“Khi nào cơ hội đến mình sẽ làm điều đó.” Hồi xưa mình thường nghĩ thế này. Ví dụ, nếu đi làm công việc mà thấy nhàm chán, không hứng thú, mình sẽ nghĩ “khi nào cơ hội đến mình sẽ tìm chỗ làm mới.” Hay nếu mình thấy thích thứ gì đó nhưng hiện tại chưa có thời gian để làm, mình sẽ nói “khi nào có cơ hội mình sẽ thử.” Nói chung là mình luôn bắt đầu với “khi nào có cơ hội.”
Điều đó có đúng không? Trong vài trường hợp thì đúng là như vậy. Nhưng sau nhiều năm từ trải nghiệm của bản thân nhận ra chỉ chờ đợi cơ hội đến thì chưa đủ. Bản thân chính mình phải vận động để nhìn thấy cơ hội và kéo nó về phía mình.
Đầu tiên, mình không thể dựa vào may mắn đơn thuần được, vì mình chẳng bao giờ biết may mắn sẽ xuất hiện cả. Hơn nữa, nếu chỉ ngồi chờ “sung rụng” thì đôi khi cơ hội đã đến mà mình cũng chẳng biết hoặc mình chưa sẵn sàng để đón nhận nó. Người may mắn có thể họ được tạo hoá ban tặng cho sự may mắn đó, nhưng phần nhiều họ đều là những người chủ động đi tìm “may mắn” của riêng họ. Cái mà chúng ta tưởng là may mắn thực ra lại là bao nhiêu nỗ lực đã bỏ ra đằng sau mà chúng ta không hề biết.
Vậy thì làm thế nào để tìm thấy cơ hội của chính mình? Dưới đây là những cách mà mình đã và đang áp dụng nhé.
1. Hiểu rõ giới hạn của bản thân
Dù có tài giỏi bao nhiêu, dù sinh ra có những năng lực bẩm sinh như thế nào thì không một ai trên hành tinh này có thể tự làm tất cả mọi thứ. Ai cũng đều có những điểm yếu khác nhau. Vậy nên chúng ta cần nhận ra điều này để biết đâu là cái mình tốt mà phát huy và đâu là cái yếu cần cải thiện.
Như bản thân mình, giao tiếp là kỹ năng mình cực kỳ kém. Thế nên mình luôn thành thật trong bất cứ cuộc phỏng vấn hay trước đồng nghiệp. Mình không tìm cách che giấu để làm cho bản thân nổi bật, hoàn hảo trước nhà tuyển dụng. Vì rốt cuộc, đến khi nhận vào làm, tất cả điểm yếu sẽ bị bộc lộ.
Mình thừa nhận với sếp giao tiếp là cái mình luôn cảm thấy áp lực nhất. Nhưng mình cũng nói rằng mình luôn nỗ lực hết sức để cải thiện nó. Thời gian đầu mình chưa tự tin nên mình xin sếp chưa dẫn dắt trong các buổi báo cáo với khách hàng. Nhưng qua một thời gian, mình thấy mình đã hiểu rõ về công việc và tự tin hơn trong dữ liệu, mình tự đề xuất với sếp trình bày báo cáo về email marketing. Mình cũng không ngần ngại hỏi sếp là buổi đó mình có ổn không, sếp có feedback nào không. Lắm khi biết là mình làm chưa tốt, nhưng mình hiểu rằng chỉ có hỏi sếp như vậy mới làm mình tốt lên được.
Sếp nhận thấy sự cố gắng của mình nên chị ấy cũng dần dần cho mình các cơ hội được phỏng vấn khách hàng, tự họp với khách hàng mà không cần chị ấy có mặt… Bạn thấy không? Mình đang tự tạo cơ hội cho bản thân đó.
Đừng ngần ngại nếu bạn có một điểm yếu. Hãy thành thật. Miễn là bạn luôn tìm cách để giúp bản thân trở nên tốt hơn thì bất cứ điểm yếu nào cũng đều có thể trở thành điểm mạnh của chính bạn.
2. Không ngừng học hỏi, khám phá
Thế giới đang có rất nhiều thứ xảy ra mà chúng ta không hề biết. Phân bổ thời gian cho việc giải trí và khám phá những thứ xung quanh như nghe podcast, xem video YouTube, đọc sách, đi ra ngoài, gặp gỡ bạn bè, tham gia khoá học, tham gia hội nhóm… Mỗi một trải nghiệm sẽ mang đến cho bạn những ý tưởng và góc nhìn mới. Nó cũng sẽ mở rộng thế giới quan của bạn.
Mình cũng khuyến khích bạn tạo tài khoản trên LinkedIn, Twitter, Instagram, Pinterest, hay thậm chí TikTok tuỳ thuộc vào mạng xã hội nào có ích cho sự phát triển của bạn. Đừng hiểu nhầm rằng mạng xã hội là không tốt. Theo mình mạng xã hội luôn có những điều thú vị mà hỗ trợ cho công việc và cuộc sống của mỗi người. Sử dụng chúng đúng chừng mực là được.
3. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi hay nhờ sự giúp đỡ
Ngày xưa mình ngại đặt câu hỏi hay nhờ vả người khác vì mình nghĩ có thể sẽ làm phiền. Nhưng bây giờ thì mình không còn nghĩ vậy nữa. Không hiểu mình sẽ hỏi. Không rõ mình sẽ hỏi. Thắc mắc mình sẽ hỏi. Mình đang cần sự giúp đỡ gì mình sẽ nói.
Kể cả nếu như mình chẳng quen biết ai nhưng mình biết một group mình đang tham gia có thể có người sẽ có giải pháp cho vấn đề của mình thì mình sẽ đặt câu hỏi trong nhóm. Bạn không biết được điều gì sẽ xuất hiện nên cứ thử thôi. Cái này cực kỳ hữu ích cho mình trong công việc mình đang làm.
Nếu bạn đang làm một lĩnh vực nào đó mà chưa hề tham gia một nhóm những người trong ngành, không có một cộng đồng nào thì bạn nên tìm kiếm ngay. Việc tham gia những hội nhóm như vậy không những giúp bạn kết nối với nhiều người cùng đam mê mà còn giúp bạn học hỏi được nhiều điều từ họ và gỡ rối khi cần.
4. Thử sức với những điều mới
Mình rất thích một câu nói đó là bạn không thể nào kỳ vọng một kết quả tốt hơn nếu cứ liên tục làm đi làm lại cách mà bạn vẫn làm. Bạn phải cở mở, thay đổi, thử nghiệm những phương pháp mới, cải tiến cái hiện tại thì sẽ thấy những con đường tốt hơn. Mình đang nhảy sang email marketing và nó cho mình những trải nghiệm vô cùng mới lạ. Mình cũng bước ra khỏi vùng an toàn của mình, cố gắng chia sẻ về cái mình biết trên Twitter mỗi ngày để kết nối với các founder và hy vọng sớm tìm kiếm được khách hàng của cá nhân mình.
Hãy sẵn sàng thử sức với điều khác với cái mà bạn vẫn thường làm thì bạn sẽ nhận ra cả một bầu trời rộng mở đang vẫy gọi bạn.
Bạn không thể nào chỉ ngồi một chỗ than phiền và nói rằng khi nào cơ hội đến thì bạn sẽ thay đổi. May mắn có thể đến nhưng nó cũng sẽ chỉ dành cho những người mà luôn chủ động, nỗ lực đi tìm nó. Mình tin như vậy.
Không có điều gì tốt đẹp đến mà không cần trải qua những thăng trầm, mệt mỏi, thử thách, chán chường. Không có điều gì vui hơn khi vượt qua những khó khăn này và một ngày tự tin nói “cơ hội của mình đây rồi và mình đã sẵn sàng nắm lấy nó.”
Hy vọng chia sẻ ngắn hôm nay có ích cho bạn nha. Tuần vừa rồi mình bận quá nên không đăng bài viết mới được. Mình sẽ cố gắng không bỏ lỡ thường xuyên. 🙂
Mình xin phép để đọc bài này trên podcast của mình được không bạn ơi? Mình sẽ dẫn nguồn. Cảm ơn bạn nè!
Được bạn nhé, cám ơn bạn nhiều nha.