Mình sinh ra đã có đôi lông mày rậm. Không ít lần có người nói với mình “sao lông mày rậm thế?”, “lông mày trông như đàn ông”, “lông mày trông như sâu róm”, “sao không đi tỉa đi em, sao lại để như thế?”, blaz blaz blaz. Đó còn chưa kể mắt của mình một mí nữa. “Ôi, mắt một mí, tươi cái mặt lên nào?”, “lông mày rậm mà mắt lại còn một mí” và vô số những câu nói kiểu như này khác. Không chỉ từ người lạ mà mình còn được nghe chúng từ những người mình quen biết. Thời gian đầu, mình chỉ nghĩ đấy là lời nói đùa, nhưng dần dần “được nghe” quá nhiều cùng với thái độ “không muốn tiếp xúc của họ”, mình dần tự ti về bản thân và rất ngại nói chuyện.
Một khoảng thời gian rất dài – có lẽ từ lúc mình biết nhiều người coi trọng vẻ bề ngoài như thế nào cho đến lúc mình biết vẻ bề ngoài không đủ để đánh giá một con người – khoảng 24 năm, mình luôn sống trong nỗi sợ người khác. Mình cảm nhận mình thua thiệt, không có khuôn mặt ưa nhìn và kém cỏi hơn người khác. Mình cố gắng làm hài lòng họ bằng mọi cách, ngay cả khi những việc làm ấy gây hại cho chính mình, mình cũng chẳng quan tâm. Hồi học trung học, mình thường mang quà vặt đến cho các bạn, cho đi cả những thứ mà mình biết, bố mẹ mình đã rất vất vả mới có tiền cho mình mua chúng. Mỗi lần thấy các bạn phật ý, mình lại tìm hiểu xem cần làm gì để khiến họ hài lòng trở lại. Nhiều năm tháng trôi đi, mình cứ mãi sống theo lối mòn như vậy.
Lên đại học, gặp gỡ, quen biết nhiều bạn xinh xắn, khá giả hơn mình, mình càng cảm thấy tự ti hơn nữa. Mình tự hỏi, sao mình không được là chính họ?
Mình bắt đầu thay đổi cách sống. Mình quan sát cách họ nghĩ, cách họ làm và bắt chước theo. Mình cố gắng thay đổi mình theo những người mà mình nghĩ là như vậy sẽ tốt cho chính mình. Mình ghét phiên bản mình hiện tại.
Và kết cục? Mình mệt mỏi với việc là người khác. Mình muốn là chính mình thật sự.
Giờ mình đã 28 tuổi. Mình là chính mình, từ suy nghĩ, hành động, quyết định, lựa chọn đều là của mình. Mình không còn chạy theo hay cố gắng làm hài lòng bất cứ ai chỉ để giúp mình cảm thấy mình “có ý nghĩa” nữa. Mình chủ động và biết nên làm những gì để tạo ra ý nghĩa. Mình tôn trọng cơ thể của mình. Mình là chính mình thật sự.
Đôi khi, nghĩ lại khoảng thời gian trước, mình thấy mình quá dại dột và khờ khạo. Nhưng nếu không có những năm tháng ấy, biết đâu mình chẳng được như bây giờ.
***
Khi cuộc sống ngày càng có nhiều thứ tác động, nhu cầu con người ngày một đa dạng hơn và tâm trí chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh thì thật không dễ để luôn là chính mình. Thế nên, mình nghĩ việc luôn nhắc nhở bản thân về việc mình là ai, mình có đang thực sự sống với đúng con người mình và đi đúng con đường mình muốn hay không là điều rất quan trọng.
Dưới đây là hai bài viết gần đây về chủ đề “Be Yourself” (Là chính mình) mình đọc được. Mình hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu và trân trọng hơn con người của bạn.
1. Đừng quá khắc nghiệt với chính bạn
Bài gốc: Don’t Be So Hard On Yourself
Đôi khi, bạn ngồi ở đâu đó – có thể là trong một cửa hàng cafe, trong một văn phòng hay trước màn hình TV – và chẳng biết từ đâu tới, một suy nghĩ như thế này bỗng nhiên xuất hiện trong tâm trí của bạn:
“Tại sao cuộc đời mình mãi vẫn cứ như thế này? Đến bây giờ mà vẫn chưa có gì khác trước cả?”
Bạn nghĩ giờ này mình đáng lẽ đã phải có gia đình, có con cái; một sự nghiệp kinh doanh giúp bạn có nhiều tiền; hay là một người rất được mọi người tôn trọng, kính nể và tạo ra sự khác biệt nào đó cho thế giới. Có lẽ, bạn nghĩ đáng lẽ bạn đã phải có một ngôi nhà.
Nhưng quay về với thực tại, chẳng có điều gì trong bất cứ những thứ này là thật cả.
Trong khoảnh khắc ấy, thật dễ dàng để cảm thấy khủng hoảng, bế tắc – đặc biệt nếu bạn nhìn những người xung quanh mình. Thật dễ dàng để nhìn vào họ và rồi so sánh bạn với chính họ.
- “Anh chàng này mới 30 thôi mà đã là triệu phú rồi đấy”.
- “Cô ấy mới 26 mà đã có một cuốn sách được xếp vào “best seller” rồi đấy”.
- “40 tuổi, anh ấy đã là CEO”.
Ai quan tâm? Bạn không phải họ. Nhưng dù sao thì bạn vẫn thấy nhói đau đúng không? “Tại sao không phải là tôi?”, có lẽ, bạn nghĩ thế.
Mỗi người có một con đường riêng, không ai giống ai.
Tôi biết, điều này nghe có vẻ sáo rỗng. Nhưng bạn biết điều gì cũng sáo rỗng không? Là một người không hạnh phúc. Nó xảy ra khi bạn cố gắng kiểm soát tương lai của mình. Mỗi lần bạn cảm thấy cuộc đời mình không diễn ra theo cách đáng lẽ nó NÊN như thế thì bạn đang cố gắng giả vờ như thể bạn kiểm soát được thôi.
Hãy dành cho bản thân một cơ hội được nghỉ ngơi và hiểu một điều: công việc của bạn quan trọng.
Đa phần những điều không hạnh phúc đến từ niềm tin rằng chẳng ai quan tâm đến mình cả. Thật dễ dàng để cảm thấy bị tách rời khỏi thế giới đông đúc này. Bạn thức dậy, đi làm, về nhà và xem TV cho tới khi bạn đi ngủ. Bạn chỉ làm cho có lệ.
Bạn quên công việc thực sự của bạn là: mang lại giá trị cho người khác. Lựa chọn khác là gì? Từ bỏ? Uống một ly Scốt và nói rằng thế giới này loạn rồi sao? Thôi nào – cuộc sống không phải là một cuốn tiểu thuyết của Ernest Hemingway.
Bạn phải tin là công việc của bạn quan trọng? Tại sao. Bởi vì thực sự là nó quan trọng. Nó liên quan đến cách tư duy của bạn.
Nhiều người cho rằng phải làm những thứ lớn lao để cảm thấy mình quan trọng. Nhưng bạn không phải giải quyết nạn đói thì mới chứng tỏ là bạn có đóng góp cho thế giới. Tương tự, bạn cũng không cần phải trở thành một người quan trọng để tạo ra một sự khác biệt. Chúng ta bị ám ảnh bởi kết quả nên cho rằng cuộc sống được đo lường bởi những bước ngoặt. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng mọi việc sẽ ổn miễn là chúng ta đạt được mục tiêu? Bằng cấp đó, công việc đó, vị trí đó, thu nhập đó, cuốn sách đó… Nhưng sẽ thế nào nếu điều này không xảy ra? Chúng ta cảm thấy bị thụt lùi.
Phải mất một chút thời gian để có được thứ chúng ta muốn. Nhưng điều này không có nghĩa những gì bạn đang làm là vô dụng.
Bạn không cần những mục tiêu quá lớn lao.
Bạn cần phải hiểu bất cứ điều gì bạn đang làm bây giờ cũng quan trọng. Bạn cần hành động theo hướng đó. Và bạn cần dừng việc quá để ý đến những người mà họ đang ở một giai đoạn khác bạn.
Hãy dừng khắc nghiệt với bản thân chỉ vì bạn chưa đạt được điều bạn muốn. Nhìn xem, công việc của bạn mới quan trọng. Bạn quan trọng. Và đừng nghĩ rằng chẳng ai quan tâm tới bạn. Đấy chỉ là bạn đang đặt “cái tôi” quá cao mà thôi.
Những người mà nghĩ không ai quan tâm đến mình thường quan tâm quá mức đến bản thân họ. Hãy mở mắt ra và nhìn thế giới xung quanh bạn. Họ quan tâm tới bạn. Và bạn cũng nên quan tâm đến họ.
Hãy tin tưởng vào chính bản thân bạn. Bởi vì cuộc sống không cần phải được giải nghĩa. Chỉ cần bạn hành động như thể cuộc sống của bạn quan trọng thì nó sẽ quan trọng.
2. Đừng để bất cứ ai “định nghĩa” con người bạn
Bài gốc: Don’t Let Anyone’s Criticism or Judgment Define Who You Are
Tôi là một cô bé lùn mập và hay mắc cỡ, lúc nào cũng bám lấy chân mẹ tôi. Mẹ là người bảo vệ tôi và là người dành cho tôi tình yêu vô điều kiện.
Khi phải đến trường và không được gần mẹ nữa, tôi chạm trán với rất nhiều bạn cùng lớp. Họ luôn chỉ trích và phán xét tôi về mọi thứ.
Bị phán xét bởi vẻ ngoài khi đã là người lớn, trong một xã hội mà liên tục khao khát một thân hình hoàn hảo đã đủ khó. Nhưng hiểu được ẩn ý đằng sau những lời phán xét này, với một cô bé thì còn khó hơn nhiều.
Khi bước vào tuổi thiếu niên, tôi không biết làm thế nào để giải nghĩa những lời lẽ mà mọi người ném thẳng vào mặt tôi. Thế nên, tôi dựng lên một lớp vỏ bọc quanh mình và thường ước rằng tôi có thể trở nên vô hình để không còn bị ai làm tổn thương nữa. Tôi cố gắng chịu đựng như thể những lời nói đó chẳng ảnh hưởng gì đến tôi.
Điều mà tôi nhanh chóng học được trong những năm sau đó chính là trong suốt cuộc đời, tất cả chúng ta đều đối mặt với những người mà sẽ nỗ lực hủy hoại chúng ta và khiến chúng ta mất đi lòng tự trọng. Điều tôi không thể nhận ra lúc đó là chúng ta có quyền quyết định cách mà chúng ta cho phép những người khác khiến chúng ta cảm thấy như thế nào và liệu chúng ta có cho phép họ biến chúng ta thành một người khác hay không.
Cô gái nhỏ trong chiếc vỏ bọc giờ đã lớn hơn, bước vào trường trung học, trường cấp 3, đại học và có một sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Tôi đón nhận mỗi ngày, mỗi năm và mỗi cơ hội mới với cùng một cảm xúc của sự bất an mà đã được định hình trong cô gái nhỏ ấy cách đây rất nhiều năm về trước.
Thậm chí với tất cả sự trưởng thành mà tôi đã trải qua khi bước vào các mối quan hệ, tốt nghiệp đại học, sống tự lập và hoàn thành nhiều mục tiêu, theo cách nào đó tôi vẫn cảm thấy cô gái nhỏ dễ tổn thương chỉ muốn trở nên vô hình và ước được bò vào trong vỏ bọc để trốn tránh sự phán xét vẫn còn như cũ.
Điều khiến cảm xúc ấy tệ hơn đó là những lời phán xét không biến mất khi chúng ta lớn lên. Chúng đơn giản chỉ mới bắt đầu. Chúng ta vẫn sẽ đối mặt với chúng trong suốt phần đời còn lại.
Khi học đại học, tôi tham gia mọi hoạt động liên quan đến ngành học của tôi. Trong cuộc sống cá nhân, tôi hẹn hò và cố gắng là một cô gái tự tin với nụ cười luôn hiển hiện trên khuôn mặt.
Sau khi tốt nghiệp, tôi bước vào các cuộc phỏng vấn việc làm và giả vờ như tôi luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân. Khi có được công việc, tôi phải thuyết trình, nêu ý kiến tại các cuộc họp và tiếp tục hoàn thành vai trò của mình với sự tự tin cao nhất.
Tôi đẩy bản thân tiếp tục tiến lên, nhưng chưa bao giờ cảm thấy thực sự mãn nguyện. Tôi vẫn cảm thấy bất an và bắt đầu nghi ngờ tại sao tôi lại cảm thấy như vậy, tại sao tôi luôn thấy bế tắc trong đầu, và tại sao dường như tôi luôn mang theo vỏ bọc đó.
Cuối cùng, tôi nhận ra tôi bất an vì tôi luôn bị ám ảnh bởi những lời lẽ phán xét mà tôi đã từng nghe được như thể chúng là một phần trong DNA của tôi vậy.
Tôi để những người mà chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời tôi tước đoạt con người thật của tôi và cản trở con người tôi muốn trở thành.
Bạn đã từng để cho những lời chỉ trích hoặc phán xét trong quá khứ cản trở con người thật hiện tại của bạn chưa? Bạn có cho phép những ngôn từ đó ảnh hưởng tới những thứ mà bạn thật sự có khả năng? Giờ đã đến lúc bạn cần giành lại quyền năng đó.
Làm rõ những cảm xúc tiêu cực
Mãi cho tới lúc 25 tuổi thì tôi mới có thể đào đủ sâu để bóc đi những lớp vỏ mà tôi đã xây dựng qua nhiều năm và thành thật với chính mình. Những tầng lớp ấy là lớp mặt nạ che đi nỗi đau mà đã theo tôi bất cứ nơi nào tôi đến.
Nếu không thành thật với chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng ở mãi trong vỏ bọc đó và tiếp tục như thể những cảm xúc đau đớn không tồn tại. Khi đó chúng ta từ bỏ quyền kiểm soát của mình và tự thuyết phục bản thân rằng có lẽ kể cả sau này, chúng ta vẫn chỉ mãi là người như vậy.
Chia sẻ cảm xúc của bạn với ai đó gần gũi bạn
Đôi khi, chúng ta cảm thấy xấu hổ trong những lời chỉ trích và phán xét mà chúng ta nhận được. Thế nên, chúng ta giữ chúng cho chính mình. Để rồi, chúng ta lại bị giam cần trong những lời nói đầy tiêu cực đó.
Tuy nhiên, nói chúng ra với một ai đó mà thực sự quan tâm và hỗ trợ bạn có thể giúp tối thiểu hóa một vài sự tổn thương mà bạn cảm thấy từ những người nhanh chóng phán xét bạn.
Vây quanh bạn với những người phù hợp/loại bỏ những người không phù hợp
Không phải lúc nào cũng dễ dàng rời xa những người mà chúng ta đã thiết lập mối quan hệ, nhưng nếu những mối quan hệ đó khiến chúng ta càng cảm thấy những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta đang cố gắng dứt bỏ thì mọi thứ chỉ càng tồi tệ mà thôi.
Những người mà thực sự quan tâm tới chúng ta sẽ không cố gắng hạ gục hay nói những lời phán xét với chúng ta giống như những người khác.
Nhắc nhở bạn về việc bạn là ai
Thật dễ dàng để bị cuốn vào những điều người khác về chính chúng ta. Nhưng đừng để con người thật của bạn và những phẩm chất độc nhất bạn đã hình thành trong con người mình bị che lấp.
Ngày này qua ngày khác, tôi sống, tạo dựng mối quan hệ mới, nhận lấy những thử thách mới trong sự nghiệp, chạm trán với chướng ngại vật và ăn mừng những thành tựu trong cuộc đời. Tôi dành thời gian để nhắc nhở bản thân mình về việc tôi sống với những nguyên tắc của tôi, chứ không phải để những người khác chi phối.
Tôi nhận thấy tôi càng thay đổi những thói quen suy nghĩ cũ mà cô gái nhỏ với vỏ bọc ấy từng nghĩ thì càng dễ dàng cho tôi để thực sự trở thành người mà tôi đã lựa chọn.
Một thời gian rất lâu đã trôi qua, và cuối cùng tôi đã thoát ra được vỏ bọc ấy. Cô bé yếu đuối ngày nào vẫn là một phần của tôi, nhưng giờ đây, tôi chọn không để cô ấy khiến tôi không được sống trọn vẹn nữa.
Mọi người chỉ có thể tước đi từ bạn thứ bạn cho phép họ làm vậy. Nếu bạn để họ định nghĩa con người bạn thì bạn đang trao cho họ quyền năng ra lệnh cho mục tiêu và tương lai của bạn đấy.
Ảnh đầu bài: Shad0wfall