1. Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc Stop trying to change yourself của tác giả Mark Manson – một trong những blogger nổi tiếng nhất hiện nay, tác giả của cuốn sách bán chạy số 1 New York Times với hơn 3 triệu bản đã được bán ra The Subtle Art of Not Giving a F*ck (Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm).
2. Lưu ý, bài viết có chứa một số ngôn từ nhạy cảm, được dịch nguyên nghĩa để phù hợp với giọng văn của tác giả. Bạn vui lòng cân nhắc kỹ trước khi đọc.
3. Với mỗi bài đơn thuần dịch, mình đều cố gắng diễn giải theo hướng dễ hiểu nhất mà vẫn tôn trọng nội dung gốc. Tuy nhiên, có những bài đòi hỏi người đọc phải dành thời gian suy ngẫm và đọc sâu nên mình không điều chỉnh nhiều. Mình nghĩ nếu có thứ gì đáng để học hỏi thì đáng để dành thời gian nghiền ngẫm. Mì ăn liền có thể ngon nhưng cảm giác “Ơ-rê-ca” khi mất thời gian để hiểu ra được một điều có ích còn tuyệt vời hơn nhiều (chưa kể bộ não của chúng ta còn được “rèn luyện” nữa). Hãy tận hưởng nhé!
***
Bạn không thể thay đổi chính bạn, thế nên đừng cố gắng làm gì. Tôi biết đây không phải là điều mà các hội nghị chuyên đề về phát triển bản thân (self-help) hay tin tức thương mại (infomercial) chia sẻ với bạn. Nhưng m* kiếp. Họ sai bét. Bạn không thể thay đổi. Giống như một người khát khô cả cổ trên một sa mạc cứ mãi theo đuổi một ảo ảnh vậy, hay giống như một người béo núc ních nhìn chăm chú vào chiếc tủ lạnh trống không – chẳng có gì ở đấy hết. Thế nên, hãy dừng theo đuổi nó và thay vào đó, đi làm thứ gì khác còn hơn.
Tại sao bạn không thể thay đổi chính mình? Bởi vì toàn bộ suy nghĩ về việc thay đổi là một ý tưởng thất thường. Nó là thứ mà bạn chỉ bịa ra để khiến bạn cảm thấy tốt đẹp (hoặc xấu xa) về chính mình mà thôi.
Hôm qua, tôi đã không viết bài viết này. Hôm nay, tôi viết. Thế tôi có thay đổi không?
Cả câu trả lời có lẫn không đều đúng, tùy thuộc vào cách mà tôi định nghĩa sự thay đổi. Một cách nghiêm túc, bạn đều luôn thay đổi và không thay đổi. Nó chỉ phụ thuộc vào cách mà bạn nhìn vào sự thay đổi. Thứ bạn quyết định thay đổi hay không là một đường tưởng tượng được vẽ ra trong đầu bạn.
Tôi có thể quyết định “thay đổi chính mình” nghĩa là có một tỷ đô la. Khi đó, tôi sẽ ngồi không và hành hạ bản thân vì không thể tạo ra sự “thay đổi” ấy trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Thế nên, đấy không phải là cách định nghĩa hữu ích về “sự thay đổi”.
Hoặc, tôi có thể quyết định “thay đổi chính mình” nghĩa là không cho thêm nhiều nước sốt cà chua lên món khoai tây chiên nữa. Nếu đúng như vậy thì khi đó thay đổi quả là quá dễ dàng. Nhưng định nghĩa này của tôi về “sự thay đổi” có mang bất cứ ý nghĩa nào không? Không hẳn.
Vậy thay đổi là gì?
Khi mọi người dành cả tá thời gian rên rỉ với nhà trị liệu của họ và vợ cũ của họ rằng cuối cùng họ sẽ “thay đổi” chính mình thì nghĩa là họ đang hứa một thứ gì đó viển vông và được bịa ra. Nếu họ quen nói dối và giờ họ dừng nói dối, họ có “thay đổi” không? Họ đã vĩnh viễn “được sửa chữa” và chắc chắn không bao giờ tái phạm? Họ sẽ không bao giờ nói dối một lần nữa chứ? Và thậm chí nếu họ không nói dối nữa thì liệu có còn quan trọng không? Làm ơn hãy nói với chúng tôi – hàng triệu những người vợ cũ đầy bực tức muốn biết đấy.
Chúng ta không biết thay đổi là gì bởi vì chúng ta không biết chúng ta là cái quái gì cả. Nếu tôi thức dậy ngày mai và làm trái ngược với tất cả mọi thứ tôi làm hôm nay thì tôi có là một người đã thay đổi không? Hay tôi đơn giản vẫn là cùng một người mà đã quyết định làm thứ gì đó khác?
Và quan trọng hơn, ai mà thèm quan tâm?
Tôi không. Và bạn cũng không nên quan tâm làm gì.
Có một vấn đề khi sử dụng từ “thay đổi”. Nó liên quan tới bản sắc (identity) của bạn. Và khi đã gắn kết với bản sắc thì về mặt cảm xúc, bạn thực sự đã bị dính vào những thứ ảo tưởng. Bạn giận dữ, hằn học với bản thân, đổ lỗi cho người khác và quyết định rằng bạn, thực tế, là một cục phân vô giá trị chẳng có tí hy vọng gì trên thế giới này.
Nói ra “Tôi muốn bắt đầu tập gym mỗi tuần” nhưng quan trọng hơn là nói “Cuối cùng, đã đến lúc tôi cũng thay đổi và trở thành người mà mỗi tuần đều tới phòng gym”.
Lời khẳng định đầu tiên rất đơn giản. Bạn muốn đi tập gym. Thế nên, bạn đi (hoặc không).
Lời khẳng định thứ hai ám chỉ để đi tập gym, bạn buộc phải đổi mới chính bản thân mình hoàn toàn. Và chính thứ này khiến sự hứng thú về mặt cảm xúc của bạn tăng lên mạnh mẽ. Nếu bạn thành công (bật mí: bạn không đâu) thì bạn sẽ giành được thứ cảm xúc đầy sung sướng của việc là “một con người mới”, cảm xúc mà sẽ kéo dài cho tới lần tiếp theo khi bạn cảm thấy dở tệ và muốn “thay đổi” lần nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ trừng phạt chính mình vì sự lười biếng không thể cứu vãn được.
Và đấy là vấn đề của việc gắn kết bản sắc của bạn. Nếu/khi bạn không làm được thứ gì đó, bạn bắt đầu nghĩ “Có lẽ, mình đang đùa giỡn với chính mình. Có lẽ, mình không phải là một trong những người đi tập gym đó. Có lẽ, đó chỉ là không phải mình. Vậy thì tại sao mình còn cố gắng làm gì?” Bởi vì bạn quyết định những hành động thay đổi thất thường đó biểu thị cho toàn bộ nhân cách của bạn nên bạn sẽ xem thất bại là lý do để dừng lười biếng và mặc quần yoga như là lời tuyên bố cho giá trị của bạn với tư cách là một con người. Bạn sẽ ghét chính bản thân mình. Và bạn sẽ có ít động lực hơn để “thay đổi” hay làm bất cứ điều gì khác trong tương lai.
Trái lại, nếu bạn thành công, giống như tất cả các loại thuốc, bạn sẽ được thăng hoa và ngay lập tức thoát khỏi cảm giác về chính con người bạn. Nhưng sớm thôi, sự thăng hoa này sẽ nhạt dần và bạn sẽ cần định nghĩa lại chính mình với một kiểu “thay đổi” mới để thực hiện tiếp, và bạn lại sẽ theo đuổi nó. Khi đó, bạn sẽ bị nghiện thay đổi bản thân theo cùng cách mà Eric Clapton bị nghiện cocain hay Edgar Allan Poe nghiện rượu cho tới khi anh ta ngã đập mặt xuống mương và bất tỉnh.
Đây là siêu bí quyết: chẳng có thứ gì gọi là “người gym” cả. Chỉ có những người đi tập gym mà thôi. Tương tự, cũng chẳng có thứ gì gọi là “người năng suất” cả. Chỉ có những người khá thường xuyên làm những thứ chất lượng mà thôi. Cũng chẳng có thứ gì gọi là “người đáng yêu” cả. Chỉ là có những người mà chẳng phải là những kẻ ngu đần đầy ích kỷ mà thôi.
Không phải lúc nào cũng cứ là về bạn (thực tế, hiếm khi như vậy)
Trong cuốn The Subtle Art of Not Giving a Fuck (Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm), tôi đã viết về tầm quan trọng của việc giữ vững bản sắc mà tốt nhất là không nên làm rõ quá. Đó là bởi vì khi chúng ta gắn kết với bản sắc của mình – khi chúng ta quyết định rằng một số hành vi hay sự kiện đại diện cho giá trị của chúng ta với tư cách là một con người – về mặt cảm xúc, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Và khi đã rơi vào hỗn loạn như vậy, chúng ta có xu hướng làm những thứ ngớ ngẩn.
Thay vào đó, hãy nghĩ cuộc sống của bạn đơn thuần là một chuỗi dài những hành động và quyết định. Nếu bạn giống như đa phần mọi người thì nhiều trong số những hành động và quyết định này là gần điểm tối ưu. Và điều mà đa phần chúng ta nghĩ khi chúng ta nói chúng ta muốn “thay đổi chính mình” đơn giản là chúng ta muốn có những hành động và quyết định chất lượng nhiều hơn một chút.

Nhiều năm liền, tôi ghét buổi sáng. Gần như trong phần lớn cuộc đời, tôi dậy muộn. Điều này dẫn tới một loạt những thứ tồi tệ đã xảy ra với tôi. Công việc chậm trễ khiến tôi phải thức tới nửa đêm để làm việc. Rồi sang ngày tiếp theo, tôi lại mệt mỏi và căng thẳng. Thế nên, tôi lại thức thậm chí tới đêm hôm sau cố gắng hoàn thành mọi việc. Đến cuối tuần, tôi mệt rã rời. Và để giải thoát, tôi đi ra ngoài uống và “xõa” hết mình, thói quen hãm hại tôi tới cả tuần kế tiếp.
Bằng cách nào đó tôi vẫn cố gắng xây dựng sự nghiệp. Đừng hỏi tôi bằng cách nào (câu trả lời: dùng khá nhiều caffeine). Nhưng thay vì nhận ra tôi ổn bất kể bao nhiêu thói quen xấu, tôi lại coi nó là tôi. Tôi biến nó thành một phần của con người tôi. Tôi quyết định đấy là bản sắc của tôi. Tôi nói “Yeah, tôi là thằng chẳng ra gì đấy. M* kiếp chuyện dậy sớm. M* kiếp chuyện đi ngủ. Tôi không cần mấy thứ đó. Nhìn đây này, tôi có thể làm việc cả đêm”.
Và có thể, bạn sẽ không bị chỉ trích khi làm những điều đó khi bạn 22 tuổi. Nhưng khi đã 32, mọi chuyện sẽ khác.
Ở tuổi 30, tôi bắt đầu gặp rắc rối với năng suất. Và thay vì nhận ra những thói quen kinh khủng của mình, tôi tự nhủ “Thôi, tôi không phải là con người của buổi sáng”. “Ô, tôi không làm mấy cái nghi thức buổi sáng đó đâu”. Chẳng cần nói ra, điều này cũng ngang với việc tôi từ bỏ trước khi bắt đầu.
Những lần tôi cố gắng dậy sớm hay tập thể dục đầu tiên hay ăn một bữa sáng lành mạnh, tôi đều gặp rắc rối và ngay lập tức đều tự nhủ “Thấy chưa? Mấy thứ buổi sáng này không dành cho mày đâu”.
Cuối cùng, tôi phải vượt qua bản thân mình. Tôi quyết định như vậy, bạn biết gì không, tôi không biết tôi là cái quái gì nữa hay tôi đang làm gì, nhưng tôi cực kỳ hiểu rằng về mặt lịch sử, khoa học và theo nhiều giai thoại, và bất cứ ai mà không phải là một đứa ngốc đều biết, rằng dậy sớm và khởi đầu một ngày với một nghi thức đơn giản, đẹp đẽ là cách sống lành mạnh và hiệu quả.
Thế nên, tôi đã làm theo. Tôi đặt bản sắc của mình sang một bên và chỉ tập trung vào hành động bởi vì đấy là thứ tốt đẹp cần thực hiện. Giờ đây tôi dậy sớm. Tôi thiền (thường xuyên), ăn thức ăn lành mạnh, nhiều màu xanh và ngồi vào bàn viết lách sớm nhất có thể.
Thói quen này có làm tôi trở thành một “con người của buổi sáng” không? Nó có làm tôi trở thành “người làm việc năng suất” không? Ai biết được? Ai quan tâm? Tôi chẳng quan tâm. Và bằng cách không quan tâm đã giúp tôi có thể rèn luyện nó.
Hãy đặt “bản thân” bạn nằm ngoài các quyết định của bạn bởi vì rất có khả năng, nó không phải cứ là về “bạn”. Đơn giản hãy tự hỏi chính mình “Đó có phải là thứ tốt đẹp để làm không?” Nếu có? Vậy thì hãy làm nó.
Ồ, nếu bạn không làm được thì sao? Nó vẫn là thứ tốt đẹp để làm chứ? Có? Vậy thì làm nó lần nữa. Và nếu, ở một thời điểm bất kỳ, bạn nhận ra nó không phải là thứ tốt đẹp như bạn nghĩ, vậy thì đừng làm nữa, thế thôi.
Kết thúc câu chuyện.
Thay đổi hành động của bạn, chứ không phải chính bạn
Đa phần những ai cảm thấy bị mắc kẹt trong những thói quen nhất định đều bế tắc bởi vì về mặt cảm xúc, chúng ta bị đắm chìm trong những hành vi không lành mạnh. Một người hút thuốc không chỉ hút thuốc. Họ phát triển một bản sắc đầy đủ về việc hút thuốc. Nó thay đổi đời sống xã hội, thói quen ăn uống, ngủ nghỉ của họ, cả cách họ nhìn nhận chính mình và những người khác. Với gia đình, bạn bè, họ trở thành “người nghiện thuốc”. Họ phát triển mối quan hệ với thuốc lá theo cùng cách mà bạn và tôi phát triển một mối quan hệ với thú cưng hay một đồ chơi yêu thích.
Khi ai đó quyết định “thay đổi” chính họ và từ bỏ hút thuốc, về cơ bản họ nỗ lực “thay đổi” toàn bộ bản sắc của họ – tất cả những mối quan hệ, thói quen và lý tưởng để dành cả X năm làm cùng một thứ nhạt nhẽo. Chẳng ngạc nhiên khi họ thất bại.
Mẹo để từ bỏ thuốc lá (hay để thay đổi một thói quen bất kỳ) đó là nhận ra bản sắc của bạn – thứ mà vun đắp cho khuôn mẫu nhận thức cảm xúc mà bạn đã gây dựng trong tâm trí bạn và gán nhãn là “tôi” – không thực sự tồn tại. Nó là thứ hay thay đổi. Nó là vẻ ngoài thôi. Và bạn có thể khiến nó thăng hoa hay giảm xuống bất cứ lúc nào. Bạn không phải là một người nghiện thuốc. Bạn là người mà lựa chọn hút thuốc. Bạn không phải là con người của bóng đêm. Bạn là người mà lựa chọn làm việc về đêm và ngủ cả sáng. Bạn không phải không làm việc hiệu quả. Bạn là người mà hiện tại lựa chọn làm những thứ mà bạn không cảm thấy hữu ích. Bạn không phải không đáng yêu. Bạn là người mà hiện tại không cảm thấy được yêu.
Và thay đổi những hành động này cũng đơn giản như…. thay đổi hành động của bạn vậy. Mỗi hành động một thời điểm. Hãy quên việc gán nhãn cho nó đi. Hãy quên đi trách nhiệm xã hội (thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng chia sẻ mục tiêu với người khác thường mang lại kết quả trái ngược với mong đợi). Hãy quên đi việc làm náo loạn lên chuyện bạn là ai hay bạn là cái gì hay người khác nghĩ gì về bạn.
Bởi vì họ không nghĩ đâu. Và phần lớn số còn lại trong chúng tôi cũng chẳng nghĩ đâu. Về chuyện này, bạn cũng chẳng thể nào hiểu được chúng. Bản sắc của bạn là cái tạo ra thứ mà bạn bị dính chặt về mặt cảm xúc. Nó là ảo vọng trên sa mạc. Lọ nước sốt cà chua trong một chiếc tủ lạnh trống trơn. Cách nhanh nhất để thay đổi chính bản thân bạn đó là nhận ra rằng bản thân thật sự (real self) chẳng hề tồn tại để mà thay đổi.
Sách hay của Mark Manson: Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm.
Một bài khác rất hay của Mark Manson: Tại sao tất cả những thứ tuyệt vời nhất trên đời đều trái ngược với điều chúng ta vẫn tin
Thank bạn đã chia sẻ bài viết.
Thật sự đọc xong mình cũng hơi thấy bài viết có sự trái ngược về quan điểm mình vẫn thấy, nhưng nghĩ lại mình đã luôn muốn thay đổi bản thân mình. Như thời gian này mình thấy bản thân thật tồi tệ, muốn chiến thắng bản thân mà không làm được. Đôi khi mình lạc lối trong suy nghĩ, áp đặt bản thân phải thế nọ thế kia nhưng có lẽ như bài viết mình nên chấp nhận nó và nhìn nhận theo cách khác.
Thank bạn!
Uh, cảm ơn bạn nhiều nhé. Đôi khi mình phải thẳng thắn nhìn nhận bản thân, yêu chính mình, yêu những gì mình sinh ra vốn dĩ đã thế và tìm cách thay đổi hành động, góc nhìn của mình theo hướng tích cực. Cố lên bạn nhé. ❤
Thank for your share!
Thank you too. ❤
Em cảm ơn chị ạ! Những bài viết như vậy rất hữu ích, cảm ơn vì chị đã dành thời gian dịch bài viết hay như vậy ạ ❤
Chị cảm ơn em nhé. hihi
Thank you for sharing!
Thank you for visiting my blog too.
Cảm ơn chị. <3
Cảm ơn chị hihi
Cảm ơn bạn đã dịch và chia sẻ bài viết này tới mọi người.