và bạn sẽ mắc sai lầm rất nhiều. Chấp nhận thực tế này sẽ giúp bạn không che lấp tầm nhìn bạn cần để trở thành một con người trưởng thành thực thụ.
Việc luôn đặt câu hỏi khiến bạn không còn nghĩ mình là trung tâm hay “cái rốn” của vũ trụ nữa.
Vũ trụ không tiến hóa quanh bạn. Bạn chỉ là một chấm nhỏ trên thế giới rộng lớn này mà thôi.
Lòng khiêm tốn giúp bạn phát triển
Bạn sẽ không phát triển khi bạn tin rằng bạn đã đạt được thành công và tốt đẹp hơn những người khác.
Nếu bạn đã giỏi rồi và biết mọi thứ rồi thì làm sao mà bạn còn phát triển được nữa, đúng không?
Bạn tin rằng bạn đã sở hữu tất cả các kỹ năng, biết mọi câu trả lời và đã học hết mọi thứ cần học. Trở nên khiêm nhường sẽ là sự phủ nhận những suy nghĩ này.
Khiêm nhường dạy bạn điều bạn cần làm và chính điều này sẽ dẫn đến sự phát triển.
Lòng khiêm tốn giúp bạn dễ dàng thích nghi
Người khiêm tốn dễ dàng thay đổi và thích nghi trong những tình huống khác nhau.
Bây giờ họ đang lãnh đạo, nhưng vài phút sau, họ có thể trở thành một người hỗ trợ tận tình cho người khác, hay vài phút sau nữa, bạn có thể gặp họ đang rửa bát mà chẳng gặp khó khăn gì.
Hãy nhìn những chú tắc kè hoa. Nó thay đổi vị trí của nó liên tục, một cách linh hoạt, khiêm nhường, sẵn sàng làm bất cứ điều gì phải làm.
Sự linh hoạt đưa chúng ta khám phá con người và các cơ hội mà theo cách khác chúng ta không nhìn thấy chúng.
Nếu bạn quá tự hào ở vị trí hiện tại của mình thì bạn sẽ mãi giẫm chân tại chỗ đó mà thôi.
Lòng khiêm tốn giúp bạn nhận ra khuyết điểm của mình
Tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm trong cuộc sống và khi bạn khiêm nhường, bạn phơi bày điểm yếu đó ra với chính bạn và với những người khác. Bạn chấp nhận nó để cải thiện bản thân và bạn hiểu được nhận ra điều bạn không giỏi cũng quan trọng ngang như việc hiểu bạn giỏi ở cái gì.
Cách rèn luyện lòng khiêm tốn
Với nhiều người, lòng khiêm tốn là phẩm chất khó rèn luyện. Bởi vì nó xuất phát từ sự thừa nhận rằng họ không luôn luôn đúng và rằng họ không biết mọi câu trả lời.
Rằng, họ cũng phải chấp nhận những điểm yếu của bản thân.
Khi bạn là người mới trong một lĩnh vực hoặc chưa có những thành tựu nổi bật, bạn sẽ thấy thật dễ dàng để thể hiện lòng khiêm tốn. Nhưng khi bạn càng trở nên nhiều kinh nghiệm và giỏi hơn thì sẽ càng có nhiều người tìm đến bạn để xin câu trả lời và bạn càng tin rằng mình có thể giúp đỡ.
Chính thời điểm này, chính khoảnh khắc này là lúc bạn cần sự khiêm nhường nhất để hiểu được bạn có thể mắc sai lầm khi cho người khác lời khuyên hay sự hỗ trợ.
Để thực hành lòng khiêm tốn, bạn có thể:
Dành thời gian lắng nghe người khác
Chìa khóa của lòng khiêm tốn là trân trọng người khác và lắng nghe họ. Dành thời gian lắng nghe, hiểu cảm xúc và chia sẻ của người đối diện, cho phép họ có cơ hội thể hiện tiếng nói cá nhân là bước khởi đầu mạnh mẽ để phát triển lòng khiêm tốn. Cần chú ý rằng bạn đang không cố gắng giải quyết vấn đề của họ hay trả lời họ, chỉ là bạn đang lắng nghe và phản ứng với tư cách là một người bạn mà thôi.
Rèn luyện sự điềm tĩnh, tập trung vào hiện tại
Một yếu tố quan trọng của khiêm nhường là chấp nhận bản thân với tất cả các điểm yếu thay vì phán xét về sự thiếu hụt của mình. Khi bạn điềm tĩnh, bạn chấp nhận thực tại và tìm cách để cải thiện.
Biết ơn điều bạn đang có
Hay nói cách khác bạn dành thời gian để “đếm những ơn phước bạn nhận được” và cám ơn chúng. Nhờ vậy, bạn sẽ không bị cuốn theo dòng xoáy muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa.
Hỏi sự giúp đỡ khi bạn cần
Người không khiêm nhường hiếm khi nhờ sự giúp đỡ vì họ nghĩ rằng không ai đủ giỏi để giúp họ và họ chẳng cần ai khác giúp.
Người khiêm nhường biết họ còn thiếu sót và không phải là người biết tuốt. Họ biết là họ có thể nhờ người khác hỗ trợ và sự hỗ trợ đó thật đáng quý.
Xin feedback
Khi bạn đã làm điều gì đó, bạn hỏi ý kiến nhận xét của người khác về điều bạn đã làm để học hỏi và cải thiện bản thân tốt hơn. Càng cầu thị bạn càng học hỏi được nhiều điều.
—
Mình đã khiêm tốn chưa?
Chưa! Mình đang cố gắng rèn luyện kỹ năng này và hành trình này thật thú vị. Còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ với mình nhé.
Bài viết được tổng hợp từ các nguồn: