Journaling hiểu đơn giản nghĩa là viết bất cứ điều gì bạn muốn. Nó rộng hơn viết nhật ký, ghi chép thông thường, cũng không phải chỉ là to-do list. Bạn có thể journaling về cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm, quan sát hay mọi thứ trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể viết bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu bạn muốn. Bài viết dưới đây được dịch từ chia sẻ gốc How Journaling Helped Me Heal from Grief and How It Can Help You Too.
—
Chưa ai từng nói với tôi rằng cảm giác đau buồn cũng y hệt như sợ hãi.
C.S Lewis – A Grief Observed
Ngày tôi biết người đàn ông tôi yêu sẽ ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư quái ác, tôi đã làm hai thứ: một, tôi thỏa thuận với chính mình rằng sẽ không bao giờ để nhiều hơn một chai rượu trong nhà. Tôi biết rủi ro của việc bị tê liệt trong đau khổ và nó cũng chẳng đi đến đâu. Hai, tôi đi đến một cửa hàng văn phòng phẩm và mua lấy vài cuốn sổ viết journal thật đẹp.
Hành trình vượt qua đau khổ của tôi bắt đầu kể từ ngày khối u có kích thước bằng hạt đậu đằng sau tai chồng tôi được đặt tên: ung thư tế bào hắc tố (Metastatic melanoma). Qua hai năm, nó đã lan xuống phổi, sau đó là não của anh ấy, để rồi thứ cướp mất anh của tôi là một khối u não to bằng quả bóng chơi gôn.
4 tuần sau khi anh ấy qua đời, một chiếc hộp nhựa được bịt kín chứa 12 cuốn nhật ký là thứ đầu tiên mà tôi cầm lấy khi phải sơ tán ra khỏi nhà trước một cơn lốc khủng khiếp. 7 năm sau những sự kiện ấy, chiếc hộp nhựa, thứ mà đến bây giờ chứa hàng tá cuốn journal, vẫn là đồ vật đầu tiên tôi sẽ cầm lên mỗi khi có cảnh báo về cơn lốc sắp tới.
Tại sao? Đó là bởi vì những cuốn journal ấy chính là thứ đã cứu cuộc đời tôi ở thời điểm không có biện pháp trị liệu nào có thể giúp tôi cả. Đau khổ là một chuyến hành trình cô đơn kéo dài, và chúng là những người bạn thân thuộc, đáng tin cậy nhất của tôi trong quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời.
Đau khổ đến từ rất nhiều dạng. Ly hôn, bị bỏ rơi, một đứa trẻ mất ngay trong bụng mẹ, danh sách còn rất dài. Nhưng nếu biết cách tận dụng công cụ self-help rẻ nhất và “xưa” nhất này, chúng ta đều có thể vượt qua được những nỗi mất mát ấy.
Dưới đây là những gì mà journaling đã giúp tôi, và tôi tin nó cũng sẽ giúp bạn như vậy:
1. Journal là người bạn thân nhất của bạn khi bạn cô đơn trong đau khổ
Đau khổ biến tôi trở thành một kẻ nổi loạn đầy tuyệt vọng, khiến tôi như thể không thuộc về thế giới này. Tôi biết có rất nhiều người cũng đã từng có cảm giác như tôi, và bất cứ ai đã từng trải qua đau khổ đều sẽ hiểu, một trong những thứ không mấy mong chờ nhất khi đau khổ đó là nó khiến bạn cảm thấy cô đơn vô cùng. Chỉ những người mà đã từng đau khổ mới có thể đồng cảm với bạn.
Có thể, những người bạn yêu quý như gia đình, bạn bè sẽ mang đến cho bạn nhiều sự an ủi, nhưng họ có cuộc đời riêng của họ và không ai muốn nghe bạn kể đi kể lại câu chuyện buồn của bạn nhiều lần.
Thế nhưng, viết lách lại mang đến cho tôi sự thoải mái và an ủi ở những thời điểm chẳng có thứ gì có thể làm được. Nó không hề chán nản khi nghe tôi kể mãi về nỗi mất mát của mình, cũng sẵn sàng để tôi giãi bày mọi thứ, và chẳng bao giờ tỏ ra khó chịu cả. Vì sống khá xa và không dễ dàng tìm được một nhà trị liệu nên viết lách dần trở thành người bạn thân nhất của tôi và cũng là thứ đã cứu cuộc đời tôi mãi mãi. Mỗi lần viết vào những cuốn journal ấy, tôi sẵn sàng kể hết sự thật và luôn cảm thấy an toàn để diễn tả con người thật của mình một cách trần trụi nhất.
Những cuốn journal luôn ở đó, lắng nghe tôi kể cùng một câu chuyện hết lần này đến lần khác mà không phán xét, không chỉ trích cho tới khi vào một ngày, tôi sẵn sàng rời bỏ câu chuyện ấy để viết tiếp một câu chuyện khác, đầy tích cực.
2. Journaling cho phép tôi kể câu chuyện mà không ai muốn nghe
Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá chống đối lại đau khổ. Những người chẳng may bị mất mát thứ gì đó bị coi là những kẻ “lạc loài” vì thế giới quá bận rộn để chú tâm quá nhiều tới những chuyện như vậy. Chẳng khó khăn gì để nhận ra những lời nói an ủi đầy vô vị, cho có lệ. Khi bị mất người thân, tôi cũng mới nhận ra sự thờ ơ của mình trước đây mỗi khi nói chuyện với ai đó đang đau khổ.
Bao nhiêu lần những người bạn đầy thiện chí của bạn vì chẳng biết nói gì nên đành nói ra những lời an ủi bạn đầy nhạt nhẽo? “Cậu sẽ ổn thôi”, vài người nói, khi rõ ràng bạn sẽ chẳng bao giờ có thể cảm thấy ổn được nữa.
“Cậu sẽ ổn thôi”, chỉ tăng thêm sự tổn thương. Hiển nhiên tôi sẽ ổn. Tôi không chết, thậm chí khi như thể một phần trong tôi đã chết. Nhưng tôi cần mọi người thừa nhận nỗi đau của tôi, chứ không phải loại trừ nó. Thật sự, tôi vô cùng đau khổ, và đôi khi tôi chỉ cần họ ở bên cạnh mà chẳng cần nói gì. Nhưng chỉ có viết lách mới là thứ cho tôi kể hết câu chuyện của mình khi chẳng có ai muốn nghe nó cả.
Tôi muốn nói những thứ mà tôi không thể nói, những thứ mà thậm chí bác sĩ cũng đã không nói khi tôi vô cùng đặt niềm tin vào họ.
Chỉ với mấy trang journal, tôi mới cảm thấy an toàn và không sợ bị phán xét khi kể câu chuyện của mình với giọng văn đầy đau khổ. Chúng giúp tôi hiểu rõ những gì mình đang trải qua và dần dần bước ra khỏi đó.
3. Viết lách giúp tôi lưu giữ kỷ niệm ngay cả trong những thời gian khó nhất
Journaling là cách hiệu quả để lưu giữ những kỷ niệm về chồng tôi. Tôi ghi lại câu chuyện khi nó vừa mới bắt đầu. Phản ứng của anh trước mỗi đợt trị liệu phóng xạ. Những lời anh nói khi được chăm sóc bởi dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ (palliative care). Cách mà anh nhìn tôi trước và sau mỗi ca phẫu thuật. Lời anh thì thầm vào tai tôi, nắm lấy tay tôi khi sức khỏe anh giảm dần trong những ngày cuối đời.
4. Journaling giúp tôi sống lại sau mất mát
Nhiều năm liền sau khi chồng tôi mất, câu chuyện mà tôi kể về chính mình hầu hết tập trung vào những sự kiện khiến tôi không muốn tiếp tục sống. Vào thời điểm ấy, đó chính là con người tôi và tôi không muốn phủ nhận.
Viết về nỗi đau của chính mình cuối cùng cũng giúp tôi có được góc nhìn mới. Đọc những gì mình viết, tôi trở thành một nhân chứng khách quan và nhận thấy cách mà câu chuyện ấy diễn tiến cũng giống với một khuôn mẫu chung mà Joseph Campbell gọi là “hành trình của anh hùng”.
Ngày hôm nay tôi có thể kể lại câu chuyện của mình như một người đang tường thuật lại một sự cứu rỗi. Tôi nhảy bổ vào bóng tối của sự đau khổ và rồi thoát khỏi nó với sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn và nhận thức rõ hơn giá trị của cuộc sống. Đấy là câu chuyện tôi chia sẻ với tất cả những ai đang trải qua mất mát chấp nhận nỗi đau của chính họ như là cơ hội để “lột xác” hoàn toàn.
5. Journaling giúp tôi có đủ dũng cảm để bước vào hành trình viết sáng tạo, thứ mà đã hàn gắn tôi theo những cách đầy bất ngờ
Hai năm sau khi chồng tôi qua đời, vào sinh nhật thứ 50 của tôi, tôi dành cho bản thân mình một món quà, đó là khóa học viết sáng tạo (Creative Writing) kéo dài cả năm. Tôi lên kế hoạch viết câu chuyện của mình dưới dạng tự truyện. Nhưng gợi nhớ lại nỗi đau trong những trang journal cảm tưởng như tôi đang bóc lớp ngoài của vết sẹo. Nó vẫn còn đau buốt lắm.
Viết sáng tạo hoá ra cũng cực kỳ tự do. Tôi không còn phải viết câu chuyện về cuộc đời mình đã bùng nổ như thế nào nữa. Tôi tự do viết bất cứ thứ gì tôi muốn. Tôi có thể tạo ra những nhân vật với mái tóc màu đỏ và khuôn mặt đầy tàn nhang; tôi có thể tạo ra những vận động viên bơi lội hay phóng viên mặt trận. Nhưng sâu thẳm, cảm xúc mà tôi thổi hồn vào những nhân vật ấy là của riêng tôi mà thôi.
Bằng cách sắp xếp phần lõi câu chuyện đau khổ của mình thành một cốt truyện hoàn chỉnh, tôi có thể nhìn thấy bản thân mình đã tăng trưởng như thế nào sau khi trải qua mâu thuẫn và đau khổ. Tôi có thể hiểu được làm thế nào mà điều này lại trở thành cái cơ bản cho chuyến hành trình của nhân vật và cuối cùng có thể nhìn ra sự cứu rỗi và mường tượng ra kết thúc mới của câu chuyện.
Tôi không biết mình sẽ đối mặt với những mất mát này như thế nào nếu thiếu đi viết lách. Nó là thứ dẫn dắt tôi vượt qua đau khổ và chỉ cho tôi con đường để bước tiếp.
Nếu bạn cũng muốn khai thác lợi ích của journaling thì tôi có 5 mẹo nhỏ dành cho bạn:
1. Luôn mang theo cuốn journal bên cạnh bạn
Tôi nhận thấy có cuốn journal bên cạnh thật thoải mái. Nỗi buồn hay sự không thoải mái có thể đến với bạn bất cứ lúc nào và có nó ở bên nghĩa là bạn luôn có một người sẵn sàng để bạn chia sẻ.
2. Cứ viết thôi đừng suy nghĩ
Đa phần mỗi ngày tôi đều làm một việc đơn giản. Tôi viết tự do mà chẳng chỉnh sửa hay lo lắng về ngữ pháp. Tôi ghi lại những gì đã xảy ra một cách chi tiết và cảm thấy hữu ích khi đặt tên cho những cảm xúc lẫn phản ứng của mình.
Bằng cách ghi ra giấy mọi thứ, tôi thấy nỗi đau của mình được chia sẻ, cho dù nỗi đau ấy không biến mất. Nó giúp tôi nhận ra khuôn mẫu trong suy nghĩ của mình và tập trung vào những điều tích cực.
3. Viết ra danh sách những thứ bạn biết ơn
Một danh sách biết ơn là cách tuyệt vời để tập trung vào thứ tốt đẹp trong khoảng thời gian dường như bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc một lần nữa.
Bằng cách liệt kê ra những thứ mà tôi biết ơn, tôi có thể ngay tức khắc đảo ngược lại cảm xúc tiêu cực đang lấn át. Chúng khiến tôi bất ngờ và mang đến cho tôi góc nhìn tươi mới để nhận ra rằng tôi vẫn là một người may mắn.
4. Đặt thời gian để viết
Nếu bạn không có năng khiếu viết lách thì việc biến journaling trở thành một phần của thói quen hàng ngày và đặt thời gian để viết sẽ rất tốt. Bạn có thể bắt đầu với việc dành ra 5 phút mỗi sáng để viết tự do. Tôi nghĩ đây là bước khởi đầu lý tưởng.
5. Sử dụng những gợi ý viết lách
Các chuyên gia trị liệu về journal thường sử dụng những gợi ý hay đề tài viết lách (writing prompts). Cá nhân tôi thấy chúng khá hạn chế bởi vì tự viết ra hướng tôi tới câu chuyện cần được kể một cách tự nhiên. Nhưng khi bế tắc, việc dừng lại và sử dụng những gợi ý này rất hữu ích. Tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào khi dùng writing prompts để viết ra những bức thư cho chồng của mình dù rằng chẳng bao giờ gửi được chúng.
Dưới đây là vài lời gợi ý bạn có thể thử:
- Lần đầu tiên chúng tôi…
- Kỷ niệm hạnh phúc nhất của tôi là…
- Điều tốt đẹp hôm nay là…
- Điều tôi trân quý là…
- Ngày hôm nay nỗi đau của tôi như thể…
- Tôi thực sự cảm thấy…
- Điều tôi muốn nói là…
Thời gian đầu khi đối mặt với đau khổ, tôi không biết viết lách và trị liệu bằng journal được xem như là những phương thức để hàn gắn, được sử dụng rộng rãi bởi các nhà tâm lý và chuyên gia trị liệu, nhất là khi cần chữa trị cho các nạn nhân trải qua khủng hoảng trầm trọng.
Tôi luôn dùng viết lách cá nhân và hồi tưởng như là cách để giải nghĩa thế giới và nơi tôi đang ở. Đối mặt với căn bệnh diễn tiến ngày càng xấu của chồng mình, bản năng tôi vươn tới journaling để tiếp tục chống chọi với điều đang xảy ra. Bằng cách đặt tên những cảm xúc, tôi có thể giải nghĩa điều dường như không thể hiểu và tìm ra cách hàn gắn.
Ảnh đầu bài: Pixabay.
Thật ra thì cuốn nhật kí của em cũng đã là một dạng journaling rồi. Em cảm thấy mình có thể viết tất cả mọi thứ tào lao bí đao trên đời vào đó, miễn là nó xuất hiện trong đầu mình. Nhưng vì một vài thói quen như việc giữ lấy những suy nghĩ tiêu cực cho bản thân nên em vẫn thi thoảng không thể viết ra được tất cả suy nghĩ của mình.
Em đã từng gặp một người bạn, khi cô ấy cảm thấy buồn bã và chán nản, em đã nói rằng phải mạnh mẽ lên chứ. Thế rồi cô ấy bỏ đi. Em nhận ra rằng ngưỡng đau của mỗi người khác nhau, đồng thời không phải sự mất mát, nỗi đau nào cũng sẽ “ổn”, tốt nhất đừng nên nói mấy lời vô nghĩa nếu không hiểu họ. Dường như sự mất mát là điều gì đó mà mỗi người phải tự mình vượt qua, để thời gian giúp đỡ.
Giống như một nhân vật em từng đọc nói rằng, đau đớn giống như vết thương, không được bịt kín nó lại rồi bỏ đó bởi nó sẽ hư thối. Vết thương thì cần đến bác sĩ, uống thuốc, ăn kiêng cay độc, cần được giải tỏa. Kể cả không phải với ai đó thì tất cả những suy nghĩ bí bách của bản thân cũng cần được thể hiện ra trên trang giấy.
Đúng rồi. Không phải lúc nào nói ra một cái gì đó cũng sẽ giúp an ủi người khác. Đôi khi mình chỉ cần ngồi cạnh họ và chẳng nói gì cả. Khi họ khuây khỏa dần họ sẽ trở lại với mình. Mỗi người đều có một nỗi đau khác nhau và cần được thông cảm. Chị cảm ơn em nhé.
Đây là bài học rất ý nghĩa đó ạ :3