Facebook Notes là tập hợp các chia sẻ nhỏ thường ngày mà mình đăng trên fanpage Lifelong Learners. Mình sẽ duy trì việc tổng hợp các chia sẻ này thành những Facebook Notes trên blog để bạn tiện theo dõi nhé. Hy vọng chúng sẽ mang đến cho bạn chút suy ngẫm gì đó có ích.
Ngày 19/5/2019: Cân bằng trong cuộc sống
Cách đây chỉ một, hai năm, trong đầu mình luôn nghĩ rằng công việc lúc đấy là ưu tiên số một. Vì mình còn trẻ và còn nhiều thứ để lo, cần phải có tiền để chăm sóc bố mẹ, lấy chồng, sau này còn nuôi con, có tiền thì mới mua được những thứ tốt hơn, đi du lịch nhiều hơn và có nhiều thứ khác nữa.
Và thế là mình dồn hết sức để làm việc. Lúc nào trong đầu cũng là làm việc: làm thế nào để làm nhiều việc hơn ở công ty, làm thế nào để kiếm được việc làm thêm nữa, làm thế nào để kỹ năng của mình mạnh hơn, làm thế nào để trong những lúc rảnh mình vẫn kiếm được tiền… Mọi thứ đều xoay quanh tiền và công việc.
Mình nghĩ rất nhiều người đã (và đang) trải qua những suy nghĩ như mình. Có lẽ, mình không phải là người duy nhất.
Nhưng sau một thời gian đi làm nhiều, gặp gỡ nhiều người, lập gia đình…, mình nhận ra công việc không phải là tất cả, tiền không phải là tất cả.
Làm nhiều mệt lắm chứ? Thèm lắm một ngày không phải đi làm để được ngủ thật muộn, được trò chuyện, chơi cùng bạn bè, được đi ra ngoài ngắm nhìn thiên nhiên, thế giới xung quanh mà trong đầu không phải suy nghĩ về kế hoạch, về deadline… Ai cũng có lúc thèm lắm cảm giác ấy.
Vì thèm quá nên mình đã quyết định cuối tuần dành gần như trọn thời gian để nghỉ ngơi, cho gia đình, làm những việc mình thích và tách bản thân ra khỏi công việc. Và điều mình nhận được là sự thư thái 100%. Mình thấy yêu cuộc sống của mình hơn, và mình cũng hiểu không ai ép buộc mình phải làm việc 100% cả. Mình được quyền tự do lựa chọn: nghỉ ngơi hay làm việc.
Khi còn trẻ, mình muốn bay nhảy nhiều, nhưng giờ đây, khi đã làm việc nhiều năm (và vẫn còn trẻ 😁), mình muốn một sự cân bằng. Cuộc sống đâu cần phải quá xa hoa về vật chất, cái quan trọng là đời sống tinh thần, tâm hồn và những mối quan hệ.
Ngày 13/08/2019: Chuyện của mình
Theo các bạn, khi đi làm điều gì là quan trọng nhất?
- Lương thưởng?
- Được thăng tiến?
- Học hỏi được điều gì đó?
- Có ‘cạ’ để chém gió, buôn chuyện
- Lâu lâu được vui chơi, giải trí…
- Làm hết mọi việc được giao
- Không phải mang việc về nhà
- Không phải làm over time…
….
Tất cả những điều này đều quan trọng và cần được cân nhắc khi vào làm một công ty nào đó. Nhưng, với mình thì còn một yếu tố nữa quan trọng hơn đó chính là các thành viên trong team của mình gắn kết với nhau như thế nào – LOVE IN WORK.
Mỗi ngày ít nhất 8 tiếng mình làm việc ở công ty với những người trong team. Sau chồng thì hiện tại, họ là những người mà mình gặp nhiều nhất. Bạn bè cũng chỉ lâu lâu mới gặp, hoặc cuối tuần mới gặp thôi. Bố mẹ cũng vậy, lâu lâu mới về thăm.
Thế nên, khi đi làm, thực sự mình rất muốn sự gắn kết. Mình cố gắng hòa hợp, quan tâm và giúp đỡ họ, kể cả khi họ không hiểu được những gì mình đang làm. Mình làm thế không mong muốn nhận lại được gì cả, đơn giản vì mình thực sự quan tâm và hy vọng sẽ mang đến một sự đổi khác nào đó; và vì mình cũng biết mọi người đều làm việc rất căng thẳng.
Nhiều lúc mình rất thích đi làm, vì nghĩ đến nghe mọi người nói chuyện thôi cũng làm mình thấy háo hức. Đôi khi mình chỉ im lặng lắng nghe, quan sát, nhưng mình thích cái cảm giác mọi người ai cũng vui, làm mình cũng vui lây. Có áp lực, có căng thẳng nhưng cũng chẳng là gì khi mà mình thấy mọi người ai cũng căng tràn sức sống. Công việc cần phải làm, nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất khi mình cảm nhận được sự yêu thương, gần gũi – LOVE IS POWERFUL.
Ngày 19/08/2019: Hãy tin tưởng vào khó khăn của bạn
Gần đây mình có xem một video rất hay trên TED Talk. Video có tên là Trust your struggle (tạm dịch: Hãy tin tưởng vào khó khăn của bạn) của diễn giả Zain Asher.
Zain sinh ra và lớn lên ở London. Chị tốt nghiệp đại học Oxford, thành thạo 2 ngôn ngữ là tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Sau đó, chị tiếp tục giành được tấm bằng thạc sĩ khoa học tại trường Báo chí thuộc Đại học Columbia, chuyên về tin tức tài chính và kinh doanh.
Công việc đầu tiên của Zain là nhân viên lễ tân tại một công ty sản xuất ở Columbia (không liên quan gì đến ngành chị học cả nhỉ😓). Chị làm việc rất chăm chỉ, ở lại muộn để làm thêm việc hay đi làm cả những ngày cuối tuần, nhưng dù có cố gắng thế nào, chị cũng không được sếp để ý, chứ chưa nói gì đến cơ hội thăng tiến lên vị trí chị mong muốn. Chị rất mệt mỏi với điều này và đã nghiêm túc tự vấn bản thân, “Mình thực sự muốn làm điều gì? Công việc này rõ ràng không phải cái mình muốn. Vậy thì mình muốn làm gì đây?”
Sau một thời gian, chị quyết định gọi điện cho một đài phát thanh ở New York để hỏi xem họ có tuyển không. Chị trả tiền cho bạn bè để họ giúp chị quay một video về chính mình, y hệt như một phóng viên thực thụ. Thế nhưng, họ từ chối tuyển chị vì giọng của chị là giọng của người nước ngoài, trong khi họ cần một người bản địa để chuyên về tin tức địa phương. Hết lần này đến lần khác chị bị từ chối. Chị bị mất việc, không tiền, không có gì cả. Chị chuyển đến New York và bắt đầu hành trình đi tìm công việc mình mơ ước: được làm ở đài phát thanh. Thật may mắn, chị được nhận vào làm, chị làm việc quần quật với sự say mê điên cuồng. Chị chuẩn bị hết những thứ cần thiết cho tương lai vì chị tin chắc một ngày nào đó chị sẽ được vào làm việc ở CNN, chuyên về mảng tin kinh tế.
Và chị đã làm được.
Những bài học mình rút ra từ video của chị Zain:
- Hãy tin tưởng vào những khó khăn bạn đang gặp phải vì nếu bạn cố gắng hết sức và không từ bỏ thì bạn sẽ nhận được những kết quả tốt đẹp đầy bất ngờ.
- Đừng cạnh tranh với người khác để có được cái bạn muốn. Thay vì vậy, hãy nỗ lực và tự sáng tạo ra điều bạn muốn.
- Bạn càng cho đi bạn càng được nhận lại nhiều thứ.
- Nếu bạn thực sự tin trong tương lai bạn sẽ có được thứ bạn muốn thì ngay từ bây giờ, hãy trang bị những thứ cần thiết cho bản thân để khi thứ bạn muốn xuất hiện thì bạn đã ở trong tư thế sẵn sàng. Cơ hội sẽ đến với những người biết chuẩn bị.
Nếu bạn tò mò và muốn được nghe chính chị Zain kể câu chuyện của mình thì hãy dành thời gian nghe nhé.
Ngày 26/08/2019: Những con người bình dị
Tối thứ 7 vừa rồi, nhà mình có hai vợ chồng người Anh qua ăn cơm.
Hai anh chị rất trẻ và tuy đã gặp nhau nhiều nhưng mãi đến hôm đó mình mới biết là profile học tập của hai người rất khủng.
Anh tốt nghiệp khoa Luật đại học Oxford, chị tốt nghiệp khoa địa lý đại học Cambridge, đều là hai ngôi trường top đầu của thế giới. Hai anh chị học vô cùng giỏi, đã đi nhiều nước trên thế giới và vô cùng tốt bụng.
Mình hỏi anh, ‘sao anh tốt nghiệp khoa Luật mà anh không đi làm luật sư?’
Anh bảo rằng sau khi ra trường, anh cảm thấy nếu đi làm luật sư ở các văn phòng lớn thì sẽ không làm gì được cho những người nghèo, vì anh thấy những gì anh nghiên cứu có thể không tác động và giúp đỡ được trực tiếp đến họ. Thế nên, anh chọn lựa đi dạy, để được gần gũi với họ và giúp đỡ họ nhiều nhất có thể. Những gì anh đã được học giúp ích cho anh khi tìm hiểu các vấn đề liên quan để hỗ trợ tốt hơn cho những người đó.
Mình hỏi chị, ‘sao chị tốt nghiệp Oxford mà chị lại không đi làm ở một công ty lớn?’
Chị bảo vì chị cũng muốn đi dạy. Chị thích gần gũi với mọi người và giúp đỡ họ nhiều hơn là làm việc trong các văn phòng.
Mình thực sự ấn tượng bởi sự bình dị, đời thường, chân thật, tử tế của các anh chị. Họ không cảm thấy cái mác học ở trường top sẽ khiến họ ra trường cũng phải làm công việc gì đó tương xứng. Họ cũng không thể hiện trước người khác rằng mình học ở Oxford và Cambridge, mình cao siêu hơn ai. Ngược lại, họ chia sẻ với sự tự nhiên, bình thường, rằng ‘tôi cũng như bạn’.
Thường gặp những người giỏi hay các du học sinh, một số người sẽ có cảm giác thu mình lại vì thấy người ta giỏi quá. Họ cũng cảm thấy mình kém cỏi hơn và bắt đầu tự hỏi ‘sao mình không được như vậy?’. Và mình cũng đã từng gặp một số người có cách nói chuyện, chia sẻ khiến người khác cảm thấy kém cỏi, dù phải công nhận họ rất giỏi.
Nghĩ lại hai anh chị người Anh, mình nhận thấy ở họ không hề có điều đó. Mình nói chuyện với hai anh chị mà chẳng cảm thấy thua thiệt điều gì. Ngược lại, càng nói chuyện mình càng thấy hứng thú muốn tìm hiểu thêm vì họ thật cởi mở, không che giấu điều gì.
Mình nhắc nhủ bản thân phải rèn luyện điều đó.
Ngày 27/08/2019: Không ngừng học hỏi
Gần đây mình có đọc được một bài chia sẻ rất hay của Tim Soulo, Product Marketing Director (giám đốc marketing sản phẩm) tại Ahrefs – một công cụ SEO rất nổi tiếng và hàng đầu thế giới hiện nay. Đọc chia sẻ này mới thấy sức mạnh của việc luôn suy nghĩ như là kẻ nghiệp dư và sẵn sàng học hỏi từ những gì mình chưa biết. Để mình tóm tắt lại cho bạn nhé.
Cách đây hơn 3 năm, Tim được Ahrefs mời về làm việc ở vị trí Product Marketing Director. Vì trụ sở công ty ở Singapore, nên Tim đưa cả nhà chuyển sang Sing để sống và làm việc.
Ở thời điểm đó, Tim là người mới trong ngành về SEO. Lúc này, đối thủ của Ahrefs cũng là các công ty lớn như Moz và SEMrush, bạn nào mà làm về marketing thì chắc biết đến các công cụ này.
Tim bắt đầu bước vào ngành SEO và làm ở vị trí Product Marketing Director mà:
- Không biết gì về sản phẩm, về công cụ SEO Ahrefs cả.
- Chỉ biết một ít kiến thức rất cơ bản về các công cụ SEO.
- Không có kinh nghiệm gì về làm marketing cho sản phẩm của một công ty SAAS (Software as Service – cung cấp phần mềm như một dạng dịch vụ, công ty mình đang làm cũng thuộc dạng này).
Và Tim đã làm gì để trở thành một trong những giám đốc marketing giỏi nhất trên thế giới hiện nay:
- Anh dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu sản phẩm, đào sâu những chi tiết nhỏ nhất, so sánh các tính năng và chức năng của các đối thủ cạnh tranh.
- Đọc hàng trăm bài viết về SEO, tiếp cận với các chuyên gia trong ngành bất cứ khi nào có cơ hội.
- Nhưng thứ mà Tim dành nhiều thời gian để làm nhiều nhất đó chính là NÓI CHUYỆN VỚI KHÁCH HÀNG – vô cùng nhiều.
- Tim tìm hiểu khách hàng của Ahrefs trên Twitter, Facebook, Reddit, Inbound.org, và rất nhiều trang mạng xã hội khác. Bất cứ chỗ nào có người dùng Ahrefs xuất hiện hoặc bàn tán về Ahrefs là Tim sẽ tìm đến, để tìm hiểu xem họ đang nói gì về Ahrefs. Tim nỗ lực đến gần khách hàng để xem họ thích điều gì về sản phẩm của mình, điều gì họ chưa hài lòng, điều gì cần cải thiện thêm. Tim thậm chí còn chủ động đặt câu hỏi và khuyến khích họ dù có bất cứ vấn đề gì liên quan đến Ahrefs thì cứ nhắn tin với Tim, anh sẽ hỗ trợ hết.
Tim chia sẻ, không phải tất cả những gì người dùng nói về Ahrefs anh đều thích, vì có những bình luận tiêu cực nữa. Nhưng chính quá trình đi tìm và tiếp cận người dùng như vậy, Tim đã học hỏi được rất nhiều, cả về sản phẩm Ahrefs, và cả cách làm thế nào để trở thành một “đại diện chính thức” của công ty trên Internet.
Đến bây giờ, Tim đang quản lý một team marketing rất hùng hậu tại Ahrefs, gồm 8 người và ai cũng vô cùng giỏi. Công việc của anh cũng có nhiều thay đổi, lịch trình làm việc cũng thay đổi, nhưng có duy nhất một điều không thay đổi về anh, đó là anh VẪN GIỮ MÌNH Ở GẦN KHÁCH HÀNG NHẤT CÓ THỂ. Anh vẫn trả lời tất cả các email mà khách hàng gửi đến cho anh. Anh nói chuyện, chia sẻ và xử lý các vấn đề của họ trong group Facebook, anh cũng tham gia các cộng đồng nơi người dùng Ahrefs hiện diện.
Theo Tim, bạn chỉ có thể trở thành một marketer giỏi nếu bạn có một hiểu biết sâu sắc về sản phẩm mà bạn đang tiếp thị: thị trường mà bạn đang dấn thân vào, đối thủ cạnh tranh mà bạn phải đối mặt, và điều quan trọng nhất là những người mà sẽ sử dụng sản phẩm của bạn.
Ngày 04/09/2019: Trân trọng
Mỗi người mình gặp trong đời đều để lại cho mình một thứ gì đó.
Có thể là một câu nói, một câu chuyện, một cuốn sách, một bài hát, một món quà nhỏ, một bài học, một trải nghiệm, một kinh nghiệm, một lời khuyên, một sự giúp đỡ,… cho dù là ai thì cũng đều có ý nghĩa với mình. Thậm chí một chia sẻ của họ thôi cũng làm mình suy nghĩ để đến một thời gian sau chính chia sẻ đó lại thay đổi cả cuộc đời của mình. Mình tin vào điều này.
Mình cũng biết cuộc sống có nhiều thứ khiến nhiều người dường như không nhận ra những người họ gặp đã để lại cho họ điều gì. Có thể họ nhận lấy nhưng những mục tiêu cá nhân, những thú vui trong cuộc sống và hàng tá những việc khác khiến họ dường như quên mất điều gì là đáng trân trọng, điều gì là đáng nâng niu. Mình thì mình nghĩ công việc, thăng tiến, danh vọng, tiền bạc, vật chất… không phải là tất cả.
Thế nên, cho dù có những ước mơ như thế nào và phải phấn đấu như thế nào để đạt được nó, mình vẫn thường dành thời gian chậm lại. Chẳng hạn buổi tối, buổi sáng dậy hay ngày cuối tuần, mình thường dành thời gian cho bạn bè hoặc ghi chép lại những điều mình cảm thấy trân quý. Hoặc kể cả trong ngày bình thường, khi đi làm, mình cũng thường để ý, quan sát xem ngày hôm nay có ai đó đã làm điều gì tốt đẹp với mình hoặc mình đã nhìn thấy điều gì đáng suy ngẫm.
Dành tặng bạn một câu rất hay trong Kinh Thánh mà gần đây mình đọc được.
“Cuối cùng, thưa anh em, hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến.” – Phi-lip 4: 8
(Kinh Thánh là một sách ẩn chứa nhiều bài học ý nghĩa mà bất cứ ai cũng nên đọc.)
Ngày 14/09/2019: Dọn nhà
Mình có một thói quen đó là sáng thứ 7 hàng tuần, mình thường dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, coi sóc lại cây cối xem có cần vun xới gì không và đi chợ. ☘️☘️☘️
Dọn dẹp nhà khiến mình cảm thấy không gian xung quanh mình được làm mới và tâm hồn mình cũng tươi mới hơn. Bao nhiêu căng thẳng trong tuần của công việc và cuộc sống cũng vơi đi rất nhiều.
Mình biết có nhiều bạn có suy nghĩ phòng thuê thì dọn dẹp làm gì nhiều, có phải nhà của mình đâu. Dọn qua loa thôi vì sau này thể nào cũng chuyển đi mà.
Vợ chồng mình cũng đang thuê trọ nhưng mình không nghĩ như thế. Mình nghĩ khác. Từ hồi mình còn là sinh viên, mình đi thuê nhà cho đến bây giờ khi đã lấy chồng, mình vẫn thuê, nhưng mình luôn giữ nguyên tắc là giữ căn phòng luôn sạch sẽ. Mình chăm sóc nó, coi nó như căn nhà thật sự của mình.
Mình nghĩ, điểm khác chỉ là bạn bỏ tiền ra thuê nhà và bỏ tiền ra mua nhà mà thôi (và mặt giấy tờ nữa). Bạn thuê phòng thì căn phòng đó ở một mức độ nhất định, cũng ‘thuộc’ về bạn, cũng là nơi bạn trở về sau một ngày làm việc hay một chuyến đi xa. Bạn ngủ trong căn phòng đó, vui buồn cùng người thân ở đó, và bao nhiêu kỷ niệm khác cũng có thể gắn với căn phòng, vậy tại sao không săn sóc nó thật sự?
Khi bạn đối xử với những thứ xung quanh mình một cách trân trọng thì bạn cũng sẽ cảm nhận được chúng rất trân trọng và yêu quý bạn. Cây cối sẽ luôn xanh tươi, nở hoa, căn phòng cũng thoáng mát một cách kỳ lạ. Tâm hồn, cuộc sống của bạn tươi mới, đầy sức sống hơn. Chắc chắn đấy.
Ngày 19/09/2019: Dấn thân
Ngày xưa, lúc mới ra trường công việc của mình cũng không được tốt lắm. Có lần mình làm một công ty, mình khá thích công việc nhưng môi trường không ổn và sếp không trân trọng mình chút nào.
Mình rất muốn nghỉ việc nhưng lúc ấy, lo lắng nhiều vì nếu nghỉ việc sẽ không tìm được một công việc tốt hơn. Nhưng nếu tiếp tục như vậy, tiếp tục làm một ở một công ty mà những đóng góp và nỗ lực của mình không được ghi nhận thì mình cảm tưởng như đang tự dối bản thân.
Mình chia sẻ vấn đề với một người bạn thân và bạn ấy đã nói với mình một câu mà đến bây giờ mình vẫn không bao giờ quên được: “Đời thiếu gì cơ hội”. Kể cả bây giờ, khi có ai chia sẻ với mình vấn đề tương tự và nhờ mình tư vấn thì mình cũng sẽ nói với họ câu đó.
Một khi bạn luôn cố gắng, học hỏi, không ngại thử thách thì nếu đang ở một môi trường không cho bạn phát triển và không được trân trọng thì hãy cứ mạnh dạn tìm kiếm cho mình một bến đỗ tốt hơn. Bên ngoài kia không thiếu gì cơ hội cho bạn, chỉ là bạn có thực sự nỗ lực để nắm lấy nó hay không mà thôi.
Bạn hãy nhìn cây cối xung quanh xem. Chúng đắm mình trong ánh nắng Mặt Trời, đứng vững trước gió bão, tươi mát sau những cơn mưa, lớn dần và khỏe khoắn lên mỗi ngày mà không ai biết. Chúng sẵn sàng tạm biệt mùa thu và chào đón mùa đông trước khi một lần nữa tràn đầy sức sống vào mùa xuân. Chúng là chỗ trú ngụ cho những người lạ. Rễ của chúng đâm dài xuống đất nhưng ngọn của chúng lại vươn cao đến tận trời xanh.
Hãy mạnh dạn đưa ra lựa chọn và kiên định với con đường ấy đến cùng, nhưng cũng hãy đủ nhẹ nhàng và chậm rãi để cảm nhận rằng cuộc sống này không chỉ dừng lại ở công việc. Bạn có đồng ý với mình không?
Ngày 18/10/2019: Giữ bản thân luôn bận rộn
Mình là người không thích có quá nhiều thời gian rảnh. Ở đây không có nghĩa là mình không nghỉ ngơi. Có chứ, mình nghỉ ngơi nhiều là khác. Nhiều lúc mình chẳng làm gì cả, chỉ ngồi xem phim, nghe nhạc, cafe chém gió với bạn bè. Nhưng lúc mà mình làm thì mình rất tập trung và dồn sức để làm cho xong mọi thứ.
Qua nhiều năm làm việc, mình nhận thấy nếu bản thân quá rảnh rỗi thì rất dễ suy nghĩ nhiều, lo lắng thái quá, dễ sa vào việc xem video, đọc hay làm những thứ không có ích. Vì thế, ngoài những lúc nghỉ ngơi thì mình thích giữ bản thân luôn bận rộn.
Mình làm nhiều thứ. Đi làm, đọc thêm, viết cho blog Form Your Soul, dọn dẹp nhà cửa, gặp gỡ bạn bè… Tất cả những điều đó giúp mình thêm năng động, suy nghĩ tích cực, giảm bớt lo lắng. Mình không thích chỉ ngồi một chỗ và rồi than vãn “chẳng có việc gì để làm”, hay “biết làm gì đây”, hay “chẳng có ai để nói chuyện”… Tất cả những cái này chỉ là excuse thôi, bởi vì một khi mình đã chủ động thì đầy thứ để mình làm.
Khi bận rộn như vậy, đầu óc mình vận động nhiều và mình nghĩ ra nhiều thứ thú vị hơn. Tuần này làm những thứ này, tuần sau mình lại muốn thử những thứ khác để cuộc sống thêm thú vị. Viết chủ đề này rồi, lần sau muốn thử với những chủ đề khác. Không bao giờ ngừng.
Ngày 06/11/2019: Học cho mình và cho người khác
Hôm nay là ngày đầu tiên mình tới trường. Có rất nhiều điều thú vị mà mình chưa từng được trải nghiệm tại trường Đại học ở Việt Nam (mình đã học cả thạc sĩ ở VN rồi). Ngoài những cái này, có một bài học vô cùng lớn mà mình rất muốn chia sẻ với các bạn.
Trong buổi định hướng (Orientation Day), có một thầy cố vấn học tập lên gửi lời chào tới các học sinh. Thầy có kể câu chuyện về một cậu bé sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, rất nghèo. Họ sống ở Sri Lanka. Vì quá nghèo nên chẳng có ai được học hành gì cả. Cậu bé thấy nhà nghèo quá và không muốn sau này con cháu của mình cũng sống cuộc sống như vậy nên quyết tâm đi học. Cậu đi tìm chỗ để đi học lỏm, ban ngày thì làm lụng kiếm sống cùng gia đình, tối đến lại cặm cụi học.
Thấy cậu học như vậy, anh chị em của cậu cười, bảo học để làm gì, chẳng có thời gian để chơi mà lại còn đòi đi học. Ban đêm khi các anh chị của cậu đi ngủ, cậu buồn ngủ lắm nhưng vẫn lọ mọ ngồi học. Có những lúc trời giá rét, cậu mệt và chỉ muốn đi nằm. Để chống cơn buồn ngủ, cậu lấy một chậu nước, đặt chân vào vì nếu rét cóng chân sẽ không ngủ được và cậu sẽ tỉnh táo để học. Ngày qua ngày như vậy, và cuối cùng, cậu đã có một chứng chỉ học nghề.
Vào năm 1983, Sri Lanka xảy ra một cuộc chiến tranh nội bộ. Gia đình cậu phải đi lánh nạn và quyết định di chuyển sang Úc. Khi sang Úc, gia đình cậu gặp nhiều khó khăn và để có thể sống ở Úc lâu dài, cậu bị yêu cầu phải đi học tiếp 4 năm nữa để có bằng đại học, họ không chấp nhận chứng chỉ học nghề. Đấy là một lựa chọn vô cùng thử thách vì cậu không có tiền, lại phải chăm sóc cả gia đình, nhưng cậu đã quyết định cố gắng, vừa học vừa làm. Cậu đã làm được.
Cậu bé trong câu chuyện này chính là bố của thầy cố vấn học tập. Thầy nói bố của thầy đã quyết định đi học và việc học của bố có thể khiến cuộc sống của bố khó khăn, nhưng chính quyết định đó đã giúp cho cả gia đình của thầy, thầy, em gái của thầy, các thế hệ tương lai của gia đình, những người bạn của gia đình thầy có một tương lai tốt đẹp. Thầy nhấn mạnh khi chúng ta học, chúng ta không chỉ học cho mình, mà chúng ta còn học cho những người khác. Thế giới có hơn 7 tỷ người nhưng rất ít phần trăm trong đó được học, rất rất ít phần trăm trong đó nữa được đi học đại học, rất rất rất ít phần trăm trong đó nữa có được tấm bằng đại học và vô cùng, vô cùng ít nữa những người có cơ hội đi học ở các nước khác.
Câu chuyện của thầy khiến mình nhìn nhận lại bản thân. Trong bất cứ lúc nào mình học, mình cũng cần suy nghĩ rằng mình không chỉ học cho bản thân, cho gia đình mình mà còn cho những người khác nữa. Dù bạn có đang học bất cứ điều gì thì những gì bạn học được cũng sẽ giúp ích cho ít nhất một người nào đó ngoài kia. Có thể sự giúp ích đó sẽ đến sau đó vài phút, hoặc ngày mai, tuần sau hoặc một thời điểm bất kỳ trong tương lai mà bạn không hề biết trước.
Hãy cứ tiếp tục học và trân trọng việc học bạn nhé. Học không chỉ cho mình.
Ngày 15/11/2019: Thái độ
Hôm trước đi học, thầy giáo mình có kể câu chuyện như thế này.
Vài năm trước trong lớp thầy dạy có một cô sinh viên Việt Nam học rất giỏi, chăm chỉ, năng động. Chị học ngành về nhân sự (Human Resources). Sau khi ra trường một thời gian, có lần thầy gặp lại chị, thầy hỏi “em đang làm gì?”. Chị ấy bảo “em đang là Leader của một team phụ trách mảng tài chính của một công ty rất lớn ở Úc”.
Thầy ngạc nhiên hỏi “em học HR, không có kiến thức về tài chính, làm sao xin được công việc đó?”. Chị trả lời rằng trong buổi phỏng vấn, chị thành thật chia sẻ chị không có kinh nghiệm hay kiến thức chuyên sâu về tài chính, nhưng chị sẵn sàng học hỏi, không ngại bất cứ áp lực hay thử thách nào. Và chính thái độ đó đã giúp chị có được lời mời vào làm việc.
“Thế bây giờ em thế nào rồi? Công việc tốt chứ?”
“Mọi thứ đều ổn thầy ạ. Em có khả năng lãnh đạo, còn kiến thức về ngành em học hỏi từ các bạn trong team và bây giờ công việc của em rất tốt.”
Thầy giáo mình chia sẻ 75% mọi thứ là bản thân mỗi người phải tự học, 20% học từ bạn bè/đồng nghiệp, 20% học từ môi trường xung quanh, những gì mắt thấy tai nghe, 5% là học từ trường lớp. Thái độ không phải là yếu tố quyết định trong mọi trường hợp, nhưng đôi khi nó lại là yếu tố đủ để giúp bạn có được cái bạn muốn.
Ngày 19/11: Sự chăm chỉ
Ngày hôm nay đi học, thầy giáo có chia sẻ câu chuyện của thầy hồi đi làm. Câu chuyện rất rất ý nghĩa khiến mình không thể không chia sẻ lại với các bạn. Mình sẽ kể nguyên văn nhé.
“Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi học lên tiến sĩ và có đi làm ở một công ty rất lớn. Tôi chỉ làm theo ca vì vừa đi học vừa đi làm. Công ty tôi có cấu trúc như thế này, theo thứ tự cấp cao nhất đến nhân viên:
- CEO (giám đốc điều hành) / CFO (giám đốc tài chính) / COO (giám đốc hoạt động)
- General Manager (GM – có nhiều GM vì có nhiều mảng)
- Region Manager (RM – tương tự, cũng có nhiều RM)
- Assistant Manager (AM – tương tự, cũng có nhiều AM)
- Nhân viên. Có nhiều vị trí, và tôi là Carrier (nôm na là mang vác, làm tất cả mọi thứ liên quan)
Tôi làm ở vị trí thấp nhất và nằm dưới sự kiểm soát của AM. Tôi chỉ biết tên của người này và chưa bao giờ biết đến các AM ở bộ phận khác, chứ chưa nói đến những người ở các vị trí cấp cao hơn (từ số 3 ở trên).
Tôi làm việc rất chăm chỉ vì tôi cần tiền để đi học. Công việc có thu nhập cũng ổn nên tôi cố gắng. Vào ngày lễ, ngày nghỉ, mọi người thường nghỉ làm nên đôi khi, quản lý tôi không biết sắp xếp ai để làm trong những ngày đó. Những lúc như vậy, tôi luôn xung phong nhận hết, kể cả khi phải làm liên tục mấy ngày trong khi các đồng nghiệp khác thì về với gia đình của họ. Tôi đi làm trong sự vui vẻ.
Một lần, một vị General Manager bất ngờ đến thăm cơ sở của chúng tôi. Chưa bao giờ xảy ra chuyện này và họ đến một cách ngẫu nhiên, ngoài dự kiến. Lúc tôi đang làm, bà ấy tiến lại gần tôi và hỏi tôi tại sao tôi thích làm Carrier. Tôi trả lời “Đơn giản vì tôi cần tiền và nó cho tôi thu nhập tốt. Tôi đã hoàn thành xong bằng cử nhân, thạc sĩ, rất nhiều chứng chỉ về nhân sự, giờ tôi đang học tiến sĩ và tôi cần tiền”.
Bà ấy ngạc nhiên hỏi “Đáng lẽ anh nên làm ở vị trí khác chứ, sao lại đi làm công việc này trong khi anh có thể làm tốt hơn?” Tôi cười, bảo “Như tôi đã nói, tôi cần tiền để đi học”.
Bà ấy tiếp tục “Anh có muốn làm ở vị trí cao hơn không?”. Nghe xong câu này, tôi cười thầm nghĩ trong đầu, “Tôi chưa bao giờ gặp người này, cũng chẳng biết họ là Manager ở bộ phận nào, họ hỏi thế chắc đùa thôi.” Nghĩ vậy nên tôi trả lời, “Không đâu.”
Trước lúc rời khỏi cơ sở, bà ấy bảo với tôi rằng “Đất nước này thật may mắn nhưng cũng thật đáng xấu hổ khi không đặt bạn ở đúng vị trí bạn nên làm.”
Hai tuần sau đó, vào giữa trưa tôi nhận được một cuộc gọi từ CFO, tôi còn nhớ ông ấy tên là Max: “1h chiều nay anh có thể qua văn phòng công ty gặp tôi được không?” Khi bạn làm ở vị trí thấp nhất công ty và đột nhiên một ngày người đứng đầu cả công ty gọi điện cho bạn thì bạn sẽ nghĩ gì rồi đấy. Lúc ấy, tôi tự hỏi bản thân “Tôi đã làm gì sai khiến cho đích thân CFO phải gọi điện?”, rồi tôi định thần lại và nghĩ rằng nếu tôi có làm gì sai thì người quản lý trực tiếp của tôi sẽ phạt, chứ k phải là CFO.
Tôi trả lời, “Nhưng tôi phải hoàn thành ca của mình. Nay tôi làm ca đến 1h chiều”. Max nói, “Anh bảo với quản lý của anh là tôi gọi anh đến văn phòng gặp tôi, bảo tìm người khác thay anh làm tiếp ca đó.” Tôi cười trong bụng bởi vì tôi nghĩ lấy quyền đâu mà tôi bảo với quản lý trực tiếp của mình làm như vậy, tôi chỉ là nhân viên quèn mà. Nhưng tôi vẫn trả lời CFO, “Vâng.”
Tôi đến gặp người quản lý trực tiếp của tôi và nói nguyên văn những gì CFO đã nói. Chắc chắn là sẽ có người thay tôi rồi bởi vì tôi đã nhắc đến tên của CFO mà.
Đúng 1 giờ chiều tôi đến văn phòng của công ty. Lúc bước vào cửa, tôi bất ngờ khi nhìn thấy cả 3 vị CEO, CFO, và COO đang chờ sẵn mình. CEO bảo “Công ty đang cần tìm người cho vị trí General Manager, anh có muốn làm vị trí đó không?”. Tôi quá ngạc nhiên vì bạn biết đấy, tôi vừa từ nơi thấp nhất cái công ty này đến văn phòng hoành tráng này và bỗng nhiên được tiến cử lên một vị trí mà tôi còn chẳng biết nó là cái gì.
Tôi trả lời “Gì cơ? Ông có đang đùa tôi không?” CEO đáp, “Tôi không đùa. Chúng tôi đã tìm hiểu về kiến thức, bằng cấp, kinh nghiệm và thái độ làm việc của anh. Chúng tôi biết anh rất phù hợp với vị trí này.” Tôi hỏi, “Thế nếu tôi nhận thì bao giờ tôi đi làm?”, “Văn phòng của anh đối diện phòng họp này, anh có thể bắt đầu ngay chiều nay.” Và thế là tôi từ chỗ buổi sáng đang bưng vác ở cơ sở tồi tàn đến buổi chiều trở thành General Manager chỉ trong tích tắc vậy đấy, không cần hợp đồng, không cần phỏng vấn, không cần bất cứ giấy tờ nào cả.
Bạn có biết rằng bao nhiêu người làm ở vị trí Region Manager đã nỗ lực từng ngay với mong muốn được thăng tiến lên vị trí General Manager đó không? Khi ngày đầu tiên tôi làm việc, họ vô cùng bất ngờ vì chính tôi đã “cướp” vị trí đấy của họ và họ còn chẳng biết tôi từ đâu tới, chứ chưa nói đến việc tôi đã làm cho công ty này một thời gian rồi. Thế đấy.”
Kể xong thầy cười.
Sự chăm chỉ, làm việc trong hăng say, một cách trung thực, chân thành, cộng thêm những nỗ lực trong học tập đã giúp thầy đạt được ước mơ theo cách không tưởng. Với mình, ngày hôm nay đi học thật ý nghĩa biết bao. Đằng sau mỗi một giảng viên là vô vàn những trải nghiệm thú vị trên xứ sở Kăng-gu-ru mà mình vô cùng, vô cùng muốn được nghe và học hỏi.
Còn bạn, bạn có rút ra được điều gì từ chia sẻ này không? Nếu có, hãy chia sẻ cùng mình nhé.
Ngày 26/11/2019: Sự hứng thú
Duy trì sự hứng thú trong bất cứ việc gì bạn đang làm, đặc biệt là những thứ bạn phải làm hàng ngày như việc ở công ty hay việc nhà là điều rất quan trọng. Sự hứng thú sẽ giúp bạn không cảm thấy nhàm chán, vô nghĩa hay mệt mỏi quá lâu. Cho dù sẽ có lúc bạn thấy đuối sức và cần được nghỉ ngơi nhưng vì bạn hứng thú với nó nên cảm giác ấy sẽ nhanh chóng tan biến.
Những ngày gần đây mình càng cảm nhận được sự hứng thú có ý nghĩa như thế nào. Vì bài vở nhiều và khối lượng những thứ phải đọc khá lớn nên cũng có lúc mình đuối. Cảm tưởng như thời gian không đủ để làm hết những thứ này. Nhưng mỗi khi đi học, nghe bài thầy cô giảng và nói chuyện với những bạn say mê học tập, mình lại lấy lại được hứng thú. Mình tự nhủ với bản thân không thể để những khó khăn trước mắt ảnh hưởng tới mong muốn học của mình. Và thế là mình bắt đầu khiến việc học trở nên thú vị hơn.
Vì ngoài đến trường mình chủ yếu ở nhà nên mình tạo ra nhiều hoạt động để làm mỗi ngày thêm thú vị. Đọc một lúc nếu mệt mình chuyển sang nghe video trên YouTube hoặc xem phim để thư giãn và kết hợp luyện nghe/luyện nói tiếng Anh luôn. Mình nhắn tin cho bạn bè, không phải để phàn nàn mà để động viên nhau cùng cố gắng. Mình tìm thêm các bài chia sẻ về cuộc sống, văn hoá ở Úc. Mình nạp thêm nhiều thông tin vào đầu nhưng đa dạng các loại thông tin để đầu của mình không thấy nhàm chán.
Mình cũng thích nói chuyện với các bạn trong lớp. Hôm qua mình biết một bạn học trước khoá mình cũng học thạc sĩ, nhưng tranh thủ học ở trường một số chứng chỉ khác nữa, bạn còn đi làm và chưa kể đang mang bầu. Khối lượng tài liệu và bài tập lớn như vậy nhưng bạn vẫn cân đối được thời gian. Bạn có tư duy rất tốt, nhanh nhẹn và tự tin làm mình cảm thấy được khích lệ vô cùng. Sự hứng thú của mình lại được củng cố.
Khi bạn thể hiện sự hào hứng với những điều xung quanh, cả trong học tập, công việc và cuộc sống, bạn đang lan toả một nguồn năng lượng tích cực tới người khác. Để rồi chính họ cũng sẽ được nhận luồng năng lượng đó từ bạn. Hiệu ứng này giống như luật hấp dẫn vậy. Càng nồng nhiệt bao nhiêu thì cuộc sống của bạn lại càng thú vị bấy nhiêu.
Cám ơn bạn đã đọc những mẩu chuyện nhỏ mỗi ngày của mình nhé. Chúc bạn cuối tuần thật vui.
Cám ơn bài viết với những nội dung chia sẻ rất chi tiết từ chị, em đã theo dõi Blog của chị từ lâu và đọc hết các bài viết về mục công việc và cuộc sống , áp dụng những điều này cho bản thân , đồng thời nhờ đọc các bài viết trên blog mà khả năng viết lách cũng dần được cải thiện , chúc chị thành công với những lựa chọn của mình.
Cám ơn em nhiều nha, cố lên nha em.