Chủ đề của bài viết hôm nay là nhảy việc. Mình viết bài này vì mình đã “có kinh nghiệm” nhảy việc khoảng 7 lần rồi. Giờ nghĩ lại đúng là cả một hành trình nhiều khó khăn, thử thách, buồn có, vui có, dở khóc dở cười có. Nhưng chính quá trình này đã cho mình rất nhiều những bài học bổ ích và hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn một bài học lớn nhất trong số đó.
Trước tiên, hãy cùng điểm qua danh sách 7 công ty mà mình đã từng làm đã nhé. Lướt qua danh sách này bạn sẽ thấy những gì mình đã làm lúc mới ra trường không liên quan gì đến công việc viết lách mình đang làm cả. 😉
Lịch sử nhảy việc của mình
Công ty đầu tiên mình làm là một công ty tư vấn kế toán ở Lê Văn Lương (lâu quá mình quên mất tên rồi) — mình làm vị trí trợ lý marketing. Nghe có vẻ rất “oách” nhưng thực ra chỉ là chân chạy việc thôi, đi theo sếp đến các sự kiện, để ý các khách hàng tiềm năng để đưa thiệp và giới thiệu dịch vụ công ty. Nếu không đi sự kiện thì ngồi gọi điện bán hàng, kiểu giống như những cuộc gọi quảng cáo bạn có thể đã nhận.
Công ty thứ hai là một trung tâm dạy tiếng Anh, tên là iCrazy. Mình không rõ bây giờ có còn không vì cũng vài năm rồi. Hàng ngày mình đến công ty chào đón học viên, tư vấn khóa học cho những bạn muốn tìm hiểu, gọi điện chăm sóc khách hàng… Nói chung chỉ loanh quanh mấy cái này.
Được một thời gian thấy rõ giao tiếp mặt đối mặt không phải là thế mạnh của mình, mình đã quyết định nhảy việc. Thời gian này mình đi học một khóa học tiếng Anh. Tại đây mình có quen một bạn, và từ đó, biết đến cô giám đốc của trung tâm. Bất ngờ là cô ấy đang chuẩn bị ra mắt các khóa học về mắt, tiếng Anh và kỹ năng nên bảo mình tham gia cùng. Thế là mình cùng vài bạn nữa tham gia vào công ty sắp mở của cô ấy. Mình phụ trách về viết content, chuẩn bị tài liệu marketing… Vì mình làm việc trực tiếp với cô ấy nên học hỏi được rất nhiều — đây chính là khoảng thời gian cho mình hiểu rằng mình thực sự có năng khiếu viết lách.
Công ty thứ tư mình làm chính là công ty Meta với vị trí nhân viên viết nội dung. Hàng ngày mình tìm hiểu các phần mềm, ứng dụng mới, trải nghiệm thử rồi viết các bài giới thiệu hoặc review. Phần nhiều là dịch từ nước ngoài vì không có nhiều thời gian để dùng, cộng thêm công ty chỉ có hai thiết bị, không đủ để cho tất cả các bạn viết nội dung sử dụng.
Làm ở đây tầm khoảng 1 năm thì chị quản lý nhận thấy mình có viết blog riêng, hồi đó mình viết trên OhayTV và Readzo. Chị ấy khá thích những gì mình dịch và viết nên bảo mình chuyển sang trang Quản Trị Mạng, phụ trách mục kỹ năng cuộc sống và công việc. Mình đúng như diều gặp gió, nhận luôn và xông vào viết liên tục.
Nhưng sau một thời gian, Meta có rất nhiều vấn đề ở bộ phận nội dung, không chỉ quy trình làm việc mà còn mối quan hệ giữa các nhân sự, nên mình đã quyết định nghỉ việc để tìm một cơ hội tốt hơn. Và cơ hội đã đến cho mình, chính là vị trí Technical Writer ở Atomi System.
Sau khoảng 1,5 năm làm việc ở Atomi System thì một chị nhân sự ở Cốc Cốc liên lạc với mình và bảo mình chuyển sang làm Cốc Cốc, vị trí Senior Technical Writer. Mình làm ở Cốc Cốc 6 tháng trước khi nhảy tiếp sang Beeketing làm Content Writer và Content Manager. Mình đã từng viết về công việc của mình ở ba công ty này, bạn có thể đọc ở bài viết này nhé: Content Manager – mình đang làm công việc gì thế?
Rồi, bây giờ là đến bài học lớn nhất mình đã học được qua những lần đã nhảy việc.
Lương quan trọng nhưng không phải là tất cả
Nếu bạn đã có kinh nghiệm và bây giờ đang có kế hoạch nhảy việc thì lời khuyên của mình cho bạn đó là hãy dành thời gian thật nhiều và cân nhắc kỹ để lựa chọn một điểm đến tiếp theo phù hợp. Mình nhấn mạnh chữ phù hợp.
Vậy phù hợp ở đây là gì?
Lương? Đúng. Khi bạn đã nhảy việc thì chắc chắn bạn muốn tìm một công ty mà có chế độ lương thưởng, đãi ngộ tốt hơn công ty cũ. Hiếm ai nhảy việc mà đi làm một công ty lương thấp hơn đúng không, trừ khi bạn khởi nghiệp hoặc tham gia vào một startup ở một vị trí quan trọng, hứa hẹn những lợi ích tài chính bất ngờ trong tương lai.
Tuy nhiên, lương không phải tất cả.
Qua nhiều lần nhảy việc, mình rút ra một điều rằng sự phù hợp giữa công ty, văn hóa công ty và các mặt khác không phải lương thưởng cực kỳ quan trọng.
Hãy đặt câu hỏi công ty mà bạn đang muốn được nhận vào làm có văn hóa như thế nào, sếp có thân thiện không, có đối xử tử tế với nhân viên; mối quan hệ giữa các đồng nghiệp có lành mạnh, ở đó mọi người có tạo cơ hội phát triển cho nhau hay tìm cách kìm hãm. Vị trí bạn đang ứng tuyển có phù hợp với tính cách của bạn, có mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị… Bạn nên dành thời gian nghiên cứu thật kỹ những điều này để liệt kê ra những công ty tiềm năng thực sự phù hợp với bạn.
Vì sao cần làm kỹ như vậy?
Bởi vì cuộc sống này không đủ dài để bạn chấp nhận làm việc trong một môi trường “độc hại” — nơi mà sếp không có sự tôn trọng nhân viên, không trân trọng sự đóng góp của từng cá nhân, cư xử một cách cộc cằn, thường xuyên dùng ngôn từ thiếu văn hóa…
Mình đã từng chứng kiến và nghe một vài sếp dùng những từ ngữ chửi bới, chỉ trích nhân viên chỉ vì họ làm sai một vài lỗi chưa đến mức nghiêm trọng. Và mình nhận thấy điều này không thể chấp nhận được. Bạn đã có kinh nghiệm và được tuyển dụng vào thì ngoài trách nhiệm phải hoàn thành, bạn còn được cam kết với các quyền lợi, trong đó có sự tôn trọng và môi trường làm việc lành mạnh. Bạn nỗ lực mang đến lợi ích cho công ty thì người sếp cần hiểu rằng, nếu không có từng mắt xích — mỗi cá nhân — thì công ty không thể thành công được.
Thêm nữa, khi bạn đã từng đi làm và có kinh nghiệm thì khi bạn nhảy công việc mới, bạn đã có những lợi thế nhất định. Những lợi thế đó cho bạn các cơ hội và sự lựa chọn điều gì là tốt hơn cho bản thân mình lúc này.
Thứ ba, khi bạn nhảy việc lần này, bạn có lẽ kỳ vọng một điểm đến mới mà cho bạn không gian để khai phá tiềm năng bản thân, học hỏi được nhiều hơn, phát triển nhiều hơn và có những cơ hội mới trong sự nghiệp. Chính vì vậy sự phù hợp lại càng trở nên quan trọng hơn vì chính nó sẽ tạo động lực và cảm hứng cho bạn đi làm mỗi ngày. Bạn gắn bó với các đồng nghiệp mới, hình thành mối quan hệ với họ và cùng giúp nhau đạt được mục tiêu chung lẫn riêng. Nếu làm trong một môi trường mà luôn có sự đấu đá, mâu thuẫn thì sự nhảy việc của bạn đã thất bại — lúc này, có lẽ bạn sẽ nghĩ ước gì mình đã không rời công ty cũ.
Mình đã từng nhảy việc 7 lần, có công ty làm vài tháng, có công ty làm lâu hơn. Nên mình hoàn toàn hiểu được một bước đi sai trong quyết định nó sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch khác như thế nào. Một mức lương thưởng hấp dẫn chưa đủ mạnh để giúp bạn đưa ra một lựa chọn. Bạn cần đặt bản thân mình vào bàn cân và xem thử môi trường mới đó có giúp bạn đưa bản thân đi lên theo hướng tích cực. Nếu không thì nên cân nhắc lại.
Tự tin vào bản thân, kiên nhẫn và bình tĩnh tìm kiếm. Có thể trong một thời gian sau khi nghỉ việc bạn không đi làm, bạn lo lắng, căng thẳng hay sợ rằng nghỉ việc quá lâu sẽ khó kiếm job mới. Nhưng đừng để sự lo lắng làm choáng ngợp lý trí của bạn và mù quáng đi làm một công ty trong khi chưa xem xét hết sự phù hợp. Một sự chỉnh chu, thận trọng ngay từ đầu sẽ giúp bạn có những quyết định tốt hơn — hãy luôn tin chắc như vậy nhé.