Giấc mơ Úc đã thành hiện thực!
Woohooooooooooo! Giờ mình đang ở Úc ngồi viết chia sẻ cho các bạn hành trình thực hiện “giấc mơ Úc” của mình đây. Cuộc sống thật bất ngờ và tuyệt vời nhỉ. Mới có tuần trước mình đang ở quê với bố mẹ, cảnh tượng mưa to gió lớn, nước dâng ào ào khiến cả một cánh đồng trắng xóa chỉ nước là nước như vẫn còn trước mắt, thế mà giờ mình đã ở Úc rồi này.
Mình và chồng đặt chân đến Úc vào thứ 2 đầu tuần. Phải đến hôm thứ 3 thì mới “tỉnh” thật sự, chứ hai hôm đầu vẫn cảm tưởng như là mơ. Chưa bao giờ mình nghĩ rằng vợ chồng mình sẽ được sang Úc, rằng hành trình tìm kiếm cơ hội đi học, xin được visa sẽ thành hiện thực. Kể cả đến khi nộp hồ sơ rồi thì trong đầu mình vẫn nghĩ, “khả năng trượt visa là chắc chắn”.
Bây giờ mình sẽ kể bạn nghe toàn bộ hành trình của mình, từ thời điểm mình có ý định đi học nước ngoài cho đến khi mình có được tấm vé mang tên “visa” nhé. Gay cấn và hấp dẫn không kém gì phim hành động đâu.
Một giấc mơ Úc không rõ ràng
Mình bắt đầu nghĩ tới việc đi học vào khoảng tháng 7 năm 2017. Trong một lần đi ăn với một nhóm bạn, mình được biết đến bạn trai của chị gái bạn mình vừa đạt học bổng JDS. Chị chia sẻ nhiều về nỗ lực của anh làm thế nào đã đạt được học bổng với IELTS 6.5. Nghe thấy vậy tự nhiên mình thấy có động lực và cảm hứng vô cùng. Tại sao mình không thử? Cơ hội cho tất cả mọi người? Mình cũng thích đi học lắm mà?… Tất cả những câu hỏi đó khiến mình đưa ra một quyết định: Sẽ cố gắng để xin học bổng đi học.
Nhưng,…
Mình bảo với chồng như vậy và chồng mình phản đối quyết liệt. Lúc đó mình mới cưới được khoảng 5 tháng và bố mẹ mình cũng lớn tuổi rồi. Chưa bao giờ mình đề cập chuyện này với chồng nên nghe xong, anh ấy hoảng hốt. “Mình không đi được đâu, mình giờ khác rồi, đã có gia đình nữa, lại còn bố mẹ, với khó lắm…” Đại loại anh ấy nói những câu như vậy. Nhưng mình kiên quyết phải làm được.
Mình bắt đầu với hành trình tìm kiếm cơ hội đi học bằng việc mò mẫm đọc trên diễn đàn Box Du học TTVNOL, các group Facebook, tìm kiếm trên Google đủ các thể loại về du học, gần như mình đọc hết. Vừa đọc vừa ghi chú tất cả những thông tin hữu ích, các loại học bổng, kinh nghiệm săn học bổng của các anh chị đã thành công, tìm hiểu xem mình sẽ muốn đi nước nào, hỏi han nhiều lắm.
Mình có một người bạn rất thân, sang Úc trước mình 4 tháng và chính bạn ấy là người đã đồng hành cùng mình trên chặng đường này. Hồi đầu, bọn mình đặt mục tiêu đi cùng một nước và tìm các học bổng toàn phần hoặc chí ít cũng là giảm học phí đến 70%, 80% vì cả hai bọn mình đều không đủ khả năng tự chi trả mọi thứ.
Hàng tuần bọn mình hẹn nhau đi học ở Thư viện Quốc gia, ôn IELTS cùng nhau và giúp nhau vượt qua những chuỗi ngày căng thẳng. Vì chưa xác định quốc gia sẽ học nên bọn mình thay đổi nhiều lắm. Lúc muốn đi Anh, lúc lại Úc, lúc lại nghĩ tới Đức vì nghe ngóng được các trường ở Đức có miễn học phí. Mãi cho đến tận đầu năm 2018 thì bọn mình mới có quyết định rõ ràng: Giấc mơ Úc. Ngẫm lại thấy, khi bạn đã có lựa chọn cuối cùng thì những thứ xảy ra tiếp theo sẽ hỗ trợ cho điều đó. Như trường hợp của mình, từ sau khi lựa chọn Úc, mình có cơ hội gặp nhiều người Úc, họ chia sẻ với mình nhiều thứ, từ cuộc sống ở Úc cho đến các mối quan hệ. Đúng là Đấng Tạo Hóa đã giúp mình.
Chuẩn bị hồ sơ
Trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm, mình nhận ra mình chỉ có thể nộp học bổng Endeavour mà thôi. Ở Úc có hai học bổng toàn phần là Endeavour và AAS. Endeavour là học bổng merit-based nghĩa là bạn chứng minh được mình giỏi, có kinh nghiệm ở ngành nghề đi học, xuất sắc hơn những người khác và phù hợp với tiêu chuẩn tuyển chọn thì bạn sẽ đậu học bổng. AAS thì có khác một chút, đây là học bổng mà chính phủ Úc hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt hướng tới những người có đóng góp lớn cho cộng đồng. Số lượng những người làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước đạt học bổng này khá nhiều, tư nhân thì ít hơn trừ khi lĩnh vực bạn làm có ảnh hưởng lớn tới những người xung quanh và thật sự mang lại phúc lợi xã hội.
Mình làm ở mảng công nghệ, chuyên về content marketing nên rõ ràng dù có viết hồ sơ kiểu gì thì khả năng đậu AAS rất thấp. Suy đi tính lại mình chỉ apply Endeavour mà thôi và hành trình này thực sự khiến mình kiệt sức.
Để biết cần chuẩn bị gì cho học bổng Endeavour, bạn chỉ cần Google là ra một loạt các bài viết. Mình sẽ không liệt kê vào đây nữa, chỉ nhấn mạnh rằng xin học bổng toàn phần đòi hỏi bạn phải kiên trì, nhẫn nại, cố gắng và quyết tâm đến cùng. Ban ngày đi làm, tối về chuẩn bị cơm nước cho chồng, sau đó lại bù đầu với việc viết luận thuyết phục chứng minh mình xứng đáng được cấp học bổng toàn phần, mình gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. Chưa kể mình còn có cả blog thân yêu này nữa, cũng phải dành chút ít thời gian mà duy trì cho nó. Mệt nhưng mà thấy vui, vì mình học hỏi được nhiều. Mình có cơ hội luyện viết, khám phá điểm mạnh bản thân và chạm tới những điều mà nếu không dấn thân vào hành trình này, mình sẽ không bao giờ biết được.
Cũng rất may, chồng mình sau một thời gian thấy vợ quyết tâm nên đã đồng lòng hỗ trợ. Nhờ có chồng mà mình chỉ cần tập trung cho việc chuẩn bị bài luận, sắp xếp hồ sơ, còn chồng sẽ phụ trách đi photo, công chứng. Tưởng đơn giản nhưng mà lại cũng mất sức vì chồng mình đi làm, đôi khi phải tranh thủ giữa trưa hoặc sau giờ chiều đi làm về để giúp vợ.
Trong quá trình chuẩn bị cho Endeavour, một điều may mắn mình có được đó là những người bạn và các anh chị đã giúp đỡ mình kiểm tra bài luận, ngữ pháp, câu từ, ý tưởng. Họ kiểm tra cho mình thường xuyên, đưa ra góp ý xây dựng và giúp mình sửa chữa những lỗi ngớ ngẩn vô cùng. Nếu không có họ thì mình cũng không tự tin để gửi hồ sơ đi đâu.
Và cuối cùng cũng đến ngày nộp. Nhấp chuột vào nút Submit xong là bước sang một giai đoạn khác – giai đoạn của chờ đợi, hồi hộp, lo lắng, tưởng tượng, buồn, thất vọng, hy vọng – một mớ cảm xúc hỗn độn của một người đi săn học bổng mà mình đã được trải nghiệm. Nghĩ lại thấy thú vị vô cùng bởi vì không ngờ mình đã dấn thân vào thế giới của các “Scholarship Hunters” đấy.
Thất bại đầu tiên
Hơn một tháng chờ đợi với biết bao lần Ban học bổng Endeavour thay đổi thời gian báo kết quả. Đến ngày họ công bố danh sách những người đậu, mình trượt! Không thấy tên trong danh sách và hai ngày sau, nhận được email thông báo mình không thành công, buồn lắm các bạn ạ.
Hôm nhận được email mình ở nhà. Tuy buồn nhưng vẫn đủ bình tĩnh để báo tin cho những người thân của mình, những người luôn dõi theo từng bước chân trên hành trình xin học bổng của mình rằng, mình đã trượt. Mỗi một lời động viên gửi đến là mỗi lần mình không thể kìm được, khóc nức nở. Thế là hết, không còn cơ hội để đi nước ngoài học nữa sao?
Thất bại ấy càng làm dấy lên trong mình mong muốn được đi học ở Úc. Mình tìm hiểu về Úc nhiều hơn, đọc mọi thứ về họ, gặp gỡ những người bạn Úc, xem kỹ những trường mà mình thích để coi thử mình sẽ được học gì. Kể cả công việc cũng thúc đẩy mình cần phải quay lại trường học vì quá nhiều kỹ năng mình còn yếu. Thế mà mình đã đánh mất cơ hội được học bổng rồi còn đâu?
Đứng dậy và chọn hướng đi khác
Cuộc sống đôi khi diễn ra theo cách mà chúng ta không thể nào đoán trước được. Sau khi thất bại Endeavour, mình đã dừng xin học bổng một thời gian. Mình thất vọng về bản thân và nghĩ có thể mình đã ảo tưởng về khả năng của mình. Có lẽ mình chỉ nên ở Việt Nam, tiếp tục làm Content Manager ở Beeketing rồi tìm khóa học nào đó trực tuyến về Marketing để học. Có lẽ như vậy sẽ đỡ tốn kém hơn mà mình cũng được trau dồi kiến thức nữa.
Cho đến khi bạn thân của mình sang Úc theo chương trình Working Holiday, một lần nữa mình lại buồn. Bạn thân đã chạm tới Úc rồi còn mình vẫn chưa đi được. Những hình ảnh bạn ấy gửi về, những trải nghiệm và sự cố gắng của bạn ấy với nỗ lực kiếm tiền để đi học làm mình thấy mình có phải đang dễ dàng từ bỏ?
Mình lấy lại tinh thần, lục lọi lại đống giấy tờ làm hồ sơ và dành hàng tuần nghiên cứu xem mình còn cơ hội nào khác. Học bổng 100%, nhưng gửi đi bao người họ đều bảo hồ sơ của mình nếu học Marketing sẽ không được mạnh vì mỗi trường có rất ít suất. Học bổng nghiên cứu toàn phần nhiều nhưng mình chưa hề có bài viết nào được đăng trên các tạp chí nghiên cứu nổi tiếng và mình cũng không phải là dân nghiên cứu. Cuối cùng chỉ còn cơ hội xin học bổng dưới 50% mà thôi, nhưng nếu đi theo chương trình này thì nghĩa là mình sẽ bỏ ra ít nhất 50% tiền học phí và tự trả các chi phí sinh hoạt. Nhiều ghê!
Mình tâm sự với chồng, mình hỏi han bạn bè Úc và hoạch định tài chính. Ban đầu, chồng mình không muốn mạo hiểm vì anh ấy bảo ở Việt Nam cũng có nhiều cơ hội phát triển. Nếu đi như vậy thì chi phí cơ hội rất lớn. Nhưng không hiểu sao trong một lần trên đường về quê, chồng mình bảo mình hãy thử. Nếu được thì sẽ đi và sang bên đó mình đi học, chồng đi làm. Mình vui sướng biết bao và sẵn sàng để chiến đấu lại.
Vì mình chọn ngành Marketing, đúng với công việc mình đang làm nên việc xin thư mời nhập học (Admission Letter) không quá khó. Mình nhận được thư mời từ cả 2 trường mình xin học là University of Tasmania, và Central Queensland University, kèm học bổng cho mỗi trường tương ứng là 50% và 20%. Đây là các trường có nội dung học mình thích, chất lượng so với các trường top ở Úc là tầm trung và học phí vừa phải. Cân nhắc lại mình không chọn Tasmania vì đây là hòn đảo, nếu ở đó thì tìm việc cho chồng sẽ khó khăn hơn và mình học Marketing nên mình muốn học ở thành phố, có lẽ có nhiều cơ hội nên mình đã chọn học Central Queensland University với học bổng 20%. Một con số rất nhỏ nhưng mình vẫn kiên định với hành trình này, cứ thử xin visa xem sao, nếu không được thì sẽ ở lại Việt Nam vậy.
Xin visa – khó biết bao
Nếu bạn đi du học theo diện tự đi học nhưng gia đình có tài chính mạnh và nguồn tài chính này có thể được chứng minh bằng giấy tờ, cộng thêm bạn đi một mình thì việc xin visa sẽ rất nhanh chóng. Nhưng với trường hợp của mình thì ngược lại.
Sau khi có giấy nhập học, mình tìm kiếm các công ty tư vấn du học (agent) để hỗ trợ làm visa. Thực ra, mỗi người đều có thể tự xin visa mà không cần nhờ đến các agent, nhưng vì mình muốn xin visa cho cả hai vợ chồng cùng lúc và cũng không có nhiều kinh nghiệm ở việc này nên mình muốn làm qua agent. Ngặt nỗi, hỏi rất nhiều người và câu trả lời mình nhận được đều y hệt: hồ sơ của em rủi ro lắm, tài chính yếu, lại xin đi hai người cùng lúc nên công ty không làm được. Có một bên agent khác, mình nói chuyện, chia sẻ với chị cả tháng trời, chị cũng giúp đỡ nhiều vì thấy mong muốn đi học của mình lớn quá. Nhưng cũng vì lý do “tài chính yếu” mà chị không thể giúp mình được. Mình không thể tìm ra được một người thân nào có đủ thu nhập và giấy tờ chứng minh để giúp chồng và mình xin visa. Một lần nữa, mình cảm thấy như mình sắp đối diện với thất bại.
Hơn 1 tháng sau, trong một lần lướt Facebook, mình đọc được bài chia sẻ của chị Annie bên SBS Scholarship. Thật bất ngờ chị cũng học ở Central Queensland University giống mình. Mình vào Facebook và blog của chị, đọc ngấu nghiến các bài chị chia sẻ về hành trình chị tự đi học, chị gặp phải khó khăn gì và chính điều đó làm mình lấy lại ý chí. Mình mạnh bạo chat với chị qua Facebook và nhận được sự giúp đỡ tận tình. Chị bảo mình chị sẽ giúp làm visa miễn phí vì bên công ty chị đã nhận hoa hồng từ trường rồi. Chị chuyển hồ sơ của mình cho đồng nghiệp của chị (chị Hạnh) và một hành trình nữa lại bắt đầu: chuẩn bị hồ sơ làm visa, thứ mà mình chưa bao giờ nghĩ là lại phức tạp và khó khăn đến thế.
Trong suốt thời gian làm visa, hai chị em đã trải qua rất nhiều thử thách. Có những lúc, mình thật sự bất lực vì những giấy tờ chị muốn mình làm để tăng độ mạnh cho hồ sơ, mình cũng không thể làm được. Rồi có lúc, chị bảo mình đổi sang chiến lược khác: mình đi trước, sang đó học xong một kỳ rồi làm hồ sơ cho chồng sang. Nhưng mình thực sự không muốn làm như vậy. Mình muốn hai vợ chồng sang cùng, còn nếu mình sang trước thì sợ rủi ro chồng sẽ không sang được. Chốt phương án này nghĩa là mình cũng mạo hiểm, nếu được visa thì tốt rồi, còn nếu không được visa thì mình sẽ mất toàn bộ chi phí làm visa (từ phí làm dịch vụ tài chính, phí xin visa, khám chữa bệnh, lấy vân tay, công chứng…, cũng gần 60 triệu), chỉ được refund tiền mua bảo hiểm và nhập học từ trường.
Hết cách này đến cách khác, ngày qua ngày mình cứ mở Messenger là hy vọng chị sẽ tìm ra con đường nào đấy cho hồ sơ của mình. Mỗi lần chị bảo có cách, mình lại như thấy hy vọng, nhưng nghĩ đến làm thế nào để có tờ giấy đó, làm thế nào để xin được con dấu là mình lại bế tắc. Thậm chí, tuần trước ngày nộp hồ sơ là 3/9, chị còn bảo mình bổ sung thêm các giấy tờ khác để chắc chắn hơn nữa. Nhưng đúng là khi bạn muốn gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn. Từ từ, chậm rãi mình cũng lo xong bộ hồ sơ. Submit xong thở phào nhẹ nhõm và chờ ngày có kết quả.
Chờ đợi
Những ngày chờ đợi kết quả visa thật khắc nghiệt. Hôm nào đi làm cũng nơm nớp lo sợ sẽ bị gọi phỏng vấn, rồi trả lời không ăn khớp với hồ sơ sẽ bị trượt luôn, coi như giấc mơ đi học ở Úc sẽ chấm dứt, không biết bao giờ mới thực hiện được. Đã có lúc mình cảm thấy hối hận vì nếu như mình bị trượt visa thì sẽ mất một khoản tiền lớn mà hai vợ chồng tiết kiệm được. Mình hối hận vì không lẽ mình đã quá sai lầm khi đi học, 29, 30 tuổi rồi mà còn đi học nữa, làm khổ cả chồng mình. Mình suy nghĩ nhiều lắm, cũng muốn hy vọng nhưng không dám hy vọng.
Sau khi chờ khoảng 3 tuần không thấy tin gì từ đại sứ quán, mình đã nghĩ có lẽ vợ chồng mình không được visa rồi. Mình suy nghĩ và dần trở nên tích cực hơn. Mình nghĩ thoáng hơn và không dằn vặt bản thân nữa. Nếu không được đi thì công việc của mình vẫn đang tốt và có nhiều cơ hội phát triển. Mình vẫn đang làm cho cả một số công ty nước ngoài, chỉ là mình chưa ra nước ngoài thôi. Mình chấp nhận với sự vui vẻ rằng việc được đi hay không không phải do mình quyết định.
Và rồi, tròn một tháng, mình đã có kết quả. Một buổi trưa ở công ty, sau khi tỉnh dậy từ một giấc ngủ ngắn, mình mở máy tính và nhận được tin nhắn từ một chị bên agent rằng “Vân Anh ơi, vợ chồng em có visa rồi”. Mình không thể tin nổi vào mắt mình nữa. Vợ chồng mình có visa sao? Mình đã không nghĩ đến? Chồng mình cũng vô cùng bất ngờ. Mình vui sướng vô cùng, cảm thấy như đây là giấc mơ có thật. Giấc mơ mà mình đã ấp ủ từ lâu, từ chỗ đầy hào hứng để thực hiện, cho đến thất vọng rồi hy vọng, tuyệt vọng, và giờ nó đã thành hiện thực.
Mình đã ở Úc
Sau khi có visa, mọi việc diễn ra thật nhanh chóng. Mình cảm thấy vợ chồng mình may mắn vô cùng, mình đi bằng khao khát được học tập, phát triển bản thân, bằng đức tin của mình và bằng sự hài lòng rằng kể cả nếu thất bại, mình cũng chấp nhận. May mắn ấy còn chưa dừng lại khi công ty mình đang làm trước đó, Beeketing đã đồng ý cho mình tiếp tục làm việc dưới dạng từ xa (remotely), nghĩa là mình vẫn là Content Manager, vẫn làm các công việc như mình vẫn làm. Dẫu biết đi học sẽ vất vả, nhưng mình yêu công việc viết lách và muốn giúp đỡ công ty trong thời gian tới (ít nhất là vài tháng nữa) nên mình vẫn cố gắng.
Giờ đây, hai vợ chồng mình đã ở Úc. Không khí trong lành, con người thân thiện, cuộc sống nhiều thứ tốt đẹp, chất lượng hơn, và chắc chắn là vẫn còn hàng tá khó khăn, thử thách đang chờ đợi vợ chồng mình phía trước. Nhưng không sao, bọn mình vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu và tận hưởng chuyến hành trình mới này – sẽ có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ, mình tin chắc như vậy.

Lời khuyên cho bạn
Mình không dành được học bổng toàn phần, cũng không đạt được học bổng hoành tránh như bao anh chị hay các bạn khác để đưa ra lời khuyên cho bạn. Con đường mình đi không giống nhiều người: mình mạo hiểm xin visa cho cả hai vợ chồng và may mắn là mình đã thành công. Mình cũng không phải là chuyên gia hay người có nhiều kinh nghiệm du học.
Mình đơn giản chỉ là một người đã trải qua một chặng đường rất dài để chinh phục giấc mơ được đặt chân đến Úc và học tập ở nước ngoài. Thế thôi! Nếu bạn muốn mình đưa ra lời khuyên hay một cái gì đó để truyền cảm hứng cho bạn thì mình chỉ muốn nói rằng bạn hãy cứ dấn thân, cứ tiếp tục theo đuổi giấc mơ của bạn và dám chinh phục. Đôi khi khác biệt một chút sẽ giúp bạn có được cái bạn muốn, nhưng đừng quá kỳ vọng mà hãy mạo hiểm với sự chấp nhận rằng cho dù có thất bại bạn vẫn bình an và vui vẻ.
Cơ hội dành cho tất cả mọi người. Sự nỗ lực, ý chí và may mắn sẽ giúp bạn giành lấy nó. Cám ơn bạn đã lắng nghe câu chuyện của mình. Hy vọng nó sẽ mang đến cho bạn nhiều động lực và cảm hứng.
Lưu ý:
- Mình không quảng cáo cho SBS Scholarship và cũng không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ công ty này. Mình chỉ chia sẻ một cách chân thật về trải nghiệm xin visa của mình.
- Học bổng Endeavour đã chính thức ngừng tài trợ.
Chúc mừng em. Cảm ơn em nhiều. Những bài viết của em đã giúp chị có thêm động lực và sự cố gắng kiên trì hơn với dự định của mình. Những chia sẻ của em trong những bài viết trên blog này thực sự rất tuyệt vời.
Em cám ơn chị nhiều nha.
Em rất thích bài viết. Đọc mà như thấy được sự nỗ lực cố gắng rất lớn của hai vợ chồng chị và cũng cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều ạ. Chúc hai anh chị gặp nhiều may mắn và thành công ở Úc nhé ạ ^^
Cám ơn em nhiều nha. hihi
Mình đọc bài viết của bạn và thực sự thấm những nỗ lực, cảm xúc bạn đã trải qua. Đâu đó có bóng hình mình trong câu chuyện của bạn 🙂 Mình là Lan Oanh, AAS 2019, vì Covid nên giờ mình vẫn chưa được sang Úc nè, lang thang tập tành viết blog và làm một website thì gặp bạn ☺️ mình nhớ những ngày ước mơ đi Úc học, sáng chiều dạy trẻ nên tranh thủ trưa và tối luyện phát âm, luyện nghe, rồi luyện IELTS ^^ giờ thì cố gắng thêm phần viết hihi. Mình háo hức chờ cái đoạn Visa quá, bên mình thì Học bổng lo hết, nhưng chia sẻ của bạn thực sự nâng mood mình những ngày chờ đợi ngày đi này. Đúng là khi thực sự muốn, cả vũ trụ sẽ lắng nghe ta hen
Chúc mừng chị! Chị thật may mắn khi đã có một anh chồng tuyệt vời đồng hành cùng mình trên mọi chặng đường. Em chúc anh chị sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời nhất tại Úc ạ.