Mới đây mình có đăng một bài viết trên Medium về những thay đổi của mình sau 3 năm mình không đọc tin tức, tin nóng, tin giật gân nào trên mạng, kể cả trên báo Việt Nam, báo nước ngoài hay trên mạng xã hội. Ở đây điều này không có nghĩa mình không biết gì, mình vẫn biết vì mình vẫn gặp mọi người xung quanh và mình vẫn nghe mọi người nói nhiều. Mình muốn nhấn mạnh rằng mình không săn lùng hay chủ động tìm kiếm bất cứ tin tức nóng hổi liên quan đến khủng bố, tai nạn, giết người, lừa đảo, scandal của các chính trị gia hay người nổi tiếng nào cả.
Có phải mình thờ ơ, ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân hay vô tâm không? Chắc chắn không! Vì nếu mình là người như vậy thì đã không có blog Form Your Soul hay fanpage Lifelong Learners. Nếu mình là người như vậy vì mình đã không thể tồn tại được trên thế giới này cho đến bây giờ.
Vậy tại sao mình lại quyết định dừng không đọc tin tức giật gân trên mạng nữa và nó đã làm cuộc sống của mình thay đổi như thế nào sau 3 năm? Bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ cho bạn nghe nhé.
Thật giả lẫn lộn
Một điều chắc chắn: Bạn không thể đảm bảo tất cả những tin tức trên mạng hay trên báo là đúng 100%. Hôm nay có tin này nhưng mai đã được đính chính lại, thành ra độc giả không biết thế nào mà tin được.
Mình không nói không có những tin tức đúng, nhưng bản chất chính xác của sự việc thì có lẽ, ít nhiều đã bị phóng đại và cường điệu lên. Làm sao mình biết điều này? Bởi vì trước đây đã có một thời gian mình cộng tác viết báo. Thay vì viết những bài chân thực, họ yêu cầu cộng tác viên tìm kiếm những clip hoặc tin sốc, sex, sến…. Mình không làm được như vậy và mình đã dừng viết. Vì nó không đúng với con người mình và hơn nữa, mình không muốn đầu óc mình suốt ngày phải săn đuổi và bị nhồi nhét bởi những tin tức mà chẳng đóng góp tí gì cho cuộc sống tốt đẹp của mình cả.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WeForum), thuật ngữ tin tức giả mạo (fake news) đã tồn tại cách đây một vài năm và đến bây giờ nó càng phổ biến khi mà càng ngày càng có nhiều tin tức lan truyền trên báo chí lẫn mạng xã hội. Thậm chí vào năm 2013, tức cách đây 7 năm, Báo cáo Rủi ro toàn cầu của WeForum cũng đã cảnh báo thông tin sai lệch có thể làm nổi lên “những đám cháy kỹ thuật số” (digital wildlife) trên toàn thế giới.
Tin tức giả mạo được hiểu như thế nào? Rất đơn giản, đó có thể là những câu chuyện không chính xác, sai sự thật nhưng cố tình được xuất bản để đánh lạc hướng độc giả vì mục đích nào đó, hoặc để câu view, thu hút traffic vào website, hoặc những câu chuyện đó có thể đúng một phần nhưng phần khác lại bị phóng đại hoặc không được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất bản.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, smartphone xịn, tốc độ mạng nhanh chóng, mạng xã hội, ứng dụng chat… việc chia sẻ các tin tức giả, tin tức giật gân, tiêu cực càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Một scandal vừa được đăng trên Facebook thì có thể chỉ vài phút sau hàng nghìn, hàng triệu tài khoản đều có thể cập nhật tin đó. Người dùng mạng cứ mải mê chia sẻ mà không hề dừng lại một chút để tự hỏi bản thân rằng, liệu tin đó có đúng không hay liệu việc mình chia sẻ như vậy có ích cho bất kỳ ai khi biết đến scandal đó?
Tháng 3 năm 2019, mình có sang Myanmar dự một hội nghị về Media Literacy – hiểu nôm na là khả năng truy cập, nhận dạng các loại thông tin khác nhau và hiểu rõ thông điệp được truyền tải. Một trong những vấn đề được bàn luận đó là việc tin tức giả bị lan truyền quá nhanh mà không được kiểm duyệt kỹ lưỡng khiến giới trẻ bị cuốn theo dòng xoáy của những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng rất lớn tới công việc, cuộc sống cá nhân và sức khỏe tâm lý. Rõ ràng, không chỉ có bạn mới bị ảnh hưởng bởi sự phát triển với tốc độ chóng mặt của tin giả, tin tiêu cực, tin giật gân đâu mà hàng triệu người trên thế giới đều bị đấy.
Vấn đề là có bao nhiêu người hiểu rõ rằng việc thu nạp quá nhiều những thông tin đó không hề tốt và sẵn sàng thực hiện một bước nhảy để tách bản thân ra khỏi thực tế đó hay không mà thôi.
Mình thay đổi gì sau 3 năm không đọc tin tức?
Đầu tiên mình nhấn mạnh nhé, trong 3 năm vừa qua mình không chủ động truy cập vào bất cứ trang thông tin nào về tin tức cả: VnExpress, Dân Trí, Báo Mới, Tuổi Trẻ, Daily Mail, BBC,… Mình không đọc bất cứ tin nào liên quan đến scandal, giết người, cướp của, tai nạn, tin chính trị, tin nóng, tin hot, tin giật gân, hôn nhân gia đình, mẹ chồng nàng dâu… mọi tin tức kiểu này mình không hề đọc.
Mình chỉ đọc duy nhất các tin tức liên quan đến công nghệ, marketing và liên quan đến công việc của mình mà thôi, hoặc các tin tức về sức khỏe, tâm lý nhưng tích cực.
Ngày trước mình cũng thường đọc tin tức, nhưng một thời gian thấy bản thân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ về thế giới xung quanh. Giết người, cướp của, bê bối… rồi gặp người khác lại bàn luận về những chuyện này thấy cuộc sống ngột ngạt. Thuở nhỏ hồn nhiên bao nhiêu thì lớn lên đọc nhiều tin nóng lại trở nên tăm tối, tiêu cực bấy nhiêu.
Rồi có người bảo mình muốn cải thiện tiếng Anh phải vào đọc những trang như Daily Mail, Epoch Times, BBC… nhưng rốt cuộc những trang này cũng tràn ngập tin tức giật gân trên trang chủ. Thế nên, lời khuyên này với mình không hề hiệu quả.
Mình tự hỏi chuyện đời tư của ca sĩ, diễn viên có liên quan gì đến mình không? Việc họ yêu ai, ghét ai chẳng liên quan gì đến cuộc sống của mình. Rồi cứ lần mò theo dõi vụ án này, vụ án khác rồi lên tiếng, rồi bình luận, cãi nhau trên mạng chẳng ích gì. Những cái đó làm có thay đổi hay giúp ích được cho ai không? Trong khi chưa kể cứ mãi bị cuốn theo vòng xoáy của mấy tin đó làm mình không thể tập trung nổi, sự chú ý bị giảm dần và mình trở nên bị nghiện tin tức. Phải làm gì đó để thay đổi thôi chứ không thể như vậy được nữa.
Mình quyết định thay đổi: chấm dứt đọc tin tức. Và đấy là một quyết định cực kỳ đúng đắn.
Mình sống tích cực hơn
Nếu bạn để ý thấy thì 60 đến 70% tin tức trên mạng hiện nay là tiêu cực. Nhiều trong số đó là tin giả, tin không chính xác. Nhưng kỳ lạ là rất nhiều người háo hức với các tin kiểu đó. Họ thích đọc, thích theo dõi để đưa ra bình luận và tranh cãi nhưng rốt cuộc chẳng đi đến đâu.
Mới đây, Mark Manson – tác giả của cuốn sách The Subtle Art of Not Giving A F*ck có chia sẻ bài viết về việc tại sao bạn nên dừng đọc tin tức sẽ khiến bạn phải suy nghĩ:
Hãy để tôi hỏi bạn điều này: lần cuối bạn đưa ra một quyết định lớn trong đời dựa trên một tin tức bạn cập nhật được là khi nào? Hay lần cuối mà một tin tức tác động trực tiếp đến cuộc sống của bạn là khi nào? Ý tôi không phải là, “nó làm tôi thực sự, lo lắng”, không phải tác động kiểu đó. Ý tôi là một tác động thực sự đến bạn.
Nhiều khả năng là bạn không thể nhớ. Đó là bởi vì phần lớn các tin tức không liên quan đến bạn. Tai nạn. Cướp ngân hàng. Bê bối của người nổi tiếng. Gian lận trong các trận bóng. Những người vô gia cư ném đồ ăn thừa vào mặt nhau. Không một ai trong chúng ta thực sự có trải nghiệm nhìn thấy một tin tức và ngay lập tức nghĩ rằng, “Ôi, mình cần thay đổi điều mình đang làm”. Thậm chí nếu nó đã từng xảy ra với tôi thì tôi cũng chẳng nhớ.
Tin tức không nói với bạn bạn nên làm công việc nào hay làm thế nào để làm hòa với chồng của bạn hay thương hiệu tai nghe nào tốt nhất hay nên cho con bạn ăn gì vào buổi sáng. Nó không giúp bạn trở thành một người bạn tốt hơn hay giải thích tại sao bạn lại bị đau tim hay cho bạn lời khuyên tốt nhất về nuôi dạy con cái.
Tin tức nói chung không giúp ích gì cho việc đưa ra quyết định sẽ làm gì trong cuộc đời của bạn. Bạn có thể lý lẽ rằng tin tức giúp bạn lựa chọn người bạn sẽ bầu chọn, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng kể cả điều đó cũng không đúng – chúng ta dễ dàng bị tác động bởi gia đình, những người bạn và các tình huống hàng ngày hơn bất cứ thông tin nào mà chúng ta tìm thấy nhờ đọc tin tức. Nếu bạn muốn biết vị trí của một chính trị gia hôm nay, bạn có thể chỉ cần đi vào website của họ hoặc nghe họ nói trực tiếp trên YouTube. Bạn không cần nghe một bài nói được dàn dựng sẵn trên tivi hay đọc mặt sau của trang xã luận để tìm hiểu điều bạn nghĩ.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu tin tức không tốt như vậy, tại sao nhiều người vẫn tiếp tục đọc mà không thể thoát khỏi nó?
Câu trả lời đơn giản: mục tiêu của tin tức là thúc đẩy bạn tiếp tục đọc tin nhiều hơn nữa. Càng đọc những tin đó bạn càng có cảm giác như mình là người hiểu biết, trong khi điều thực sự xảy ra là bạn tiếp nhận những quan điểm sai lệch về các sự kiện không liên quan đã bị thổi phồng lên khiến bạn cảm thấy khó chịu và buồn bã. Thế rồi, bạn lại tiếp tục nghe ngóng các tin đó vào ngày mai để xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Đến bây giờ, sau 3 năm không đọc tin tức, mình cảm thấy cuộc sống của mình rất thú vị và chỉ toàn những điều tích cực. Mình lấy lại được sự hồn nhiên, vui vẻ. Mình thấy mình trẻ trung, yêu đời hơn, cho dù mình đã gần 30 tuổi. “Gì cơ? Cậu 28 tuổi rồi á?”, “Cậu lập gia đình rồi á?”, “Trông cậu như học sinh năm nhất?”, “Tớ không thể tin nổi?”…. Ngày đầu nhập học trường bên Úc, khi nói chuyện với các bạn và giới thiệu đến tuổi của mình, bạn nào cũng ngạc nhiên vì không ngờ mình đã lấy chồng và lại còn 28 tuổi rồi. Mọi người thấy mình quá trẻ so với tuổi và đều bảo mình trông mình rất hồn nhiên, vui tươi. Mình thực sự cảm thấy rất vui và mình biết, một trong những điều giúp mình vẫn giữ được sự vui tươi này đó chính là ngăn cách bản thân với những điều tiêu cực và tin tức giật gân trên mạng.
Mình không tưởng tượng được việc nếu cứ mãi đọc tin tức thì cuộc sống bây giờ của mình sẽ như thế nào. Buôn chuyện nhiều hơn, tiêu cực, cau có, phàn nàn, sợ hãi, lo lắng, căng thẳng nhiều hơn. Có lẽ, bây giờ mình cũng không thể sang Úc học được hay cuộc sống của mình sẽ cứ mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy của những điều bất ổn. Thực tế, hậu quả nghiêm trọng của việc bị nghiện tin tức đã được chứng minh như sau:
Chấn thương tái phát: Các nghiên cứu phát hiện rằng những người mà xem các sự kiện thảm khốc (tấn công khủng bố, nổ súng hàng loạt, thiên tai) lặp đi lặp nhiều lần trên truyền hình có thể phát triển các triệu chứng giống với hậu chấn tâm lý (PTSD), ngay cả khi họ không có kinh nghiệm trực tiếp về các thảm họa đó.
Thiết lập một chu trình: Khi các phương tiện truyền thông trở nên bị ám ảnh bởi một chủ đề và liên tục đưa tin về chủ đề đó, mọi người sẽ bắt đầu tin rằng chủ đề đó quan trọng, dù nó có thực sự như vậy hay không. Tương tự, việc đưa tin tiêu cực khiến mọi người trở nên đánh giá thái quá về các vấn đề, tin rằng chúng lan rộng hơn nhiều so với thực tế. Tồi tệ hơn, điều này dường như chỉ đúng với các tin tức tiêu cực. Tin tức tích cực không gây ra những thành kiến tương tự trong suy nghĩ của chúng ta.
Lý thuyết “gieo cấy”: Các nghiên cứu báo cáo rằng những người xem nhiều tin tức có xu hướng đánh giá quá cao mức độ nghiêm trọng của tội phạm và bạo lực xảy ra trên thế giới thực. Họ cũng thường không tin tưởng những người xung quanh mình, trở nên hoang tưởng rằng mọi người ngoài kia đang săn lùng họ. Theo Gerbner, tác giả của lý thuyết gieo cấy thì những người thường xuyên xem vô tuyến sẽ nảy sinh một niềm tin phóng đại về một thế giới xấu xa và đáng sợ. Bạo lực mà họ thấy trên màn hình có thể gây nên tình trạng hoang tưởng xã hội, đi ngược lại với những ý niệm vốn có về những người đáng tin cậy hoặc một môi trường xung quanh an toàn.
Lan truyền thông tin sai lệch: Những người xem nhiều tin tức bị hiểu sai về thông tin hơn những người không xem tin tức. Ngành công nghiệp tin tức đang khiến mọi người bị nhầm lẫn bởi các luồng tin giả mạo.
Căng thẳng và lo âu: Tiêu thụ tin tức gây hại cho sức khỏe tinh thần. Nó tạo ra cảm giác bi quan lớn hơn không chỉ về thế giới mà còn cả cuộc sống của chính bạn nữa. Nó cũng làm gia tăng các triệu chứng lo âu và căng thẳng.
Mình có lựa chọn đọc tốt hơn
Cách đây khoảng một năm, mình có nói chuyện với một người bạn. Mình chia sẻ với bạn về blog Form Your Soul của mình. Nghe xong, bạn bảo:
Uh, các bài viết của cậu hay quá. Chứ bây giờ trên mạng nhiều tin tức giật gân không biết thế nào mà biết được. Tớ cũng thích đọc các bài viết được tìm hiểu kỹ như thế này đó.
Từ lúc dừng đọc tin tức, mình có nhiều thời gian để lựa chọn các bài viết và nguồn đọc chất lượng. Mình nghiên cứu sâu hơn về những thứ liên quan tới công việc và sở thích của mình. Kỹ năng của mình tăng lên, đặc biệt là kỹ năng tìm tòi tài liệu. Càng như vậy, mình càng thích thú và học được vô cùng nhiều. Mình đã từng chia sẻ về những nguồn đọc của mình, bạn có thể đọc thêm tại đây nhé: My Reading List 1, My Reading List 2.
Nếu bạn đang bị nghiện tin tức nhưng muốn thay đổi và cải thiện chất lượng đọc của mình thì bạn nên làm gì?
Câu trả lời ngắn gọn đó là: Chủ động tìm kiếm những nội dung giá trị nhất có thể. Nếu có điều kiện, hãy sẵn sàng chi trả để được đọc những tin tức chất lượng nhất. Giới hạn việc đọc tin của bạn vào những nội dung thực sự cần thiết với chính bạn. Tìm kiếm chất lượng hơn số lượng.
Để đánh giá nội dung giá trị, bạn có thể dựa vào độ dài của bài viết, độ sâu của các phân tích, nghiên cứu, công sức tác giả bỏ ra… Các bài viết dài thường giá trị hơn các bài viết ngắn. Nghiên cứu và trích dẫn nguồn mất nhiều thời gian hơn chỉ là việc tổng hợp thông tin từ các bài báo trên mạng. Một bài viết giải thích bối cảnh lịch sử và có sự dẫn dắt nhiều khía cạnh của một vấn đề sẽ khó khăn và tốn thời gian hơn so với việc tóm lược lời nói, quan điểm của một bên nào đó.
Nếu như bạn không có khả năng để đăng ký đọc tin từ các nhà xuất bản chất lượng thì bạn có thể tập trung đọc sách. Nhưng liệu thế thì có nghĩa bạn chẳng cập nhật được tình hình thế giới hiện tại ra sao? Một cuốn sách xuất bản hôm nay có khi đã được viết cách đây vài tháng, thậm chí vài năm trước?
Đúng là như vậy, nhưng hãy xem Mark Manson giúp bạn xóa tan nỗi lo này như thế nào nhé:
Bạn có thể lo lắng rằng nếu chỉ đọc mỗi sách, bạn sẽ “bị tụt lại phía sau.” Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ thực sự nhận ra điều ngược lại. Nếu bạn dành hàng giờ và hàng phút mà bạn thường sử dụng để đọc tin tức vào việc đọc những cuốn sách về cùng một chủ đề trong vòng vài tháng thì “tin tức” mà mọi người phát cuồng dường như sẽ trở nên lạ lẫm với bạn. Bạn sẽ thấy thế giới thực sự di chuyển chậm như thế nào. Bạn sẽ nắm được bối cảnh rộng hơn và sự rõ ràng hơn những người khác, và bạn sẽ nhận ra rằng gần như chẳng có gì cần phải biết vào thời điểm nó xảy ra.
Ngoài sách, bạn cũng có thể đọc blog và podcast. Blod/podcast thú vị ở chỗ chúng không đi theo “trend” mà được chia sẻ dựa trên niềm tin cá nhân hay quan điểm của độc giả để tiếp tục tồn tại. Ngoài ra, hầu hết các blogger và podcast nổi tiếng đều xuất sắc về chuyên môn của họ nên họ có thể cung cấp những thông tin có giá trị cao hơn.
Cập nhật: Gần đây mình vừa phát hiện ra một blog vô cùng hay về phân tích chiến lược kinh doanh, đó là Stratechery của Ben Thompson. Mình đã đăng ký đọc mỗi tháng và thực sự là “đáng đồng tiền bát gạo” cực kỳ. Bạn thấy đấy, mình không đọc tin tức nào tiêu cực cả, cứ mãi đi theo lựa chọn của mình và những điều mình học được quả là tuyệt vời biết bao.
Nếu điều gì đó thực sự đủ quan trọng, dù thế nào đi nữa bạn cũng sẽ nghe về nó. Mọi người sẽ nhắc về nó. Họ sẽ email cho bạn. Gì cũng được. Khi bạn theo dõi tin tức trên mạng xã hội, bạn lựa chọn bước vào trò chơi mang tên chú ý. Bạn cho phép bản thân mình bị kích hoạt bởi các tiêu đề giật gân, sự phẫn nộ về đạo đức và clickbait (một liên kết lôi kéo bạn nhấp chuột vào). Đừng chơi với chúng. Hủy theo dõi tất cả các nguồn tin tức trên mạng xã hội. Nó không chỉ làm cho trải nghiệm tin tức của bạn tốt hơn mà còn giúp trải nghiệm mạng xã hội của bạn tốt hơn gấp trăm lần.
Cuối cùng, bạn cũng hạn chế tiếp nhận thông tin chỉ từ một nguồn. Thay vào đó, nỗ lực kiểm tra các nguồn tin từ nhiều phía. Theo dõi các chuyên gia và những người trong ngành để lắng nghe ý kiến nhiều chiều. Sử dụng kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking) để phân tích vấn đề và nhìn nhận đúng hướng. Bạn càng đọc nhiều, bạn càng mở rộng góc nhìn của mình và tránh suy nghĩ phiến diện.
Mình tập trung và hoàn thành nhiều thứ hơn
Đọc tin tức làm mình cảm thấy như mình hiểu biết nhiều. Kỳ thực, nó chỉ làm bộ não của mình thêm kiệt sức và phân tán.
Khi bạn biết một câu chuyện, bạn muốn biết nó sẽ tiếp diễn như thế nào. Hậu quả là gì? Ai liên quan? Danh sách những điều bạn muốn biết dài dằng dặc. Khi chưa biết câu trả lời, bạn sẽ bị ám ảnh và thế là bạn bị nghiện với việc phải theo dõi tin tức đó.
Hãy làm một bài toán nhé:
Nếu đọc tin trên Kenh14.vn 15 phút buổi sáng, 15 phút buổi trưa, 15 phút trước khi đi ngủ, 5 hoặc 10 phút thi thoảng trong lúc làm việc, 10 hoặc lên tới 45 phút trên đường về nhà (nếu nhà bạn xa và đi xe bus hoặc đi ô tô), sau đó, tính cả thời gian bị mất tập trung và lấy lại sự tập trung, bạn sẽ mất ít nhất 1 giờ mỗi ngày hoặc nửa ngày mỗi tuần.
Chưa kể, nếu bạn hứng thú với scandal của một ngôi sao nào đó, bạn có lẽ dành nhiều thời gian đọc nó trên các tờ báo khác để biết nhiều hơn. Thời gian trôi qua nhanh chóng và bạn kết thúc một ngày mà chẳng hoàn thành bất cứ điều gì.
Việc đọc này có xứng đáng với thời gian của bạn không?
Câu trả lời chắc chắn là không rồi!
Đấy là lý do tại sao mà mình khuyên bạn nếu bạn dễ bị phân tán, mất tập trung trong khi thường xuyên lang thang trên báo mạng săn lùng tin giật gân thì giải pháp tốt nhất là dừng ngay việc đọc tin tức lại. Kiên trì với nó để thay đổi thói quen, chuyển sang việc đọc những nội dung tích cực, thiết thực với bạn và chỉ sau một thời gian ngắn thôi, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thay đổi tốt đẹp.
Mình đảm bảo nếu như mình vẫn theo đuổi tin tức hàng ngày thì mình sẽ chẳng bao giờ có thời gian để viết bài trên Form Your Soul, để nghiên cứu và chia sẻ cho bạn những tin tức chất lượng nhất. Mình cũng chẳng có thời gian để rèn luyện kỹ năng viết lách của mình trong công việc, hay cũng chẳng thể nào hoàn thành được ước mơ đi học ở Úc. Sự tập trung mà mình đã giành lại được thật quý báu vô cùng.
Mình quan tâm nhiều hơn
Có bạn có thể nghĩ mình vô tâm hay dửng dưng khi không theo dõi tin tức, chẳng biết gì về thời sự hay tình hình thế giới. Bạn đã nhầm rồi.
Mình hỏi bạn một câu nhé: Việc bạn theo dõi tin tức hàng ngày như vậy giúp bạn “biết” về những sự kiện đang diễn ra nhưng bạn có thấy rằng nó khiến bạn mất tập trung vào công việc? Năng suất làm việc bị giảm hoặc không tối ưu. Bạn cũng không để ý tới mình quan tâm tới những người xung quanh ra sao, hay việc bạn quan tâm tin tức như vậy có giúp bạn làm được gì để đóng góp cho thế giới này hay sửa chữa chuyện đã xảy ra đó không? Phần lớn là bạn chẳng thể làm gì được với các bê bối, thảm họa, chiến tranh, giết người, cướp của… đó. Điều bạn làm có lẽ là bình luận, là một vài bài viết trên mạng xã hội mà thôi.
Và không sao, đó là lựa chọn của bạn. Nhưng với mình, mình lựa chọn khác.
Mình lựa chọn ngăn cách bản thân với tin tức tiêu cực để tập trung nghiên cứu cho blog này, để viết ra những bài viết chất lượng, chia sẻ kiến thức giá trị đến với những bạn trẻ Việt Nam, vừa rèn luyện cho bản thân mình và cũng là giúp đỡ người khác. Mình có nhiều thời gian hơn để quan tâm tới gia đình, bạn bè, những người xung quanh mình. Nhắn tin, chat với họ, hỏi thăm họ về mọi thứ. Mình cũng dành những câu chuyện tích cực, truyền cảm hứng để lan truyền với mọi người và mình biết, ở mức độ nhất định, chúng đã có ích. Mình có nhiều thời gian để trả lời email của bạn đọc, giúp đỡ họ và đưa ra những lời khuyên đúng thời điểm trong khả năng của mình. Mình làm được nhiều hơn những gì mà trước đây mình nghĩ chẳng bao giờ mình làm được.
Nếu chỉ suốt ngày đọc tin tiêu cực, điều mà mình chia sẻ với mọi người có lẽ chỉ là những tin tức tiêu cực mà thôi. Rõ ràng, điều tiêu cực chẳng giúp ích gì cho ai cả.
Cuộc sống này vẫn tốt đẹp và thế giới chưa chấm dứt
Trong bài viết mới nhất, tác giả Mark Manson có chia sẻ một trải nghiệm của anh trong những ngày ở Úc mới đây, và nó cũng trùng hợp với những gì mình nghĩ.
Tôi đã ở Úc trong Năm Mới vừa qua. Và tôi chắc là bạn biết có những vụ cháy rừng lớn khiến hàng ngàn hecta đất chìm trong biển lửa, hủy hoại thế giới tự nhiên và khiến hàng ngàn người phải di chuyển sang nơi khác.
Chúng tôi đã nhìn thấy khói khi chúng tôi ở đó. Tôi bắt chuyến tàu qua Blue Mountains và nhìn thấy những khu rừng bị đốt cháy. Trong ngày đầu tiên ở Sydney, mức độ ô nhiễm ngang với một thành phố nhỏ khai thác than đá ở Trung Quốc… tức là độc hại ngay cả khi ở bên ngoài. Chúng tôi đã nói chuyện với người dân địa phương ở Adelaide về những vườn nho bị cháy. Nhưng sau tất cả, nó cũng giống như bất cứ nơi nào khác mà tôi đã từng ở sau một thảm họa: buồn nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mọi người đã quen với nó.
Sau đó, tôi bắt đầu nhận được email và tin nhắn từ gia đình và bạn bè ở nhà: “Cậu có ổn không? Cậu có bị thương không?” Họ nói, “Cậu nên về nhà đi! Không an toàn đâu!” Tôi nhìn lên điện thoại của mình: Bầu trời đầy nắng và bãi biển xanh tươi. Không hiểu mọi người đang nói chuyện gì thế?
Sau đó, tôi đọc được những gì tôi chỉ có thể gọi là điên rồ. Các tiêu đề tin tức cho rằng sự sống ở Úc sẽ biến mất mãi mãi, rằng mọi thứ đang bùng cháy, rằng hơn một tỷ động vật (một con số vô lý) đã bị chết. Một bài báo thậm chí đã đi xa tới mức rằng toàn bộ nước Úc sẽ sớm bị diệt vong.
Tôi nhận thức được về biến đổi khí hậu giống như bất kỳ ai, nhưng thôi nào bạn.
Cứ mỗi vài tháng, dường như lại có thứ gì đó như thế này. Cho dù đó là luận tội của Brexit hay Trump, hay cháy rừng Amazon hay vụ đồng hóa 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc – chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sự thôi miên.
Nhưng trong khi có một dòng bi kịch vô tận trên thế giới, còn có quá nhiều thứ mà tin tức không bao giờ dạy bạn hay chỉ cho bạn.
Tin tức không chỉ cho bạn con người kém như thế nào trong việc dự đoán tương lai. Làm thế nào mà khá nhiều dự án, khoa học hay không khoa học, đều kết thúc cực kỳ thiếu chính xác.
[…] Tin tức không nói với bạn rằng thảm họa thiên nhiên chỉ là: tự nhiên. Vâng, chúng có thể xảy ra một chút thường xuyên và nghiêm trọng hơn, nhưng chúng là và luôn luôn là quy luật, chứ không phải ngoại lệ.
Tin tức không cho thấy rằng đa phần mọi người đều tốt. Họ sẽ giúp đỡ nếu có thể. Họ quan tâm ngay cả khi họ lúng túng về cách quan tâm hay tại sao lại quan tâm. Tin tức không dạy cho bạn rằng hầu hết mọi người sẽ không làm bạn tổn thương hay thậm chí nếu họ có làm thế, thì bạn vẫn sẽ phục hồi, sẽ ổn thôi và sẽ mạnh mẽ hơn trước.
Mình đang ở Úc và mình hiểu những chia sẻ của Mark. Mỗi ngày mình đều nghe về cháy rừng. Mình cũng nhìn thấy khói. Dù ở xa vùng bị cháy nhưng khói cũng bay đến sau nhà mình ở, tro bụi đôi khi cũng bám vào áo quần. Mình chứng kiến có những ngày nước Úc mờ mờ ảo ảo vì khói quá nhiều. Mình cũng sống trong những ngày có lúc nhiệt độ lên tới 41 độ, trời nắng gắt, mồ hôi vã ra không dừng được.
Nhưng… Điều mà báo chí nói có lẽ hơi quá đà.
Mình thấy nước Úc vẫn đẹp. Cuộc sống ở bên này, giống như Mark nói, vẫn rất bình thường. Trời ở Úc có lúc giữa trưa nắng gắt nhưng đến chiều tối và về đêm lại lạnh lạnh. Sáng sớm trời trong xanh, chim chóc hót líu lo như thể mình đang ở một resort nào đó chứ không phải là ngoại ô thành phố nữa. Con người vẫn hối hả với học tập, công việc, họ vẫn tươi cười, vẫn vui vẻ. Nước Úc có diệt vong không?
Mình sinh ra ở miền Trung. Cứ vài năm một lần, mưa lũ lại triền miên. Có năm mình chứng kiến lũ ngập hơn nửa nhà mình, nhưng may có gác xép cao (quê mình gọi là “chạn”) nên vẫn ăn uống ngủ nghỉ được. Nhưng có gia đình vì nhà rất thấp nên nước ngập hết nhà, phải trèo qua mái ngói để kêu cầu sự giúp đỡ. Gần như năm nào miền Trung cũng có lũ, có vùng thi thoảng mới ngập, có vùng thì chẳng bao giờ thoát khỏi được.
Miền Trung có diệt vong? Bạn biết câu trả lời rồi đó.
Truyền thông đôi khi chỉ khiến bạn quên đi cuộc sống thực tại tốt đẹp để vướng vào một vòng xoáy của những điều tiêu cực. Chúng khiến bạn bị lừa một cách bất ngờ để rồi bạn trở thành một “con nghiện” đúng nghĩa: suốt ngày chia sẻ, bình luận và theo dõi tin tức của họ mà chẳng hề biết rằng mình đang đọc tin giả hay tin thật.
Sự lựa chọn không đọc tin tức của mình không phải có nghĩa rằng mình chỉ nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Mình hiểu rõ thế giới này xáo trộn như thế nào và có những nơi đang trải qua nhiều khó khăn, đau khổ như thế nào. Nhưng mình lựa chọn hành động trong những gì mình có thể để làm thế giới này tốt đẹp hơn, để giúp cho cuộc sống của mình và những người xung quanh tốt hơn, thay vì chỉ ngồi đó, đọc và bình luận.
Cho dù lựa chọn của bạn là gì thì bạn cũng có quyền lựa chọn, đã lựa chọn và thay đổi lựa chọn. Bạn có dám hành động hay không mà thôi.
Nếu bạn yêu thích những gì mình chia sẻ và muốn được đọc những thông tin chất lượng, có ích thì hãy follow fanpage Lifelong Learners của mình hoặc bookmark (đánh dấu) blog của mình để cập nhật các bài viết mới nhé.
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn:
Lần đầu tiên đọc được một bài viết ủng hộ suy nghĩ và quan điểm của em về việc theo dõi tin tức như vậy. Rất cảm ơn chị, bài viết rất hay ạ.
Cám ơn em nha. hihi
Hay quá chị ơi :))
Cám ơn em nha hihi