Học cách đọc một cuốn sách? Mới đọc tiêu đề chắc có không ít người sẽ nghĩ rằng “sách mở ra là đọc, cần gì phải học!”. Và điều này đúng. Gần như ai trong chúng ta cũng đã biết cách đọc. Ngay từ khi đi học tiểu học, thậm chí là mẫu giáo, chúng ta đã được thầy cô giáo chỉ cho cách để đọc.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là có bao nhiêu người thực sự biết cách đọc hiệu quả?
Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc đọc chỉ để biết thông tin và đọc để hiểu. Nếu giống như đa phần mọi người, bạn có thể chẳng nghĩ nhiều về cách bạn đọc. Tuy nhiên, thực tế cách bạn đọc lại tác động rất lớn tới khả năng hấp thụ kiến thức/thông tin của bạn đấy.
Thêm nữa, việc biết một thứ gì đó khác với hiểu về nó. Dù rằng “nhai đi nhai lại” một kiến thức sẽ giúp bạn có thể ghi nhớ nó, nhưng nếu chẳng hiểu gì về bối cảnh và nội dung thì lợi ích bạn nhận được chẳng đáng bao nhiêu. Sự thật là thế.
Chẳng hạn như việc đọc một tờ báo, bạn có thực sự học được thứ gì mới không? Bạn có hiểu cặn kẽ thông điệp mà người viết muốn truyền tải, hay chỉ hiểu được bề nổi qua mặt chữ? Nhiều khả năng là không. Điều này có nghĩa là bạn chỉ đang đọc để lấy thông tin, chứ không phải để hiểu.
Theo nghĩa đen, chú tâm vào một cuốn sách là một trải nghiệm của sự khác biệt hoặc thỏa hiệp với tác giả. Nó là sự tôn trọng cao nhất mà bạn dành cho họ. – Edgar Allen Poe.
Hiểu sâu một thứ gì đó đòi hỏi nỗ lực và thời gian. Bạn phải đọc với sự chú tâm trên mức hiện tại. Bạn cần phải tìm kiếm những tác giả cũng cùng đề cập tới vấn đề đó để so sánh những tranh luận và thiết lập ra quan điểm của riêng mình. Bằng việc làm rõ những lỗ hổng kiến thức và đặt câu hỏi liên tục, bạn sẽ trở nên thông minh hơn và có lý trí.
Theo triết gia và nhà giáo dục hàng đầu người Mỹ Mortimer Adler, có 4 cấp độ của việc đọc như sau:
- Elementary Reading (đọc sơ cấp)
- Inspectional Reading (đọc xem xét)
- Analytical Reading (đọc phân tích)
- Syntopical Reading (đọc đối chiếu)
Cách bạn đọc sẽ ăn khớp với lý do tại sao bạn đọc
Mục tiêu của việc đọc sẽ quyết định cách bạn đọc. Đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất của Danielle Steel không giống như đọc sách của Plato. Nếu bạn đọc để giải trí hay lấy thông tin thì bạn sẽ đọc rất khác (và có khả năng là đọc loại tài liệu khác) so với đọc để tăng sự hiểu biết. Có rất nhiều người thành thạo trong việc đọc để giải trí và lấy thông tin, nhưng lại rất ít người cải thiện được khả năng đọc để thu nạp kiến thức.
Trước khi nghĩ tới việc nâng cao kỹ năng đọc thì bạn cần phải hiểu sự khác biệt giữa các cấp độ đọc. Chúng được gọi là các cấp độ bởi vì bạn không thể tiến lên một cấp độ cao hơn mà không nắm chắc cấp độ đọc dưới nó – chúng có tính chất tích lũy.
1. Đọc sơ cấp
Đây là cấp độ đọc mà bạn đã được dạy ở trường tiểu học. Nếu đang đọc bài viết này thì bạn đã biết cách đọc sơ cấp là như thế nào rồi đấy.
2. Đọc xem xét
Nhiều người cho rằng đọc lướt và đọc hời hợt không có lợi cho việc hiểu. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Bởi lẽ, sử dụng chúng một cách hiệu quả có thể tăng hiểu biết của bạn về một vấn đề. Tựu trung lại, đọc lướt và đọc hời hợt (hai khái niệm tổng hòa của đọc xem xét) cho phép bạn nhìn vào những khuôn mẫu của tác giả và hình thành nên một trải nghiệm đọc sâu hơn. Có hai kiểu đọc xem xét:
Đọc lướt tổng hợp (Systematic skimming): Đây là kiểu đọc lướt nhanh một cuốn sách nhằm đưa ra một quyết định quan trọng: Liệu có nên tiếp tục dành thời gian và nỗ lực để đọc hết cuốn sách đó không? Nếu không thì bỏ qua và tìm một cuốn khác. Đọc lướt giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian bởi vì không phải cuốn sách nào cũng nên đọc. Ngoài ra, đọc lướt cũng giúp tăng khả năng bạn đọc cuốn sách hiệu quả hơn vì khi bạn đã quyết định đọc cuốn sách thì có nghĩa là bạn cảm thấy nó thực sự hấp dẫn với bạn.
(1) Đọc lời tựa, kể cả tên nhà xuất bản để hiểu được phạm vi đề cập của cuốn sách và chủ đề cuốn sách là gì.
(2) Đọc mục lục để có cảm nhận về cấu trúc của cuốn sách. Rất nhiều người đọc sách mà chẳng hề để ý tới mục lục, trong khi tác giả dành đáng kể thời gian để làm ra nó vì đây là “xương sống” của cuốn sách. Đối với một cuốn sách phi hư cấu (non-fiction) thì thiếu đi một mục lục chi tiết, cuốn sách sẽ không thể nào bán được.
(3) Đọc các bảng chỉ dẫn, tài liệu tham khảo và các nội dung tương tự để hiểu được các thuật ngữ sử dụng trong cuốn sách và ai là những người có liên quan tới sự ra đời của cuốn sách.
(4) Đọc mặt trong của bìa sách. Mặt trong của các bìa sách thường là những quan điểm của tác giả được trích ra từ trong cuốn sách hoặc nhận xét của những người khác về cuốn sách. Bạn nên đọc chúng để nắm được cơ bản các lý luận mấu chốt của tác giả và tầm ảnh hưởng của cuốn sách.
(5) Đọc trang tóm tắt để hiểu được những vấn đề quan trọng nhất được giải quyết trong cuốn sách. Đây cũng là phần tác giả tốn rất nhiều công sức để tóm lược.
Đọc hời hợt (Superficial reading): Đây là lúc mà bạn chỉ đọc mà không dừng lại, kể cả khi bạn chỉ hiểu chưa đến 25% những gì được nói đến. Đừng cân nhắc về các lý lẽ, đừng tìm kiếm gì cả, đừng viết bất cứ thứ gì ra bên lề. Nếu không hiểu thứ gì đó thì bỏ qua và đọc tiếp. Lợi ích của việc đọc hời hợt là bạn sẽ nắm được thêm một vài thông tin về cuốn sách và có động lực để đọc tập trung hơn khi quay lại đọc cuốn sách đó. Bởi vì lúc này bạn đã có những cảm nhận ban đầu về mức độ thú vị của cuốn sách. Cách đọc này cũng sẽ giúp bạn đưa ra một quyết định khác: Giờ bạn đã nắm được rõ hơn về nội dung và cấu trúc của cuốn sách, liệu bạn có muốn hiểu nó sâu hơn nữa?
Đọc xem xét sẽ giúp bạn làm rõ những ý chính của cuốn sách. Đôi khi đấy là tất cả những điều chúng ta muốn hoặc cần. Nhưng thi thoảng, chúng ta muốn nhiều hơn. Chúng ta muốn hiểu. (Đấy là lý do vì sao chúng ta cần đọc phân tích).
3. Đọc phân tích
Francis Bacon đã từng nhận xét “một vài cuốn sách được nếm, một số cuốn khác được ngấu nghiến, một số khác được nhai và tiêu hóa”.
Bạn có thể xem đọc phân tích giống như lúc bạn nhai và tiêu hóa cuốn sách vậy. Đây là lúc bạn đọc sách thực sự.
Đọc phân tích là đọc kỹ. Bạn bắt đầu sử dụng tâm trí để đào sâu hơn vào việc đọc nhằm hiểu những thông tin được đề cập đến. Ở giai đoạn này, sử dụng những ghi chú ngoài lề rất có lợi.
Có 4 nguyên tắc khi đọc phân tích:
(1) Xác định cuốn sách thuộc loại và chủ đề nào. Bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết, một vở kịch hay một truyện ngắn? Quy tắc này nghe có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ đâu nhé. Bởi vì bạn sẽ thấy có một vài tác phẩm rất khó phân loại. Chẳng hạn, Cuốn theo chiều gió là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn hay một cuốn tiểu thuyết lịch sử? Cuốn Portnoy’s Complaint (tạm dịch: Tiếng ca thán của Portnoy) là sách hư cấu hay là một nghiên cứu về phân tâm học?
Bất cứ một cuốn sách nào mà cơ bản chứa đựng các quan điểm, lý thuyết, giả thuyết hay sự suy đoán một cách rõ ràng hơn so với bình thường, thì đều nhằm mục đích truyền tải kiến thức và mang tính giải thích. – Mortimer Adler.
Mục tiêu ở đây không chỉ đơn giản là phân biệt hư cấu và phi hư cấu. Vì tính riêng phi hưu cấu còn có rất nhiều loại khác nhau. Ngoài ra, không đơn thuần chỉ là tìm hiểu cuốn sách đang muốn truyền đạt kiến thức gì, mà nó còn là cuốn sách truyền đạt kiến thức theo cách nào. Một cuốn sách lịch sử hay triết học có cách cung cấp thông tin và khai sáng người đọc không giống nhau. Một cuốn sách vật lý có cách giải quyết vấn đề khác với một cuốn sách về đạo đức, đó còn chưa kể đến phương pháp nghiên cứu mà tác giả sử dụng nữa.
Thêm nữa, bạn cũng cần phân biệt được đâu là những cuốn sách mang tính lý thuyết và đâu là những cuốn sách mang tính thực tế.
- Sách lý thuyết dạy bạn rằng có thứ gì đó quan trọng cần được xem xét. Sách thực tế dạy bạn cách làm một thứ gì đó bạn muốn làm hoặc bạn nên làm.
- Sách lý thuyết tranh luận về sự tồn tại của một thứ gì đó. Sách thực tế sẽ nói cho bạn biết một thứ gì đó nên được hình thành như thế nào đi kèm với tranh luận về cách đúng đắn để làm được nó.
Để làm rõ được loại và chủ đề cuốn sách thì cách tốt nhất bạn nên thực hiện là đọc xem xét.
(2) Tóm tắt nội dung cuốn sách một cách ngắn gọn nhất, thậm chí là chỉ bằng một câu.
(3) Liệt kê các phần chính theo thứ tự và mối liên quan, vạch ra ý chính cho những phần này giống như bạn vạch ý chính cho cả cuốn sách. Một cuốn sách giống như một ngôi nhà vậy, nó khác với một tập hợp các ngôi nhà. Ngôi nhà này có rất nhiều phòng, mỗi phòng lại ở các tầng khác nhau, có kích thước khác nhau, hình dạng khác nhau, mục đích sử dụng khác nhau và cách trang trí cũng khác nhau. Mỗi phòng cũng riêng biệt, nhưng không phải tuyệt đối tách biệt. Chúng được liên kết với nhau bằng cầu thang, bằng cửa, vòm. Bởi vì chúng được kết nối nên mỗi một căn phòng sẽ đảm nhận những chức năng riêng nhằm tạo nên một ngôi nhà hoàn chỉnh. Nếu không thì nó sẽ không còn là ngôi nhà nữa.
Thế nên, việc liệt kê ra được các ý chính theo một thứ tự hợp lý và có liên quan đến nhau là điều rất quan trọng. Những cuốn sách hay nhất là những cuốn có cấu trúc thông minh nhất. Dù chúng phức tạp hơn nhưng sự phức tạp của nó cũng đồng nghĩa với sự đơn giản đầy tinh tế mà chỉ những người đọc với sự chú tâm cao nhất mới có thể nhìn ra được.
(4) Xác định vấn đề mà tác giả đang cố gắng giải quyết. Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra câu hỏi và câu trả lời của tác giả. Bạn buộc phải đọc và suy ngẫm để phát hiện ra chúng.
Sau khi đọc phân tích, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của cuốn sách và các quan điểm mấu chốt của tác giả. Nhưng điều này không có nghĩa bạn sẽ hiểu vấn đề một cách rộng hơn. Lúc này, bạn cần tổng hợp kiến thức từ nhiều cuốn sách khác nhau và thực hiện đối chiếu.
4. Đọc đối chiếu
Đọc đối chiếu hay đọc so sánh là kỹ thuật đọc khó nhất, đòi hỏi nhiều sự tập trung và công sức nhất. Đọc đối chiếu liên quan đến việc đọc nhiều tài liệu cùng chủ đề và tiến hành so sánh, đối chiếu từ ngữ được sử dụng, quan điểm và lý lẽ.
Bạn sẽ cần nhận dạng các đoạn văn có nội dung liên quan đến nhau, đơn giản hóa các thuật ngữ, nhận ra khuôn mẫu và tổng hợp các câu hỏi cần được trả lời. Mục tiêu không phải để có hiểu biết chung về một cuốn sách cụ thể mà đúng hơn là để hiểu rõ về chủ đề cuốn sách và mở rộng kiến thức.
Có 5 bước để đọc đối chiếu:
1. Tìm các đoạn văn liên quan: Bạn cần tìm đọc những cuốn sách phù hợp và các đoạn văn có liên quan với vấn đề bạn đang tìm hiểu.
2. Hiểu rõ các từ ngữ được sử dụng: Trong đọc phân tích, bạn buộc phải nhận dạng các từ khóa và cách mà tác giả đã sử dụng chúng. Hiện nay, công việc này phức tạp hơn do mỗi tác giả có thể sử dụng nhiều thuật ngữ và khái niệm khác nhau để định hình cho lý lẽ của họ. Lúc này, bạn có thể sử dụng ngôn ngữ của bạn để diễn giải lại những từ ngữ mà tác giả đã sử dụng.
3. Làm rõ các câu hỏi: Thay vì tập trung vào các vấn đề mà tác giả đang cố gắng giải quyết, hãy tập trung vào các câu hỏi mà bạn muốn trả lời. Ở đây, bạn cũng cần đưa ra bộ câu hỏi riêng và định hình câu hỏi theo cách mà tác giả đã đưa ra câu trả lời. Đôi khi chúng ta có lẽ không tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi bởi vì chúng có lẽ là câu hỏi của tác giả (cần được giải quyết trong một cuốn sách khác hoặc bởi một người khác).
4. Xác định vấn đề: Nếu bạn đặt ra một câu hỏi rõ ràng mà có nhiều câu trả lời thì khi đó vấn đề được xác định. Những câu trả lời trái ngược theo cách diễn đạt của bạn buộc phải được sắp xếp theo thứ tự trong mối liên hệ với những câu trả lời khác. Hiểu nhiều góc cạnh của một vấn đề sẽ giúp bạn đưa ra quan điểm thông minh hơn.
5. Phân tích thảo luận: Sự thật bạn tìm ra hoàn toàn có thể bị phản biện. Câu trả lời của chúng ta có thể mâu thuẫn với những câu trả lời trái ngược. Việc thảo luận sẽ giúp bạn có những quan điểm sáng suốt.
Trở thành một người đọc thông minh
Đọc sách là đặt ra những câu hỏi đúng theo một thứ tự đúng và tìm kiếm câu trả lời.
Có 4 loại câu hỏi mà bạn cần hỏi cho mỗi một cuốn sách:
- Cuốn sách đó nói về cái gì?
- Cái gì được trình bày chi tiết và như thế nào?
- Những vấn đề trong cuốn sách này đúng toàn bộ hay đúng một phần?
- Tại sao cuốn sách lại có ý nghĩa?
Nếu cách đọc sách này có vẻ khó khăn và phức tạp thì bạn đúng rồi đấy. Phần lớn mọi người chẳng ai làm như thế này cả. Nhưng nếu bạn làm thì đó chính là sự khác biệt của bạn so với họ.
Đọc chia sẻ của mình về cách take note khi đọc sách: Cách take note khi đọc sách để gia tăng giá trị của thói quen đọc.
Bài viết được tổng hợp từ các nguồn:
Cám ơn chị nha 😍
Cảm ơn về bài viết của bạn. Đọc sách quả là 1 quá trình gian nan, và để hiểu đúng tinh thần của cuốn sách cũng không dễ dàng với mình.