Dạo gần đây mình nhận được một số email hỏi về cách học tiếng Anh và làm thế nào để “yêu” tiếng Anh hơn. Quả thật, mình chưa phải là một người “siêu” tiếng Anh, cũng chưa có điểm IELTS hay TOEFL cao ngất ngưởng nên để nói đưa ra lời khuyên thì có lẽ không phù hợp. Tuy nhiên, mình sẽ chia sẻ một số bài học mình rút ra được trong hành trình học tiếng Anh của bản thân cho đến bây giờ để các bạn tham khảo.
Chống chỉ định: Nếu bạn đang tìm kiếm lời khuyên, kinh nghiệm ôn IELTS, TOEFL hay các chứng chỉ tương tự thì bài viết này có thể không phù hợp. Còn nếu bạn đang muốn được truyền lửa và tìm cảm hứng để học tiếng Anh thì có thể đọc tiếp phần dưới nhé.
Sơ lược về “background” tiếng Anh của mình
Như mình đã nói từ trước, mình không có IELTS 8.0 hay TOEFL iBT 110. Khả năng tiếng Anh của mình chủ yếu thể hiện ở những gì mình đang làm. Mình cũng quan niệm chứng chỉ chỉ là một phần rất nhỏ, điều quan trọng là sử dụng tiếng Anh như thế nào để phục vụ cho học tập, công việc và cuộc sống.
Hành trình “chính thức” học tập và theo đuổi tiếng Anh của mình đến hôm nay đã được khoảng 5 năm. “Chính thức” là bởi vì dù hồi trung học, mình cũng đạt được một số giải nhất định cho kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh (nghĩa là có chút năng khiếu đấy), nhưng đến khi lên cấp 3 và vào đại học, mình gần như bỏ bê hoàn toàn. Hầu hết thời gian mình tập trung cho các môn toán, lý, hóa để thi đại học. Vào được đại học rồi thì mình cũng không chú tâm đến tiếng Anh nữa.
Mãi cho đến khi sắp ra trường, mình mới bắt đầu lục lại các tài liệu tiếng Anh, đọc các kinh nghiệm học và học tiếng Anh lại từ đầu. Lúc đấy, mình chỉ nghĩ rằng có tiếng Anh thì khả năng xin được việc sau khi ra trường sẽ tốt hơn, chứ không nghĩ là sẽ thích nó hay yêu nó như bây giờ.
Hồi ấy, chuyện học cũng rất lởm khởm. Mình học theo hứng và cố áp dụng rất nhiều kinh nghiệm từ mọi người. Thử được vài ngày không hiệu quả lại đổi sang phương pháp khác, không đâu vào đâu cả. Có giai đoạn dừng học tiếng Anh cả tháng, sau đó, lại quay trở lại như người mới bắt đầu. Nhiều lúc mình nghĩ ước gì hồi lên cấp 3 mình vẫn chịu khó học tiếng Anh thì lúc đấy, việc học không đến nỗi vất vả như vậy. Dù cũng nhìn thấy bản thân có tiến bộ nhưng mình biết là khá chậm.
Mọi việc thay đổi khi đầu năm 2014, mình bắt đầu làm việc ở vị trí Content Writer cho một trang web. Công việc chính của mình là giới thiệu và viết đánh giá các phần mềm, ứng dụng. Mình được va chạm khá nhiều với tiếng Anh do phần lớn các phần mềm, ứng dụng đều từ nước ngoài nên phải dịch khá nhiều. Thời gian đầu rất vất vả do mình chưa quen với cách dịch và các bài viết đều về chủ đề công nghệ, khá lạ lẫm nhưng vì công việc rất thú vị, lại cho mình cơ hội mày mò với các sản phẩm mới nên mình quyết tâm học tiếng Anh. Không chỉ ở công ty, về nhà mình cũng tranh thủ đọc và tập dịch. Ngoài đọc tiếng Anh, mình cũng lân la các website công nghệ tiếng Việt để trau dồi vốn từ, bởi vì mình nghĩ, muốn dịch tiếng Anh hay thì vốn tiếng Việt cũng phải phong phú. Càng dịch, càng hăng, càng làm cho tình yêu với tiếng Anh của mình lớn dần lên lúc nào không biết.
Sau hơn 5 năm, tiếng Anh của mình bây giờ đã có cải thiện đáng kể nhưng mình vẫn còn yếu khá nhiều mặt, chưa tự tin khi nói hay kỹ năng writing chưa được thành thạo. Việc viết ra bài chia sẻ này cũng là cơ hội để mình nhìn nhận, đánh giá kỹ năng tiếng Anh của bản thân một cách trung thực nhất.
Dưới đây là “tổng quan” về khả năng tiếng Anh hiện tại của mình nhé. Như mình đã nói, khả năng tiếng Anh của mình được phản ánh qua công việc, học tập chứ không phải chứng chỉ.
- Mình hiện đang là Technical Writer tại Cốc Cốc. Mình viết tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Trước đây mình làm cho một công ty công nghệ khác, cũng là viết tài liệu bằng tiếng Anh. Ở đây mình nhấn mạnh từ viết, chứ không phải dịch tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại nhé. Công việc này đòi hỏi mình phải tư duy theo người dùng nước ngoài và nghĩ, viết bằng tiếng Anh nên mình rèn luyện được kỹ năng viết khá nhiều. Không ít lần mình gửi email hay gửi bài cho các bạn nước ngoài và nhận được lời khen về khả năng viết.
- Mình cũng đang làm Freelance Writer cho một công ty ở Singapore (làm remote). Công việc của mình là viết nội dung Marketing (bằng tiếng Anh) về sản phẩm của công ty.
- Mình là “chủ nhân” của blog Form Your Soul. Gần như tất cả các bài viết trên blog đều được mình dịch từ nguồn nước ngoài. Khá nhiều bài mình tổng hợp từ các nguồn, đọc, dịch và biên tập lại. Thường mình sẽ phải skim, scan các bài chứ không dành thời gian đọc sâu vì mình còn có nhiều việc khác phải hoàn thành. Nếu bài nào có những ý tưởng phù hợp với cái mình đang tìm thì mình sẽ đọc kỹ. Kỹ năng đọc là kỹ năng mình tự tin nhất.
- Khoảng hơn 1,5 năm trở lại đây, mình hiếm khi đọc báo tiếng Việt. Gần như mình chỉ đọc báo và ebook tiếng Anh (sách giấy thì mình đọc cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt). Chủ đề mình đọc rất đa dạng, vừa phục vụ công việc, phát triển bản thân vừa tích lũy nội dung, ý tưởng cho blog. (Bạn có thể xem danh sách đọc My Reading List của mình.)
- Mình cũng nghe nhiều. Kỹ năng nghe tương đối ổn. Mình xem phim bằng tiếng Anh, không phụ đề. Tất nhiên là không phải bộ phim nào mình cũng hiểu hết 100%.
- Trước đây, speaking của mình chưa được ổn lắm vì công việc chủ yếu là viết lách, cộng thêm bản thân là người hướng nội nhiều hơn và mình cũng thường ngại nói. Từ khi chuyển sang Cốc Cốc, mình phải giao tiếp tương đối thường xuyên do sếp quản lý trực tiếp mình là người Nga. Mình cũng chủ động nói hơn và cảm thấy thích nói hơn trước.
Nếu cho mình tự đánh giá kỹ năng tiếng Anh của bản thân thì mình sẽ đánh giá như thế này: Reading > Writing > Listening > Speaking.
Mình “thưởng thức” tiếng Anh như thế nào?
Phải nói rằng mình vô cùng thích tiếng Anh. Gần như mọi thứ trong cuộc sống của mình hiện tại đều được bủa vây bởi tiếng Anh. Kể cả lúc tìm kiếm trên Google, theo thói quen mình thường sẽ tìm kiếm tiếng Anh trước (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như tìm kiếm thứ gì đó chỉ có ở Việt Nam thì chắc chắn phải tìm bằng tiếng Việt rồi). Mình tự mặc định cho bản thân như vậy và cố gắng rèn luyện thói quen này để cải thiện ngôn ngữ.
Dưới đây là một số suy nghĩ của mình về việc học và “thưởng thức” tiếng Anh. Mình không nhấn mạnh nhiều tới phương pháp học vì hiện nay đã có quá nhiều bí quyết học tiếng Anh trên Internet. Điều mình muốn làm ở đây là truyền cảm hứng tận hưởng ngôn ngữ cho các bạn, để những ai đang cảm thấy chán nản trên chuyến hành trình này có thể lấy lại động lực bước tiếp.
Đừng ép bản thân phải học tiếng Anh
Những thứ mang tính chất ép buộc đều không giữ được lâu dài và có thể không có kết quả. Với tiếng Anh cũng vậy. Nếu ép mình để học tiếng Anh thì rất khó để nhìn thấy sự cải thiện bởi vì khi tâm trí bạn không muốn thì không dễ để nhìn sự việc theo hướng tích cực.
Mình tự nhận thấy mỗi khi gặp người nước ngoài và nghe họ nói chuyện, trong người mình trào lên một cảm xúc rất khó tả. Mình cũng đã từng chia sẻ điều này với một người bạn Nam Phi và bạn ý cũng khá ngạc nhiên về thái độ của mình. Mình thích nghe họ nói, thích cách mà họ lên xuống, nhấn nhá câu từ, thích cách họ nói các âm cuối, âm gió. Mình bị hấp dẫn bởi ngôn ngữ này và trong đầu luôn có một ước mơ nói được như vậy.
Vì thế, mỗi lần mình đọc báo, xem phim hay nghe podcast tiếng Anh, mình cực kỳ hứng thú. Kể cả đó là nghe chép chính tả hay ngồi dịch hay áp lực công việc buộc mình phải viết bài thật nhanh thì mình cũng không cảm thấy nhàm chán. Mình cố gắng rèn luyện việc suy nghĩ rằng tiếng Anh là thứ mình yêu thích, mình đang thưởng thức nó, chứ không phải chỉ học và đến khi chinh phục được nó rồi thì sẽ dừng lại. Mình cũng quan niệm mình không học tiếng Anh vì công việc, mình thưởng thức tiếng Anh vì mình muốn được sử dụng nó một cách tự nhiên khi gặp các bạn nước ngoài, khi mình gửi email cho mọi người, khi mình xem phim, hay khi mình viết journal.
Mình đã mất hơn 1,5 năm để có thể tìm thấy tình yêu với tiếng Anh và hơn 3 năm sau đó nữa để khẳng định tình yêu của mình dành cho ngôn ngữ này. Thế nên, nếu bạn vẫn chưa “yêu” được tiếng Anh hay chỉ mới bắt đầu chuyến hành trình khám phá “người bạn” này thì cũng đừng nản chí. Mỗi người có một khả năng ngôn ngữ và năng lực tiếp nhận khác nhau. Có người nhanh, có người chậm. Điều quan trọng là bạn muốn chinh phục nó thì bạn sẽ làm được.
Hãy cứ thử nhiều phương pháp
Phải nói rằng từ lúc học tiếng Anh trở lại cho đến bây giờ, mình đã thử rất nhiều phương pháp. Một số duy trì được lâu, một số nửa chừng, có cái thử được một thời gian không hiệu quả lại bỏ và sau đó lại cố rèn luyện lần nữa. Hiện tại, nếu ai hỏi phương pháp học tiếng Anh của mình là gì, chắc mình chẳng nói ra được, chỉ là “cứ học thôi”.
Mình luôn có suy nghĩ không thử thì không biết được. Nếu chỉ đọc và dựa trên kết quả của người khác thì không thể nào đánh giá được liệu một thứ có phù hợp với mình hay không. Thế nên, hãy cứ thử. Nếu một phương pháp nào đó kích thích sự hứng thú và bạn muốn thử thì hãy cứ thử. Khi thử, đừng vội từ bỏ quá nhanh vì chúng ta cần thời gian để trải nghiệm và nhận ra kết quả.
Chẳng hạn, với speaking, mình luyện theo phương pháp Shadowing, nghĩa là cứ mở một video bất kỳ và nhại lại theo họ. Mình rất hay nhại lại và thường tự nói một mình bởi vì không phải lúc nào cũng được gặp các bạn nước ngoài.
Với reading, mình rất chăm đọc. Đọc những gì mình yêu thích và từ dễ đến khó. Càng làm nhiều như vậy, sẽ có những chủ đề mình càng quen và dần dần, mình có thể tự đọc mà không cần từ điển. Khi đã vững sẽ chuyển sang một chủ đề khác để mở rộng vốn từ và tăng kiến thức. Nếu gặp từ vựng không biết nghĩa, mình tra nghĩa bằng tiếng Anh, cố suy luận xem nghĩa của nó là gì, bí quá mới tra bằng từ điển Anh – Việt.
Với listening, mình thử phương pháp ghi chép lại (transcribing) và nghe nhiều. Nghe bất cứ lúc nào có thể và đủ mọi thể loại. Đặc biệt, mình theo dõi rất đều đặn kênh Lavendaire, vì chị Aileen Xu có giọng nói rất hay. Mình nghe nhiều đến nỗi mà đến bây giờ, mình nhớ được cả giọng nói, ngữ điệu và có thể hình dung lại được một số chủ đề chị ấy nói. Nhiều khi làm việc, đeo tai nghe và nghe podcast của chị Alien Xu, mình cảm tưởng như chị ấy đang tâm sự với mình vậy. (Đọc bài viết My Listening List nếu bạn muốn biết thêm những gì mình nghe.)
Ghi chép lại và bắt chước
Mình thường bắt chước, đặc biệt là với kỹ năng viết. Tuy nhiên, bạn đừng hiểu nhầm bắt chước với đạo văn. Bắt chước ở đây mình áp dụng cho quá trình luyện viết. Ngoài bắt chước, mình cũng thường xuyên ghi chép. Gặp những câu tiếng Anh, cụm từ này hay mình đều viết lại. Việc ghi chép giúp mình ghi nhớ lâu hơn và cũng kích thích hứng thú thưởng thức tiếng Anh của mình nữa. Mỗi lần giở sổ ra, xem lại những gì đã chép mình đều cảm thấy cực kỳ phấn khích.
Đối với bắt chước, mình áp dụng phương pháp của Benjamin Franklin. Đầu tiên, lấy một đoạn văn mẫu, sau đó, chắt lọc ý tưởng, câu chữ hay và viết lại. Khi đã viết xong, lấy đoạn văn gốc ra và so sánh, tiếp tục sửa theo bản gốc đó. Cách làm này không phải là “sao chép” ý tưởng người khác mà là bạn đang luyện tập cách viết. Càng rèn luyện bạn sẽ thành thạo những cái căn bản, hiểu được cách sắp xếp ý tưởng như thế nào và quen dần với lối viết. Trên Internet hiện nay có rất nhiều bài viết chia sẻ phương pháp tự luyện này của Benjamin Franklin, nếu muốn, bạn có thể tham khảo khóa học “Sao chép trước, sáng tạo sau” này nhé.
Luôn tin tưởng vào những gì bạn đang làm
Màn hình máy tính của mình từ lâu chỉ luôn để một hình nền duy nhất “Believe in yourself and you’re halfway there” (tạm dịch: Tin tưởng vào chính mình và bạn đã đi được nửa đường rồi đấy). Để thành thạo được tiếng Anh không phải là dễ, chuyến hành trình này cũng gian nan và vất vả không kém gì những cuộc đua mạo hiểm khác. Thế nên, mình luôn nhắc nhở bản thân phải tin tưởng rằng mình sẽ làm được, tin tưởng vào những gì mình đang làm và chuyến hành trình mình đã chọn.
Hơn 5 năm gắn liền với tiếng Anh, mình cũng không biết tự bao giờ mà mình có thể đọc tiếng Anh một cách tốt như bây giờ và cũng không hiểu tại sao mình có thể dịch được. Mình không quan tâm tới kết quả, mình chỉ cứ thế rèn luyện và tận hưởng tình yêu tiếng Anh của mình. Thế nên, nếu bạn vẫn đang loay hoay với tiếng Anh thì hãy cứ tự tin rằng bạn sẽ làm được.
Hiện nay, kinh nghiệm học tiếng Anh vô cùng nhiều và số lượng cao thủ tiếng Anh cũng đếm không xuể. Thế nên, mình đã không đi sâu vào kinh nghiệm bởi vì thực sự, mình cũng chưa đạt được bất cứ một chứng chỉ xuất sắc nào. Tuy nhiên, mình hy vọng bài viết phần nào sẽ truyền cảm hứng “thưởng thức” tiếng Anh cho bạn, giúp bạn có thêm hy vọng và niềm tin trên con đường chinh phục ngôn ngữ này. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể chia sẻ với mình ở dưới phần bình luận nhé.
Ảnh đầu bài: Neven Krcmarek.
Cảm ơn bạn. Thực ra thì mình cũng không biết lý do mình theo đuổi tiếng anh là gì nhưng mà mình cảm thấy ngôn ngữ thật kỳ lạ. Từ khi học tiếng Anh mình lại càng yêu tiếng Việt hơn hay ngôn ngữ nói chung. Ngôn ngữ thật tuyệt vời nó giúp chúng ta gắn kết và hiểu nhau hơn.
Hì hì. Đúng rồi bạn ơi. Mình thấy ngôn ngữ nó kỳ diệu lắm. Chúc bạn vững bước trên chuyến hành trình nhé.
Cũng lâu lâu chưa ghé qua và để lại “dấu vết” ở nhà chị :<
Hôm nay chị nói chủ đề quá đúng với em luôn này, em đang học ngành ESL (VN hay gọi là Ngôn ngữ Anh) nhưng cũng chuẩn bị bắt đầu năm 2 thôi nên cần học hỏi nhiều lắm. Vốn dĩ gốc gác của em là chuyên hóa, chính xác thì em tốt ở tất cả các môn chính khác, trừ môn TA hồi ở cấp 2 và 3 :)) Em cũng từng học đội tuyển văn hồi lớp 11 và 12 dù em đang học hệ tự nhiên nâng cao tại trường. Em theo đuổi y đa khoa từ hồi học lớp 5 đến năm lớp 11, 12 em muốn thi PR nhưng bị gia đình "đe dọa". Lúc thi Đại học em khá khủng hoảng tinh thần (đấy là một câu chuyện rất dài), mà cuối cùng vì không thể tập trung ôn thi khối nào (PR thi khối D và y thi khối B) nên em đã trượt y đa khoa lẫn PR. ESL là lựa chọn khi em cùng đường mạt lộ, nghĩ rằng không ăn được thì đạp đổ nên cả bố mẹ lẫn em đều rất hoang mang.
Đúng là trong cái rủi có cái may, khi em học ESL tại Sư phạm, em nhận ra rằng có lẽ đây sẽ là nghề cả đời của mình. Không phải do ai bắt ép, cũng không phải vì đồng tiền bát gạo mà cắn răng chấp nhận mà là mình sẽ thật sự theo đuổi nó. Đời, đôi khi là phải liều chị nhỉ.
Hành trình đi từ sợ hãi khiếp đảm đến dần yêu mến, nhận ra những điều đẹp đẽ của ngôn ngữ, đặc biệt là TA của em đến nay mới được 1 năm. Nhân đây em bổ sung thêm vào những lời khuyên từ chị, để bài viết thêm chút góc nhìn đa dạng và mong là em sẽ cùng chị thổi bùng lên nhiệt huyết trong các bạn đọc bài.
1. Nhiều bạn mới bắt đầu thấy ngại học (vì mình chưa phát âm hay, chưa nói được, chưa viết được, vốn từ yếu…). Thông thường phải mất tầm 350-400 giờ học để có thể nói chuyện bằng tiếng Pháp (TA cũng tầm đó) về những chủ đề căn bản. Ai rồi cũng phải trải qua cái quãng thời gian bật video lên và shadowing như một đứa trẻ con bi bô tập nói. Chẳng quan trọng, để học TA tốt, hãy mặt dày lên chút nữa, hãy "ham" phát biểu sai chút nữa để khi bạn được nhiều lời góp ý, bạn sẽ thấy mình tiến bộ như một siêu nhân :3
2. Không ai gay gắt khi bạn chưa giỏi mà đã nói/viết TA. Tất cả các bạn thuộc dạng "siêu sao" TA lẫn người bản xứ đều thấy rất vui mừng có cơ hội được giúp đỡ những người mới học TA. Khi làm việc thì chỉ cần có nhiệt huyết, cố gắng lắng nghe và tư duy (đừng kiểu nhiệt tình + không tư duy nhé :b ) thì dù sai chỗ này méo chỗ kia mọi người cũng sẽ chỉ góp ý mà không ai ghét, đay nghiến bạn cả.
3. Nếu có điều kiện hãy đi học thêm nhiều nhiều chút, đấy là với những bạn ở ĐH nhưng phải chọn chỗ có uy tín vì giờ ở các tp lớn thì nhiều trung tâm lừa đảo lắm. Mỗi nơi dù ít nhiều sẽ dạy cho mình một điều gì đó bổ ích và thời sinh viên thì học thêm sẽ không bị quá căng thẳng (vì thi chuyển cấp, thi ĐH…)
4. Tiếp xúc TA tự nhiên rất quan trọng. Cái này chị cũng nói rồi nhưng em nhấn mạnh lại 🙂 Chính nhờ xem nhiều chương trình, nghe nhiều nhạc Âu Mĩ, like quá nhiều page TA (Deviant Art, Berlin Artparasite, Reddit,…) rồi còn lăn lộn đủ các web từ FIFA, MyReadingManga, Fantasy-Writers,… cho nên dù bỏ bê TA hồi mài đít ở trường c2-3 nhưng lên ĐH thì em vẫn đủ khả năng nghe giảng và đọc các tài liệu học bằng TA mà không bị mệt. (chỉ mệt vì kiến thức môn đó quá khủng khiếp :(( )
5. Bằng cấp là một chuyện, TA trong đời sống rất quan trọng. Tiếp xúc đa dạng accent (giọng) sẽ giúp mọi người đỡ bị ngao ngán khi phải nghe giọng Ấn/Nga/Hàn… nói TA. Hơn nữa nhiều người IELTS 7.5 nhưng mà "điếc" khi nói chuyện với người bản xứ :3 do TA họ học là TA học thuật.
6. Học một thứ tiếng mới = học một nền văn hóa mới. Mà học TA, tiếp xúc văn hóa Anh, Mĩ nhiều sẽ được mở mang đầu óc rất nhiều. Đặc biệt em thấy có rất nhiều web TA toẹt vời ông mặt trời.
Câu cuối cùng em muốn nói là em sẽ gửi cho mọi người một câu in trên quyển tự học tiếng Pháp dày bự chảng của em "Expand your world through language." (tạm dịch: Mở rộng thế giới của bạn bằng ngôn ngữ.)
Hihi, chị cảm ơn Hồng nhé. Chị thấy Hồng viết hay quá. Ngôn từ nhiều chỗ đáng yêu nhưng cũng rất bay bổng, phong phú. Những kinh nghiệm em chia sẻ rất hay. Thực tế là chị thấy biết một ngôn ngữ, tư duy mình mở rộng vô cùng. Mình nhìn cuộc sống khác hơn và mình khám phá được vô cùng nhiều những điều thú vị. Chị tin là Hồng sẽ làm được những điều em muốn và chọn đúng con đường. Cảm ơn em nhiều lắm. Love!
Đúng rồi đó chị, em thấy những người tiếp xúc với TA mà trình độ ở tầm trung trở lên, họ tiếp xúc với cả văn hóa nữa thì tư duy rất thoáng. Mẹ em là ví dụ rất rõ luôn, hồi trước không thích rap tí nào, không ưa lgbt+ nhưng mà sau khi chăm chỉ xem đủ các chương trình trên kênh Woman (do em toàn bật để nghe), thì mẹ em còn chịu khó xem The rap game, xem Million dollars matchmaker hơn cả em. Rồi có hôm đang xem Million dollars matchmaker, có một anh là gay đến xin được tư vấn và tìm người hẹn hò nhưng cuối cùng không thành đôi, mẹ em còn có vẻ tiếc tiếc nữa :3 Sau một hồi xem nhiều em cũng dạy mẹ em vài từ nữa hí hí.
Thêm nhiều điều để thích và chấp nhận nhiều điều khác biệt tốt hơn là ghét bỏ những điều đó chỉ mang lại năng lượng tiêu cực cho mình, em nghĩ vậy.
Hihi. Mẹ tuyệt vời. Chăm cho mẹ nghe nhé. hihi. Cảm ơn chia sẻ đáng yêu của Hồng nhé. ❤
Cảm ơn chị đã cho viết bài này , em là một trong nhưng người viết mail cho chị để bây giờ e vẫn cứ lôi ra đọc 1 chút để lấy chút cảm hứng bước đi trên con đường này , mà đối với em là nó hơi nhọc vì công việc và cuộc sống xung quanh của em ít đụng đến tiếng anh
Uh. Chị cảm ơn em nhiều nha. Cố lên em nhé.
Có Tiếng Anh, mình có lợi thế tiếp cận và học được nhiều kiến thức ngoài kia.
Ví dụ, có thể nghe channel Lavendaire bổ ích một cách effortlessly (có lẽ, một phần vì giọng chị ấy dễ nghe và quá hay) 🙂
Đó là một động lực của mình í 🙂
Btw, xuất phát điểm, hành trình, cũng như đam mê… học Tiếng Anh của bạn khá giống mình 🙂
Cảm ơn chị nhiều ^^
Thanks for your post.
Wow, đọc bài này lại muốn cày tiếng Anh rồi.