Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Manvotional: Your Education Doesn’t End on Graduation Day.
—
Ngày tốt nghiệp ra trường là điểm đánh dấu một bước ngoặt vô cùng lớn trong quãng thời gian tuổi trẻ của mỗi chúng ta. Kể từ khi bắt đầu đi học, xung quanh chúng ta ngập tràn sách vở và bài tập. Chúng ta theo đuổi việc học với một sự phấn đấu không mệt mỏi và học từ lớp này hết lớp khác cho đến khi vươn tới cột mốc cuối cùng trong đời học sinh. Chúng ta được bổ sung hàng loạt kiến thức về ngôn ngữ, số học, khoa học, văn học cho tới khi chúng ta vui vẻ giải phóng bản thân mình khỏi “cơn ác mộng” về bài tập ở trường và bước ra ngoài cuộc sống với đặc quyền của một công dân được hưởng quyền tự do.
Các bậc cha mẹ đầy vẻ tự hào và những học sinh được vinh danh cùng bàn tán về sự học đã kết thúc của họ vào ngày lễ tốt nghiệp trọng đại. Lại có những học sinh của ngày hôm qua trở thành những kẻ ăn không ngồi rồi đầy chữ nghĩa của ngày mai. Rồi ra trường, có chàng trai tìm được công việc họ thấy phù hợp, có cô gái lại chấp nhận sự nhàm chán của công việc nhà và quy tắc truyền thống của xã hội. Cả hai đều không học thêm gì nữa. Hiếm lúc nào trong quãng đời sau tốt nghiệp mà “những học sinh đã tốt nghiệp” quay trở lại với thói quen học tập của thời trẻ. Hiếm hơn nữa là việc họ tiếp tục học tập kể từ khi những lời chúc mừng từ các nhà diễn thuyết được tuôn ra trong ngày lễ tốt nghiệp. Dường như dành mười mấy năm vận dụng trí óc ở trường trở nên thừa thãi và chẳng ai còn sử dụng đến nó kể từ khi giã từ trường lớp.
Xu hướng này không hẳn là sai lầm hay nó buộc chúng ta phải nghi ngờ có điều gì đó không đúng đằng sau hệ thống giáo dục hiện tại. Tuy nhiên, rèn luyện đầu óc kể cả khi đã tốt nghiệp bây giờ đã trở thành một nhu cầu khẩn cấp. Và ý của tôi không chỉ dừng lại ở việc đọc tiểu thuyết, báo, tạp chí hay theo dõi tin tức hàng ngày. Những thứ này có thể hữu ích và phù hợp với một vài mục đích sử dụng, nhưng chúng có thể là những món ăn nghèo nàn để nuôi dưỡng đời sống trí tuệ của một người. Đấy là lý do khiến tiếp tục việc học sau khi ra trường là cần thiết. Nếu nghiên cứu sách vở mang nhiều lợi ích trước khi tốt nghiệp thì hoạt động này cũng sẽ có lợi sau khi tốt nghiệp. Nếu Kinh tế chính trị, Thực vật học và Lịch sử có tác động tích cực đối với phát triển tư duy, tâm trí và cuộc sống của một học sinh trong tuần này thì chúng cũng sẽ mang đến cùng những tác động như vậy cho chính học sinh đó dưới những điều kiện thay đổi của tháng tới, năm tới và các năm tháng tiếp theo. Nếu học lớp 12 là khoảng thời gian thú vị và say mê nhất của đời học sinh thì sự say mê đó chắc chắn sẽ không được lan tỏa sang những năm tháng học đại học sao? Nếu theo đuổi kiến thức khiến bạn bị hấp dẫn với nguồn cảm hứng xuất phát từ sự chỉ dạy của một người đàn ông đáng kính mà bạn tôn trọng và gọi họ cung kính là thầy giáo thì chẳng lẽ việc bạn được phép học bất cứ lúc nào bạn muốn và khám phá những vùng kiến thức giàu có hơn nữa là kém hấp dẫn hơn hay sao?
Ngày tốt nghiệp ra trường đơn giản chỉ là một đường tưởng tượng (imaginary line) mà chắc chắn nó không nên được xem như là một ranh giới. Nó chỉ nên là sự khởi đầu của quãng thời gian còn lại của một người dồn tâm huyết cho sự theo đuổi trí tuệ đầy niềm vui và sự hài lòng khác. Có thể bạn cho rằng việc ép buộc một người tiếp tục học trong 10 năm trong khi cậu ta có lý do chính đáng để gấp sách lại vào ngày tốt nghiệp và không bao giờ mở chúng lại một lần nữa là không chính đáng và không đủ sức thuyết phục. Nhưng nếu rất đáng để học tiếng Latin hay Hy Lạp ở trường thì nó cũng đáng để tiếp tục học sau khi bạn rời trường lớp. Nếu đáng để bắt đầu học lịch sử hay văn học thì cũng đáng để theo đuổi chúng trong những giờ bình thường của cuộc sống cho đến khi chúng ta trở nên thông thạo về kiến thức và sự thật mà chúng chứa đựng. Coi ngày tốt nghiệp thành một ngày “không thể đi xa hơn” của văn hóa chữ nghĩa và trí thức có lẽ là suy nghĩ chưa đúng đắn.
Một trong những kết quả quan trọng nhất của giáo dục đích thực đó là sự tích lũy những thói quen học tập đúng đắn. Trong số đó là thói quen hay mong muốn được đọc kéo theo nhu cầu được tiếp tục mở rộng quỹ kiến thức và tiếp nhận những góc nhìn mới đầy hấp dẫn của trí tuệ nhân loại. Ngoài ra, còn có một thói quen khác nữa đó là sự phản chiếu và đánh giá thông tin để hiểu sâu vấn đề và mở ra nhiều hướng tiếp cận mới. Khi những thói quen này được hình thành, việc học của chúng ta đúng ra mới chỉ bắt đầu vào ngày lễ tốt nghiệp – thời điểm mà chúng ta nắm trong tay các chìa khóa mở ra một ngôi nhà đầy “kho báu” kiến thức được dự trữ và tích lũy theo thời gian.
Nhưng phải nói rằng cuộc sống bận rộn khiến chúng ta chẳng còn thời gian để học và đọc nữa. Năng lượng của chúng ta cạn kiệt và thời gian bị dồn vào những trách nhiệm gia đình và công việc nặng nề. Chúng ta chẳng còn thời gian cho lý tưởng “học, học nữa, học mãi” (V.I. Lênin). Tuy nhiên, tôi chỉ muốn hướng bạn đến một trong những người vĩ đại nhất của thế giới để chỉ ra đấy chỉ là những suy nghĩ mang tính bào chữa. William Cullen Bryant nhiều năm liền làm biên tập ở New York Daily. Dù chịu áp lực trách nhiệm, nhưng ông vẫn cố gắng dành thời gian để làm thơ và dịch sử thi Iliad của Homer sang tiếng Anh – một bản dịch mà khó có thể có một bản dịch nào khác hoàn hảo hơn. Hay, ông Gladstone đã ba lần làm thủ tướng Anh, và dù “gánh” cả đất nước trên vai, ông vẫn là một trong những học giả Hy Lạp lỗi lạc nhất của thế giới, xuất bản rất nhiều những tập sách được viết với kỹ năng lão luyện. Mỗi người này đều “lãng phí thời gian” đủ để làm họ trở nên nổi tiếng.
Nửa giờ mỗi ngày được chắt chiu từ những khoảnh khắc lãng phí nhất trong cuộc đời bạn và sử dụng nó để làm bất cứ điều gì bạn yêu thích thì chỉ sau vài năm, bạn hoàn toàn có thể làm chủ thứ đó. Hãy dùng nửa giờ mà bạn chờ đợi cho bữa sáng và một giờ vào buổi tối để toàn tâm toàn ý cho mục tiêu rồi bạn sẽ kinh ngạc về sự tiến bộ mà bạn làm được trong vòng một tháng. Những gì bạn đạt được từ sự hiểu biết, chú tâm và cam kết sẽ học cả đời giống như một điều may mắn hay một món quà dành cho bạn. Chúng là thành quả được tích lũy dần dần.
Trí thông minh mở rộng, học sâu hơn, đọc nhiều hơn, suy nghĩ rõ ràng hơn nằm ở trong tầm tay những người có ý chí và sự kiên nhẫn để khai phá những cơ hội họ có và cống hiến thời gian rảnh cho việc đọc và học. Họ sẽ thành công ở nơi mà những người khác với cái đầu trống rỗng quẳng sách sang một bên vào ngày lễ tốt nghiệp đã thất bại. Do vậy, sự học đừng nên dừng lại vào ngày lễ tốt nghiệp mà nên được tiếp tục cả trong những năm tháng trưởng thành.
Ảnh đầu bài: Val Vesa