Bài viết được lược dịch từ bài gốc Increasing the Difficulty của Nat Eliason.
—
Suốt thời gian học đại học, tôi đã dành khoảng 2000 tiếng đồng hồ chơi DOTA 2. Nếu bạn không biết trò chơi này thì không có cách ngắn gọn nào để giải thích nó cho bạn cả.
Điểm chính, DOTA 2 là một trong những game trực tuyến nhiều người chơi phức tạp nhất và là một trong những môn thể thao esport có tính cạnh tranh nhất trên thế giới. Muốn phát triển một năng lực cơ bản nhất trong game thậm chí cũng đòi hỏi phải nắm rõ tất cả các chi tiết của 115 tướng khác nhau. So sánh con số này với chỉ 6 trong môn cờ vua và 1 trong game FortNite.
DOTA 2 luôn là thứ duy nhất khiến tôi bị nghiện. Cộng đồng xung quanh nó và có bạn bè chơi cùng là một phần của nỗi ám ảnh này, nhưng phần lớn hơn đó là cách mà game thách thức người chơi.
Trong DOTA, bạn phải có MMR (matchmaking rating), điểm rank xác định người mà bạn sẽ thi đấu cùng. Đây là một cách rất nghiêm ngặt để định lượng kỹ năng của bạn so với những người chơi khác, đảm bảo một trận đấu luôn ở trong một thế cân bằng.
Vì hệ thống MMR rất mạnh nên hiếm khi bạn chơi một trận mà bạn dễ dàng hạ gục đối thủ hay dễ dàng bị đối thủ hạ gục. Hầu như mỗi trò chơi đều là một bài test khả năng của bạn với cường độ cao và tập trung, nơi bạn chỉ có thể giành chiến thắng bằng cách chơi tốt hơn so với ngày hôm trước.
Thử so sánh lối tiếp cận này với bất cứ tựa game nào mà bạn được lựa chọn cấp độ chơi (Dễ, Bình thường, Khó…). Một tựa game có những khó khăn được định sẵn như thế này gần như lúc nào cũng hoặc là quá dễ hoặc là quá khó vì nó không được thiết kế để đo lường mức độ của kỹ năng của bạn và điều chỉnh một cách phù hợp. Điều này không chỉ khiến bạn cuối cùng sẽ cảm thấy nhàm chán hay thất vọng mà còn cản trở sự phát triển về kỹ năng chơi của bạn. Nếu không bị thử thách liên tục dù chỉ một chút thì bạn khó mà cải thiện khả năng của mình và không muốn tiếp tục chơi lâu dài.
Nếu bạn đạt đến một cấp độ kỹ năng mà bạn cảm thấy rất hài lòng, bạn sẽ ngừng cải thiện và thậm chí trở nên kém hơn theo thời gian. Chúng ta chỉ học cho tới khi chúng ta cảm thấy như chúng ta đã đạt đến điểm “đủ tốt”. Ngay khi chúng ta cảm thấy như chúng ta đã đủ tốt (tiềm thức hoặc có ý thức), chúng ta sẽ ngừng cải thiện, thậm chí kể cả khi điều này lặp lại một cách liên tục.
Anders Ericsson
Đây là điểm mà DOTA và các trò chơi với hệ thống MMR tương tự, chẳng hạn như Starcraft 2 thành công: chúng buộc bạn phải chịu đựng sự khó chịu nhẹ liên tục để thúc đẩy bạn tiếp tục cải thiện. Mỗi trò chơi không bao giờ quá dễ hoặc quá khó, và hầu hết thời gian khi bạn thua, bạn có thể thấy bạn gần như đã giành chiến thắng như thế nào. Chúng tạo ra các trạng thái dòng chảy (flow state).
Tạo các dòng chảy
Cuối cùng, tôi chán DOTA, vào đúng khoảng thời gian tôi hứng thú với việc khởi nghiệp.
Tôi không nghĩ rằng đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Trường học vô cùng nhàm chán và DOTA mang đến cho tôi nhiều động lực đầy thách thức. Nhưng khởi nghiệp lại mang đến những thử thách đầy thú vị, lôi cuốn, và điều đó cho phép nó thay thế thói quen chơi DOTA của tôi.
Một phần đáng kể của sự hài lòng trong công việc và sự phát triển sự nghiệp của chúng ta xuất phát từ khả năng tạo ra đúng lượng thách thức. Một công việc toàn thời gian ngày làm 8 tiếng điển hình không mang đến sự hài lòng và hạn chế sự phát triển của bạn bởi vì bạn có ít quyền kiểm soát mức độ thử thách: bạn hoặc có thể bị công việc dồn dập và đau khổ hoặc cảm thấy không có việc gì để làm và buồn chán.
Để công bằng, khởi nghiệp cũng có thể nằm ở một trong hai đầu của phổ đó. Thông thường, nó áp đảo trong một thời gian cho đến khi mọi thứ bắt đầu hoạt động, nhưng sau đó, nó có thể nhanh chóng không còn hấp dẫn nữa. May mắn thay, vì bản chất phát triển với tốc độ nhanh chóng của việc thành lập một doanh nghiệp, trạng thái vừa lòng đó thường không kéo dài lâu, và một số thách thức mới sẽ xuất hiện để hút bạn trở lại.
Nếu công việc kinh doanh gặp phải một thách thức quá khó khăn, nó sẽ chết. Nếu nó không bao giờ bị thử thách, nó sẽ thua các đối thủ mà liên tục tìm kiếm các thử thách. Đó là một phần của lý do tại sao con hào kinh tế (moat) rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư: chúng là những thách thức lớn mà một khi một doanh nghiệp chinh phục được sẽ tạo ra một rào cản giữa nó và các đối thủ cạnh tranh của nó.
Với các cá nhân cũng tương tự như vậy. Tôi không nghĩ rằng thật không công bằng khi nói những người thành công nhất là những người mà liên tục đặt bản thân ở một mức độ khó phù hợp. Những người thành công liên tục đẩy bản thân theo những cách có ý nghĩa khiến họ tiếp tục cuộc chơi và học hỏi.
Thử thách bây giờ nằm ở việc tìm ra cách để khiến điều này xảy ra cho chính bạn.
Làm dễ các tín hiệu
Cách tốt nhất để cảm giác được thời điểm bạn cần tăng độ khó đó là chú tâm vào việc “làm đơn giản các tín hiệu”, những tín hiệu mà bạn cần để tăng độ khó để tiếp tục phát triển.
Với tôi, tín hiệu rõ ràng nhất và lớn nhất luôn là sự nhàm chán hay lười biếng. Nếu tôi thấy mình đã dành rất nhiều thời gian trên Reddit, chơi video game, ngủ nướng thì có thể tôi đang để cuộc sống của mình trở nên quá dễ dàng.
Tôi lập luận rằng trầm cảm là một tín hiệu lớn đối với vài người. Nếu cuộc sống của bạn không có thử thách và bạn không cảm thấy như bạn đang phát triển thì nó sẽ dễ dàng kết thúc trong trạng thái chán nản.
Tìm kiếm sự xác nhận cũng có thể là một dấu hiệu. Nếu bạn nhận thấy bạn đang nỗ lực nhiều hơn cho các xác nhận, dù đó là các kết nối ở trên Tinder, những lượt like trên Facebook, lời mời tiệc tùng thì có lẽ bạn không cảm nhận được nhiều giá trị bản thân từ công việc như bạn muốn.
Chơi video game hàng giờ đồng hồ, liên tục đăng những bức hình gợi cảm lên Instagram, tiệc tùng nhiều đêm mỗi tuần, nghệ thuật tán gái, tất cả đều là những biểu hiện của sự thiếu thốn một thách thức có ý nghĩa trong cuộc sống. Nếu những gì bạn làm không làm cho bạn cảm thấy phấn khích thì bạn sẽ tìm kiếm một hình thức xác nhận dễ dàng hơn nhưng không mang tới sự mãn nguyện từ thế giới ảo, các chất men và sự chú ý về mặt hình thể.
Nhưng nếu chúng ta có thể nhận ra được thiên hướng của chúng ta về sự dễ dàng và can thiệp một cách khéo léo để giữ cho khó khăn ở mức độ phù hợp, chúng ta có thể duy trì một mức độ phát triển cá nhân và công việc mà không bị cám dỗ bởi những tật xấu muốn lấp đầy khoảng trống của nó.
Chi phí sinh hoạt là nhiên liệu dòng chảy
Một lợi ích không được đánh giá cao của việc sống trong một khu vực có chi phí sinh hoạt cao đó là nó ép bạn đi vào trạng thái tăng trưởng đầy thách thức.
Khi tôi sống ở Buenos Aires, tôi kiếm đủ thu nhập thụ động để trang trải chi phí hàng ngày cộng với tiền tiết kiệm, vì vậy tôi không cảm thấy áp lực khi phải thúc ép bản thân. Các món bít tết và rượu vang rất tuyệt, và tôi cũng đã có chút phát triển trong sự nghiệp và cá nhân trong thời gian đó.
Khi nhanh chóng chuyển sang sống ở thành phố New York, mọi thứ đột nhiên hoàn toàn khác. Chi phí sinh hoạt cao hơn khoảng 3 lần, và không có cách nào tôi có thể sống thoải mái chỉ với 2 đến 3 ngàn đô mỗi tháng.
Tôi biết rằng tôi cần phải bắt đầu làm một cái gì khác để kiếm tiền, vì vậy tôi đã mở agency về SEO và content Growth Machine, và một năm rưỡi sau đó, nó đã thành công hơn những gì tôi có thể tưởng tượng.
Tôi nghi ngờ một phần lý do tại sao chúng ta thấy nhiều sự tăng trưởng và đổi mới ở những nơi như San Francisco và New York là do chi phí sinh hoạt cao. Thật khó để tự mãn khi bạn phải trả 3000 đô mỗi tháng cho một tủ quần áo. Xu hướng sống sót rõ ràng cũng là một phần của nó, nhưng bạn không thể chiết khấu năng lượng và việc lái xe khi sống dưới những áp lực đấy được.
May mắn thay, bạn không cần phải sống ở một nơi có chi phí sinh hoạt cao để tận dụng lợi thế này. Bạn có thể tạo ra áp lực tài chính bằng cách che giấu tiền khỏi chính bạn một cách sáng tạo.
Cách dễ nhất đó là đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản dài hạn (startup, bất động sản) hoặc mở một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và giả vờ như tiền của công ty không phải tiền của bạn (hơi kỳ cục nhưng nó hiệu quả).
Ngoài ra, tôi biết nợ nần rất đáng sợ, nhưng nếu bạn huy động tiền từ các nhà đầu tư, ký hợp đồng dài hạn hoặc tiêu tốn vài thẻ tín dụng để bắt đầu kinh doanh thì đó sẽ là một động lực vô cùng mạnh mẽ.
Các đòn bẩy tạo khó khăn khác
Ngoài chi phí sống, một vài chiến lược để tăng độ khó cho cuộc sống của bạn đó là:
Các cam kết cá nhân: Nuôi chó, có con, tu sửa nhà cửa. Tôi không nói sinh một đứa con sẽ gây ra khó khăn, nhưng nó có khó khăn.
Các dự án: Mỗi người nên có một số dự án phụ để làm thêm, đặc biệt khi bạn không cần dồn hết tất cả năng lượng và thời gian cho cái cần chú tâm chính. Điều này không chỉ tạo ra sự phát triển cá nhân và công việc mà còn có thể dẫn đến những ý tưởng và bài học mới cho công việc chính của bạn.
Mở rộng: Mở rộng những gì bạn đang làm, bất cứ nỗ lực để mở rộng thứ bạn đang làm đương nhiên sẽ dẫn đến việc tăng độ khó, đặc biệt nếu bạn thuê người giúp đỡ.
Các lĩnh vực mới: Bước chân vào một lĩnh vực mà bạn có khả năng nhưng không quen thuộc là một cách tuyệt vời để tăng độ khó. Đối với tôi, trong vài năm qua đó là làm freelance > tư vấn > mở agency > kinh doanh thương mại điện tử > bán lẻ. Mỗi lĩnh vực đều có liên quan đến cái trước đó, nhưng cũng mới mẻ theo cách đầy thú vị và thách thức.
Ngay cả khi bạn không thấy một đòn bẩy khó khăn nào ở trên mà bạn có thể đưa vào cuộc sống của bạn thì bạn có thể nghĩ ra một vài thứ khác nếu bạn nghĩ sâu hơn. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về cách chúng ta có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn hoặc dễ dàng hơn, nhưng cũng thật vui khi xem xét cách chúng ta có thể làm cho nó đôi khi trở nên thử thách hơn một chút.
Trò chơi bất tận của những thử thách có ý nghĩa
Bất cứ đòn bẩy nào bạn quyết định đưa vào cuộc sống của mình, khuôn mẫu tốt nhất để nghĩ về độ khó tiến dần lên này đó là một Trò chơi bất tận:
Có ít nhất hai loại trò chơi. Một cái có thể được gọi là hữu hạn, cái kia là bất tận. Một trò chơi hữu hạn được chơi với mục đích chiến thắng, một trò chơi bất tận được chơi với mục đích để tiếp tục chơi.
James Carse.
Mục tiêu của chúng ta không nên là đánh bại những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, đúng hơn là tiến dần từ những thử thách đó tới những thử thách lớn hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Nếu chúng ta mong đợi chúng ta sẽ hài lòng và hạnh phúc một khi chúng ta đạt được một mục tiêu nhất định, chúng ta gần như chắc chắn sẽ sai, thay vì vậy, chúng ta nên luôn tìm kiếm những cách mới để thúc đẩy và tiếp tục phát triển.
Tăng dần độ khó là cách đảm bảo bạn luôn luôn hướng tới một tương lai mà chính nó có tương lai. Đó là cách bạn tránh bị nhàm chán và tự mãn, và cách bạn giữ vững mức tăng trưởng truyền động lực cho sự phát triển không ngừng.
Không dễ để làm và nó sẽ không xảy ra nếu thiếu đi một nỗ lực có chủ ý. Do đó, sẽ có giá trị nếu đôi khi bạn tự hỏi mình:
“Làm thế nào tôi có thể khiến điều này trở nên thử thách hơn… theo cách mà nó không hủy hoại tôi?”
—
Từ Form Your Soul:
Mình đã từng chia sẻ trên fanpage Lifelong Learners một bài viết của tác giả Kris Gage trên Medium, cũng có một hàm ý tương tự như chia sẻ này của Nathan. Bài viết có tựa đề “I Hope You Face Adversity” (Tôi hy vọng bạn gặp khó khăn).
Nghe tiêu cực nhỉ? Đáng lẽ nên nói lời gì đó động viên, khích lệ, tích cực, chứ ai lại đi bảo “Tôi hy vọng bạn gặp khó khăn?”
Hmmmm…..
Có rất nhiều thứ trở nên mạnh mẽ hơn khi được sử dụng. Cơ bắp là một ví dụ. Càng được rèn luyện, càng được dùng để cầm nắm, bê vác, nói chung là làm việc thì nó càng khỏe. Cơ bắp mà không được sử dụng thì lâu dần, nó sẽ bị nhão.
Những con nhộng vùng vẫy mãi mới thoát được ra ngoài để trở thành những chú bướm xinh đẹp. Nhưng sự vùng vẫy này là không cần thiết hay bắt buộc? Câu trả lời là bắt buộc. Nó phải trải qua quá trình cựa quậy, nỗ lực hết mình để xé tan màng kén rồi mới có thể ra ngoài. Nhưng đấy là một sự nỗ lực đáng giá.
Nếu bạn giúp một con nhộng xé kén để ra ngoài thì con nhộng đó sẽ chết và không thể trở thành bướm được.
Điều này cũng diễn ra tương tự với những loài động vật hoang dã. Nếu bạn đưa nó về nhà, chăm sóc nó, rồi giúp nó kiếm mồi, sinh sản, một thời gian điều này sẽ tạo ra sự phụ thuộc và bất lực tập nhiễm (learned helplessness). Lâu dần, chúng sẽ chết.
Đôi khi nhìn vào những con người may mắn – những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình giàu sang, những bạn đồng trang lứa được bố mẹ cưng chiều, muốn gì có nấy, được thừa kế tài sản hàng tỷ đồng, rồi có những người may mắn trúng xổ số, rồi có người không làm gì nhiều mà vẫn được thăng tiến ầm ầm, chúng ta mới ước gì mình cũng may mắn như vậy. Nghĩa là không cần cố gắng nhiều mà vẫn được sống sung sướng, chẳng phải lo nghĩ gì.
Nhưng nhiều khảo sát cho thấy những đứa trẻ được sinh ra sung sướng từ nhỏ, cả cuộc đời không phải lo lắng về đồng tiền bát gạo thì khi lớn lên, một thời gian chúng đều gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Không thể kiểm soát bản thân, mệt mỏi khi thấy cuộc sống không có ý nghĩa, trầm cảm, bất lực…
Con người cần có khó khăn để học hỏi, trưởng thành và phát triển. Con người cần làm việc, cần phải dốc hết sức ra mà phấn đấu, cần phải xây dựng sức mạnh, cần phải căng óc ra mà suy nghĩ. Nếu thiếu đi những khó khăn đáng giá này, chúng ta dễ trở nên yếu đuối, nhu nhược.
Thế nên, mỗi ngày, hãy hy vọng bạn có thêm khó khăn để trải nghiệm nhé.
Một số cuốn sách hay cùng chủ đề bạn có thể tìm đọc (Mình đã đọc tất cả chúng):
Một bài viết thật tuyệt.
Đã có thời gian mình cũng rơi vào tình trạng bất lực và cảm thấy ko cần nỗ lực thêm nữa vì cuộc sống của mình vốn cũng ok, mình cảm thấy như thế là đủ và thôi ko cố gắng nữa vì cảm thấy thoải mái trong sự ít ỏi của mình. Nhưng dần dần mình cảm thấy tụt hậu, khi thấy những người xung quanh mình cố gắng và tiến lên mình cảm thấy giá trị bản thân dần đi xuống. Khó chịu nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn, cảm thấy bất an nhiều hơn, lười hơn và bị động hơn, sợ hãi thay đổi và sợ hãi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, mong muốn cuộc sống của mình luôn luôn bình lặng và yên ổn.
Khi mình thực sự hiểu rằng cuộc sống của mình phải do tay mình gây dựng và cố gắng, rằng cuộc sống này là một ‘cuộc chơi không có hồi kết’ nên sự nỗ lực bền bỉ là cần thiết, nó như một sự giải thoát vậy. Mình leo ra khỏi cái hố đen êm ái và không lao đầu vào những việc rất khó một cách bốc đồng để chứng tỏ bản thân mà lập nên một chiến thuật ‘chạy đường dài’.
Bạn làm mình muốn tập chơi DOTA2 haha :))
Cám ơn những chia sẻ chân thành của bạn nhé. Nhiều khi mình cũng sợ thử thách nhưng thực sự phải tự nhủ bản thân vượt qua thử thách sẽ là một điều rất tuyệt vời. Something is waiting for us. Cố lên bạn nha.