Năm 2020, mục tiêu của mình là tập trung vào học và phát triển bản thân. Mà chẳng cần chờ tới ngày đầu tiên của năm, mình sẽ bắt đầu từ hôm nay với một chủ đề rất thú vị: Gig Economy. Gig Economy đã bắt đầu và phát triển với tốc độ chóng mặt trên thế giới. Và với tư cách là những người trẻ, chúng ta cần hiểu nó là gì để nắm bắt cơ hội tiềm năng này nhé.
Bật mí là mình đã tham gia Gig Economy một thời gian lâu lắm luôn rồi mà chẳng hề biết.
Gig Economy là gì?
Một cách nôm na nhất, Gig Economy ám chỉ một nền kinh tế nơi mà những người lao động không làm cho các công ty truyền thống, mà chuyển sang làm việc tự do (Freelance), độc lập. Thay vì ngày làm 8, 9 tiếng, thậm chí 10 tiếng ở công ty, nhiều người hiện nay rời bỏ công việc văn phòng để làm độc lập tại nhà hoặc bất cứ nơi đâu. Họ tự marketing bản thân, tìm kiếm các đơn hàng, hoàn thành, và nhận thanh toán. Thực tế, Gig Economy đã diễn ra từ rất lâu với sự nổi lên của các freelancer trong nhiều lĩnh vực như viết lách, thiết kế web, phát triển phần mềm… nhưng mãi đến mấy năm gần đây thì thuật ngữ này mới xuất hiện và trở thành xu hướng.
Từ Gig trong Gig Economy ám chỉ những công việc mang tính chất bán thời gian, freelance, hoặc tư vấn. Gig Economy được tạo thành từ 3 thành phần chính: (1) những người làm việc độc lập với thu nhập kiếm được từ việc hoàn thành một “gig” cụ thể (như một dự án, một công việc, bài viết…), trái ngược với những người đi làm công ty nhận lương hàng tháng hoặc theo tuần; (2) khách hàng – những người cần một dịch vụ cụ thể, chẳng hạn như cần ai đó chở họ đến một địa điểm, hoặc cần một sản phẩm sáng tạo nào đó; (3) các công ty mà kết nối những người làm việc tự do này với các khách hàng có nhu cầu, bao gồm cả các nền tảng công nghệ dựa trên ứng dụng, chẳng hạn như Uber, Airbnb, Lyft, Etsy hay TaskRabbit.
Sự nổi lên của Gig Economy cũng kéo theo một sự thay đổi về định nghĩa về thành công trong sự nghiệp. Một sự nghiệp thành công giờ đây không còn là kiếm được một chỗ đứng trong công ty với rất nhiều người ở phía dưới, làm việc ở một tập đoàn to, thưởng tết vài trăm triệu hay đi làm được xe đưa đón về. Theo một khảo sát của HBR với những người làm việc tự do thì thành công đối với họ bây giờ là một sự cân bằng giữa điều dự đoán được và điều có thể thực hiện được, giữa tiềm năng của công việc và cảm giác xác thực, tồn tại, hiện diện; thành công là được sống trong một môi trường họ muốn, nơi cho họ phát triển khả năng, duy trì năng suất, giảm thiểu lo lắng, căng thẳng và được thỏa sức sáng tạo, phát triển. Những điều này họ rất khó tìm thấy trong một môi trường làm việc truyền thống.
Gig Economy đang phát triển với tốc độ như thế nào?
Phải dùng một từ là “chóng mặt”, chưa đến mức thế nhưng mà gần như là thế. Bạn đọc một bài báo thấy có người đi du lịch khắp nơi trong khi vẫn kiếm được 4000 USD mỗi tháng? Một nhân viên viết code nghỉ công việc full-time để làm việc tự do? …. Tất cả đều là những hình ảnh phản chiếu sự phát triển của Gig Economy.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2019, khoảng 1/10 số người lao động ở Anh kiếm thu nhập từ Gig Economy. Ở Mỹ, con số này vào khoảng 8% lực lượng lao động. Ở Úc, lực lượng lao động làm việc dưới hình thức freelancer đông đảo nhất là phát triển web, di động và phần mềm (44%), thiết kế và sáng tạo (14%), hỗ trợ khách hàng và admin (13%), sales và marketing (10%), và viết lách (8%).
Thuận lợi và bất lợi của Gig Economy
Tham gia vào Gig Economy, nghĩa là trở thành một Freelancer, hay một người làm việc tự do dưới các hình thức khác rất tuyệt vời, nhưng nó cũng đi kèm với nhiều những bất lợi khác. Cụ tỉ như này nhé:
Thuận lợi:
- Sự linh hoạt và tự do: Bạn không bị bó buộc về thời gian và địa điểm làm việc. Bạn có thể làm việc bất cứ nơi đâu (kể cả đang lúc tắm nắng trên bãi biển), bất cứ lúc nào miễn là hoàn thành công việc đã nhận. Có một số trường hợp đặc biệt, khách hàng (thường là các công ty) yêu cầu bạn làm trong một khoảng thời gian cố định, ví dụ, công việc liên quan đến chăm sóc khách hàng, hỗ trợ phần mềm. Nhưng nói chung số này không nhiều.
- Không cần quan tâm tới văn hóa công ty hay thời gian làm việc, lịch trình, cuộc họp, các vấn đề trong công ty…. Rất nhiều người chuyển sang làm freelance chỉ vì họ cảm thấy căng thẳng bởi những thủ tục này.
- Làm việc cho nhiều công ty khác nhau, chứ không chỉ một công ty.
- Gig Economy là mảnh đất màu mỡ để kiếm thu nhập và phát triển cho những người có khả năng sáng tạo, phát triển phần mềm/web và viết lách. Đa dạng các công việc, loại hình và nhu cầu.
- Một freelancer với năng lực và kinh nghiệm tốt có thể kiếm được thu nhập tốt, thậm chí cao hơn rất nhiều so với một người đi làm ở công ty bình thường.
Bất lợi:
- Gig Economy không dành cho tất cả mọi người. Nếu bạn không biết cách quản lý thời gian, không quen với việc làm việc độc lập… thì tồn tại lâu dài trong Gig Economy là rất khó. Thậm chí, bạn sẽ luôn cảm thấy bất ổn, chênh vênh và rồi cuối cùng, lại quay về với đi làm công ty.
- Rời bỏ công việc full-time để làm việc tự do nghĩa là bạn sẽ không được hưởng các phúc lợi mà một công ty có thể mang đến cho bạn. Bạn phải tự chi trả các khoản bảo hiểm, thuế.
- Bạn tự tìm khách hàng, tự quản lý bản thân, tự chịu trách nhiệm với mọi thứ. Không ai giúp bạn cả. Công việc, khách hàng có thể thay đổi, thu nhập có thể thay đổi trong khi bạn vẫn phải chi trả cho các chi phí hàng ngày.
- Không còn cơ hội để thăng tiến. Hiển nhiên rồi vì bạn làm việc cho chính mình mà. Bạn là nhân viên và cũng là sếp của bạn. Mà đã là sếp rồi thì còn tiến lên đâu được nữa ha? :)))
- Nếu kinh nghiệm và khả năng chưa tốt thì nghĩ tới việc có thu nhập cao từ việc làm freelance là cả một chặng đường. Bạn cần phải xây dựng portfolio mạnh, tạo niềm tin, chỗ đứng cho bản thân trong ngành dựa trên những sản phẩm bạn đã tạo ra. Và bạn cần là một người không ngừng học hỏi, sáng tạo, cập nhật.
- Số người thành công với nghề freelance cũng nhiều, nhưng số người “bỏ nghề” quay về với làm việc full-time tại một công ty cũng nhiều không kém. Lý do thì vô số nhưng về cơ bản là họ cảm thấy không đủ khả năng đối mặt với số vấn đề, không tìm được khách hàng, thu nhập kiếm được không đủ chi trả mọi thứ, buồn chán và cô đơn vì làm việc một mình…
Cơ bản rồi ha! Hy vọng những chia sẻ về Gig Economy này giúp ích cho bạn hiểu được sơ sơ về Tương lai của công việc và điều gì đang diễn ra trên thế giới việc làm nhé.
Shasu Group đang xây công ty theo mô hình này
http://www.shasugroup.com