Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Go Deeper, Not Wider.
—
Tôi tiếp tục tưởng tượng một truyền thống mà tôi muốn tạo ra. Sau khi đã có một sự nghiệp ổn định và tốt đẹp trong một thời gian dài, đồng thời có một vài đồ vật tinh xảo ở trong nhà thì bạn sẽ dành cả một năm không bắt đầu bất cứ điều gì mới hay sở hữu thêm bất cứ thứ gì khác mới mà bạn không cần.
Không có sở thích mới, thiết bị, trò chơi hay sách mới được phép xuất hiện trong suốt năm này. Thay vì thế, bạn phải tìm kiếm giá trị trong những thứ mà bạn đã sở hữu hay bạn đã bắt đầu từ trước.
Bạn cải thiện các kỹ năng thay vì học những kỹ năng mới. Bạn ngấu nghiến những tài liệu hình ảnh, âm thanh mà bạn đã lưu trữ thay vì tìm thêm những tài liệu mới khác.
Bạn đọc những cuốn sách chưa đọc, hay thậm chí là đọc lại những cuốn yêu thích. Bạn học guitar lần nữa và chơi tốt hơn, thay vì lại bắt đầu hứng thú và muốn chơi harmonica. Bạn hoàn thành lớp học nấu ăn Gordon Ramsey mà bạn đã tham gia từ tháng 4, mặc dù rất muốn được trải nghiệm học nhiếp ảnh ở lớp Annie Leibovitz, kể cả nó đang giảm giá.
Triết lý dẫn đường ở đây là “Đi sâu hơn, chứ không phải rộng hơn.” Tìm kiếm giá trị và chất lượng thay vì mở rộng ra nhiều thứ. Bạn hướng tới lợi ích của những lựa chọn đã có sẵn ở trong nhà bạn, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và chúng ta có thể gọi đấy là một “Năm Sâu Sắc” (Depth Year) hay một “Năm Của Sự Đào Sâu” hay một thứ gì đó.
Trong thời đại tiêu dùng, nơi mà quá dễ dàng để lựa chọn rồi lại từ bỏ những mưu cầu mới, tôi tưởng tượng Năm Sâu Sắc này thực sự sẽ trở nên phổ biến và có lẽ sẽ là một quá trình chuyển tiếp. Mọi người đã cảm thấy phát ngán với việc chỉ biết nửa vời về mọi thứ, tôi nghĩ thế.
Hoàn thành một Năm Sâu Sắc sẽ là một dấu mốc xác nhận sự trưởng thành, biểu hiện cho một sự chuyển dịch giữa việc đạt tới tuổi trưởng thành theo thời gian và vươn tới nó xét về khía cạnh tinh thần. Bạn học được cách không quá suồng sã với những ham muốn của mình nữa.
Bằng cách dành trọn một năm để đi sâu hơn thay vì rộng hơn, cuối cùng, bạn sẽ giành được một bộ sưu tập những mối quan tâm cá nhân đầy sâu sắc và được chọn lọc kỹ càng, thay vì một kho tàng những mê đắm mà đa phần không áp dụng được và xuất hiện quá dễ dàng trong xã hội hậu công nghiệp.
Một Năm Sâu Sắc của một ai đó sẽ là một khoảnh khắc mang tính văn hóa được ca tụng trong cộng đồng của họ. Ồ, Sam đang bắt đầu Năm Sâu Sắc của anh ấy vào mùa đông này! Có lẽ rồi anh ấy cuối cùng sẽ đọc sách Moby Dick của mình và bắt đầu chơi được guitar những bài hát hoàn chỉnh thay vì chỉ biết chơi một vài đoạn. Có thể có một lễ kỷ niệm giống như Bar Mitzvah (nghi lễ của người Do Thái dành cho các cậu bé khi đến tuổi 13, đến tuổi này cậu đã trở thành một Bar Mitzvah và có các quyền như một người đàn ông trưởng thành) trước thềm Năm Sâu Sắc của bạn, thời điểm mà đi kèm với việc bạn có thêm một chút trách nhiệm. Có lẽ cuối năm, bạn bè của bạn sẽ dành tặng bạn một chiếc nhẫn đặc biệt.
Một phần lớn của quá trình trưởng thành trong Năm Sâu Sắc sẽ là việc học được cách sống mà không đều đặn cần những “liều thuốc” hơi hưng phấn chúng ta có được khi bắt đầu làm thứ gì đó mới. Nếu say mê nó quá thường xuyên, chúng ta có thể bắt đầu phát triển một kiểu “ham muốn điều ngọt ngào” đến từ cảm xúc có được khi trải nghiệm sự mới mẻ. Khi sự mới mẻ luôn hiện hữu, thật dễ dàng hơn để săn đuổi nó thay vì thực sự gắn kết vào một thay đổi khó nhằn, những đoạn lờ mờ, khó hiểu trong cuốn Những người khốn khổ, hay hàng tá những bông hoa hồng xấu xí mà bạn cần phải tập vẽ trước khi vẽ được bông hoa đẹp đầu tiên.
Nền kinh tế tiêu dùng nuôi dưỡng “ham muốn điều ngọt ngào” ấy. Chỉ là có quá nhiều tiền được tạo ra khi bán cho mọi người những con đường mới – thiết bị mới, sách mới, những khả năng mới. Thứ cuối cùng mà các nhà làm Marketing muốn là mọi người đạt được sự hưng phấn và hài lòng từ thứ mà họ đã sử dụng. Họ không muốn bạn khám phá ra sự giàu có vô cùng vẫn còn bám vào đâu đó trong những gì bạn đã sở hữu.
Trong số những thứ khác tôi sở hữu, tôi có một bộ màu nước, một chiếc guitar, bộ khuyếch đại âm thanh, và một loạt những cuốn sách “Học tiếng Pháp”. Nếu tôi bị kẹt trong tù với những thứ này, gần như chắc chắn tôi sẽ trở thành một người chơi đàn guitar tài năng và một người biết nói nhiều hơn một thứ tiếng mà tôi đã từng muốn trở thành khi tôi mua chúng về. Nhưng những lựa chọn mới dường như bước vào cuộc đời tôi liên tục, khiến tôi bị trôi giạt dần ra khỏi những lựa chọn cũ.
Thật tuyệt vời khi có sự tự do để liên tục mở rộng những mối quan tâm của chúng ta. Nhưng giống như những mặt hàng xa xỉ khác, nó vẫn đi kèm với một tác dụng phụ ngầm. Khả năng mở rộng ra khiến chúng ta khó khăn hơn khi muốn đào sâu vào một thứ đã có sẵn, bởi vì luôn có nhiều hơn những “sự mới mẻ” để chú ý vào khi thứ mới mẻ mà cũ ấy đã trở nên khó khăn hoặc nhàm chán.
Niềm vui và sự giàu có bạn có thể tạo ra từ một nhạc cụ hay một bộ bút vẽ là đủ để lấp đầy một cuộc đời, và nhiều người đã chứng minh cho điều đó. Nhưng những mức độ sâu hơn ấy sẽ không thể nào đạt được một cách hiệu quả nếu không có một vài giới hạn về sự tập trung và hứng thú.
Nhiều giá sách khiến cho vấn đề chuyển từ rộng đến sâu của thời buổi hiện đại trở nên rõ ràng. Cứ mỗi cuốn bạn đọc, bạn lại muốn có thật nhiều cuốn sách hơn nữa. Nhưng thói quen này cũng tiềm ẩn vài nghi ngờ – bạn mua cuốn sách đó dưới vỏ bọc làm ra vẻ rằng thứ bạn muốn là đọc nó. Nhưng lần này đến lần khác hành động của bạn lại chứng minh bạn muốn một cuốn sách mới hơn là bạn muốn những cuốn sách chưa đọc mà bạn đã sở hữu – những cuốn sách mà bạn đã mua cách đây vài tháng với cùng một kiểu cách làm-ra-vẻ đó và cũng với cùng một niềm vui nhỏ nhoi khi có được nó.
Nếu chúng ta càng khó có thêm nhiều cuốn sách hay nếu những sự sở hữu mới ít được trân trọng đó bị cấm đoán một chút thì có lẽ, chúng ta sẽ thực sự giải mã được ý nghĩa đằng sau bộ ba cuốn sách của Margaret Atwood (Oryx and Crake, The Year of the Flood và MaddAddam) thay vì tự nói với bản thân rằng chúng ta sẽ hiểu được chúng một ngày nào đó, trong khi đồng thời vẫn tiếp tục đặt hàng một cuốn khác trên Amazon.
Miễn là cứ sống trong một nền văn hóa tiêu dùng, thì chúng ta sẽ càng dễ dàng bị cuốn theo việc mở rộng ra thay vì đi sâu hơn vào một thứ đã có. Đi sâu hơn đòi hỏi sự kiên nhẫn, rèn luyện và cam kết trong những khoảng thời gian kéo dài khi mà có lúc bạn chẳng tìm thấy nhiều những thứ giá trị hay chẳng có gì nhiều xảy ra. Những khoảnh khắc ấy cũng là lúc mà thay đổi nhu cầu và chuyển sang một điều mới mẻ trở nên cám dỗ nhất. Sự mới mẻ không đòi hỏi nhiều nhặn gì, ngoại trừ, đôi khi, một chút thu nhập sau thuế (là bạn đã mua được rất nhiều thứ mới bạn muốn).
Thế nên trừ khi bạn bị nhốt trong một căn phòng với chỉ một chiếc piano và một chồng sách của Tolstoy, hoặc chúng ta cùng nhau thực hiện truyền thống trong tưởng tượng về một Năm Sâu Sắc, còn không thì chúng ta cần tìm ra cách để đặt ra giới hạn cho riêng mình. Khi dành cho bản thân một ít thứ để đào sâu thì chúng ta sẽ đi sâu hơn, và thứ mà chúng ta khám phá được cũng càng hiếm hơn và có giá trị hơn những thứ bình thường mà lộ rõ ngay trên bề mặt.
Ảnh đầu bài: Cristian Palmer.
nó có đồng nghĩa với nên chú trọng khai thác thế mạnh của mình hơn là khắc phục nhược điểm không?
Không bạn à, bạn đọc kỹ lại bài của tác giả sẽ nhận thấy tác giả nhấn mạnh tới việc học đi học lại một thứ để hiểu thật sâu và chắc trước khi chuyển sang một thứ khác. Đôi khi chúng ta quá lan man, học quá nhiều mà cái nào cũng biết một chút, không sâu. Đấy là vấn đề. Còn tập trung thế mạnh hơn là khắc phục nhược điểm không phải là ý của tác giả.