Chỉ còn 5 ngày nữa là bước sang năm mới 2020, mình cũng giống như hầu hết các bạn nè: vui mừng, hào hứng, hồi hộp, bồn chồn, lo lắng, rạo rực… Một mớ cảm xúc hỗn độn trước thềm năm mới vì một năm nữa bắt đầu nghĩa là mình sẽ “già đi” (về mặt tuổi tác nhé, chứ ngoại hình thì mình vẫn còn trẻ lắm, được chứng minh bởi rất nhiều người ), sẽ có nhiều thứ suy nghĩ hơn, nhưng chắc chắn một điều: sẽ còn học hỏi được nhiều hơn nữa.
Thế còn năm 2019 thì sao? Năm 2019 mình có rất nhiều thay đổi cả trong đời sống hàng ngày lẫn công việc và học tập. Bằng chứng là cuối năm 2018, mình – ở Việt Nam – ngồi cặm cụi viết bài này chia sẻ với các bạn về những khó khăn và thử thách của một blogger, thế mà giờ đây, cuối năm 2019 mình đã ở Úc, ngồi trước một chiếc bàn xinh xắn trong một căn phòng nhỏ, viết tặng bạn những gì mình đã đọc, nghe và học được trong một năm vừa qua. Thời gian trôi qua nhanh quá, và mọi thứ diễn ra thật bất ngờ không thể tin được. Đôi khi, mình vẫn nghĩ là mình đang mơ…
Thôi không vòng vo nữa. Mục đích của bài viết này là mình muốn chia sẻ cho bạn một phần lớn những gì mình đã trải nghiệm được trong năm 2019. Hy vọng chúng sẽ có ích cho bạn nhé.
Nào cùng bắt đầu thôi!
Những bài viết hay nhất mình đã đọc
Mình chỉ liệt kê ra các bài viết mà gắn liền hoặc có thể có ích với bạn nhất, còn các bài viết chuyên ngành thì mình không đưa vào đây vì có thể khiến bạn bị phân tán.
1. What to do when excitement fades
Nếu bạn cảm thấy như thể tất cả nguồn năng lượng dành cho một thứ bạn thích đã gần hết thì đừng cố gắng nạp thêm năng lượng cho nó (hoặc đừng cố gắng vắt kiệt bản thân và dồn sức cho nó để rồi một ngày, bạn cảm thấy như mình thở hổn hển tới mức gần như sắp bị phá hủy, nài nỉ sự đầu hàng). Bạn không thể khám phá mọi ngách của thứ đó và kỳ vọng rồi bạn sẽ nhìn thấy một chút gì đó “tươi sáng”. Kỳ vọng này không hề công bằng. Nó giống như việc bạn giải được một câu đố và rồi ngày hôm sau khi chơi lại trò chơi, bạn cảm thấy nhàm chán khi biết chẳng có bí mật nào hay ho được tiết lộ cả.
Đọc bản lược dịch tại đây: Sự nôi nổi nhạt dần.
2. No, you can’t make a person change
Bạn có thể truyền cảm hứng cho họ để thay đổi. Bạn có thể cho họ những hướng dẫn để thay đổi. Bạn có thể hỗ trợ họ trong những thay đổi của họ. Nhưng bạn không thể khiến họ thay đổi.
Đọc bản lược dịch tại đây: Bạn không thể thay đổi người khác.
3. Your lifestyle has already been designed
Chúng ta bị dẫn dắt vào một nền văn hóa khiến chúng ta mệt mỏi, thèm khát sự nuông chiều, sẵn sàng trả nhiều tiền cho sự tiện lợi và giải trí, và quan trọng nhất là không hài lòng một cách mơ hồ với cuộc sống của chúng ta để tiếp tục muốn những thứ chúng ta không có. Chúng ta mua rất nhiều vì dường như vẫn luôn có cảm giác còn thiếu một cái gì đó.
Đọc bản lược dịch tại đây: Lối sống của bạn đã được thiết kế sẵn rồi
4. Can you ever be ‘done’ with personal development?
Tôi thường nghe mọi người nói kiểu như thế này, “Bạn không cần đọc những cuốn sách phi hư cấu nữa đâu!” Họ cho rằng bằng cách nào đó họ “đã xong” việc phát triển bản thân rồi.
Đọc bản lược dịch tại đây: Phát triển bản thân – khi nào thì dừng lại?
5. How I knew it was time to leave my job
Năm tôi 26 tuổi, tôi bắt đầu làm việc ở vị trí một luật sư. Thời điểm đó, đây có vẻ là một lựa chọn nghề nghiệp thú vị. 3 năm sau, tôi kết hôn. Trong một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi có đứa con đầu lòng. Cuộc sống khá ngọt ngào.
[…]
Nhưng cả hai chúng tôi đều sợ thay đổi. Sợ mất đi một cấu trúc tuyệt vời mà chúng tôi đã cố gắng không mệt mỏi để xây dựng nên và một sự ổn định về tài chính mà chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ mới có được.
Đọc bản lược dịch tại đây: Làm thế nào tôi biết đã đến lúc mình nên nghỉ việc?
6. The power of doing nothing at All
Bằng cách đặt bản thân ra khỏi công việc và chẳng làm gì cả, bạn sẽ mang đến cho bộ não của bạn không gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Tâm trí của bạn sẽ có thời gian để nghĩ ra những ý tưởng mới và xử lý từng ý tưởng đã có.
Đọc bản lược dịch tại đây: Sức mạnh của việc dành thời gian không làm gì cả
7. This will never happen again
Cuộc sống về bản chất là bất định. Tuy nhiên, ngoại trừ một điều này:
Bất kể điều gì đang xảy ra bây giờ thì nó cũng sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa.
Hãy nghĩ về việc hôm nay bạn là ai và bạn đang ở trong hoàn cảnh như thế nào. Xem xét một cách tổng thể thì hoàn cảnh ấy thuộc hoàn toàn vào ngày hôm nay, chứ nó không phải là hôm qua hay một ngày nào đó chưa đến. Nơi bạn đang đứng hiện tại và thứ bạn đang phải đối mặt trong thời điểm này là của ngày hôm nay.
Đọc bản lược dịch tại đây: Điều này sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa
8. The four pillars of a fulfilling career
[…] giống như bạn và tôi đều biết; một nền tảng không ổn định sẽ không tồn tại lâu được. Nếu nền của một ngôi nhà cần 4 chiếc trụ thì bạn không thể nào xây dựng một ngôi nhà chỉ với hai trụ được.
Đọc bản lược dịch tại đây: 4 cột trụ của một sự nghiệp viên mãn
9. Go deeper, not wider
Triết lý dẫn đường ở đây là “Đi sâu hơn, chứ không phải rộng hơn.” Tìm kiếm giá trị và chất lượng thay vì mở rộng ra nhiều thứ. Bạn hướng tới lợi ích của những lựa chọn đã có sẵn ở trong nhà bạn, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và chúng ta có thể gọi đấy là một “Năm Sâu Sắc” (Depth Year) hay một “Năm Của Sự Đào Sâu” hay một thứ gì đó.
Đọc bản lược dịch tại đây: Đi sâu hơn, chứ không phải rộng hơn
10. The prime belief
Vào thế kỷ 19, một cậu bé đã được sinh ra trong một gia đình giàu có. Từ lúc lọt lòng, cậu đã mắc rất nhiều triệu chứng sức khỏe nghiêm trọng: mắt cậu có vấn đề khiến lúc bé, cậu không thể nhìn thấy mọi vật một thời gian dài; một rối loạn ở bụng khiến cậu phải ăn uống rất kiêng khem, và những cơn đau ở lưng hành hạ cậu suốt cả cuộc đời nữa.
Dù bố cậu không chấp thuận nhưng cậu vẫn khao khát được làm họa sĩ khi lớn lên. Cậu luyện vẽ rất nhiều nhưng năm này qua năm khác, mọi nỗ lực đều công cốc. Trong khi đó, anh trai của cậu lại trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới.
Đọc bản lược dịch tại đây: Niềm tin cơ bản
11. When success brings you loneliness
Bố của tôi thường nói với mọi người rằng, nếu được cho chọn giữa đọc một cuốn sách hoặc chạy một dặm thì tôi, con gái lớn nhất của ông, sẽ chọn làm cả hai.
Ông không sai. Tôi là người luôn bị ám ảnh với việc phải đạt được mọi thứ vượt quá mong đợi một cách thái quá. Khi còn nhỏ, tôi viết nguệch ngoạc vào một mảnh giấy “những mục tiêu trong đời”. Tôi thường đánh bại mọi thử thách tìm kiếm nguồn tài chính cho trường tiểu học. Lớn lên, tôi vẫn làm việc ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh viện trước giờ sinh đứa thứ 4 với mong muốn vượt qua mục tiêu thu nhập mà tôi đã đặt ra cho bản thân mình cả năm.
Đọc bản lược dịch tại đây: Khi thành công làm bạn cô đơn
12. Maybe you don’t have a problem
Chúng ta có thể nhanh chóng coi bản thân mình là vấn đề và chỉ chúng ta tự khiến bản thân mình thành một vấn đề. Thật dễ dàng để chấp nhận quan điểm chúng ta đang không biết một thông tin bí mật nào đó hơn là việc đối diện với sự thật rằng chúng ta không bao giờ kiên trì theo đuổi cách tiếp cận đơn giản nhất và rõ ràng nhất.
Đọc bản lược dịch tại đây: Có lẽ vấn đề không phải nằm ở bạn
13. Here’s my secret weapon: I read
Chỉ có duy nhất một thứ, một thứ liên tục khiến tôi tin rằng sẽ giúp tôi tiến gần hơn với những mục tiêu của mình và kiên định với những gì đang làm. Nó không hề liên quan đến việc tôi phải “tiến gần hơn với vũ trụ” hay thu hút mọi thứ với nguồn năng lượng tích cực.
Thứ mà tôi đang muốn nhắc đến – “vũ khí” bí mật của tôi đó là đọc.
Đọc bản lược dịch tại đây: Vũ khí bí mật của tôi: Đọc!
14. We’ve reached peak wellness. Most of it is nonsense
Trạng thái khỏe mạnh (wellness) đạt được khi bạn nuôi dưỡng 6 khía cạnh này của sức khỏe: thể chất, cảm xúc, ý thức, xã hội, tinh thần, và môi trường. Bạn không cần phải dùng thuốc hay một biện pháp trị liệu nào để thực hiện việc nuôi dưỡng. Đơn giản là rèn luyện những thói quen cơ bản hàng ngày, một cách đều đặn.
Đọc bài viết tại đây: We’ve Reached Peak Wellness. Most of It Is Nonsense
15. How to master your fear like a Navy SEAL
Khi đối diện với tình huống khó khăn hay nguy hiểm, chúng ta thường tập trung vào bản thân sự việc, điều mà khiến chúng ta càng thêm sợ hãi. Thay vì như vậy, chúng ta nên nhận thức tình huống và thay đổi suy nghĩ theo một hướng khác. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ được một thủ thuật hiệu quả mà các đặc vụ hải quân Mỹ SEAL sử dụng để kiểm soát nỗi sợ.
Đọc bài viết tại đây: How to Master Your Fear Like a Navy SEAL
16. The man who tried to redeem the world with logic
Sinh ra trong một gia đình khó khăn nhưng Walter Pitts đã vượt lên tất cả, tự học tiếng Hy Lạp, La tinh, logic, và toán học; trốn vào thư viện để đọc sách; vượt qua cả những lời quở mắng phải nghỉ học để đi làm của bố… Sau này, Walter Pitts đã trở thành một nhà logic học về khoa học thần kinh máy tính vô cùng nổi tiếng, đến nỗi McCulloch phải khen ngợi ông rằng “Ông là người “ăn tạp” nhất trong các nhà khoa học và học giả. Ông đã trở thành một nhà hóa học về thuốc nhuộm xuất sắc, một nhà nghiên cứu về động vật có vú giỏi, ông hiểu biết về các cây cói, nấm và các loài chim ở New England. Ông đọc về phẫu thuật thần kinh và sinh lý thần kinh từ các nguồn tư liệu được viết bằng tiếng Hy Lạp, Latinh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Đức, vì ông có thể học bất cứ ngôn ngữ nào ông cần ngay khi ông cần. Ông cũng tự học về lý thuyết mạch điện, hàn điện, ánh sáng, mạch vô tuyến. Trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ gặp một người nào yêu bác hay thực tế như vậy.”
Đọc bài viết tại đây: The Man Who Tried to Redeem the World with Logic
17. How to be successful
Một trong những bài học mạnh mẽ nhất là bạn có thể tìm ra điều phải làm trong những tình huống dường như không có giải pháp. Càng làm điều này nhiều lần, bạn sẽ càng tin nó. Sự gan góc đến từ việc hiểu rằng bạn có thể đứng dậy kể cả khi đã bị đánh gục.
Đọc bài viết tại đây: How To Be Successful
18. When you don’t feel like it, You often produce your greatest work
Tim Denning sẽ giúp bạn nhận ra được cơ hội tuyệt vời trong những lúc bạn không cảm thấy muốn làm việc. “Điều mà tôi nhận ra đó là những sản phẩm tuyệt vời nhất của chúng ta thường đến từ việc không có bất cứ mong đợi nào về kết quả.”
Đọc bài viết tại đây: When You Don’t Feel Like It, You Often Produce Your Greatest Work
19. How tech is ruining our quality of life—and what we can do about it
Sự phát triển của công nghệ mở ra nhiều cơ hội việc làm, nhưng cũng đồng thời kéo theo nhiều rủi ro và sự phá hủy, đặc biệt với cuộc sống con người. Jay Vidyarthi sẽ giúp bạn hiểu các rủi ro này nghiêm trọng tới mức nào và chúng ta cần làm gì để đặt mọi thứ trong kiểm soát.
Đọc bài viết tại đây: How Tech Is Ruining Our Quality of Life—and What We Can Do About It
20. The attention diet
Nền kinh tế chú ý khiến chúng ta trở nên yếu mềm và lười biếng về mặt tinh thần. Chúng ta dễ bị phân tán, giảm sự chú ý và bị cuốn theo những cám dỗ trên Internet. Chúng ta lười vận động, thích ngồi một chỗ, trở nên quá nhạy cảm với những thứ xung quanh, dễ bị ám ảnh bởi những hình ảnh, bộ phim, video khác xa ngoài đời thực. Bài viết này đưa ra nhiều quan điểm thú vị và rất đáng suy ngẫm.
Đọc bài viết tại đây: The attention diet
21. Dear School, Eff Your ‘F’
Một góc nhìn thực tế về các chương trình học ở trường, chỉ tập trung vào các bài kiểm tra và điểm số mà không gắn liền với thực tế. “Không có học qua thực hành – không cùng nhau nghĩ về các ý tưởng, ứng dụng, thất bại và thử lại. Bình thường các dự án sẽ được gửi về nhà. Nếu bố mẹ có thời gian và tiền bạc thì họ sẽ làm các dự án cho học sinh, nên học sinh sẽ nhận được điểm A. Những ai mà gia đình không có điều kiện như vậy thì phải tự làm một mình với những gì có sẵn.”
Đọc bài viết tại đây: Dear School, Eff Your ‘F’
22. What is chasing you?
Tất cả chúng ta đều bị đeo bám bởi một thứ gì đó và điều này là quy luật tự nhiên. Thời gian đeo bám bạn. Sự giận dữ, thành công, thất bại, nỗi ám ảnh phải đạt được một thành tựu… tất cả đều đeo bám bạn. Và nhiệm vụ của bạn là phải vượt qua chúng.
Đọc bài viết tại đây: What is Chasing You?
23. Avoiding stupidity is easier than seeking brilliance
Chúng ta thường tập trung vào việc làm thế nào để trở nên thật xuất sắc, nhưng thực tế là rất nhiều những vĩ nhân đạt được vị trí của họ chỉ bằng cách cố gắng tránh các sai lầm. Là một kẻ nghiệp dư, tránh các sai lầm có lẽ là chiến lược tốt hơn, thay vì cứ nỗ lực để trở nên thật giỏi. Sự thật là đa phần chúng ta đều nghiệp dư.
Đọc bài viết tại đây: Avoiding Stupidity is Easier than Seeking Brilliance
Những cuốn sách mình yêu thích nhất năm 2019
Năm 2019, mình không đọc được nhiều sách (một trong những thất bại của năm ), nhưng những cuốn mình đọc mình đều rất thích. Dưới đây là 5 trong số các cuốn mình đã đọc nhé. Tương tự, mình chỉ chia sẻ các cuốn có ích với bạn, còn những cuốn liên quan đến công việc mình làm thì mình không liệt kê ở đây.
1. Khiêu vũ với ngòi bút
Khiêu vũ với ngòi bút là cuốn sách hướng dẫn kinh điển và không thể thiếu với bất cứ những ai yêu thích viết copywriting và muốn theo đuổi nó. Không chỉ copywriting, nếu bạn đang viết content writing, viết báo, hoặc nói chung miễn là viết thì cuốn sách cũng là kim chỉ nam giúp bạn có những hướng dẫn hữu ích để kiên định với thứ mình đang muốn theo đuổi. Câu mình thích nhất đó là “Nhưng điểm xuất phát tốt nhất, không còn nghi ngờ gì nữa là hãy bắt đầu. Hãy lấy một tờ giấy và một cái bút rồi bắt đầu. Hãy làm điều này trong một khoảng thời gian dài và tôi bảo đảm bảo mỗi năm bạn sẽ càng thêm giỏi hơn.”
Đọc ghi chú của mình về cuốn sách tại đây: Những ghi chú về cuốn sách “Khiêu vũ với ngòi bút”
2. The Love Dare
Cuốn sách này giúp bạn cởi mở bản thân mình, có góc nhìn sâu hơn về ý nghĩa thực sự của tình yêu và yêu thương đích thực là gì. Nó vượt lên trên mọi đố kỵ, ghen ghét, chủ nghĩa cá nhân. Nó tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất ở người đối diện. Nó ca ngợi sự tử tế, kiên nhẫn, chịu đựng, phục vụ, khích lệ, trân trọng. Nó là vô điều kiện và đã yêu là yêu, chứ không đi kèm với bất cứ một từ “bởi vì” nào khác. Tình yêu đích thực là vô tận và niềm vui vô bờ bến chứ không thay đổi vì bất cứ lý do gì.
Đọc ghi chú của mình về cuốn sách tại đây: The Love Dare – 40 ngày thử thách tình yêu
3. Show Your Work
Nghệ thuật PR bản thân là một cuốn sách truyền cảm hứng với những góc nhìn tích cực, lành mạnh và thiết thực – mình khuyến khích các bạn nếu có thời gian hãy đọc nhé. Những câu mình thích nhất đó là:
- Những thứ nhỏ bé, theo thời gian, có thể trở nên lớn dần lên.
- Nếu bạn nhận được, bạn phải cho đi. Nếu bạn muốn được chú ý thì bạn phải chú ý.
- Càng nhiều người để ý tới công việc của bạn thì càng nhiều những chỉ trích mà bạn sẽ đối mặt.
- Đừng nghĩ về nó như một sự bắt đầu lại. Hãy nghĩ về nó như sự bắt đầu một lần nữa. Hãy tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ để học và khi bạn tìm thấy nó, hãy dồn hết sức để học hỏi nó với tâm thế cởi mở. Hãy ghi chép quá trình của bạn và chia sẻ đường đi của bạn nên những người khác có thể học cùng bạn. Hãy cho người khác biết việc bạn làm, và khi những người phù hợp xuất hiện, hãy chú ý nhiều tới họ, bởi vì họ sẽ có nhiều thứ để cho bạn biết.
Đọc ghi chú của mình về cuốn sách tại đây: Những ghi chú về cuốn sách Show Your Work: hãy là ‘kẻ nghiệp dư”
4. Love and Respect
Love and Respect là cuốn sách “phải đọc” dành cho bất cứ cặp đôi nào, bất kể đã là vợ chồng hay đang yêu nhau. “Điều mà chúng ta đã bỏ qua đó là nhu cầu của người đàn ông cần được tôn trọng. Cuốn sách này là về cách mà người vợ có thể thỏa mãn nhu cầu của cô ấy là được yêu thương bằng cách dành cho người chồng của cô thứ anh ta cần – sự tôn trọng”. Trong vài trang sau đó, ông còn quả quyết, “Bản năng của những người chồng là cần được tôn trọng, và mong đợi sự tôn trọng. Nhiều người vợ không làm được điều này. Kết quả là cứ 10 cặp vợ chồng thì có đến 5 cặp là phải ra tòa ly dị”.
Đọc ghi chú của mình về cuốn sách tại đây: Vì sao đàn ông cần sự tôn trọng và phụ nữ cần tình yêu
5. Everybody Writes
Cuốn sách này chưa có bản dịch tiếng Việt, nhưng bản tiếng Anh rất dễ đọc nên chắc chắn sẽ không làm khó bạn đâu. Mình rất thích Everybody Writes vì nó truyền cảm hứng cho mình cứ tiếp tục viết vì “tất cả mọi người đều viết”, dưới rất nhiều hình thức. Một trong những ý mình thích đó là “Đừng viết nhiều. Hãy viết thường xuyên. Dành 5 tiếng vào ngày thứ 7 để viết không giá trị bằng việc mỗi ngày dành 30 phút để viết, đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu viết lách.”
Đọc ghi chú của mình về cuốn sách tại đây: Everyboday Writes
Những câu chuyện truyền cảm hứng mình đã được nghe
Đây đều là những câu chuyện có thật mà mình đã được nghe trực tiếp. Chúng có ảnh hưởng rất lớn tới mình và là nguồn khích lệ lớn cho những gì mình đang làm.
1. Câu chuyện của thầy giáo
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi học lên tiến sĩ và có đi làm ở một công ty rất lớn. Tôi chỉ làm theo ca vì vừa đi học vừa đi làm. Công ty tôi có cấu trúc như thế này, theo thứ tự cấp cao nhất đến nhân viên:
- CEO (giám đốc điều hành) / CFO (giám đốc tài chính) / COO (giám đốc hoạt động)
- General Manager (GM – có nhiều GM vì có nhiều mảng)
- Region Manager (RM – tương tự, cũng có nhiều RM)
- Assistant Manager (AM – tương tự, cũng có nhiều AM)
- Nhân viên. Có nhiều vị trí, và tôi là Carrier (nôm na là mang vác, làm tất cả mọi thứ liên quan)
Tôi làm ở vị trí thấp nhất và nằm dưới sự kiểm soát của AM. Tôi chỉ biết tên của người này và chưa bao giờ biết đến các AM ở bộ phận khác, chứ chưa nói đến những người ở các vị trí cấp cao hơn (từ số 3 ở trên).
Tôi làm việc rất chăm chỉ vì tôi cần tiền để đi học. Công việc có thu nhập cũng ổn nên tôi cố gắng. Vào ngày lễ, ngày nghỉ, mọi người thường nghỉ làm nên đôi khi, quản lý tôi không biết sắp xếp ai để làm trong những ngày đó. Những lúc như vậy, tôi luôn xung phong nhận hết, kể cả khi phải làm liên tục mấy ngày trong khi các đồng nghiệp khác thì về với gia đình của họ. Tôi đi làm trong sự vui vẻ.
Một lần, một vị General Manager bất ngờ đến thăm cơ sở của chúng tôi. Chưa bao giờ xảy ra chuyện này và họ đến một cách ngẫu nhiên, ngoài dự kiến. Lúc tôi đang làm, bà ấy tiến lại gần tôi và hỏi tôi tại sao tôi thích làm Carrier. Tôi trả lời “Đơn giản vì tôi cần tiền và nó cho tôi thu nhập tốt. Tôi đã hoàn thành xong bằng cử nhân, thạc sĩ, rất nhiều chứng chỉ về nhân sự, giờ tôi đang học tiến sĩ và tôi cần tiền”.
Bà ấy ngạc nhiên hỏi “Đáng lẽ anh nên làm ở vị trí khác chứ, sao lại đi làm công việc này trong khi anh có thể làm tốt hơn?” Tôi cười, bảo “Như tôi đã nói, tôi cần tiền để đi học”.
Bà ấy tiếp tục “Anh có muốn làm ở vị trí cao hơn không?”. Nghe xong câu này, tôi cười thầm nghĩ trong đầu, “Tôi chưa bao giờ gặp người này, cũng chẳng biết họ là Manager ở bộ phận nào, họ hỏi thế chắc đùa thôi.” Nghĩ vậy nên tôi trả lời, “Không đâu.”
Trước lúc rời khỏi cơ sở, bà ấy bảo với tôi rằng “Đất nước này thật may mắn nhưng cũng thật đáng xấu hổ khi không đặt bạn ở đúng vị trí bạn nên làm.”
Hai tuần sau đó, vào giữa trưa tôi nhận được một cuộc gọi từ CFO, tôi còn nhớ ông ấy tên là Max: “1h chiều nay anh có thể qua văn phòng công ty gặp tôi được không?” Khi bạn làm ở vị trí thấp nhất công ty và đột nhiên một ngày người đứng đầu cả công ty gọi điện cho bạn thì bạn sẽ nghĩ gì rồi đấy. Lúc ấy, tôi tự hỏi bản thân “Tôi đã làm gì sai khiến cho đích thân CFO phải gọi điện?”, rồi tôi định thần lại và nghĩ rằng nếu tôi có làm gì sai thì người quản lý trực tiếp của tôi sẽ phạt, chứ k phải là CFO.
Tôi trả lời, “Nhưng tôi phải hoàn thành ca của mình. Nay tôi làm ca đến 1h chiều”. Max nói, “Anh bảo với quản lý của anh là tôi gọi anh đến văn phòng gặp tôi, bảo tìm người khác thay anh làm tiếp ca đó.” Tôi cười trong bụng bởi vì tôi nghĩ lấy quyền đâu mà tôi bảo với quản lý trực tiếp của mình làm như vậy, tôi chỉ là nhân viên quèn mà. Nhưng tôi vẫn trả lời CFO, “Vâng.”
Tôi đến gặp người quản lý trực tiếp của tôi và nói nguyên văn những gì CFO đã nói. Chắc chắn là sẽ có người thay tôi rồi bởi vì tôi đã nhắc đến tên của CFO mà.
Đúng 1 giờ chiều tôi đến văn phòng của công ty. Lúc bước vào cửa, tôi bất ngờ khi nhìn thấy cả 3 vị CEO, CFO, và COO đang chờ sẵn mình. CEO bảo “Công ty đang cần tìm người cho vị trí General Manager, anh có muốn làm vị trí đó không?”. Tôi quá ngạc nhiên vì bạn biết đấy, tôi vừa từ nơi thấp nhất cái công ty này đến văn phòng hoành tráng này và bỗng nhiên được tiến cử lên một vị trí mà tôi còn chẳng biết nó là cái gì.
Tôi trả lời “Gì cơ? Ông có đang đùa tôi không?” CEO đáp, “Tôi không đùa. Chúng tôi đã tìm hiểu về kiến thức, bằng cấp, kinh nghiệm và thái độ làm việc của anh. Chúng tôi biết anh rất phù hợp với vị trí này.” Tôi hỏi, “Thế nếu tôi nhận thì bao giờ tôi đi làm?”, “Văn phòng của anh đối diện phòng họp này, anh có thể bắt đầu ngay chiều nay.” Và thế là tôi từ chỗ buổi sáng đang bưng vác ở cơ sở tồi tàn đến buổi chiều trở thành General Manager chỉ trong tích tắc vậy đấy, không cần hợp đồng, không cần phỏng vấn, không cần bất cứ giấy tờ nào cả.
Bạn có biết rằng bao nhiêu người làm ở vị trí Region Manager đã nỗ lực từng ngay với mong muốn được thăng tiến lên vị trí General Manager đó không? Khi ngày đầu tiên tôi làm việc, họ vô cùng bất ngờ vì chính tôi đã “cướp” vị trí đấy của họ và họ còn chẳng biết tôi từ đâu tới, chứ chưa nói đến việc tôi đã làm cho công ty này một thời gian rồi. Thế đấy.”
Kể xong thầy cười.
Sự chăm chỉ, làm việc trong hăng say, một cách trung thực, chân thành, cộng thêm những nỗ lực trong học tập đã giúp thầy đạt được ước mơ theo cách không tưởng. Với mình, ngày hôm ấy đi học thật ý nghĩa biết bao. Đằng sau mỗi một giảng viên là vô vàn những trải nghiệm thú vị trên xứ sở Kăng-gu-ru mà mình vô cùng, vô cùng muốn được nghe và học hỏi.
2. Câu chuyện về thái độ
Vài năm trước trong lớp thầy dạy có một cô sinh viên Việt Nam học rất giỏi, chăm chỉ, năng động. Chị học ngành về nhân sự (Human Resources). Sau khi ra trường một thời gian, có lần thầy gặp lại chị, thầy hỏi “em đang làm gì?”. Chị ấy bảo “em đang là Leader của một team phụ trách mảng tài chính của một công ty rất lớn ở Úc”.
Thầy ngạc nhiên hỏi “em học HR, không có kiến thức về tài chính, làm sao xin được công việc đó?”. Chị trả lời rằng trong buổi phỏng vấn, chị thành thật chia sẻ chị không có kinh nghiệm hay kiến thức chuyên sâu về tài chính, nhưng chị sẵn sàng học hỏi, không ngại bất cứ áp lực hay thử thách nào. Và chính thái độ đó đã giúp chị có được lời mời vào làm việc.
“Thế bây giờ em thế nào rồi? Công việc tốt chứ?”
“Mọi thứ đều ổn thầy ạ. Em có khả năng lãnh đạo, còn kiến thức về ngành em học hỏi từ các bạn trong team và bây giờ công việc của em rất tốt.”
Thầy giáo mình chia sẻ 75% mọi thứ là bản thân mỗi người phải tự học, 20% học từ bạn bè/đồng nghiệp, 20% học từ môi trường xung quanh, những gì mắt thấy tai nghe, 5% là học từ trường lớp. Thái độ không phải là yếu tố quyết định trong mọi trường hợp, nhưng đôi khi nó lại là yếu tố đủ để giúp bạn có được cái bạn muốn.
3. Câu chuyện về tiếng Anh
Thầy giáo mình là người Madagascar. Thầy sang Úc từ năm 2008, đến bây giờ đã được 11 năm. Giọng của thầy khi nói tiếng Anh khá giống giọng Anh – Ấn. Thầy kể, hồi xưa mới sang Úc, tiếng Anh của thầy rất tệ, nhưng bằng cách nào đó, rất may mắn thầy có được tấm vé sang Úc để học. Những ngày đầu đi học, thầy rất căng thẳng. Thầy chỉ ngồi cuối lớp, lắng nghe bài giảng nhưng không hiểu giảng viên nói gì vì giọng cô nói tiếng Anh rất khó nghe. Thầy vô cùng áp lực và sau mấy ngày, thầy quyết định bảo vợ có lẽ phải về nước vì thầy nghĩ mình không thể tiếp tục học được. Nhưng vợ thầy bảo không thể quay về, chỉ có thể ở lại.
Hôm sau thầy đến gặp trưởng bộ phận học tập và nói rõ với họ vấn đề của thầy rằng thầy không hiểu bài vì trở ngại ngôn ngữ. Họ đề nghị thầy xuống Trung tâm học thuật của trường và yêu cầu sự giúp đỡ. Thật may mắn, có một cô giáo hiểu những gì thầy đang trải qua nên đề nghị sẽ hỗ trợ thầy trong quá trình học. Cứ hôm nào kết thúc học ở lớp, thầy sẽ xuống gặp cô, cô sẽ giải nghĩa cho thầy những chỗ không hiểu, xem lại bài viết của thầy, giúp thầy sửa lỗi ngữ pháp, câu từ… Liên tục trong vòng 3 tháng, thầy cứ lặp đi lặp lại như vậy và thầy kiên trì, vì thầy biết nỗ lực sẽ mang đến thành quả.
Bạn biết đấy, giờ thầy đang là phó giáo sư ở trường, giảng dạy ở rất nhiều trường đại học lớn ở Úc, và thầy chuyên về lĩnh vực mà ngày xưa chính những ngày đầu đi học, cô giáo giảng về nó thầy không hiểu: Human Resource (Nhân sự).
Hôm trước, thầy kể năm ngoái tôi có dạy một lớp sinh viên tài năng ở đại học Sydney. Sinh viên trong lớp đều là những người xuất sắc vì điểm số của họ phải rất cao thì mới vào được lớp này. Sinh viên nào cũng xinh trai, đẹp gái, tài giỏi, người bản địa (gốc Úc) và đặc biệt, cách họ nói chuyện cũng thật “khác thường”. Thầy bảo thầy không hiểu đến 80% những gì họ nói lúc tán gẫu với nhau vì lúc nói chuyện ngoài giờ, họ toàn dùng tiếng lóng. Thầy không phải người bản địa nên thật khó khăn để hiểu. Thầy bảo “nhưng tôi không quan tâm. Tôi coi sự khác biệt đó là điều bình thường”. Rồi sao bạn biết không? Tất cả sinh viên đó đều viết feedback tích cực về thầy, họ đều yêu thích những gì thầy giảng và cách thầy giảng bài.
Ngôn ngữ có thực sự là trở ngại không? Có lẽ cái gì là “chất” của mình, cái gì là “thực” và niềm đam mê mới là điều khác biệt.
Những bài học ý nghĩa nhất mình rút ra được trong năm 2019
Nhiều lắm, nhưng mình sẽ chỉ liệt kê một số bài học mình tâm đắc nhất nhé:
1. Tình yêu có sức mạnh thay đổi hầu hết mọi thứ
Nếu bạn luôn nhìn mọi thứ qua lăng kính yêu thương thì bạn sẽ thấy cuộc sống khác đi rất nhiều. Mềm mỏng hơn, nhẹ nhàng hơn, dễ tha thứ hơn, dễ chịu hơn và thoải mái hơn. Trong Kinh Thánh có những câu như thế này: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Tình yêu thương không bao giờ suy tàn.” – 1 Corinthians 13: 4-8.
2. Kiên trì theo đuổi thứ bạn muốn làm
Nếu mỗi ngày qua đi, bạn luôn cảm nhận được sự thôi thúc trong lòng rằng bạn cần tiếp tục làm điều gì đó thì hãy cứ theo đuổi. Chỉ có bạn mới biết mình muốn làm điều gì. Chỉ có bạn mới cảm nhận được sự nhiệt huyết, năng lượng và niềm đam mê đối với nó đang tan chảy mỗi ngày trong từng tế bào trên cơ thể bạn. Nếu bạn biết bạn được sinh ra để làm nó thì hãy cứ làm đi, đừng để ai ngăn cản bạn. Đừng để ai bảo bạn rằng “Bạn không làm được đâu.” Thà làm mà thất bại còn hơn là không làm để rồi hối tiếc. If you know what you’re meant to be and it’s who you are, just do it!
3. Điều quan trọng là hãy bắt đầu
Dám nhấc chân lên cho bước đi đầu tiên chính là một khởi đầu đầy tốt đẹp. Nó nói lên rằng bạn đã sẵn sàng và bạn can đảm để thực hiện ước mơ mà bạn hằng mong ước. Thế nên, hãy bắt đầu, ngay hôm nay, ngay giây phút này, ngay tại nơi bạn đang đứng.
4. Dũng cảm lên, đừng sợ hãi
Dũng cảm là khi bạn sẵn sàng nhấc bước chân đầu tiên để thực hiện điều mà bạn hằng ấp ủ.
Dũng cảm là khi bạn tin vào tình yêu và sự thật ngay cả khi ngay lúc này, bạn không hề cảm nhận được điều đó.
Dũng cảm là khi trái tim và tâm hồn bạn nỗ lực vượt qua thử thách dẫu rằng nước mắt bạn đang lăn dài trên má.
Dũng cảm là khi bạn dám dấn thân và bước đi theo con đường bạn đã chọn ngay cả khi những tiếng nói xung quanh ngăn cản bạn.
Dũng cảm là khi bạn sẵn sàng kêu gọi sự hỗ trợ và giúp đỡ dù rằng trước kia, chưa bao giờ bạn thực hiện chúng.
Dũng cảm là khi bạn quyết tâm theo đuổi niềm tin của mình ngay cả khi niềm tin của bạn làm phật lòng rất nhiều người.
Dũng cảm là khi bạn dám bước ra vùng an toàn của mình để đến với thế giới ngoài kia – một thế giới đầy rẫy những điều thú vị, tuyệt vời.
Dũng cảm là khi bạn tiến gần người bạn muốn nói chuyện từ lâu và nói rằng bạn rất yêu quý họ.
Dũng cảm là khi bạn nói “cám ơn” vì ai đó đã khích lệ bạn và “xin lỗi” khi hành động bạn làm khiến người khác bị tổn thương.
Dũng cảm là khi sau mỗi lần thất bại, bạn đều vui mừng trước những bài học đã rút ra và mỉm cười nói với bản thân rằng “sẽ cố một lần nữa”.
Ngày hôm nay, bạn sẽ dũng cảm.
Một năm 2019 đáng nhớ đúng không bạn? Biết bao nhiêu cuộc chiến đấu mà bạn và mình đã cố gắng vượt qua, đánh bại chúng để cuối năm nhìn lại với nụ cười thật tươi rằng “mình đã làm được”. Hãy là một chiến binh trên chuyến hành trình cuộc đời của riêng bạn và càng luyện tập, bạn sẽ càng sớm trở thành một chiến binh kiên cường. Đừng bao giờ mất hy vọng về một tương lai mà bạn đang nghĩ đến trong đầu. Nó sẽ thành hiện thực khi bạn sẵn sàng bước đi để đạt được nó.
5. Mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu
Bài học này mình học được từ bộ phim Anne with an E. Anne trong bộ phim sở hữu một trái tim và một tâm hồn đẹp như dòng suối tươi mát vậy. Giàu trí tưởng tượng, vô cùng phong phú, hồn nhiên, say đắm với cuộc sống, không ngại thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình, không ngại thể hiện sự khác biệt, dù có lúc không thể kìm nén khiến nước mắt chảy ra nhưng sau cùng, niềm lạc quan trong Anne vẫn chiến thắng tất cả.
Câu trích dẫn mình thích nhất từ bộ phim, từ Anne đó là “Isn’t it amazing how everyday can be an adventure?” (tạm dịch: Không phải tuyệt vời lắm sao khi mỗi ngày đều có thể là một cuộc phiêu lưu?) Đúng vậy, nếu chúng ta coi mỗi ngày là một chuyến phiêu lưu, một cuộc thám hiểm cho những gì chúng ta đang và muốn làm thì mỗi ngày đều là một điều bất ngờ.
Bạn cứ tưởng tượng xem: mở mắt thức dậy và nghĩ ngày hôm nay mình sẽ có thêm khoảng 18 tiếng đồng hồ (trừ đi 6 tiếng bạn đã ngủ) để thực hiện điều bạn muốn làm. Bạn có thể hoàn thành xong một bài viết, kết thúc một dự án, gặp gỡ một người bạn, đi tới nơi bạn chưa hề đến bao giờ, làm được một món ăn ngon, nhâm nhi ly cafe bên những trang sách đọc dở, dạo chơi ngoài công viên, chăm sóc khu vườn… bao nhiêu thứ bạn có thể thực hiện được trong ngày và bao nhiêu thứ có thể bạn sẽ được trải nghiệm chỉ trong một ngày? Thật hào hứng đúng không bạn? Nghĩ thôi mà mình cũng thấy tưng bừng trong người.
Đúng rồi bạn ơi, mỗi ngày – hãy coi nó là một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu trong tâm hồn và trong đời thực. Cứ thả hồn và tâm trí của bạn trôi theo những gì bạn muốn đi. Hãy cứ dấn thân, dám nghĩ, dám làm và học hỏi từ những gì bạn đã trải qua. Cuộc sống sẽ vô cùng, vô cùng thú vị.
Hãy nói “Có” với ngày hôm nay của bạn. Làm bất cứ điều gì bạn muốn. Nhỏ bé hay lớn lao không quan trọng, điều quan trọng là bạn đã dấn thân vào chuyến phiêu lưu mang tên “cuộc sống” đầy kỳ thú.
tiếp tục nhé bạn.
Hối hận của em là không biết trang blog này sớm hơn
Đọc được trang này mà thấy vui quá, cám ơn bạn nha. hihi
trong này có nhiều bài viết hay mà
Hay ghê! Cuốn ebook những bài viết hay nhất 2018 mình vẫn đọc lại cuối năm 2019 vừa rồi. Chắc đây là 1 phiên bản khác của ebook này. Thanks a lot!
Cám ơn bạn nha