Một câu mà chúng ta thường nghe đó là “hãy luôn tích cực trong mọi hoàn cảnh.” Mình cũng nghĩ như vậy. Nhưng có một điều cần làm rõ rằng, luôn tích cực không có nghĩa bạn không thể thể hiện ra ngoài các cung bậc cảm xúc khác.
Muôn mặt của cảm xúc
Cuộc sống muôn màu. Có lúc bằng phẳng, có lúc gập ghềnh. Có lúc đầy chuyện vui vẻ, có lúc lại nhiều sóng gió. Có lúc bình yên, có lúc lại như biển đột nhiên dậy sóng. Bất cứ điều gì đều có thể xảy ra vào mỗi một ngày nhất định.
Cảm xúc cũng tương tự. Tùy vào từng hoàn cảnh, thời điểm, và trạng thái tâm lý mà mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau. Buồn, vui, giận dữ, bâng khuâng, mơ hồ, thất vọng, hy vọng, lạc lõng, bối rối, xấu hổ, buồn chán, đau khổ, bình an… Ai ai cũng đều đã, đang và sẽ trải qua những cảm xúc này. Không ai là không tránh được.
Bởi vì cảm xúc là muôn mặt nên cố kìm nén chỉ để xuất hiện duy nhất một trạng thái “tích cực” trong khi ẩn đi tất cả những cảm xúc không-tích-cực khác là điều không nên. Vì làm như vậy là bạn đang tự đưa mình vào một vòng quay mà giới khoa học tâm lý gọi là “toxic positivity”, tạm dịch: sự tích cực độc hại.
Toxic positivity: Sự tích cực độc hại
Sự tích cực độc hại là một niềm tin rằng cho dù hoàn cảnh có khó khăn, trắc trở đến thế nào thì bạn cũng nên duy trì một tư duy tích cực. Lúc nào cũng phải duy trì một cảm xúc tốt và hạn chế để những suy nghĩ tiêu cực lấn át.
Ở mức độ nào đó, điều này đúng. Chúng ta nên duy trì một góc nhìn tươi sáng vào cuộc sống, và điều này cũng tốt cho đời sống tinh thần phải không?
Nhưng vấn đề là cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Đau khổ và những trải nghiệm thất vọng có thể xảy ra thường xuyên. Sự tích cực độc hại nhấn mạnh đến một sự tích cực đã bị cường điệu hóa.
Sự tích cực độc hại có hại bởi vì:
1. Nó cho rằng cảm xúc tiêu cực thể hiện ra là một điều xấu hổ
Khi ai đó trải qua nỗi buồn, họ buồn và trong khi cảm xúc này là điều bình thường thì việc nói họ cần suy nghĩ tiêu cực như là một sự cho rằng cảm xúc buồn kia là không đúng đắn.
Không! Buồn và khóc là điều rất tự nhiên. Ví dụ, mình vừa làm sai một điều gì đó với người bạn của mình. Mình rất hối hận và buồn bã. Cảm giác buồn này đâu phải không tốt hay không đúng. There is nothing wrong with it.
2. Nó khiến một người cảm thấy tội lỗi khi không thể tích cực mọi lúc
Mình đã từng trải qua điều này. Có lần, mình có nói chuyện với một số người bạn về sự tiêu cực. Gần như tất cả mọi người trong nhóm đều nói rằng 99% thời gian họ tích cực, hay thậm chí không bao giờ nghĩ tiêu cực. Trong khi đó, mình thừa nhận rằng mình không phải người luôn tiêu cực hay tích cực — nhưng mình luôn biết cách vượt qua những sự tiêu cực và không để nó lấn át.
Khi mình chia sẻ xong, không một ai phản ứng gì cả. Sự im lặng đó làm mình cảm thấy “tội lỗi” và “kém cỏi”. Mình đặt câu hỏi tại sao bản thân mình không thể có được sự tích cực tự tin như họ. Mình cảm thấy suy nghĩ của mình có gì đó bất thường và mình cần phải thay đổi.
Nhưng mình có bất thường không? Và có ai dám chắc rằng những người bạn đó luôn luôn có được sự tích cực không?
Mình không dám chắc.
3. Cảm xúc dù tiêu cực hay tích cực là sự phát triển tự nhiên của con người
Như mình đã nói ở trên, cảm xúc của một người phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh xung quanh. Thế nên, rất tự nhiên khi cảm xúc của chúng ta cũng lên xuống theo những thăng trầm của cuộc sống.
Đó là còn chưa nói đến niềm vui hay nỗi buồn còn có nhiều cấp độ. Có lúc bạn cực kỳ vui, nhưng có lúc vui “vừa vừa”, có lúc bạn cực kỳ buồn, nhưng có lúc nỗi buồn chỉ thoáng qua mà thôi.
4. Nó kìm hãm sự tăng trưởng của bạn
Việc trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực chứng tỏ rằng bạn đang đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Việc nhận dạng những cảm xúc đó là bước đầu tiên để bạn chấp nhận thực tại, vực dậy tinh thần, và tìm ra cách để vượt qua hoàn cảnh.
Hãy nghĩ thế này: Nếu bạn chỉ luôn nghĩ tới tích cực và không bao giờ chấp nhận rằng bản thân bạn có một mặt khác đó là tiêu cực thì sẽ thế nào nếu một ngày, bạn phải đối diện với một sự mất mát quá sức tưởng tượng? Bạn sẽ không biết làm thế nào cả và mất phương hướng.
Nhưng nếu bạn là người hiểu rõ các cung bậc cảm xúc của mình và bạn đã học được cách kiểm soát những điều tiêu cực thì về sau, dù có chuyện gì đó không như ý xảy ra, bạn vẫn biết được cách làm thế nào để thích nghi và chống cự với nó.
Mình không biết ở Việt Nam ra sao, nhưng thời gian mình sống ở Úc này, mình được nghe và chứng kiến nhiều người gặp tình huống bị mất cân bằng cảm xúc khi Covid-19 xảy ra. Nhiều người bị khủng hoảng, trầm cảm, ốm yếu về mặt tinh thần do họ luôn quá tích cực về mọi thứ, dẫn tới khi có biến cố như vậy xảy ra, họ không thích nghi được.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để biết rằng bạn đang trải qua sự tích cực độc hại?
Các biểu hiện có thể như thế này:
- Phủ nhận mọi cảm xúc tiêu cực mà bạn có. Lúc nào cũng cố thể hiện ra bên ngoài bạn là người tích cực, ngay cả khi bạn cực kỳ đau đớn trong lòng.
- Cảm thấy tội lỗi khi bạn không nghĩ được tích cực.
- Kìm nén mọi cảm xúc thật của bạn và che giấu chúng bằng những câu trích dẫn truyền cảm hứng hay các bộ phim tình cảm lãng mạn.
- Đánh giá thấp cảm xúc của người khác bởi vì điều đó làm bạn cảm thấy không thoải mái. Ví dụ, người bạn của bạn khóc vì họ vừa chia tay người yêu, và bạn cho rằng cảm xúc đó thật lãng phí.
Vậy thì làm thế nào để vượt qua sự tích cực độc hại? Có phải bạn cứ để mặc cho mọi cảm xúc thể hiện ra bên ngoài? Hay có một cách khác tốt hơn?
Biết rõ giới hạn cảm xúc
Như bất cứ điều gì trong cuộc sống, “cố quá là quá cố.” Cái gì quá cũng không tốt, luôn biết vừa đủ thì tốt hơn.
Cảm xúc cũng như vậy. Không nên quá tích cực, nhưng cũng đừng quá tiêu cực. Mấu chốt ở đây không phải là kìm nén sự buồn bã của bạn mà đúng hơn là hãy bộc phát chúng ra ngoài, đón nhận chúng một cách cởi mở và học cách kiểm soát.
Khi người thân của một người bạn qua đời, bạn không thể bảo họ đừng khóc hay hãy vui lên được đúng không? Đây là một sự kiện rất đau đớn mà khó ai có thể nghĩ tích cực được. Hãy cứ để cho họ khóc, vì đôi khi khóc có thể làm họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Khi đến một giới hạn, họ sẽ biết dừng lại và chấp nhận.
Mình cũng từng rơi vào một vài tình huống và mình cảm nhận được rằng sau khi khóc, cảm giác của mình hoàn toàn khác. Mình thấy thoải mái hơn, tâm trí giải tỏa hơn, đầu óc tỉnh táo hơn và ngay lập tức, mình lấy lại được sự tích cực. Dần dần những trải nghiệm này đã giúp mình hình thành nội lực.
Hiển nhiên, cũng có những bạn chưa có được nội lực mạnh mẽ. Thành ra khi xảy ra chuyện không hay, bạn dễ bị kéo theo sự đi xuống của hoàn cảnh. Bạn bất lực, mệt mỏi, khóc ngày khóc đêm, dẫu rằng trong tâm trí, bạn hiểu mình không thể thế này mãi.
Theo kinh nghiệm của mình thì đây là điều bạn có thể áp dụng:
- Hãy cứ để cảm xúc bạn thể hiện ra đúng như những gì bạn đang cảm thấy trong lòng. Bạn muốn khóc, cứ khóc. Bạn muốn hét lên cứ hét. Bạn muốn rên rỉ, kêu gào, than vãn với bạn thân, hãy cứ làm như vậy (nhớ là tìm người sẵn sàng lắng nghe những cảm xúc này của bạn nhé).
- Chấp nhận sự thật đã xảy ra. Chấp nhận rằng bạn đã thất bại hay điều không may đó đã đến với bạn.
- Tìm kiếm những lời khuyên thực tế. Khi hỏi lời khuyên, hãy đặt câu hỏi để được cho những lời khuyên hành động. Hãy hỏi họ đã từng trải qua tình huống như bạn và nếu có thì họ đã làm gì để cảm thấy tốt hơn? Hãy hỏi họ có những nguồn tài liệu hay cách gì để giúp bạn lấy lại tinh thần?…
- Áp dụng những lời khuyên bạn đã nhận được và nhắc nhở bản thân phải luyện tập thì mới thay đổi được.
Nghe có vẻ “lý thuyết” hoặc đã nghe nhiều rồi phải không? Nhưng chỉ khi nào bạn thực hiện thì bạn mới cảm nhận được rằng những bước trên là cực kỳ hiệu quả. Everything seems impossible until it’s done, right?
Mình muốn kết thúc bài viết bằng chia sẻ này cho bạn:
Sự phức tạp đầy tinh tế và kỳ diệu của cảm xúc là món quà tuyệt vời mà Thượng Đế ban tặng cho mỗi người.
Trời có lúc mưa, lúc nắng. Thời tiết có lúc mát mẻ, có lúc âm u, có lúc lại giông bão, sấm chớp đùng đùng. Xe cộ có lúc chạy bon bon, có lúc thủng săm, hết xăng, hỏng cái này hỏng cái nọ. Điện thoại lúc mới mua chạy mượt mà, nhưng sau một thời gian rồi cũng bị hỏng. Tình yêu có lúc đằm thắm, lúc lại chẳng muốn gần nhau. Hôn nhân lúc mới cưới, chưa có con cái thì như đôi chim uyên ương lúc nào cũng quấn quýt, nhưng đến khi có con rồi thì vô vàn vấn đề, áp lực; nhưng khi con đã lớn, khi bố mẹ đã học được cách chăm sóc, dạy dỗ con và cân bằng trong gia đình thì mọi thứ có thể lại êm xuôi, hạnh phúc trở lại… Đến cả đồng xu cũng có hai mặt, sấp và ngửa.
Bạn thấy đấy, rất nhiều thứ trong cuộc sống đi theo quy luật này và tựu trung lại, hai từ mà mỗi chúng ta cần nhớ là: chấp nhận. Chấp nhận bản thân mỗi người đâu đó trong lòng đều có sự yếu đuối, cần được chở che, bao bọc và cần được hiểu rằng không ai đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi chuyện và luôn tích cực. Vì có tiêu cực thì có người mới tìm được thứ phù hợp với họ, có thể là một niềm tin tâm linh, có thể là một cuốn sách thay đổi cuộc đời, có thể là một mối quan hệ đúng đắn hơn, hoặc có thể đơn thuần là nhận ra lỗi lầm của bản thân và tìm cách sửa chữa.
Chấp nhận suy nghĩ tiêu cực sẽ có lúc xuất hiện trong đầu, cho phép bản thân được gục ngã, khóc, tức giận… nhưng không để chúng kiểm soát, đấy là điều mà theo mình là tuyệt vời nhất.
Hãy trân trọng mọi cảm xúc của bạn, trải nghiệm chúng, và học cách kiểm soát để giúp bản thân trưởng thành. Bạn không mạnh mẽ lên bằng việc che giấu những điều không tích cực. Bạn mạnh mẽ lên bằng việc đối mặt với mọi biến cố.
Đăng ký nhận bài viết mới qua email nha 😉
Phủ nhận mọi cảm xúc tiêu cực mà bạn có. Lúc nào cũng cố thể hiện ra bên ngoài bạn là người tiêu cực, ngay cả khi bạn cực kỳ đau đớn trong lòng.
Dòng này phải là ” Lúc nào cũng cố thể hiện ra bên ngoài bạn là người tích cực ” mới đúng, phải không b
uh đúng rồi, cám ơn bạn đã chỉnh sửa cho mình nha 😉