Nỗi đau mất đi một người thân yêu là một cảm giác mà chỉ những người đang trải qua hoặc đã từng trải qua mới có thể hiểu thấu được. Với bài viết này, mình sẽ chia sẻ đến bạn câu chuyện của Sheryl Sandberg – giám đốc hoạt động của Facebook và tác giả của cuốn sách bán chạy Lean In (Dấn thân). Hy vọng câu chuyện của cô sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn mới về nỗi đau mất mát và có thêm nghị lực để vượt qua mọi thử thách trong đời.
Bài viết này mình cũng muốn gửi tới một người bạn đặc biệt.
—
Mẹ tôi mất vào ngày 18/07/2013 do bị ung thư tuyến tụy. Tế bào ung thư thầm lặng lan truyền trong cơ thể mẹ để đến khi được phát hiện thì gần như đã quá trễ. Sau ca phẫu thuật, mẹ bám trụ với cuộc đời thêm 16 tháng.
Suốt thời gian ấy, tôi không thể ngừng tưởng tượng về sự ra đi của mẹ. Tôi dành 1,5 năm viết một lá thư từ biệt mẹ trong đầu. Cứ mỗi lần viết là một lần từ biệt mẹ, và cứ thế, mẹ đã ra đi hàng trăm lần. Trên xe bus, trong rạp chiếu phim, trên đại lộ 5, trên đại lộ Connecticut, trên vỉa hè, ngã tư, trên tàu điện ngầm ở DC và New York, tôi đã mất mẹ, lần này đến lần khác. Chịu đựng nỗi mất mát kéo dài ấy không phải đơn thuần chỉ là một lần duy nhất mẹ ra đi, mà nó còn là một nghìn sự ra đi nữa, như thể những vết châm bằng đinh ghim, đau đớn; và với một nỗi đau, lại hy vọng nó sẽ bảo vệ tôi trước thực tại nghiệt ngã.
Tôi tưởng tượng cuộc sống khi không còn mẹ là một nỗi khiếp sợ màu đen vô hình. Với vài người, sự ra đi của một người thân yêu thực sự là điểm dừng cuộc sống, và tôi lo lắng, cuộc sống của tôi cũng sẽ dừng lại.
Và rồi những tuần sau khi mẹ mất, có một điều kỳ lạ đã xảy ra: tôi đã không gục ngã. Cuộc sống của tôi vẫn tiếp tục. Tôi vẫn có thể gắng gượng và vượt qua những nỗi đau này, trái ngược hoàn toàn với những điều mà nhiều người vẫn tin về nỗi đau thương khi một người thân đã ra đi vĩnh viễn.
Với tôi, nỗi mất mát ấy có lẽ là một thứ khác. Nỗi mất mát là sức bật.
Lược dịch từ câu chuyện của tác giả Derek Thompson
Cuốn sách mới nhất của Sheryl Sandberg: Option B: Facing Adversity, Building Resilience, and Finding Joy (tạm dịch: Lựa chọn B: Đối mặt với bất hạnh, hình thành sức bật và tìm kiếm niềm vui) không phải là một cuốn sách dễ đọc. Nhưng cuốn sách ấy chứa đựng một câu chuyện đầy nghiệt ngã, đầy rẫy những cảm xúc chân thực, đau đớn của Sandberg trước sự ra đi đột ngột của chồng mình – doanh nhân Dave Goldberg khi anh chỉ mới 47 tuổi. Cuốn sách là quá trình cô đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cuộc đời là gì khi mà nó không diễn ra hoàn toàn như cuộc đời mà cô đã lên kế hoạch từ trước.
Hôn nhân của cô được công khai một lần khi cuốn sách đầu tiên của cô Lean In về phụ nữ và lãnh đạo được xuất bản hai năm trước đó. Với Sandberg, thành công vĩ đại của cô sẽ không thể có được nếu thiếu sự hỗ trợ đầy vững vàng của chồng. Giờ đây, theo cách nghiệt ngã nhất, cô đã mất người đàn ông ấy mãi mãi.
“Mẹ có một tin không tốt lắm”, Sandberg nói với các con của mình, sau khi bay về nhà từ Mexico. “Bố mất rồi”. Sự thật thà và bình dị trong những gì cô chia sẻ – bao gồm cả việc cô ngã khuỵu xuống đất, không thể đi bộ tới nghĩa trang hay những thứ tương tự có thể lấy nước mắt của bất cứ độc giả nào. Cô có thể bảo vệ mình trước những vấn đề tài chính mà thường xảy ra đối với một người phụ nữ sau khi mất chồng, nhưng ngoại trừ chúng, cô đã không thể giấu đi nỗi đau tột cùng nhất.
Sau khi chồng mất, Sandberg đã viết những dòng status tưởng nhớ anh trên Facebook trong vòng một tháng. Một lần, cô chia sẻ nỗi đau của mình cho Adam Grant – một nhà tâm lý học, chuyên gia trong lĩnh vực sức bật của con người (human resilience) và một người bạn. Cô thú nhận nỗi sợ lớn nhất của mình lúc đó là các con của cô không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nữa. Grant đã bảo cô đối diện với sự thật và bước qua nó.
“Đây là thời điểm tồi tệ thứ hai trong cuộc sống của chúng ta”, cô nói với những đứa con đang khóc thổn thức tại nghĩa trang. “Chúng ta đã vượt qua được lần đầu tiên và chúng ta sẽ vượt qua được lần này. Từ đây, mọi chuyện chỉ có thể tốt lên mà thôi”. Đấy là nỗi mất mát: Bằng cách nào đó, bạn tìm thấy một ngôn ngữ; bằng cách nào đó, bạn vượt qua nó. Không một nghiên cứu nào đã có thể giúp cô trong khoảnh khắc đó. Cô là người duy nhất hiểu điều cô cần làm và cần nói. Chúng là những đứa con của cô và cô biết cách để an ủi chúng.
Cái chết nhấn chìm mỗi chúng ta theo những cách khác nhau. Đột nhiên trở thành bà mẹ đơn thân, Sandberg nhận ra việc cô đề cập tới tầm quan trọng của những người chồng (đối tác) luôn ủng hộ vợ chẳng có ý nghĩa gì với những người phụ nữ chưa lập gia đình. Giá mà cô biết được mình chỉ còn lại một chút ít thời gian với anh thì cô đã có thể dành nhiều thời gian hơn ở bên anh ấy. Nhưng đấy không phải là sự vận hành của cuộc sống: Dave Goldberg yêu người phụ nữ muốn làm lãnh đạo, chứ không phải người mà chỉ muốn ở nhà chờ anh đi làm về. Đấy là sự thật không thể phủ nhận và nỗi đau thương ấy sẽ phai nhạt theo thời gian. Chúng ta không thể sống với nó mỗi ngày được.
Sheryl Sandberg hiểu: con cái của cô còn nhỏ và cô buộc phải đứng dậy. Cô nhận ra mình vẫn còn có thứ gì đó hữu ích để trình bày tại các cuộc họp. Cô được quây quần bên con trong những ngày sinh nhật của chúng kể từ khi không còn bố. Cô bắt đầu có một ngày yên ổn đầu tiên và sau đó, là rất nhiều những ngày yên ổn khác nữa. Một năm liền, cô cố gắng duy trì như vậy. Tất cả những ngày “đánh dấu cho nỗi đau” trôi qua và trong cô, có thứ gì đó lại hồi sinh lần nữa. Nỗi đau thương ấy là hành động cuối cùng của tình yêu và sự phục hồi từ mất mát là sự phản bội cần thiết mà tương lai phụ thuộc vào nó. Chỉ có duy nhất một cuộc đời này, và chúng ta là những người ở đây để sống với nó.
Cuốn sách Option B: Facing Adversity, Building Resilience, and Finding Joy có thể xem như là lời khuyên cho những người đang trải qua nỗi mất mát. Sandberg khuyên chúng ta tránh rơi vào điều mà nhà tâm lý học Martin Seligman đặt tên là “3P” – cá nhân hóa (personalization – đây là lỗi của tôi), lan tỏa (pervasiveness – điều này tác động tới mọi thứ) và vĩnh viễn (permanence – mọi thứ sẽ không bao giờ như trước đây nữa) – và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng.

… Nhìn xem, tôi không lạc quan mỗi ngày đâu. Có những ngày khó khăn lắm. Những ngày tôi mong chờ, giống như kỷ niệm ngày cưới tuần trước, và những ngày tôi chẳng mong đợi. Nhưng tôi vẫn phải vượt qua.
Mọi người hỏi, “Làm thế nào mà chị làm được vậy?”. Tôi có hai đứa con. Tôi phải ra khỏi giường. Chúng phải tới trường, và tôi muốn làm việc, bởi vì tôi yêu công việc của tôi. Mới đây, tôi gặp một nữ họa sĩ, cũng là một góa phụ giống như tôi – tôi không phải là họa sĩ như cô ấy, nhưng tôi cũng là bà góa. Có người hỏi cô ấy bằng cách nào mà vẫn tiếp tục làm việc được vậy. Cô ấy nói, “Bởi vì phần còn lại trong con người tôi không chết. Tôi là bà góa, nhưng tôi vẫn là một người mẹ, và tôi vẫn là một họa sĩ. – Sandberg.
Một trong những thứ mà tôi học được từ Sheryl đó là chúng ta thực sự trở thành sức bật cho những người khác, chứ không phải cho chính mình. Tôi nghĩ khoảnh khắc cô ấy thực sự bắt đầu nhìn thấy những khả năng của hy vọng và niềm vui đó là khi cô ấy nói, “Xem này, nếu tôi không tìm ra cách để vượt qua thì con cái của tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn để hồi phục. – Adam Grant.
Adam nói như thế này với tôi. “Nếu cô không ngừng hối tiếc và cá nhân hóa nỗi mất mát của mình, con cái của cô sẽ không hồi phục được đâu. Nếu cô không thể tìm ra những khoảnh khắc của niềm vui và để bản thân cô được vui thì con cái của cô cũng sẽ không thể hạnh phúc được”. – Sandberg.
Khi các nhà tâm lý bắt đầu nghiên cứu về sức bật (resilience), họ nghĩ có hai con đường. Một là sẽ bị hủy hoại bởi thảm kịch hoặc thử thách gay go đó, rối loạn căng thẳng, khủng hoảng suy nhược và lo lắng tột độ. Một con đường khác là cố gắng, phục hồi và trở về trạng thái bình thường giống như trước khi thảm kịch diễn ra.
Tuy nhiên, nhiều người lại đi theo một con đường thứ ba, đó là họ có những thay đổi tích cực sau sự kiện tiêu cực. Ở đây không phải nói nỗi mất mát hay đau buồn sẽ biến mất hay có nghĩa một người sẽ hạnh phúc. Đúng hơn, những cảm xúc tiêu cực sẽ kéo theo những cải thiện trong cuộc sống khi mà họ có thể nói “Tôi mạnh mẽ hơn”, “Tôi đã vượt qua được và tôi có thể vượt qua bất cứ chuyện gì khác nữa.”, “Tôi cảm thấy biết ơn vô cùng”. Giống như điều mà Sandberg đã chia sẻ: “Tôi có những mối quan hệ mới, hay những mối quan hệ của tôi sâu sắc hơn bởi vì mọi người đã giúp đỡ tôi theo cách mà tôi chưa bao giờ nghĩ là có thể, và tôi đã trở nên gần gũi hơn với họ vì điều đó”. – Adam Grant.
Với nhiều người, tăng trưởng sau bi kịch (post-traumatic growth) nghĩa là có một cảm giác mạnh mẽ hơn về ý nghĩa cuộc sống. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là hoàn toàn tích cực hơn. Tôi đánh đổi tất cả những tăng trưởng này để Dave sống lại. Nhưng tôi gần gũi với bố mẹ tôi hơn trước đây. Tôi gần gũi với những người bạn thân nhất của tôi hơn trước đây. Tôi có nhiều sự trân trọng hơn. Tôi sáng suốt hơn.
Cách đây hai năm, tôi nằm dài trên sàn nhà cả ngày. Nhưng hôm nay, tôi trân trọng việc tôi còn sống và được nói chuyện cùng bạn. Tôi trân trọng việc tôi sống lâu hơn Dave. Tôi trân trọng việc tôi được tồn tại, tôi sẽ bước sang tuổi 48 vào tháng 8, còn Dave không bao giờ có cơ hội nữa.
Tôi trân trọng và những thứ đó trở nên sâu sắc hơn. Tôi nói với mọi người, hãy ngừng đùa cợt về sự già đi. Già đi là một món quà đấy. Có nhiều người không thể sống đến già được. Có người có thể già đi trước khi nỗi mất mát xảy ra và có người có lẽ đang già đi trong sự mất mát. – Sandberg.

***
Mỗi người có những phản ứng và cơ chế chống chọi với nỗi mất mát khác nhau. Có khi mất vài tháng hoặc vài năm để vượt qua được đau đớn ấy. Nhưng may mắn, chúng ta được ban tặng sức bật để khởi động lại. Giống như Bonanno đã viết trong cuốn The Other Side of Sadness (tạm dịch: Phía bên kia của nỗi buồn):
Tin tốt là với đa phần chúng ta, nỗi đau thương không phải là cảm giác ngập chìm hay không bao giờ chấm dứt. Hầu hết mọi người đều có sức bật. Một vài người còn vượt qua mất mát tốt đến nỗi mà gần như họ không bỏ lỡ một nhịp nào trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta có lẽ bị sốc, thậm chí là tổn thương vì mất mát, nhưng chúng ta vẫn nỗ lực giành lại sự thăng bằng và tiếp tục sống. Nỗi thống khổ và đau buồn khi mất đi người thân không thể phủ nhận, nhưng còn nhiều thứ khác nữa. Rốt cuộc, đó là một trải nghiệm của con người. Đó là thứ mà chúng ta được mặc định phải trải qua và chắc chắn nó không phải để khiến chúng ta bị vùi dập. Đúng hơn, phản ứng của chúng ta với sự mất mát là để giúp chúng ta chấp nhận và nhanh chóng thích nghi với nó, từ đó sớm trở lại với cuộc sống bình thường.
Dưới đây là một số lời khuyên để vượt qua nỗi đau khi mất đi người bạn yêu quý:
- Chia sẻ về sự ra đi của họ với bạn bè và đồng nghiệp để họ hiểu đã xảy ra và cùng tưởng nhớ về người đó. Đừng phủ nhận sự ra đi của người bạn yêu quý vì càng làm vậy, bạn sẽ càng tự cô lập mình và sẽ làm nản chí những người muốn hỗ trợ bạn.
- Chấp nhận những cảm xúc của bạn. Khi mất mát xảy ra, đa phần chúng ta đều trải qua mọi cung bậc cảm xúc. Buồn bã, giận dữ, tuyệt vọng và thậm chí là kiệt sức, tất cả chúng đều là những phản ứng bình thường.
- Chăm sóc bản thân và gia đình của bạn. Ăn uống đầy đủ, luyện tập và nghỉ ngơi sẽ giúp bạn vượt qua mỗi ngày dễ dàng hơn và nhanh chóng hồi phục.
- Gặp gỡ và giúp đỡ những người cũng đang trải qua mất mát giống bạn. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi biết mình đang làm những việc có ý nghĩa.
Đối mặt với sự ra đi của một người thân yêu là một trong những thử thách khó khăn nhất mà nhiều người trong chúng ta đã trải qua. Khi mất đi bố mẹ, bạn đời, hay con cái, nỗi đau thương càng trở nên tột độ. Nhưng mất mát là một phần tự nhiên của con người, cho dù nó có kéo theo đau khổ hay khủng hoảng kéo dài như thế nào đi chăng nữa. Nỗi đau ấy sẽ giảm dần về cường độ theo thời gian và đấy là khởi đầu để chúng ta có thể vượt qua được hoàn cảnh và tiếp tục sống.
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn: